THÚY - KIỀU
YÊU AI VÀ AI YÊU ?
Không kể „kiếp trước“ của Kiều (1) vốn đỗi vô danh ở bên Trung Quốc. Chỉ tính riêng tuổi Kiều từ khi nức tiếng, do được tái sinh và nhập tịch „làng Nôm“ nước Việt đến nay đã ngót hai trăm năm. Chúng ta dường như vẫn rất mờ mịt, về việc : ai trong số những gã mày râu đi qua đời người kỹ nữ này, thực sự yêu nàng và được nàng yêu ?
Bảo rằng đối tượng „phải lòng“ Kiều trước tiên là Kim Trọng e có điều chi chưa ổn, chính xác phải là nhân vật khác kia. Nhân vật từ một cõi xa lắc xa lơ nào đó, từng truyền âm nhập mật lệnh cho thần bút nhà Nguyễn nặn ra số phận bỉ sắc tư phong của cô gái nghiêng nước nghiêng thành. Một vị khách thuộc hàng VIP ấy, tức… ông Trời - bằng không, sao có sự „quen thói má hồng đánh gehen“ và xuất hiện đúng vào thời điểm xấp xỉ xuân xanh của nàng tiểu thư họ Vương cơ chứ ?
Nguyễn Du tiên sinh rõ khéo nhún mình, mời mọc một khách tình si tự chín tầng mây xuống cõi ô trọc chỉ để tiếp thị một tài sắc. Nhưng có sự tiếp thị hay công chứng nào cho một sản phẩm mà không đòi hỏi ít nhiều sự hàm ơn và trả giá. Trớ trêu thay thiên cơ bất khả lậu, nên Kiều chẳng mảy may ý thức tầm quan trọng của sự không biết đền ơn và trả giá. Thế là chưa kịp nếm mùi yêu đương, Kiều đã chịu một trận đòn thù gián tiếp nhân danh cái nghiệp :
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Yêu người vốn đã khổ, bị người yêu mà „người“ ấy chính là… ông Trời, thêm khổ bội phần. Bước đầu Kiều bị tước đoạt ngay cái quyền chọn lựa, vì nếu được chọn lựa sao Kiều lại lựa chọn cách sống cách yêu lạ lùng đến thế :
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao, mới được phần thanh cao.
Ông trời quả thật khác thường, tự thuở êm đềm trướng rũ đã nhẫn tâm đẩy người mình yêu vào vị thế nạn nhân của nạn ong bướm đi về. Không chỉ quen khuynh loát phận người, ông trời xem ra còn khá thấm nhuần thứ triết lý rất thực của kẻ trần gian “không lấy thì khuấy cho hôi” để thỏa lòng hậm hực. Thay vì là đối tượng được yêu trong mắt nhìn của người đẹp nhân thế, ông trời dẫu cao sang song dị chủng hẳn nhiên rất khó với Kiều có sự… đồng thanh tương ứng !
Trời là để vâng phục, tiếc thay chỉ vâng phục thôi… đâu có nghĩa là yêu ? Biết bao cung tần mỹ nữ ngày xửa, ngày xưa hí hửng “vào nội” - để tiêu phòng lạnh lẽo chỉ sau “cái đêm hôm ấy đêm gì” - họ chẳng đã chờ đến mỏi mắt một cái gật đầu của đấng chí tôn là… buồn ơi chào mi dịch vụ nâng khăn sửa túi, trở về cố hương sống cuộc sống dân dã một vợ một chồng đó sao ?
Cơ hội tưởng như hồ dễ ấy, ngỡ đã sớm đến với Kiều trong dịp thanh minh. Bên nấm mộ tiêu điều của nàng kỹ nữ đàn chị quá cố Đạm Tiên, giữa lúc đang dùng dằng nửa ở nửa về chợt dưng :
Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng ,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Kim Trọng, ứng viên đạt chuẩn “có thịt có da” dáng dấp ra chiều môn đăng hộ đối :
Nền phú hậu bậc tài danh
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.
