Thứ Ba, 29 tháng 6, 2010

070 - BẢN ĐÀN XUÂN CỦA NÀNG KIỀU - PHƯƠNG VÂN

BẢN ĐÀN XUÂN CỦA NÀNG KIỀU


PHƯƠNG VÂN


Đó là bản đàn Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần cuối trong ngày tái hợp.  Bản đàn chứa đầy những mâu thuẫn nghịch lý, bởi vì cũng như bao lần trước, lần này vẫn là bản “bạc mệnh” năm xưa.  Nhập hồn Kim Trong, Nguyễn Du bình luận:

Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng(*) xôn xao

Tác quyền và nghệ nhân biểu diễn văn là nàng Kiều chứ không còn ai khác, nhưng thật lạ:

Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?

Kim Trọng, tri âm và trong cuộc vẫn không khỏi “hồ đồ”, huống gì chúng ta, cũng những người đến sau Nguyễn Du muộn hơn hai thế kỷ?  Giải mã cho hiện tượng “tiền hậu bất nhất” này là điều không dễ.  Với tri thức uyên thâm, chắc chắn Nguyễn Du đã có đủ lý lẽ của mình về bản chất và triết lý của nghệ thuật: “Thơ, ca, múa, cả ba gốc ở trong lòng rồi sau đó nhạc cụ phỏng theo.  Do đó, tình sâu thì biểu hiện ra sáng tỏ, bên trong dồi dào tinh khí thì biểu hiện ra tươi sáng.  Trong lòng thuận hòa thì cái đẹp, cái tinh hoa phát lộ”. (...Tam giả bản ư tâm nhiên hậu nhạc khí tòng chi.  Thị cố tình thâm nhi văn minh, khí thịnh nhi hóa thần, hòa thuận tích trung nhi anh hoa phát tiết – Nhạc ký).  Cũng nhạc cụ ấy, cũng người đàn này, cũng vẫn là “Thiên bạc mệnh” nhưng trong những lần đàn khác nhau, với những thính giả khác nhau, Thúy Kiều không bao giờ gặp lại mình.  Mỗi lần nâng phím là một lần sáng tạo.  Nhạc cụ chỉ phỏng theo “Cái gốc của tâm hồn” mà “ Giãi bày”, “Bộc Lộ”...tùy lúc, tùy người.  Thúy Kiều là “Nghệ sĩ số một”.  Bản thân nhạc khí là sự tác động trên “Mười ngón tay” chỉ đơn thuần mang tính chất cơ giới.  Chính trái tim người nghệ sĩ Thúy Kiều chủ động sáng tạo nghệ thuật, bằng không thì dù đàn bao nhiêu lần cũng chẳng khác gì một lần duy nhất.  Hiểu như thế mới có thể chia sẻ và cảm thông với phản ứng ngỡ ngàng và không ít lúng túng lúc đầu của Kim Trọng khi nghe lại tiếngg đàn mười lăm năm trước:

“Chàng rằng: phổ ấy tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Tẻ, vui bởi tại lòng này
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Phương thức tu từ vừa nghi vấn vừa khẳng định, vừa phán đoán, vừa kết luận, mở ra cái lung linh của ý thơ đóng hở, khép hờ tâm trạng của chàng Kim trước bản đàn kỳ lạ của người tình mà chàng cứ yên tâm là quen tai đến cũ rích.  Chàng Kim đâu kém năng lực thẩm mỹ nhưng chỉ có thể giải thích điểm bất cập của chàng ở chỗ chàng không thể vượt qua Thúy Kiều bằng sự trải nghiệm như bản thân Thúy Kiều với mười lăm năm được công chứng bằng nước mắt, máu và cái chết, chưa kể đến việc giết chồng:

Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Nếu không có sự trải nghiệp thì tình cảm và năng lực thẩm mỹ của nghệ sỹ sẽ không đạt tới điểm đỉnh của hoạt động sáng tạo...Từ đó có thể bắt đầu hiểu được bản đàn cuối của Kiều là một bản đàn vui.

Khúc đâu đầm ấm dương hòa!
Ấy hồn Hồ Điệp hay là Trang Sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ quyên?
Ấm sao châu nhỏ duềnh quyên?!
Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông!

Đôi lúc nhà văn không tránh khỏi mất phương hướng trước nhân vật của mình.  Nhưng Nguyễn Du không rơi vào trường hợp này.  Không kể Thúy Kiều, tác giả và người biểu diễn, người nghe, đối tượng thẩm âm, ngoài Kim Trọng còn có Nguyễn Du “hiện diện” với tư cách vừa là chủ thể trữ tình bao trùm vừa là nhân vật người kể chuyện quán xuyến toàn bộ tác phẩm truyện thơ.  Nguyễn Du vừa miêu tả tiếng đàn của Thúy Kiều vừa nhập vai vào nhân vật người nghe đàn, vừa định hướng cho người đọc đồng thời cùng lúc ông sử dụng đan xen ngôn ngữ trực tiếp lẫn ngôn ngữ gián tiếp tạo cho sáy dòng thơ trên một phong cách khá đặc biệt.  Câu cảm thán xen kẽ câu hỏi tu từ; phép điệp trùng được vận dụng tối đa ở nhịp điệu, ngôn ngữ và cả cấu trúc câu.  Ngay cả câu cảm(!) ở cuối mỗi dòng thơ và ngược lại, thì không chừng vẫn có thể chấp nhận được (!)...(**).  Vừa thực vừa hư, vừa không vừa có...Nguyễn Du đã gởi vào đây phần ngoài văn bản, phần vô ngôn của tác phẩm văn học.
Chỉ có cách diễn đạt ấy, Nguyễn Du mới nói được “tấm lòng sáng tỏ và tinh thần hòa thuận” của nàng Kiều trong buổi đoàn viên mà Kim Trọng, dù tri âm vẫn còn một chút mơ màng.  Trở về từ sông Tiền Đường, Thúy Kiều không còn là Thúy Kiều của những tháng năm xưa.  Đó là con chim phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn tê tái(***) với đôi cánh mới bay lên...  Cuối cùng thì một người giỏi văn chương và thông minh như Kim Trọng cũng hiểu được:

Tẻ, vui cũng tại lòng này.

Chàng hiểu vì sao tiếng đàn của Kiều không còn ngậm đắng nuốt cay, không còn xô bồ, hỗn độn “tiếng sắt-tiếng vàng”, “oán sầu” “trong đục”, “nhặt khoan”... như buổi ban đầu.  Chàng hiểu cái lý của nhạc, cái gốc của nhạc, chàng hiểu con người là chủ thể và đối tượng của nghệ thuật chứ không còn cái gì khác.  Dù vậy, Kim Trọng vẫn chưa chịu dứt khoát kết luận:

“Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Lại nghi ngờ! (Cũng có thể vì yêu quá mà nghi ngờ...) Đó là cái lý của từ giả định “hay là” và phát ngôn của chàng vẫn còn ám ảnh một dạng lửng lơ: Kết luận mà vẫn còn phán đoán, khẳng định mà chưa hết nghi vấn...  Có hiểu ‘phù du’ mới sống nỗi ‘phù sa’.  Quy luật ấy không có gì giả tạo với nhân cách thần thánh của Thúy Kiều.  Không chồng, không con, không dự phóng, không vận động, Kiều hạnh phúc chỗ nào?  Rất nhiều câu hỏi được đặt ra tương tự để chứng mình rằng Nguyễn Du lúng túng khi hạ màn tác phẩm của mình.  Câu trả lời chắc chắn sẽ “không cùng” .  Và nếu cố tìm một lối thoát thì chỉ có cách chọn một câu trả lời: “Hạnh phúc là làm cho người khác hạnh phúc”.  Thúy Kiều, nhân vật lý tưởng của Nguyễn Du thực sự có hạnh phúc.  Chữ Tình, chữ Hiếu, chữ Nhân đã được Thúy Kiều viết Hoa bằng máu lệ.  Nói theo hiện sinh và hiện thực chủ nghĩa thì sống là dự phóng, là vận động... Một cuộc đời “khép cửa phòng thu”  và “đóng cửa cài then” của Thúy Kiều đâu còn là cuộc đời?  Thật ra, “lẽ sống” vốn là một từ trung tính và nó chỉ bắt đầu có nghĩa khi đi kèm với mã số định ngữ của từng người.  Thúy Kiều là một con người không ngừng “lên đường”.  Nàng khởi hành tử buổi chiều Thanh Minh và đã đi suốt 15 năm.  Sau đêm đoàn tụ, Kiều lại lên đường...”Truyện Kiều” của Nguyễn Du còn mang tính chất luận đề.  Sau ngày tái hợp, Kiều không còn là nhân vật tính cách mà chủ yếu đã trở thành nhân vật mang tính vấn đề.
Tiếng đàn tái hợp của Kiều vang lên từ một lòng xuân phơi phới.  Mùa xuân có thật đã đến với Kiều mà bản đàn này là câu trả lời với chàng Kim bằng thanh âm của nhạc.  Nội dung bản đàn là thế giới của mùa xuân được định hình bằng quẻ Thái của Kinh Dịch, thuận cách, thái hòa.  Nguyễn Công Trức cũng đã viết về cái tâm thái hòa ấy:

Linh Khâm bảo hợp thái hòa
Sạch không trần lụy mới là thần tiên.

“Thần tiên”  không phải được hiểu theo nghĩa duy tâm, thần bí mà chính là sự hòa bình thật sự trong lòng người.  Cách xử lý nghệ thuật của Nguyễn Du không hề kiêng cưỡng.  Tài hoa của nàng Kiều không chỉ trên lãnh vực âm nhạc mà còn xuất sắc trên lĩnh vực thi..., hoạc, ca ngâm...  Trong đêm tái hợp này, Nguyễn Du đã để cho Kim Trọng yêu cầu Thúy Kiều biểu diễn lại bản đàn xưa, nghĩa là yêu cầu trổ tài âm nhạc chứ không thể là một loại hình nghệ thuật nào khác.  Nói theo Nguyễn Trãi, khi luận về âm nhạc dâng lên vua Lê thì “Hòa bình là gốc của nhạc”. Bản đàn trỗi lên một lần xuối của nàng Kiều cho tình nhân là tiếng lòng của một người đã thật sự tìm lại hòa bình cho tâm hồn.  Cũng vì thế mà tiếng đàn ấy đầm ấm, êm ái, trong, ấm và rạng ngời châu ngọc nguyên sơ.  Hồ điệp cũng là trang sinh, Thục đế,  cũng là Đỗ quyên...Tiếng đàn ấy là tiếng đàn vô phân biệt, do đó mà như mộng, như thực, vừa có, vừa không...Quả thật, Kiều đã nâng đàn chơi một bản nhạc xuân trong đêm ấy.  Có một nhà thơ đã đồng tình với Nguyễn Du và ca hát với Thúy Kiều:

Đoạn trường sổ gói tên Hoa
Xưa là hạt lệ nay là hạt châu
(Phạm Thiên Thư)

(*): Não nùng: Một từ cổ có nghĩa vui chứ không sầu não.
Vì chàng tay chuốt chén quỳnh
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng
(CPN)

(**): Khúc đâu đầm ấm dương hòa!
Ấy hồn Hồ điệp hay là Trang sinh?

-Khúc đâu đầm ấm dương hòa?
Ây hồn hồ điệp hay là trang sinh!
(Giả định của người viết)...

(***)... Con chim phượng hoàng từ tro tàn tê tái
Lại hồi sinh...
(Thơ Huy Cận)

PHƯƠNG VÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét