Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

8- Bản Kinh & Bản Phường... - GS. Nguyễn Ngọc Bích

 Bản Kinh & Bản Phường, truyện Kiều


GS. Nguyễn Ngọc Bích





Trong hai bài viết khá công-phu vào năm 1998 (1), nhà Hán-Nôm-học Ðào Thái Tôn ở Hà-nội đã trưng ra được khá nhiều lý lẽ bác-học để cho rằng chuyện phân-biệt những văn-bản Truyện Kiều thành hai loại, “bản Kinh” và “bản Phường,” là một sự giả-tạo dựa trên một số ngộ-nhận.
 

Sau khi trình bầy những nét khái-quát theo đó người ta hiểu thế nào là “bản Phường” (những bản in ở Hàng Gai, Hà-nội, mà theo truyền-thuyết là dựa trên một bản in--nay đã mất--do Phạm Quý Thích cho in khoảng năm 1820-25) và “bản Kinh” (bản có phần chữa của vua Tự Ðức và quần-thần, sau đó Tự Ðức có cho khắc in nay cũng đã mất), ông Ðào cho biết là sự lầm lẫn giữa hai bản in có tên như vậy mới chỉ có từ đầu thế-kỷ trước.  Ông viết (2):
 

Theo sự đọc của chúng tôi thì người đầu tiên đưa ra hai khái niệm ‘bản Kinh,’ ‘bản Phường’ chính là Kiều Oánh Mậu trong bản Ðoạn trường tân thanh do ông khảo đính và cho khắc in năm 1902.  Ông ‘tung’ ra giữa học giới hai khái niệm này mà không một lời ‘định nghĩa’.  Ông không nói rõ ‘bản Phường’ ông dùng là bản in năm nào.  Ông cũng không nói rõ ‘bản Kinh’ ông dùng là bản in hay chép tay.  Ðọc ông, ta chỉ biết bản Kinh mà ông có được là do bạn ông là Ðào Nguyên Phổ mang từ trong kinh đô Huế ra, tặng ông vào năm 1898.
 

Từ nhận-định cơ-sở này, ông duyệt lại những cách các tác-giả đến sau đã hiểu hay thêu dệt lên hai từ-ngữ “bản Kinh” và “bản Phường” để làm cho chúng ta, những kẻ hậu-thế, không còn biết đâu là sự thực nữa.  Nếu Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim trong bản Truyện Thúy Kiều rất có uy-tín của hai cụ, lần đầu in ra năm 1925 và sau đó được in lại rất nhiều lần (ít nhất nhà Tân Việt ở trong Nam cũng đã in lại tới 7-8 lần trước năm 1975, chưa kể sau này còn được in lại ở hải-ngoại), đã tỏ ra thận trọng thì những tác-giả đến sau như G.S. Nguyễn Thạch Giang (bản in Truyện Kiều năm 1972 (3)), cụ Ðào Duy Anh (trong bản in Truyện Kiều năm 1979) hoặc ông Nguyễn Quảng Tuân (bản in trong Nguyễn Du toàn tập, Tập 2, và Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 12, cả hai in ra năm 1996) đã ngày một khẳng-định là có hai loại bản, Phường và Kinh, dựa hoàn-toàn trên những bản in gốc, một của Phạm Quý Thích in ở Hà-nội và một do vua Tự Ðức cho khắc in ở Huế sau khi đã sửa sang một số chỗ).
 

Cho đến đây, ông Ðào Thái Tôn đã tỏ ra khá chính-xác trong việc trình bầy lại diễn-tiến của sự việc, nêu ra các sự-kiện, lập-trường cũng như cách nhìn của các học-giả đã được nhắc tên ở trên.  Ông sau đó đã tiến-hành với việc trình bầy tại sao ông đã chọn bác bỏ truyền-thuyết cho rằng Phạm Quý Thích là người đầu tiên cho in Truyện Kiều cũng như đã đổi tên tác-phẩm của Nguyễn Du từ Ðoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều truyện (hoặc cũng có chỗ cho là Kim Vân Kiều tân truyện).  Ông viết (4):
 

Ðể làm rõ điều này chúng tôi xin chứng minh bằng hai điều sau đây:
- Phạm Quý Thích không hề đổi tên tác phẩm của Nguyễn Du từ Ðoạn trường tân thanh thành Kim Vân Kiều truyện.  Ông cũng không làm Ðề thơ với mục đích để in vào Truyện Kiều.
      - Không có bằng cứ gì về việc Phạm Quý Thích cho khắc in Truyện Kiều.  Hoa Ðường không phải là tên hiệu của Phạm Quý Thích, càng không phải là tên nhà in riêng của ông.
 
Theo ông Ðào, chuyện Phạm Quý Thích đổi tên tác-phẩm của bạn là chuyện không thể xảy ra được vì “xưa nay đều vậy, đã gọi là yêu nhau, quý nhau, đề từ một cuốn sách cho nhau, thì người ta phải tôn trọng cái tên cuốn sách,”(5) một điều ta có thể thấy ngay được trong bài thơ “Giai-nhân bất thị đáo Tiền-đường” thường thấy in ở đầu các “bản Phường” của Truyện Kiều.  Trong bài thơ, họ Phạm vẫn gọi sách theo tên Nguyễn Du đặt ra cho tác-phẩm (6) với 4 câu cuối là:
            Ðoạn trường mộng lý căn duyên liễu
            Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
            Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
          Tân thanh đáo để vị thùy thương.

 
Bản dịch Nôm của 4 câu cuối này do cụ Lê Thước là:
            Ðoạn trường tỉnh giấc nguồn cơn rõ
            Bạc mệnh đàn xong mối hận vương
            Một mảnh tài tình muôn thuở lụy
            Tân thanh đau xót tỏ tình thương.

 
Ðây quả là một luận-cứ có cơ-sở, dựa ngay trên lời của họ Phạm.  Song đã nói đi rồi có khi cũng cần phải nói lại.  Sở dĩ vậy là vì người xưa, và nhất là người Việt ta ở thế-kỷ XVIII-XIX, chưa có quan-niệm phải sống chết với một tên, một cách gọi duy-nhất một cuốn sách, một tác-phẩm.  Sách in thời bấy giờ còn rất hiếm và cách phổ-biến một tác-phẩm, nhất là một truyện thơ như Truyện Kiều, thì chủ-yếu là bằng đường truyền miệng.  Do vậy nên người ta đã có hơn một cách gọi một tác-phẩm như trong những câu truyền khẩu kể sau:
            Ðàn ông chớ kể Phan Trần,
            Ðàn bà chớ kể Thúy Vân-Thúy Kiều.

 
Rõ ràng “Thúy Vân-Thuý Kiều” đây là đang nói đến truyện thơ của Nguyễn Du chứ không phải người ta có ý chê trách Thúy Vân cùng một lúc, cùng một hơi với chị là nhân-vật Thúy Kiều.  Rồi người ta cũng lại có câu (7):
            Làm trai biết đánh tổ tôm,
            Uống chè Chính Thái, xem nôm Thúy Kiều.

 
Ở đây thì truyện của Nguyễn Du lại chỉ gọi là “Thúy Kiều.”  Ðiều này không lạ vì ngay từ ngày Nguyễn Du còn sống (vào tháng 3 năm 1820, nghĩa là sáu tháng trước khi ông mất), Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ-nhân đã dùng tới hai tên để nhắc đến Truyện Kiều.  Nếu trong phần lớn bài “Tựa” của ông, tên “Ðoạn trường tân thanh” đã được dùng để nhắc đến tác-phẩm của Nguyễn Du, cuối bài, Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ-nhân cũng đã nói: “Thúy Kiều chi khấp Ðạm Tiên, Tố Như tử chi Truyện Thúy Kiều .” (8) (“Thúy Kiều thì khóc Ðạm Tiên còn Tố Như thì [khóc người xưa trong] Truyện Thúy Kiều”)

 
Trong một bài nghiên cứu trước (9) tôi đã nêu ra đặc-điểm này của Truyện Kiều.  Theo bài đó thì “Truyện Kiều,” cách gọi thông-hành nhất bây giờ, đã có những tên gọi như sau:

 
·  Ðoạn trường tân thanh (cách đặt tên của Nguyễn Du, khoảng 1807-14?)
·  Kiều (đây là cách gọi của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng khi họ “bình Kiều,” một chuyện bắt buộc phải xảy ra trước năm 1817 vì Nguyễn Lượng mất vào năm này)
·  Truyện Thúy Kiều (Một trong hai cách gọi của Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ-nhân, tháng 3-1820, về sau hai cụ Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim cũng bắt chước theo)
·  Kim Vân Kiều truyện hay tân truyện (có lẽ cũng khoảng trên vì theo truyền-thuyết thì Phạm Quý Thích đã đặt tên lại như thế này rồi cho in, khoảng 1820-25?  Có điều chắc chắn là đến năm 1830 khi cụ nghè Nguyễn Văn Thắng đọc trong tù thì cụ đã gọi đó là “Kim Vân Kiều” vì sách cụ viết có tên là “Kim Vân Kiều án.”  Trong bài “Tựa” nổi tiếng viết cho sách ấy, ngay từ câu đầu cụ đã nhắc đến “Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện,” nghĩa là “truyện quốc-ngữ Kim Vân Kiều,” với “quốc-ngữ” ở đây phải hiểu là chữ Nôm chứ không phải “chữ quốc-ngữ” la-tinh-hóa như ta sẽ hiểu sau này)
·  Truyện Kiều Nôm (Trong một đoạn khác, ở dưới, trong bài “Tựa Kim Vân Kiều án” của Nguyễn Văn Thắng, cụ cũng dùng cách gọi này)
·  Thúy Vân-Thúy Kiều (theo câu ca-dao dặn dò “Ðàn ông chớ kể...”)
·  Thúy Kiều (theo câu ca-dao “Làm trai biết đánh tổ tôm...”)
 
Xem vậy thì đã rõ, một truyện thơ mà chủ-yếu là truyền miệng thì không nhất thiết người ta nhớ đến tên chính-xác của nó mà ngược lại, người ta chỉ cần biết nhân-vật chính là Kiều, từ đó tất cả những tên không chính-thức của tác-phẩm đều có chữ “Kiều” ở trong đó: (Truyện) Kiều, (Truyện) Thúy Kiều, Thúy Vân-Thúy Kiều, Kim Vân Kiều “truyện” hoặc “tân-truyện” (với “tân-truyện” là để nhắc đây là bản diễn Nôm và diễn ca tác-phẩm gốc do Thanh Tâm Tài Nhân viết bằng chữ Hán).  Như vậy, nếu có truyền-thuyết là Phạm Quý Thích đã đổi tên sách của Nguyễn Du thành một cái tên dễ nhớ, bình-dân hơn, thiết-tưởng cũng không phải là chuyện gì quá-đáng, không thể không xảy ra được.  Chính ông Ðào Thái Tôn, trong sách Văn bản Truyện Kiều của ông, nơi trang 31-32 (nhất là trong cước-chú trang 32), cũng cho chúng ta một bản phân cảnh (scenario) là một chuyện như thế có thể xảy ra được lắm khi người ta muốn đem tác-phẩm của Nguyễn Du đi in: “Khi đã có văn bản trong tay rồi, các ông chủ kinh doanh mới tính: người bình dân vẫn gọi là Truyện Kim Vân Kiều hay Kiều; bây giờ nếu để cái tên sách thâm thúy do cụ Nguyễn Du đặt (Ðoạn trường tân thanh) thì e có khi lỗ vốn; vì ‘dân’ có mấy ai gọi là Ðoạn trường tân thanh.  Thế là họ đổi tên đi.” (trang 31)

 
Lập-luận thứ hai của ông Ðào Thái Tôn là “không có bằng cứ gì về việc Phạm Quý Thích cho khắc in Truyện Kiều.”(10) Nếu ông nói là ngày hôm nay ta không có chứng-tích nào về một bản in Truyện Kiều do Phạm Quý Thích cho khắc in thì ông hoàn-toàn đúng.  Nhưng học-thuật không nhất thiết đứng một chỗ, nếu ta nhớ là chỉ một vụ khai quật ở Mã-vương-đôi (Mawangtui) ở Trung-quốc đã giúp tìm ra một số thủ-bản cổ cả nghìn năm trước (như bản Ðạo-đức-kinh (11) mà Luật-sư Ðinh Sĩ Trang ở Úc đã dịch sang tiếng Việt dưới tên Ðạo và Ðức do nhà Văn Nghệ ở Cali in ra cách đây sáu năm).  Thành thử nếu ngày hôm nay ta không có (hay chưa tìm ra)(12) một bản in ở Hàng Gai do Phạm Quý Thích cho khắc in, thế vẫn không có nghĩa là truyền-thuyết kia nhất thiết sai.  Tại vì truyền-thuyết thường cũng dựa trên một vài dữ-kiện có thật chứ không hẳn đã là hoàn-toàn bịa đặt.  Ngay chính Ðào Thái Tôn, sau bao nhiêu năm xem bản Liễu Văn Ðường 1871 (Tự Ðức 24) là “bản Phường” cổ nhất, cũng đã tìm được ra một bản in cổ hơn, bản Liễu Văn Ðường 1866 (Tự Ðức 19) mà theo báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 28-6-2004, ông sẽ cho công-bố trong một tác-phẩm vào năm tới (2005) để ăn khớp với kỷ-niệm 240 năm sinh của Nguyễn Du.  Tác-phẩm đó sẽ mang tên Bản Liễu Văn Ðường 1866 và vai trò của nó trong lịch sử văn bản Truyện Kiều.  Còn nói về những bản chép tay sớm hơn thế thì gần đây, để chuẩn-bị cho Hội nghị chữ Nôm Quốc tế 2004 (12 đến 14 tháng 11 vừa qua ở Hà-nội), G.S. Nguyễn Tài Cẩn từ Mạc-tư-khoa cũng có bài thuyết-trình “Về hai bản Kiều Thái Bình,” mà một bản có ghi rõ ở ngoài bìa “Minh Mệnh lục niên, ngũ nguyệt, ngũ nhật” (“ngày 5 tháng 5 Minh Mệnh năm thứ 6,” tương-đương với 1825), chắc chắn phải là một trong những bản Kiều cổ nhất mà ta còn lại ngày nay (cổ hơn bản in Liễu Văn Ðường 1866 của Ðào Thái Tôn nói trên tới 41 năm) và chỉ cách sau cái chết của tác-giả Truyện Kiều có 5 năm, sau ngày ra đi của Phạm Quý Thích có chừng 1 tháng trời.

 
Ta còn có một cách nữa để chứng minh--bằng phản-chứng--là gần như chắc chắn đã có một bản Kiều gốc làm mẫu cho tất cả những “bản Phường” sau này in ở Hàng Gai dù là bản Liễu Văn Ðường 1871 (bản in mà cho đến gần đây được xem là cổ nhất mà ta hiện còn), Duy Minh Thị (1879), Quan Văn Ðường (1906), hay Phúc Văn Ðường (1918), vì tất cả những bản này đều đã giống nhau trên một số nét: “Giữa các bản cùng loại [này] có nhiều chỗ khác nhau về chữ này chữ nọ.  Mà ngay cả một số bản của cùng một nhà ‘tàng bản’ cũng có tình trạng ấy.  Nhưng, điểm đáng chú ý ở đây là chúng không có câu nào giống câu của bản Kinh như chúng ta đã biết .” (13)(Chúng tôi gạch dưới.- NNB)  Trừ phi ta chứng minh được là tất cả các bản Phường cổ đó đều bắt nguồn từ bản Liễu Văn Ðường (một điều thiết tưởng khá khó chứng minh), tôi cho rằng ta không còn cách nào khác ngoài cách quan-niệm là đã phải có một bản gốc nào đó dùng làm nguyên-mẫu (Urmodell hay Urmuster trong tiếng Ðức) cho các “bản Phường.”  Và cái nguyên-mẫu đó có lẽ không thể là cái gì khác ngoài văn-bản Kiều đầu tiên mà truyền-thuyết cho rằng đã được định hình bởi (“texte établi par”) Phạm Quý Thích, dù chính ông đã cho khắc in hay không (nghĩa là hãy còn ở dạng chép tay).  Giải-thích như vậy, ta vừa theo được truyền-thuyết (ít nhiều) vừa phù-hợp với thực-tế tình-trạng in ấn hay phát tán các văn-bản cách đây gần 200 năm ở xứ ta.  Bởi, nếu không có cái nguyên-mẫu như tôi dự-đoán thì tình-hình văn-bản Truyện Kiều còn lung tung, sai biệt hơn bây giờ không biết chừng nào mà kể.  (Ðể so sánh, ta có thể thấy tình-hình văn-bản thơ Hồ Xuân Hương, người cùng thời với Nguyễn Du, ngày hôm nay thì rõ.)  Tóm lại, sự tương-đối thống nhất giữa các “bản Phường” phải chỉ cho ta đến giả-thuyết là có một nguyên-bản gốc và nguyên-bản đó gần như tất-yếu là bản Phạm Quý Thích.  Ðiều này rất đáng chú ý vì như cụ Ðào Nguyên Phổ viết trong bài “Tựa Ðoạn Trường Tân Thanh” in ở đầu sách bản Kiều Oánh Mậu (1902), có lẽ chưa có áng văn nào của Việt-nam lại đi xa đi rộng trong quần-chúng bằng Truyện Kiều.  Tam sao, người xưa nói, đã thất bản rồi, ấy vậy mà Truyện Kiều còn giữ được gần như toàn-bộ những nét nguyên-thủy của nó, không bị cái mà ông Ðào Thái Tôn gọi là “đi vào thế tục” (14) (như trong trường-hợp thơ Hồ Xuân Hương), nghĩa là đã bị “dân-gian-hóa,” có người khác thò tay vào sửa sang, thêm thắt để cuối cùng diện-mạo thật rất khó tìm ra - thì phải kể là một phép lạ.  Mà phép lạ đó chỉ có thể do có một bàn tay định bản từ rất sớm, và gần như chắc chắn người đó là Phạm Quý Thích.

 
Chuyện gì có thể xảy ra được nếu không có “bản Phạm Quý Thích” ta cũng có thể mường-tượng được khi ta so sánh lời chứng của cụ nghè Nguyễn Văn Thắng trong bài “Tựa Kim Vân Kiều án” (15) (viết năm 1830) với tình-hình sau này của Truyện Kiều.  Theo “Tựa Kim Vân Kiều án” Truyện Kiều gốc có lẽ chỉ có 1575 liên (= 3150 câu), trong khi đó Truyện Kiều trong các bản Phường như ta có ngày nay là 3254 câu.  Như vậy, chỉ trong có mươi mười lăm năm mà Truyện Kiều đã có thể có thêm 104 câu rồi.  Thử tưởng tượng, nếu không có “bản Phạm Quý Thích” thì tiến-trình nhân lên của Truyện Kiều này sẽ còn đi nhanh, đi mạnh như thế nào.  Ðó, theo tôi, là công của cụ Phạm Quý Thích đối với văn-bản Truyện Kiều của chúng ta.
*
*   *
Quay sang “bản Kinh,” ông Ðào Thái Tôn đã nói rất đúng là người đầu tiên nói đến sự hiện-hữu của một “bản Kinh” là Kiều Oánh Mậu.  Ông đã viết chính-xác như sau khi nhắc đến “bản Kinh” mà ông đã có dịp tham-khảo để định bản sách Ðoạn trường tân thanh mà ông đem in ra năm 1902 (16):
 

Năm Mậu tuất niên hiệu Thành Thái (1898), sau khi thi đình [ở Huế.- NNB chú thêm cho rõ], ông đình nguyên nhị giáp Ðào Hoành Hải đem về một bản Kinh , tôi mới tham đính lại để cho khắc in, nhân xin ông cho bài tựa, nay đặt ở đầu quyển truyện để tỏ có chút công sưu tầm.  Chính Ðào Nguyên Phổ (hiệu: Hoành Hải) thì nói như sau về bản Kiều mà ông đã mang ra cho bạn ông là Kiều Giá Sơn, tức Kiều Oánh Mậu (17):
 

Năm Ất mùi (1895) tôi đương học ở Quốc tử giám, có công tử họ ngoại nhà vua cầm đến tặng tôi một bản Kiều mới, nhan đề là Ðoạn trường tân thanh.  Tôi mở ra đọc, thấy châm chước từng chữ, từng câu, thay cũ đổi mới; danh bút phê bình, cơ thần linh động.  Lại được vua phê cho đôi câu đối, nêu ở đầu sách; người đẹp văn hay, được đóa thiên hương làm tăng thêm khí sắc.  Vậy nên người ngâm vịnh quý hơn được ngọc bích, người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như ‘giấy quý Lạc đô.’
 

Mùa hè năm nay (1898), tôi ở kinh vinh quy, mang sẵn bản Kiều ấy đưa biếu Giá Sơn.  Giá Sơn trông thấy liền mừng cuống lên, nhân gia công kiểm duyệt tinh tường, rồi khắc in để cho nhiều người thưởng thức.  Tôi tin chắc rằng người đời muốn lấy cái mà hun đúc tính tình, kích dương phong nhã, cũng do ở bản Kiều này mà được vậy.
 

Xem thế thì cả hai ông, Ðào Nguyên Phổ lẫn Kiều Oánh Mậu, đều không nói đến một bản in của Truyện Kiều mà ta có thể gọi được là “bản Kinh.”  Ðào-công lại còn gần như chắc là đang nói về một bản chép tay vì ông viết là “người truyền nhau sao chép, giá giấy đắt như ‘giấy quý Lạc đô’.”  Thế chỉ có nghĩa là người ta tranh nhau sao chép truyện này làm cho giá giấy phải leo thang mà thôi.  Ðiều này, Ðào Nguyên Phổ chắc đã không nói quá vì sau này, người ta vẫn còn tìm ra nhiều bản chép tay của Truyện Kiều ở Huế, với những bản vừa đẹp vừa giá trị như bản Lâm Nọa Phu (18), bản Chiêm Vân thị (19), chẳng hạn.
 

Ông Ðào Thái Tôn, do đó, đã có nhiều khả-năng là đúng khi cho rằng là không có một bản in nào mà ta có thể gọi được là “bản Kinh.”  Ðây chẳng qua chỉ là một sự suy-luận của hai cụ Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim khi hai cụ đưa ra bản Truyện Thúy Kiều nổi tiếng của nhị vị vào năm 1925.  Hai cụ viết (20):
 
Hiện nay tập nguyên văn của tác giả làm ra thì không tìm thấy nữa, chỉ có hai bản khác nhau ít nhiều, là bản Phường, in ở phố Hàng Gai, Hà Nội, và bản Kinh của vua Dực Tôn bản triều đã chữa lại...  Bản Phường là bản của ông Phạm Quý Thích đem khắc in ra trước hết cả.  Ông hiệu là Lập Trai, người làng Huê Ðường, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ về cuối đời Lê, cùng với tác giả là bạn đồng thanh tương khí, cho nên khi quyển truyện này làm xong, thì tác giả đưa cho ông xem.  Chắc cũng sửa lại một vài câu, nhưng xem lời văn thì chỗ nào cũng một giọng cả.
 

Nếu ông Ðào Thái Tôn đã bác bỏ khả-năng có một “bản Kinh” in do vua Tự Ðức cho khắc in thì ông lại chủ-trương là có những bản chép tay mà ta có thể gọi được là “bản Kinh.”  Theo ông ước-tính thì ta đã có những “bản Kinh” như sau (21):
- Bản Ðào Nguyên Phổ được tặng từ một “công tử cháu họ ngoại nhà vua” vào năm 1895 và rồi ông mang từ Huế ra cho Kiều Oánh Mậu ở Hà-nội năm 1898.
- Bản hai cụ Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim được xem khác với bản trên (Sở dĩ ta biết điều này là vì bản Kiều Oánh Mậu chỉ ghi lại có 42 câu mà “bản Kinh” khác với “bản Phường” trong khi bản Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim lại ghi được tới 143 câu khác nhau).
- Bản của ông Vân Hạc Lê Văn Hòe dùng để khảo dị trong tác-phẩm Truyện Kiều chú giải (1953) (22).
- Bản chép tay của gia-đình Nguyễn Doãn Cử (1821-90) ở Thái-bình mà ông Ðào Thái Tôn đã có dịp “sơ bộ giới thiệu trên tuần báo Văn Nghệ các số 11, 18 năm 1995 và số 11 năm 1996.”  (Nguyễn Doãn Cử, theo sự giới thiệu của ông Ðào, làm quan trong phủ Tôn-nhân triều Tự Ðức và đã mang bản Kiều này từ Huế ra Bắc năm 1880 khi hưu quan).
 

Trong bài, ông Ðào Thái Tôn không nhắc đến bản Tiên Ðiền (23) là bản người ta còn tìm thấy ở nhà cụ Nghè Mai, cháu ba đời của Nguyễn Du, mà sự gần gũi với các “bản Kinh” mà ta còn vết tích (trong Kiều Oánh Mậu, Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim, Tản Ðà v.v.) đáng để cho ta nghiên cứu.  Tại sao?
 

Tại vì theo một truyền-thuyết được kể lại trong họ Nguyễn Du, nhất là qua cụ Nghè Nguyễn Mai, và được kể lại bởi ông Ðào Duy Anh khi ông đi nghiên cứu về Nguyễn Du khoảng năm 1940-41 thì “nghe đâu vua Tự Ðức có lệnh cho quan tỉnh Nghệ-an đương thời thu thập tất cả di cảo của Nguyễn Du để xem, vì thế mà ở trong nhà họ Nguyễn không còn giữ được tí gì trong di cảo ấy.  Ở Bảo đại thư viện, chứa phần nhiều sách vở ở Nội các của triều Nguyễn đem ra, cũng không có di cảo nào của Nguyễn Du cả.” (24) Chuyện “nghe đâu” này của Ðào Duy Anh có lẽ là có thật vì theo một chú-thích trong sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du của Lê Thước và Trương Chính, “về việc Tự Ðức thu thập di cảo của Nguyễn Du, ông Nguyễn Ðức Bính trong tạp chí Nghiên cứu văn học, số 6-1960, bài ‘Một mối hận tình’ có cho ta biết thêm: ‘Cụ Nguyễn Ðình Ngân ở Huế đã lâu nên có dịp được xem bộ di cảo ấy...  Sau ngày kháng chiến, chúng ta dời các cơ quan ra ngoài thành, tập di cảo đó không mang đi theo được.’  Cụ Nguyễn Ðình Ngân hồi đó là giám đốc Văn hoá viện ở Huế.” (25)
 

Sự thực, có lẽ tại ông Ðào Duy Anh muốn kể công mình tìm ra một số di-cảo, nhất là thơ chữ Hán của Nguyễn Du nên ông hơi bi-đát-hóa tình-trạng sách vở như còn lại trong gia-đình họ hàng con cháu Nguyễn Du (26), điển-hình là một bản thảo Truyện Kiều mà sau này Nguyễn Thạch Giang sẽ gọi là “bản Tiên-điền.”  Theo Nguyễn Thạch Giang thì “bản Tiên-điền” là “bản của gia đình cụ nghè Nguyễn Mai, cháu xa đời của Nguyễn Du” còn giữ được.  Về sự truyền tay qua các thế-hệ thì “sau khi cụ nghè Mai qua đời, ông Lê Liêu trước vốn ở cùng nhà với cụ giữ bản Kiều này.  Trong dịp vào Tiên-điền tìm hiểu văn bản truyện Kiều vào đầu tháng 10-1962, ông Lê Liêu đã cho chúng tôi mượn lại.  Theo cụ Nguyễn Châu, cháu xa đời của Nguyễn Du cho biết thì chính bản Kiều này là bản nôm được truyền lại từ trước, lúc sinh thời cụ nghè Mai thường đem ra đọc.” (27)
 

Vẫn theo lời G.S. Nguyễn Thạch Giang (28):
Bản Tiên-điền, khổ 14 x 15 [centimét], 3.256 câu, chữ nhỏ hàng 20, viết rất công phu.  Tờ đầu gần như mất hẳn, không đọc được chữ nào.  Tờ thứ hai chép ‘Nguyễn hầu liệt truyện,’ tiếp theo là bài thơ đề từ của Phạm Quý Thích.  41 tờ còn lại chép văn bản truyện Kiều, chia làm ba tầng: tầng trên là phần chú thích, tầng giữa câu lục, tầng dưới câu bát.
 

Sau khi nghiên cứu bản Phạm Kim Chi [...], chúng tôi có ý ngờ rằng chính bản này đã phiên âm theo bản Tiên-điền.  Ðối chiếu, so sánh giữa hai bản, kết quả như sau:
1.  Cả hai bản đều có 3.526 câu.  Những câu của bản Kinh và những câu khác hẳn các bản Kiều khác chép ở trong bản Phạm Kim Chi, thì ở bản Tiên-điền cũng ghi đúng như thế.  Giữa hai bản có 12 câu là có khác nhau một đôi chỗ về cách phiên âm hay cách nhận nhầm mặt chữ, nhưng đều có nghĩa cả.
2.  Phần chú thích, bản Phạm Kim Chi đã phiên âm và dịch ra đầy đủ, không bỏ sót một chi tiết nào của bản Tiên-điền.
3.  Ðáng chú ý hơn cả là 563 chữ của bài “Nguyễn hầu liệt truyện,” cả hai bản hoàn toàn giống nhau.
 
Thực tế đó cho phép chúng ta nghĩ rằng điều ngờ trên đây là có căn cứ.  Bạn đọc sẽ nhận rõ hơn [khi xét] bản Phạm Kim Chi.
 

Thật vậy, vì bản Phạm Kim Chi, mang tên Kim Túy tình từ (dù như chữ Hán ngoài bìa sách thì lại ghi là Kim Kiều tình từ), có nói rõ là “ông Phạm Kim Chi, khi còn làm thông ngôn ở Trung kỳ, được hân hạnh làm quen với một trong những người hậu duệ của thi sĩ là ông nghè Nguyễn Mai (tiến sĩ văn chương), một người rất lỗi lạc.  Nhờ có sự liên hệ này ông Phạm Kim Chi đã mượn được một bản viết tay--bản gốc của cuốn Kim Vân Kiều bằng chữ nôm đề là Kim Túy tình từ ở trong khối thư tịch nhà họ Nguyễn.  Bản viết tay này có kèm theo cả những chú thích mà tác giả đã ghi lại trong khi nhàn nhã làm một thứ giải trí để làm sáng tỏ tác phẩm bất hủ của mình.  Chính ông Phạm Kim Chi đã phiên âm và phiên dịch ra quốc ngữ cái văn bản và những chú thích đó.” (29)
 

Chứng-từ của ngay ông Phạm Kim Chi cũng nói (30): “Tôi nhơn vì việc quan, có ra ở 3 năm tại Hà-tĩnh, là quê quán của ông Nguyễn Du-Ðức-hầu.  May gặp dịp được làm quen với cháu nhà ông ấy, là ông Tấn sĩ Mai, mượn đặng bổn chánh Kim Túy tình từ có chú dẫn điển tích rõ ràng.  Tôi thấy chắc gốc như vậy, nên xin phép ông Nguyễn Mai dịch lại, in ra cho tài nhơn tao khách xem chung...  Ông Nguyễn Mai bằng lòng, nên cho tôi một bài tựa có in ra sau đó.”
 

Bài tựa của cụ nghè Nguyễn Mai (31), đề vào tháng giêng năm Duy-tân thứ 9 (1915), không những xác-nhận những chuyện trên mà còn cho ta thấy động-cơ nào cụ cho ông Phạm Kim Chi mượn sách:
 

Tưởng người trước [= Nguyễn Du] làm ra chẳng dễ, quyết bổn này chạm lại đừng sai [= nhất định cho khắc in lại bản Kiều này mà không sai], muốn in bản đá để truyền đời, cậy tiếng bạn vàng giùm nhắc tích [= giúp cho người đời nhớ lại truyện].

 
Duy có: Bổn gia truyền, lúc rảnh dở [giở] xem, dường như báu núi; truyện quốc ngữ [= chữ Nôm] ngày thường đem đọc, muốn thấu nguồn sông.

 
Mừng nay bổn cũ chạm lại rồi, chữ nghĩa để đời thêm nặng giá, dầu xứ khác kiểu [= cảo] thơm truyền đặng khắp: bia bài nơi chúng ví dường hoa.  Rất cám ơn nhà ông có bụng tham lành, thiệt chẳng phụ lớp trước [= Nguyễn Du] dùng ý hay đặt truyện.” (Bản dịch, chắc là từ chữ Hán, của Huỳnh Thúc Mậu)
 

Bản Phạm Kim Chi, theo Nguyễn Thạch Giang, “có 19 câu để theo bản Kinh và có những câu khác hẳn tất cả các bản Kiều hiện có,” gồm 10 câu cả thảy, chưa kể còn có 12 câu với tiểu dị (32).
 

Dựa vào những tiết-lộ như vừa kể thì gần như chắc chắn là “bản Tiên-điền” là gần với bản gốc của Nguyễn Du hơn cả (33).  Một bản như vậy hay gần như vậy đã được sao chép để đưa vào kinh, nghĩa là vào Huế, dưới thời Tự Ðức.  Bản sau này đã được sửa sang đôi chút bởi vua Tự Ðức và các triều-thần của ông trong khi ngâm vịnh hay nhàn-lãm.  Rồi bản này lại được người ta truyền tay nhau chép lại.  Ông Ðào Nguyên Phổ được một “công tử họ ngoại nhà vua” tặng một bổn, ông bèn đem ra Bắc đưa cho ông Kiều Oánh Mậu xem, và ông Kiều mới là người gọi đó là “bản Kinh” để phân-biệt với các bản in ở ngoài Bắc gọi là “bản Phường”.  Nếu mọi sự xảy ra đúng như tôi vừa trình bầy thì có lẽ ta phải vẽ lại truyền-đồ của “bản Kiều Tiên-điền” như sau:
 

Như vậy, ta phải hiểu giá-trị chính của các “bản Kinh” nằm ở chỗ:
 

Thứ nhất, chúng gần nguyên-bản hơn các “bản Phường” vì căn-bản là chép từ bản gốc con cháu Nguyễn Du còn giữ được ở Tiên-điền, ít nhất cũng cho đến khi được sao chép để tiến vào trong cung vua Tự Ðức.  Một trong những bằng-chứng “bản Tiên-điền” (và sau đó là các “bản Kinh” chép theo) gần nguyên-bản có thể thấy ngay nơi tên sách: Ðoạn trường tân thanh thay vì các tên thông-tục hơn.
 

Thứ hai, những dạng khác nhau (đôi chút) của các “bản Kinh” là do nhà vua (Tự Ðức) và các triều-thần góp ý để sửa cho truyện được rõ nghĩa hơn, hoặc hay hơn (có thể chỉ là họ chủ-quan mà nghĩ là hay hơn), v.v.  Chúng khác các “bản Phường” chủ-yếu ở chỗ các “bản Phường” không có sự gia công thêm thắt này--của những thành-phần có chữ, có học trong xã-hội thời bấy giờ, ngoại-trừ phần nào mà Phạm Quý Thích có thể đã đem vào trong “bản Phường”.
 

Song nếu nghĩ như tôi thì một vấn-đề khá khúc mắc còn lại, đó là: Tại sao “bản Tiên Ðiền” (mà theo Nguyễn Thạch Giang trang bìa đã mất và một số trang bị đốt một phần - do hỏa-hoạn gây nên bởi đội cải cách ruộng đất hồi năm 1953-54 khi họ đến bắt ông nghè Nguyễn Mai, cháu gọi Nguyễn Du bằng “ông bác,” và ra lệnh đốt sách cũng như một số lớn di-tích thuộc về họ Nguyễn Tiên-điền) lại không mang tên Ðoạn-trường tân-thanh mà, theo Phạm Kim Chi, lại là “Kim Túy/Kiều tình-từ”?  Giờ đây, tất cả mọi người nêu tên trên đây đã chết - ông nghè Nguyễn Mai, ông Phạm Kim Chi, cụ Nguyễn Du - nên ta chỉ có thể đoán.  Rất có thể cụ Lê Thước đã hoàn-toàn chính-xác khi gần 50 năm sau, vào năm 1971, cụ nhớ lại: “... từ năm 1922...  Mỗi lần tiếp xúc với cụ Nghè Mai, cũng như với các tôn trưởng khác trong họ [Nguyễn Tiên-điền], chúng tôi có để ý dò hỏi xem trong họ có còn ai giữ được nguyên bản Truyện Kiều , do chính tay tác giả viết ra hoặc có tự tích tác giả sửa chữa, các cụ đều nói không có bản nào.” (34).
 

Song đó là chuyện nguyên-bản với tự-tích của tác-giả (mà nhiều phần là không còn).  Ngoài nó ra vẫn có thể có những bản chép từ nguyên-bản nghĩa là còn gần với nguyên-bản của Nguyễn Du.  Có nhiều khả-năng là bản gốc mà ông Hoàng Xuân Hãn dùng để nghiên-cứu nguyên-tác của Truyện Kiều là một bản như vậy (theo ông Vũ Ðức Phúc, bản ấy là một “bản viết tay” và được cụ Hãn cho là “xưa nhất” do “chỉ có húy đời Gia Long, không có húy đời Minh Mạng.” (35))  Vậy thì bản “Kim Túy/Kiều tình-từ” mà Phạm Kim Chi nhận được từ tay cụ Nghè Nguyễn Mai là một “bản chép tay” như vậy.  Và “Kim Túy/Kiều tình-từ” (36) rất có thể cũng đã là một tên Nguyễn Du đặt ra cho truyện thơ của mình trong thời-gian đầu, trước khi gọi đó là Ðoạn-trường tân-thanh chăng?
*
*     *
Ðể kết, nếu chúng ta thuần-túy chỉ muốn bàn đến chuyện văn-bản Truyện Kiều thì tất cả những vụ cãi vã về có hay không có những bản in Phường và Kinh trước năm 1871 (trước kia) và 1866 (bây giờ) đều chỉ là những chuyện học-viện, hàn-lâm (question académique).  Ðiều rõ ràng là ta hiện vẫn còn những bản Kiều (chép tay) trước những năm đó rất nhiều:
 
     1/  Bản của cụ Hãn, nếu ta biết chắc trong số thủ-bản hiện còn trong Thư-viện Hoàng Xuân Hãn, đó là bản nào, có thể là chép từ một bản có từ đời Gia Long (1802-1820) vì có chữ húy đời đó (và không có chữ húy đời sau, đời Minh Mạng, 1820-1840).
2/  Bản mang tên Kim Vân Kiều truyện của cụ Ưng Gia tặng Viện Khảo cổ (Sài-gòn) từ thời Ðệ nhất Cộng-hòa, có được ghi lại trong Thư mục về Nguyễn Du của Lê Ngọc Trụ và Bửu Cầm (1965) dưới số 199 (số hiệu của Viện Khảo cổ là VNT. 4)(37).  Bản này rất có thể là bản cụ Hãn đã ám-chỉ vì nó cũng có lời bàn của Vũ Trinh và Nguyễn Lượng như cuốn của cụ Hãn nhắc tới (song cụ Hãn lại gọi là Nguyễn Lạng thay vì Lượng, hai cách đọc của cùng một chữ Hán).  Những lời bàn của Vũ Trinh (1759-1828) và Nguyễn Lượng (1768-1817) sau đó còn được G.S. Bửu Cầm và ông Tạ Quang Phát dịch ra và cho công-bố trước tiên (năm 1965) ở trong Nam(38).
3/  Bản Thái-bình “Minh Mệnh lục niên, ngũ nguyệt, ngũ nhật” (1825) mà bìa ngoài đề Cảo thơm tình-sử thành Nam-âm vận-văn, có lẽ là tên chung cho một cuốn sách có chép lại cả một số truyện khác ngoài Truyện Kiều nữa.  Bản này được G.S. Nguyễn Tài Cẩn từ Mạc Tư Khoa giới-thiệu trong Hội-nghị chữ Nôm Quốc-tế 2004 vừa qua nhóm họp ở Hà-nội (12 đến 14-XI-2004)(39).
     4/  Bản không tên ở ngoài bìa mà chỉ thấy có chú thích gần cuối truyện “Ông Trần Văn Tất sao theo bản tại từ đường họ Ðoàn” mà ông Nguyễn Tài Cẩn cũng gọi là một “bản Thái-bình” song để phân-biệt với bản kia, ông gọi là “bản họ Ðoàn.”  Cả hai “bản Thái-bình” ông Nguyễn Tài Cẩn cho biết là “đều chép tay” mà ông đoán định là “vào khoảng đầu thế kỉ 20.”  Tuy-nhiên, dựa vào một số câu so sánh (và ăn khớp) với bản Duy Minh Thị (in ra ở trong Nam năm 1872, “trùng-san” năm 1879) và dựa vào sự-kiện “cả hai bản... đều không kiêng [húy] tên Thiệu Trị, Tự Ðức,” ta có thể tin tưởng đó là những bản chép từ một (hay hai) bản gốc thuộc đời Minh Mạng thật.
 
Và vì cả bốn bản này đều có niên-đại trước năm 1868 là năm mà theo cụ Nghè Mai, vua “Tự Ðức tổ chức ‘tứ tuần đại khánh’ triều Nguyễn có bắt họ Nguyễn Tiên Ðiền nộp vào kinh mấy bản Kiều.  Họ Nguyễn đã sao ba bản: một bản nộp tỉnh đường địa phương; một bản nộp Quốc sử quán kinh đô; một bản đưa vào cung nội.”(40)   Như vậy, tất cả bốn bản này không cách nào có thể bị ảnh-hưởng được của “bản Kinh” (dù là chép tay) và do đó phải xem là thuộc dòng “bản Phường,” hiểu theo lối tôi đề nghị quan-niệm như ở trên (có nghĩa là có bàn tay định hình của Phạm Quý Thích).
 
__________________________________________________________________
(1) Ðào Thái Tôn, “Về thực chất khái niệm ‘bản Phường’ Truyện Kiều,” Tạp chí Văn học số 1-1998, đăng lại thành hai kỳ trên báo Nhân Dân ngày 14 và 16-12-1998, và “Không có ‘bản Kinh’ Truyện Kiều do vua Tự Ðức đưa in,” Nhân Dân ngày 18 và 20-12-1998.  Bản chúng tôi dùng là bản đăng trên Nhân Dân Ðiện Tử vào tháng 12-1998.  Các số trang được ghi sau đây sẽ là số trang của bản in rút ra từ Nhân Dân Ðiện Tử, với bài đầu được gọi tắt là ÐTT-A và bài sau ÐTT-B.  Năm ngoái, ông Ðào Thái Tôn có cho xuất bản cuốn Văn bản Truyện Kiều: Nghiên cứu và thảo luận (ngoài bìa ghi “Ban Quản lý Di tích Nguyễn Du, Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Ðông Tây” nhưng trong trang tít lại ghi “Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, Trung Tâm...,” 2003), trong đó ở Phần một, phần “Nghiên cứu,” ông cho in lại bài 1 trên đây dưới hai tên, “Không có ‘bản Phường’ (với nghĩa là bản Kiều do Phạm Quý Thích đưa in)” (trang 17-42) và “Không có ‘bản Kinh’ Truyện Kiều do vua Tự Ðức sửa chữa [và] đưa in” (trang 43-68), cộng thêm một bài để phủ-nhận giá-trị của “bản Tiên Ðiền” (trang 69-95) và một bài bàn về vấn-đề “Văn bản Truyện Kiều (nhìn từ cuối thế kỷ XX)” (trang 96-130).  Từ đây trở xuống, chúng tôi sẽ giao-chiếu về tác-phẩm dưới hình-thức “ÐTTôn 2003” với số trang ghi theo sau hai chấm.
 
(2) ÐTT-A, 14-12-1998, trang 2.  ÐTTôn 2003:19.
 
(3)  Nguyễn Du, Truyện Kiều, Hà Huy Giáp giới thiệu, Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích, Hà-nội: Nhà xb Ðại học và Trung học chuyên nghiệp, 1972.  Từ đây giở xuống, sách này sẽ được gọi là NTGiang 1972, kèm theo số trang, vì ông là người chủ chốt viết ra cuốn sách này.
(4) ÐTT-A, 16-12-1998, trang 1.  ÐTTôn 2003:27 thì có viết hơi khác, tuy là để làm rõ nghĩa hơn: “Phạm Quý Thích cũng không làm thơ ‘Ðề từ’ với mục đích để in vào Truyện Kiều.  Hai chữ ‘đề từ’ là do người sau đặt cho tên bài thơ.  Câu chuyện Phạm Quý Thích sửa chữa, đưa in Truyện Kiều chỉ là truyền thuyết” và “Hai chữ ‘Hoa Ðường’ mà vua Minh Mệnh nhắc tới trong bài Tổng thuyết, không phải là tên hiệu của Phạm Quý Thích, càng không phải là tên nhà in riêng của ông.”
 
(5)  Như trên.  ÐTTôn 2003:28.
 
(6)  Bốn câu cuối của bài thơ này và bản dịch Lê Thước được trích từ sách của Phạm Ðan Quế, Truyện Kiều và các nhà nho thế kỷ XIX, Sài-gòn (?): Nhà xb Văn Học, trang 106-7.  Trong bài của Ðào Thái Tôn như được in trong Nhân Dân ngày 16-12-1998 thì câu đầu của đoạn này bị chép sai: “Ðoạn trường mộng lý căn duyên liễu” bị chép thành “Ðoạn trường mộng tình căn duyên liễu,” vừa thất niêm vừa vô nghĩa.  Trong ÐTTôn 2003:28 câu đó được chữa lại thành “mộng tỉnh ” có nghĩa hơn.  Trong cùng sách, trang 36, bản chụp bài thơ rút ra từ Lập Trai tiên sinh di thi tập (ký-hiệu A.2140, tờ 9b), dòng 3 từ trái sang, bên cạnh chữ “lý” trong “mộng lý” thấy có chua thêm chữ “tỉnh” bên cạnh.
(7) Câu này được cụ Ðào Nguyên Phổ ghi lại trong bài “Tựa Ðoạn Trường Tân Thanh” cho sách của Kiều Oánh Mậu, có in lại trong Nguyễn Du: Về tác gia và tác phẩm, Trịnh Bá Ðĩnh chủ biên, Hà-nội (?): Nhà xb Giáo Dục, 1999, trang 164.  Xem thêm Phạm Ðan Quế, sđd, trang 74-77.  Hai câu ca-dao này có chép hơi khác trong Nguyễn Quảng Tuân, Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hà-nội và TP-HCM: Nhà xb KHXH - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, trang 107 (“Uống chè mạn hảo” thay vì “Uống chè Chính Thái”).
 
(8) Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ-nhân, “Bài tựa Truyện Kiều,” trong Phạm Ðan Quế, sđd, trang 32 (bản chữ Hán), 34 (bản phiên âm), và 37 (bản dịch Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim).  Tiên Phong Mộng Liên Ðường chủ-nhân là tên hiệu của Nguyễn Ðăng Tuyển (1795?-1890?), sau khi đỗ tú-tài năm 1836 được cử làm hậu-bổ ở tỉnh Tuyên-quang, rồi tri huyện Vị-xuyên, sau chuyển vào Kinh làm chủ-sự ở bộ Hộ, thăng Thừa-chỉ, Thị-độc...  Năm Tự Ðức thứ nhất (1848) thường được ứng chế thơ văn (tức là dự các kỳ thi do vua chủ-trì), lại soạn các quyển Ðào-hoa mộng-ký, Nam-thi quốc-phong, dâng vua xem, được sung chức biên tu Sử-quán.  Năm 1856 được bổ tri phủ Thuận-thành (Bắc-ninh) rồi xin hưu-trí.  Ngoài bài “Tựa Truyện Kiều,” ông còn là tác-giả Ðào-hoa mộng-ký, một truyện thơ Nôm lục bát gồm 20 hồi, kể về cuộc sống ở kiếp sau của hơn 20 nhân-vật Ðoạn trường tân-thanh, trong đó có Lan Nương (hậu-thân của Thúy Kiều) được gặp lại và sống nguyên 15 năm với Nguyên Sinh (hậu-thân của Kim Trọng) như vợ chồng.  Theo Lại Nguyên Ân, Từ điển văn học Việt Nam, Nxb Giáo Dục, Hà-nội, tái-bản lần thứ 3, 1999, trang 369.  Theo ÐTTôn 2003:29 (cước-chú), “có lẽ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim là [hai] người đầu tiên công bố bài Tựa của Mộng Liên Ðường chủ nhân và Phong Tuyết chủ nhân.  Chúng tôi chưa rõ xuất xứ văn bản từ đâu, chỉ thấy rằng tại bản in có hai chữ trọng húy đời Gia Long, là chữ Chủng và Hoa.”  Như vậy, ta có một bằng-chứng hùng-hồn là từ đời Gia Long (1802-20), nghĩa là trong lúc Nguyễn Du còn tại thế, Truyện Kiều đã có hai cách gọi: Ðoạn-trường tân-thanh Truyện Thúy Kiều.
 
(9) Nguyễn Ngọc Bích, “Nguyễn Du trứ-tác Truyện Kiều vào khoảng nào?” (chưa công-bố)
(10)  ÐTT-A, 16-12-1998, trang 1.  Ðiểm này, Ðào Thái Tôn chứng minh bằng hai cách.  Một là cho hai câu vua Minh Mạng viết trong bản “Tổng-thuyết” của vua về Thanh tâm tài tử (“Thánh Thán bất phùng, hàn yên tán mạn; Hoa Ðường dĩ viễn, phá bích tiêu điều”) là nói về cuốn sách của Trung-hoa, cuốn sách gốc mà Nguyễn Du dùng để đẻ ra Truyện Kiều (Nôm), chứ không phải là nói về đại-thi-phẩm của Nguyễn Du.  Và hai, theo ÐTTôn 2003:41-42, “chưa có chứng cứ gì để chứng tỏ rằng Phạm Quý Thích có nhà in hay không, qui mô nhà in đó thế nào, đã in những sách gì, nhà in đó có mang tên là Phạm Hoa Ðường tàng bản, hay Hoa Ðường tàng bản không?... thì việc nói tới nhà in họ Phạm quả chỉ là sự tưởng tượng mà thôi.”
 
(11) Ðạo và Ðức, Ðinh Sĩ Trang giới-thiệu và dịch, Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999.
 
(12) Trường-hợp bản Liễu Văn Ðường 1866 và hai bản Kiều Thái-bình (một bản có niên-đại 1825) mới được phát hiện ra gần đây chứng tỏ là ta vẫn còn khả-năng tìm ra một “bản Phường” có tay của Phạm Quý Thích ở trong đó.
 
(13) NTGiang 1972:91.  Ðiều này được nhắc lại nguyên si trong Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính, Nguyễn Du, Tác phẩm và lịch sử văn bản (Nxb TP-HCM, 2000, trang 49).
(14) Xem Ðào Thái Tôn, Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Hà-nội: Nhà xb Giáo Dục, 1996 (in lần thứ 3, có bổ sung và sửa chữa).
 
(15) Nguyễn Văn Thắng, “Tựa Kim Vân Kiều án,” bản dịch Hoa Bằng, trong Nguyễn Du: Về tác gia và tác phẩm, sđd, trang 161-62.
 
(16) Ðoạn được trích dưới đây là Ðiều 10 trong “Mười điều Lệ ngôn” thuộc sách Ðoạn trường tân thanh (chữ Nôm), Kiều Oánh Mậu chú thích, Hà-nội: Thành Thái Nhâm-dần (1902), tờ 2a.
 
(17) Ðào Nguyên Phổ, “Tựa Ðoạn trường tân thanh,” có đăng lại trong Nguyễn Du: Về tác gia và tác phẩm, sđd, trang 164-65.  Xem thêm trong Phạm Ðan Quế, sđd, trang 77.
(18) Sau chuyến đi Mỹ năm 2000 về, ông Nguyễn Quảng Tuân có cho công-bố về bản Kiều Lâm Nọa Phu mà G.S. Ðàm Quang Hưng ở Texas đã cung-cấp cho ông một bản phóng-ảnh.  Xem phóng-ảnh bìa bản Lâm Nọa Phu trong Ðặng Cao Ruyên, Bể dâu trong dòng họ Nguyễn Du, Arlington, VA: Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông Hoa Kỳ, 2001, trang 180.
 
(19) Thúy Kiều truyện tường chú, Chiêm Vân thị chú đính, Trúc-Viên Lê Mạnh Liêu phiên dịch và phụ-chú, Sài-gòn: Bộ Giáo-dục, 1965.
 
(20) Nguyễn Du, Truyện Thúy Kiều (Ðoạn trường tân thanh), Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim hiệu khảo, Hà-nội: Vĩnh Hưng Long thư-quán - Việt-văn thư-xã, 1925 (in lần thứ nhất).  Ðây là trích dẫn theo bản Tân Việt, Hà-nội, in lần thứ 3, 1950.
 
(21) ÐTT-B, 20-12-1998, trang 1 và 3.
 
(22) Nguyễn Du, Truyện Kiều chú-giải, Vân Hạc Lê Văn Hòe chú-giải, hiệu-đính, bình-luận, Hà-nội: Quốc-học Thư-xã, 1953, Zieleks tái-bản ở Houston, Texas, năm 1976.
 