Tuy nhiên có cường điệu quá không, khi cách quãng giữa Thúy Kiều và cậu út Vương Quan vẫn còn một nàng thứ Thúy Vân trang trọng ? Thử hỏi là bạn với một “chữ” đang tuổi thiếu nhi nhi đồng như Vương Quan, thì Kim Trọng trình độ đến đâu để mà :
Phong tư tài mạo tót vời,
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa.
Khiến lúc vừa gặp chẳng ai bảo ai đều dưới hoa nép vào, riêng Kiều lại còn nghé theo khi… “khách đà lên ngựa” ? Nguyễn Du ắt muốn khơi mào một chấm hỏi “lăng xăng như bướm, lượm đượm như dầu” về một Thúy Kiều trôi nổi sau này ? Có thể lắm bởi biết đâu, tiềm ẩn ở cô ả một gène-tính Thị Mầu nên mới “rộn đường gần với nỗi xa bời bời” khi mặt vừa đối mặt gã họ Kim búng ra sữa chưa quá một bận ? Cũng nép vào, cũng e lệ nhưng Thúy Vân nào có dấu hiệu gì liên quan đến hội chứng suy tim cấp tính. Chỉ với Kiều “anh hoa phát tiết” khả dĩ cho phép chúng ta hoài nghi một hiện tượng ức chế, tín hiệu báo trước sẽ có một sự xé rào tìm đến với Kim giữa đêm thanh vắng ?
Nhà lan thanh vắng một mình,
Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay.
Thời trân thức thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường…
Ôi, chẳng phải vô cớ mà Nguyễn Công Trứ - một tay cự phách trong lãnh vực liễu chán hoa chê sinh ra dỗi hờn và tiếc hụt, do đã không được xí phần nên mới buông lời cay độc Kiều… “cho đáng kiếp tà dâm” ?
Phải chi thay cho cậu ấm họ Kim hoặc tay hảo hán râu hùm dại gái họ Từ, người đón Kiều về dinh sau này là tướng công “ngũ thập niên tiền nhị thập tam” Uy Viễn nhỉ ?
Hà như Uy viễn tướng quân thú,
Túy ủng hồng nhi thượng pháp môn (2).
Với lão tình nhân xem trời bằng vung vào mọi thời điểm, Kiều hẳn sẽ thấy đời dễ chịu và ung dung. Sẽ tha hồ mà ngắm cảnh dạo chơi, kể cả “khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa” trên mọi địa thế .
Với việc đánh mất chiếc trâm cài cũng là một điều xác tín cho sự đáng ngờ nói trên : Kiều vô tình hay lả lơi theo chiến thuật ? Dĩ nhiên sự thể mỗi khi đã xẩy ra, Kim Trọng dẫu chậm hiểu cũng tương kế tựu kế nhặt về rồi mang trả, nhằm thực hiện ý đồ… trước ngoài sân sau lần vô bếp !
Khôn em dễ bán dại này, xem ra Kim vẫn chưa đến nỗi là một gã tay mơ. Nói cách khác, chẳng qua Kim là một tác phẩm điêu khắc chưa kịp nên dạng nên hình của người nghệ sĩ nhiều lận đận Tiên Điền đấy thôi. Ngọn bút lông của Nguyễn Du hẳn quá đà mà vung vãi, chấm phá chứ suy cho cùng người quốc sắc khéo làm mặt thẹn lấp ló sau rèm là Kiều, kẻ thiên tài cũng chính Kiều. Anh họ Kim tự thân chẳng nên tích sự, khó giữ nỗi Kiều ngày ấy - nói chi mười lăm năm sau tái ngộ ván trót đóng thuyền. Kiều bấy giờ nghiễm nhiên là bà chị vợ, chẳng rõ Kim ta toan tính “vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa” chăng ?
Một lời đã trót thâm giao,
Dưới dày có đất, trên cao có trời.
Dẫu rằng vật đổi sao dời,
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan sẻ gánh, chia tình làm đôi ?
Chẳng nhẽ mọi sự kết thúc có hậu cho riêng cậu ta, một con người dở hơi đến thế. Lẽ ra Kim phải giữ ýgiữ tứ, chớ có gợi nhắc để Kiều phải tủi thân nhớ về một đoạn đời không đáng nhớ :
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào ?
Ngầm cảnh giác Kim về sự hiện diện đâu đó của cô em mình, Kiều sau những ngắn dài thở than đành… phán :
Khéo là giở nhuốc bày trò,
Còn tình đâu nữa mà thù đấy thôi.
Người yêu, ta xấu với người,
Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.
Cửa nhà dù tính về sau
Thì đà em đó , lọ cầu chị đây …
Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan ?
Kim buộc phải ậm ự nghi binh hoặc giả lả trì hoãn chiến, nào… “một lời quyết hẳn muôn phần” nào… “lọ là chăn gối mới ra sắt cầm” ! Thực tình cậu em rể giờ đây khó để được Kiều tin, trừ phi bà chị vợ quỷ quái… giả vờ tin. Nhớ thuở từ Liêu Dương quay về chốn cũ Lâm tri, Kim vội vã chạy sang vườn Thúy tìm Kiều thì sẽ biết ngay :
…Hỏi ông, ông mắc tụng đình
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
…Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.
Kim vật mình vật mẩy thiếu đường hấp hối tới nơi, rốt cuộc tỉnh dậy cưới ngay Thúy Vân làm vợ. Bấy nhiêu nói lên tính ăn chắc mặc bền, vui đâu chốc đó của Kim và trùng hợp thay, Thúy Kiều cũng hời hợt không kém. Mới ngày nào giọt ngắn giọt dài, bàn giao quyền thừa kế tình nhân cho em gái :
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
…Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên
…Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này,
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Nay vừa vui sum họp Kim lẫn Kiều đã ít nhiều cử chỉ khó coi, hóa ra bàn giao là để nhờ em… giữ đấy ? Ai dám chắc sẽ không tránh khỏi sự dây dưa trong nhăm ba ngày tới, ai dám tin Kiều huống chi tin Kim Trọng ? Dấu ấn duyên xưa và chuỗi tháng ngày lênh đênh, tình cảm thiếu trước hụt sau : liệu lấy gì cầm chắc cả hai sẽ giữ trọn cái chất tri kỷ ? Hay sớm muộn cũng xé nát tâm can cô em, gương trăng vốn đã đầy đặn nay càng đầy đặn hơn bởi đà… mắn con :
Thoắt thôi tay lại cầm tay,
Càng yêu vì nết càng say vì tình.
Thêm nến giá, nối hương bình
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
Có thể đấy là thao tác giả chứ bảo “yêu” e thiếu sức thuyết phục. Một qúy ông ởm ờ như Kim chắc gì được vợ yêu, sao khiến nỗi bà chị vợ nay đã từng trải thực hư hư thực… yêu. Họa chăng, yêu như làm của… để dành : “miếng khi đói, gói khi no” ?
Nhưng thiên tiểu thuyết bằng thơ vội vã khép lại và bóng dáng Kiều đâu chẳng thấy, chỉ nghe lời kết như một tiếng vọng đầy triết lý của tác giả :
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài !
Chúng ta thôi cũng chớ điều tra sự việc hậu đoạn trường làm chi cho thêm phũ phàng và tội nghiệp Thúy Vân, một tính cách vốn luôn khác xa chị mình. Hãy cùng trở lại với Kiều, sau cuôc “nữ đáo nam phòng” đầy chất ngẫu hứng và bao lâu sau gia đình gặp nạn phải bán mình chuộc cha, khởi đầu “bước một” thăng trầm theo con thuyền bạc mệnh.
Thúy Kiều rơi vào tay một thương lái giả dạng hay là khách chơi tỉnh lẻ ? Với tác phong “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ngay từ buổi đầu, Mã Giám Sinh đã khiến Kiều chưng hửng. Kiều đâm ra hối tiếc ngày ấy trót đã… chối từ Kim, sự hối tiếc cũng rất ư là… Kiều :
Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
Hoài công nắng giữ , mưa gìn với ai.
Biết thân đến bước lạc loài,
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Rốt lại vẫn một thực tế Thúy Kiều muôn thuở vẫn là Thúy Kiều, luôn có sự đánh đồng giữa tình yêu và tính lãng đãng. Cũng dễ hiểu thôi bởi Kiều sinh ra đâu có số chọn chồng, thậm chí còn không được… chọn mối. Kiều luôn là kẻ bị chọn mua hay chịu xuôi xuôi cho người mua chọn :
Rủi may âu cũng sự đời ,
Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên !
Xót nàng chút phận thuyền quyên,
Cành hoa đem bán vào thuyền lái buôn.
Mà họ Mã đã chịu mua tất sẽ tính đường bán, dễ gì một con buôn là hắn lại bỏ nhỡ cơ hội “nước trước bẻ hoa” như một cách lấy lãi trước khi giao hàng và nhận vốn :
Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Một cơn mưa gió nặng nề,
Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương.
Rồi… đuốc hoa để đó, rồi… mặc nàng nằm trơ : tay nghề của Kiều bấy giờ ắt còn quá non ? Chỉ một lần “căm nỗi khách” ấy, Kiều chẳng những không yêu - vả lại, phường mạt cưa mướp đắng như Mã cũng chỉ cần tiền chứ đâu cần yêu hay cần thứ tình yêu của Kiều. Giả sử không bị mưu bán vào lầu xanh “học đạo” đưa người cửa trước rước người cửa sau, Kiều lại được Mã qui hoạch vào một vị trí thê thiếp có lẽ Kiều không đến phải :
Thôi thì thôi, có tiếc gì ...
… Một dao oan nghiệt, dứt dây phong trần !
Nhưng “kiếp này nợ trả chưa xong” nên Kiều được cứu sống và vào lầu Ngưng Bích theo lời thần mộng, nhằm tránh chi thêm “nợ chồng kiếp sau”. Tại đây, Kiều lại trở về với tập tính cũ cùng những gã trai tơ :
Một chàng vừa trạc thanh xuân,
Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng.
Không quen vẫn phải quen cái nghiệp nước chảy hoa trôi, Kiều tiếp tục lả lơi cùng khách tình mới :
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương
Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.
Cũng bốc và kịch như bao tay phong tình chuyên nghiệp khác, Sở Khanh đánh hơi được cảnh “hoa sao hoa khéo đọa đày bấy hoa” bèn nhập ngay vai diễn. Nhưng trái hẳn tinh thần ngọt ngào mã thượng của nhân vật trong truyện thơ của Nguyễn đình Chiểu, trên đường gặp cảnh Nguyệt Nga lâm nạn và cứu thoát :
Khoan khoan đứng đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai (3)
Sở Khanh vẫn diễn rất đạt, có điều gã không tôn trọng nguyên tắc “nam nữ thọ thọ bất thân” mà cứ việc xấn vào :
Tức gan riêng giận trời già,
Ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi.
Nàng đà biết đến ta chăng,
Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi.
do Kiều gợi ý :
Đánh liều nhắn một hai lời,
Nhờ tay tế độ vớt người trầm luân.
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau.
Kế hoạch đào tẩu chưa đến đâu, bóng đêm đã toa rập cùng Sở Khanh lẫn Thúy Kiều :
Chim hôm thoi thóp về rừng,
Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành.
Tường đông lay động bóng cành,
Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.
Trong đêm giả vờ dẫn Kiều bỏ trốn, y đã nhanh chân… quất ngựa. Thúy Kiều một lần nữa không thoát khỏi vòng kim cô, trở lại Ngưng Bích học nốt “những nghề nghiệp hay” để từ đấy :
-Biết bao bướm lả ong lơi,
Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.
-Dập dìu lá gió cành chim,
Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.
-Khi tỉnh rượu , lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.
Khi sao phong gấm rủ là ?
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường ?
Kiều lại gặp trong đám khách du một mẫu người đồng điệu, Thúc Sinh. Thúc đến Lâm tri để mở cửa hàøng nhưng kinh doanh là chuyện nhỏ, ăn chơi mới là nghề chính của chàng. Và do cái sự vung tay quá trán “trăm nghìn đổ một trận cười” nên Kiều và Thúc như rồng mây gặp hội :
Hải đường mơn mởn cành tơ
Ngày xuân càng gió, càng mưa, càng nồng.
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một bước ai giằng cho ra.
Sớm đào tối mận lân la,
Trước còn trăng gió, sau ra đá vàng.
Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.
Khi hương sớm khi trà trưa,
Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn.
Miệt mài trong cuộc truy hoan,
Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình.
Tính cách phong lưu có gốc có gác của Thúc, đánh thức thứ bản năng gốc rất ư phụ nữ ở Kiều. Khác chi bao thân phận trót nhỡ khác, Kiều cũng có lúc chợt mơ một sự yên bề. Song chợt nghĩ đến cảnh ngộ của mình, Kiều tình thực trút hết :
Thiếp như hoa đã lìa cành,
Chàng như con bướm lượn vành mà chơi.
Chúa xuân đành đã có nơi,
Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi.
Rồi ra nhạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng ?
Kiều dùng lời lẽ thăm dò, kích động khéo “máu liều” của Thúc Sinh trước khi chấp nhận… làm lẻ !
Sá chi liễu ngõ hoa tường,
Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh.
Lại càng dơ dáng dại hình,
Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.
Thương sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho trọn mọi đường thì vâng.
Tự thâm tâm hẳn Thúc lẫn Kiều, chỉ do hết đường lui mới liều và Thúc Sinh chịu… liều thật :
Mượn điều trúc viện thừa lương,
Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi.
Kể từ độ bán mình, đoạn đời Kiều hạnh phúc và cám cảnh nhất có lẽ là đây do cảm giác tâm đầu ý hiệp bên Thúc, dẫu ít nhiều mong manh :
Công tư đôi lẽ đều xong,
Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Hương càng đượm lửa càng nồng,
Càng xôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
Khổ thay, dẫu trăng hoa nhưng Thúc vẫn luôn canh cánh nỗi niềm trở lại mái nhà xưa. Thế gian ai hiểu vợ hơn chồng, chỉ cần Hoạn Thư xuất hiện thì đâu sẽ vào đấy. Hoạn Thư ghen nào thua gì Liễu thị (4). Khác chăng là Hoạn Thư không như “sư tử hống” mà ghen… bài bản, tình tiết và thâm trầm :
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Trách hay oán là chuyện của Kiều, trước sau Hoạn Thư vẫn như một Kiều không được Hoạn Thư hân hoan rước về, sớm muộn Kiều cũng phải ra đi trong sự dày vò của Thúc vừa “được phép” hồi gia :
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Bạc mệnh hay không bạc mệnh cũng do Kiều, khó thể đổi tội cho người… “đàn bà dễ có mấy tay” này được ? Kiều chẳng đã khéo phất một cách ra hồn ra vía, khi dựa vào Từ Hải để ân đền oán trả với những kẻ xưa đã hại mình, vượt xa từng trận đòn thù của nàng tiểu thư nhà ghen họ Hoạn đấy sao ?
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời !
Nhưng suy cho cùng sau cái phút giận quá mất khôn, Từ phu nhân cũng thấm từng lý lẽ “chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” của Hoạn Thư. Kiều đã “phóng sinh” cho kẻ tình thù :
“Đã lòng tri quá thì nên”
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
Liệu đấy có là một “cách yêu” của Kiều riêng đối với Thúc lần cuối, khi liếc nhìn cố nhân bấy giờ “mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run” bởi Thúc là kẻ trước tiên được Kiều … “cho gươm mời đến” ?
Nàng rằng – “nghĩa trọn nghìn non”
Lâm tri người cũ, chàng còn nhớ không ?
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân.
Trong toàn bộ 3254 câu của thiên truyện thơ Kiều, có lẽ tính lãng mạn cảm động và đáng yêu nhất là để dành riêng cho Thúc cùng Kiều, được thể hiện chính trong tình đoạn đầy kịch tính này :
Thúc sinh trông mặt bấy giờ,
Mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm
Lòng riêng mừng sợ khôn cầm,
Sợ thay, mà lại mừng thầm cho ai.
Phải chi là “hờn” thay cho… “sợ” (sợ thay) vì trăm phần Thúc vẫn nặng tình với Kiều đấy chứ. Ai cấm Thúc không ngầm giận Kiều, khi ngước nhìn lên cái cảnh Từ Hải đang ung dung bên Kiều :
Trướng hùm mở giữa trung quân
Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi.
Kể ra Từ Hải cũng đáng mặt… giang hồ, nếu là Trương Phi chắc trăm phần không biết chơi đẹp như Từ, mạng Thúc bấy giờ tất khó được bảo toàn. Kiều yêu và đền đáp tình yêu kiểu này quả thật múa rìu qua mắt thợ và không ổn chút nào. Khác chi “chuông treo chỉ mành” con tim của Thúc cùng một lúc trước hai con tim Hoạn Thư và Từ Hải !
Nhưng phải trở lại thời điểm Kiều thoát khỏi tay Hoạn Thư, vào gởi thân ở Chiêu ẩn am. Chẳng bao lâu Kiều lại mắc mưu Bạc bà và “má hồng đến quá nửa thì chưa thôi” Kiều bị ép duyên cùng Bạc Hạnh để bị đem bán tiếp vào lầu xanh :
Biết thân tránh chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh
Có thế Kiều mới gặp hảo hớn Từ Hải “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” nhưng ai bảo Từ Hải trí dũng ? Lãnh vực côn quyền thì có thể, chứ lược thao ắt phải xét lại. Từ chẳng qua là tay thảo khấu, một dạng thời thế tạo vì mới hôm nao mượn tiếng sông hồ để chia tay Kiều :
Nửa năm hương lửa đang nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm, yên ngựa lên đường thẳng giong.
Kể cả khi Kiều phận gái chữ tòng xin theo, chàng ta còn quyết lời dứt áo ra đi… bằng cách hẹn khéo :
… Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu ?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau, vội gì !
Vậy mà vừa “nghe lời nàng nói” theo kế dụ hàng của Hồ Tôn Hiến, phút chốc lại quyết định một cách xốc nổi điều gã vốn đã hình dung :
Bó thân về với triều đình,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi !
Rồi.. riu ríu “thành hạ yêu minh” để cho bao nhiêu thuộc hạ “ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng” ! Đâu nữa, giọng tự xưng đầy tính cường điệu của Từ Hải bấy lâu :
Từ rằng : Quốc sĩ xưa nay,
Chọn người tri kỷ một ngày được không ?
Anh hùng tiếng đã gọi rằng :
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha…
Nên dẫu có tự phong anh hùng hay quốc sĩ, nhưng ngẫu hứng không đúng lúc đúng cảnh thì Từ có vong mạng cũng là logic.
Đáng ngạc nhiên chăng là cái nết, cái hạnh của Kiều sau khi chồng vừa chết đứng. Nếu vì thúc thủ phải thất thân với Hồ Tôn Hiến vẫn có thể chấp nhận được, chứ cái cách Kiều chịu đánh đàn và đánh “rất hay” cho Tôn Hiến nghe, quả là điều không thể biện minh cho cốt cách một người vợ. Năm xưa trong vị trí một a hoàn (mang tên mới là Hoa) nhà họ Thúc, phải vâng lời Hoạn Thư ra trình diện Thúc Sinh và đánh đàn cho họ nghe, Kiều đã đánh “rất hay” nhưng đấy là ngón đàn “hay” của một kẻ… yêu tình (yêu… Thúc Sinh) :
Nàng đà choáng váng tê mê,
Vâng lời ra trước bình the vặn đàn.
Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng trong một tiếng tơ đồng
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm
Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt tương.
Riêng với Từ Hải, chừng như Kiều tự thâm tâm không có được thứ tình ấy chăng, sao có sự phân tích mạch lạc ân cần khi Hiến hỏi :
Hỏi rằng - …Này khúc ở đâu ?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay !
Phần lão Tôn Hiến đại thần, việc dụ hàng một tướng giặc qua trung gian người vợ (Kiều) rồi hạ thủ, đành rằng không xứng mặt trượng phu vẫn là chuyện chưa có gì đáng trách. Nhưng tì thiếp và gái đẹp đâu mà Hiến trơ mặt vớt chút tàn hương ở Kiều, đã thế còn gạ gẫm muốn nối lại “dây đàn” (nối duyên) cùng Kiều nhỉ ?
Dạy rằng – “Hương lửa ba sinh
Dây loan xin nối cầm lành cho ai !”
Tôn Hiến trong hành động này mới thực sự vô sĩ, lẽ ra hắn và Kiều phải chết thay cho Từ Hải thì đúng hơn :
Giết chồng mà lại lấy chồng,
Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời ?
Sau sự đã rồi, Hiến chợt “nghĩ mình phương diện quốc gia” mới vội vã gán Kiều cho một thổ quan. Mỉa mai thay, gã thổ quan này mới là người chồng tương đối danh chính ngôn thuận của Kiều, nếu Kiều không vì thế mà gieo mình xuống sông Tiền Đường :
Lệnh quan ai dám cãi lời,
Eùp tình mới gán cho người thổ quan.
Ông tơ thật nhẽ đa đoan,
Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên ?
Tóm lại, ngoại trừ Thúc tương đối khắng khít - chẳng một anh nào trong số những đấng tu mi còn lại là người để Kiều yêu hay thực sự yêu Kiều. Vả chăng, Kiều cũng chỉ đáng được chừng ấy chứ không thể khiếu kiện hoặc yêu sách gì hơn. Kiều chưa thực sự biết yêu, đúng hơn là chưa kịp yêu vì nợ người nợ tình bỗng đâu dồn dập. Trong mọi tình huống cô ả chỉ cân phân đôi chút rồi… phản ứng tự vô thức, Kiều luôn đẩy phần thiệt về phía tình nhân.
May ra chỉ có Nguyễn Du yêu Thúy Kiều hay đúng hơn mượn Thúy Kiều, Nguyễn Du tâm sự… Nguyễn Du xót thương… Nguyễn Du tự ví và cay đắng cho riêng mình, trước hay sau ngày tiên sinh là một ông quan buồn bên dòng Hương giang “kim cổ hứa đa sầu” (5).. Đơn giản là Kiều hay Nguyễn Du, dễ gì ai thoát khỏi thân phận một con người mà chỉ như… “mùa xuân thấm thoát kia cùng trôi theo dòng nước, biết… về đâu” (6) !
Chú thích:
(1) Theo nguyên tác Kim Vân Kiều truyện bằng chữ Hán của Thanh Tâm Tài Nhân thì nhân vật Vương Thúy Kiều là một kỹ nữ sống vào khoảng 1522 đến 1566 triều Gia Tĩnh tức gần cuối đời nhà Minh (Trung Quốc). Nguyên tác này không được phổ biến cho lắm như khi được Nguyễn Du diễn Nôm bằng thể thơ lục bát ơ Việt Nam vào đầu thế kỷ 19 dưới đề tựa Đoạn Trường Tân Thanh..
(2) thơ Phan Bội Châu ca ngợi Nguyễn Công Trứ :
Sao được như Uy Viễn tướng quân
Lúc say mang cả ả đào lên cửa Phật
(3) thơ trích từ truyên thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
(4) Một phụ nữ đời Tống (Trung Quốc) nổi tiếng ghen có tên Liễu thị, mỗi lần thế nàng gầm thét tựa sư tử rống, khiến ai ai cũng khiếp sợ. Bạn của chồng Liễu thị là Tô Thức thấy vậy, đã làm bài thơ sau :
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên
(Chợt nghe sư tử Hà Đông rống
Gậy chống rời tay, hồn vía lên mây)
(5) thơ Nguyễn Du :
Hương giang nhất phiến nguyệt
Kim cổ hứa đa sầu
(Sông Hương một mảnh trăng soi
Xưa nay gợi nhắc biết bao sầu)
(6) thơ Nguyễn Du :
Xuân tòng giang thượng lai hà xứ !
(Xuân theo dòng nước về đâu nhỉ !)
NGUYỄN VĂN SA.
(Phan X Hung suu tap)
(Phan X Hung suu tap)
Hay !!!
Trả lờiXóaĂn gì tốt cho bà bầu