(23) Về “bản Tiên-điền” xem Nguyễn Thạch Giang, sđd, trang 96-98.  Xem thêm Nguyễn Du toàn tập, Quyển I: Thơ quốc âm, San Jose: Bách Việt xb, 1996, trang 142.
(24) Ðào Duy Anh, Khảo luận về Kim Vân Kiều, Huế: Quan Hải tùng-thư, 1943.
 
(25) Xem cước-chú số 2, trang 8, trong sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thước và Trương Chính chủ-biên, Hà-nội: Nhà xb Văn Học, 1965.
 
(26) Ông Ðào Duy Anh cho rằng vào năm 1940-41, “ông nghè Nguyễn Mai... chỉ giữ được một tập thơ đề là Nguyễn gia phong vận tập, trong ấy có chép được mấy chục bài thơ của Nguyễn Du cùng với thơ của nhiều người khác trong họ về đời trước và đồng thời.”  Nghĩa là cụ nghè Mai lúc bấy giờ không còn giữ được tập nào trong ba tập thơ chữ Hán Nguyễn Du để lại.  Nhưng cụ Lê Thước lại cho biết là ông nghè Mai có đủ cả [ba] bộ và chính năm 1923, cụ đã mượn được để sao chép lại.  Xem cước-chú số 3, trang 7, trong sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du, sđd.
 
(27) Cước-chú số 1, trang 97, Nguyễn Thạch Giang, sđd.  NDTT-I 1996: 142.
 
(28) Như trên, trang 97-98.  NDTT-I 1996: 142-43.  Ông Nguyễn Thạch Giang nói là mỗi trang trong bản Tiên-điền gồm ba tầng.  Không đúng!  Có trang như ngay trang đầu vào truyện gồm bốn tầng: tầng 1 chú-thích, tầng 2 các câu sáu, tầng 3 chú-thích, tầng 4 các câu tám.  Xem bản chụp trong NDTT-I 1996: 6.
 
(29) Như trên, trang 101-2. Ðây là Nguyễn Thạch Giang dịch theo lời của ông Phạm Văn Tươi viết trong “Lời nói đầu” mà ông viết bằng tiếng Pháp (“Avant-Propos”), chấp bút tại Vĩnh-long ngày 1-11-1915.  Xem Nguyễn Du, Kim Túy tình từ, “transcrits en Quốc-ngữ par Phạm Kim Chi,” Saigon: Imprimerie Huynh-Kim-Danh, 1917, do Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa tái-bản (không ghi năm) ở Sài-gòn “đúng y theo nguyên bản,” trang 3-4.
 
(30) Như trên, trang 102.  “Lời báo dẫn” do Phạm Kim Chi viết, Kim Túy tình từ, sđd, trang 5.
 
(31) Như trên, cùng trang.  Nguyễn Mai, “Kim Túy tình từ tân tập Tự,” bản chữ Hán in ngược từ trang 8 đến trang 6, bản dịch sang Quốc-ngữ do Huỳnh Thúc Mậu, trang 9-11, Kim Túy tình từ, sđd.  Ðoạn trích dẫn nằm ở trang 11.
 
(32) Như trên, trang 103.  NDTT-I 1996: 147.
 
(33) Ông Phạm Kim Chi có nói là “bản viết tay này [nghĩa là ‘manuscript’ trong tiếng Anh, bản cụ nghè Mai cho ông mượn để chép] có kèm theo cả những chú thích mà tác giả [NNB gạch dưới] đã ghi lại trong khi nhàn nhã làm một thứ giải trí để làm sáng tỏ tác phẩm bất hủ của mình.”  Nếu lời chứng này mà đúng thì “bản Tiên-điền” của cụ Nguyễn Mai--mà giờ này có nhiều khả-năng là vẫn còn tồn tại--tất-nhiên là còn mang bút-tích của Nguyễn Du và như vậy sẽ là bản chép tay Kiều Nôm cổ nhất mà ta có, nó còn cổ hơn cả bản Phạm Quý Thích (1825) vì tác-giả, tức Nguyễn Du, mất từ năm 1820.  Ðương-nhiên, cũng còn khả-năng là bản của cụ Nghè Mai chỉ là một bản sao chép từ bản gốc Truyện Kiều của ông tổ Nguyễn Du, mà tên đầu tiên có thể là “Kim Túy tình từ.”  Cách đọc chữ Hán của tên sách này lẽ ra phải là “Kim Thúy tình từ” (ông Phạm Văn Tươi dịch nghĩa sang tiếng Pháp là “Histoire d’amour de KIM [Trọng] et des TUY” [nghĩa là hai chị em THÚY Vân và THÚY Kiều],” nhưng chữ “Thúy” đã bị đọc thành “Túy” (vì đó là phát âm miền Nam của cùng một chữ Hán).
 
(34) Kỉ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du (1765-1820), Hà-nội: Viện Văn học, Nhà xb Khoa học xã hội, in lần thứ 2, 1971.  Có trích lại trong ÐTTôn 2003:71-72 và 518.
 
(35) Vũ Ðức Phúc, “Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều,” trong ÐTTôn 2003:378.
 
(36) Về cách đặt tên truyện như thế này, tôi gần đây có đọc lại bài “Luận về chính học cùng tà thuyết: Quốc văn - Kim Vân Kiều - Nguyễn Du” của Ngô Ðức Kế thì thấy cụ Ngô phê phán tên Kim Vân Kiều truyện như sau: “Chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được...  Truyện ấy là sự tích cô Vương Thúy Kiều mà tên sách đặt ba người, một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là dốt vô cùng.”  Xem trong Trịnh Bá Ðĩnh và người khác, Nguyễn Du: Về tác gia và tác phẩm, sđd, trang 261.  Có lẽ vấn-đề này cũng đã được trông ra từ khi Nguyễn Du còn sinh-thời, do vậy nên mới có vấn-đề đổi tên từ cái tên khá nôm na “dốt vô cùng” kia ra thành “Kim Thúy tình-từ,” nghĩa là “câu chuyện tình giữa Kim và [hai cô] Thúy,” hoặc như Nguyễn Du cuối cùng đổi thành Ðoạn-trường tân-thanh.  Nếu ý nghĩ này của tôi xem ra chấp nhận được thì cái tên “Kim Thúy tình-từ” tự nó là một bằng-chứng ta đứng trước một bản chép khá gần gốc bản của Nguyễn Du.
 
(37) Lê Ngọc Trụ và Bửu Cầm, Thư mục về Nguyễn Du, Sài-gòn: Tủ sách Viện Khảo cổ Bộ Giáo dục, 1965, trang 47.  Bản Kiều này gần đây được ghi trong một số sách miền Bắc là bản Ưng Dự với cái tên là Kim Vân Kiều đại toàn chú thích dẫn giải đính chính song tôi đoán chừng đó vẫn là một vì “Ưng-gia” chỉ có nghĩa là “nhà họ Ưng” và như vậy vẫn ứng với tên “Ưng Dự.”
 
(38) Bửu Cầm và Tạ Quang Phát, “Vũ Trinh đã phê bình Ðoạn trường tân thanh của Nguyễn Du như thế nào?” trong Văn-hóa Nguyệt-san số đặc-biệt kỷ-niệm đệ-nhị bách-chu-niên sinh-nhật thi-hào Nguyễn Du, Sài-gòn: 1965, số ra tháng 10-tháng 11 cùng năm, trang 1529-44.
 
(39) Nguyễn Tài Cẩn, “Về hai bản Kiều Thái Bình.”
 
(40) ÐTTôn 2003:73.  Xem thêm Nguyễn Văn Hoàn, “Trên đường đi tìm nguyên tác Truyện Kiều,” trong cùng sách, trang 431-448, in lại bài viết trong Tạp chí Văn học số 6 năm 1998

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét