Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

9- Lại Nói Về Đệ Nhất Danh Phẩm: ... - VI KHUÊ

VI KHUÊ
 
Lại Nói Về Đệ Nhất Danh Phẩm: TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU
 
Đất nước chúng ta, trải mấy ngàn năm lịch sử luôn luôn phải chiến đấu chống kẻ thù xâm lược để sống còn, gần đây đã chứng tỏ được sự trưởng thành của mình trên nhiều phương diện, theo đà tiến hóa của nhân loại nên đã được biết đến bởi thế giới năm châu. Điều này, chúng ta đều đã biết.
 
Riêng về lãnh vực văn học, văn chương, là phần tiêu biểu cho vẻ đẹp tinh thần, cho trình độ văn minh và văn hiến của cả dân tộc, thì từ xưa đến nay, mỗi khi có cơ hội trưng bày trước sự quan chiêm của các cường quốc cái phần tinh túy ấy, chúng ta chẳng có gì hơn là một áng văn chương mà cả nước đều tôn trọng, nhất trí vinh danh là đệ nhất danh phẩm: Truyện Kiều của Nguyễn Du.
 
Trong khuôn khổ một bài biên khảo ngắn gọn, chúng tôi xin vẽ lại sau đây cuộc hành trình dài dằng dặc thưởng thức truyện Kiều của cả dân tộc ta, để rồi trao tặng địa vị đôc tôn cho tác phẩm này. Tìm hiểu lại một vấn đề quan trọng hàng đầu như thế, chẳng phải là cần thiết hay sao?
Nhắc lại, Nguyễn Du tiên sinh sinh năm 1765 dưới triều đại vua Lê Hiển Tông, là con trai út của cụ Nguyễn Nghiễm, tước Xuân Quận Công, giữ chức Nguyên Thủ Đầu Triều suốt đời vua Lê Cảnh Hưng, nghĩa là một thế gia vọng tộc. Ông có tất cả năm anh em đều đỗ đạt và làm quan lớn cả.
 
Nguyễn Du có tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, còn gọi là Tiên Điền. Thuở nhỏ sống cùng đại gia đình ở đất Thăng Long, hưởng vinh hoa phú qúy. Đến năm lên 10 mất cha, sau đó mồ côi mẹ, phải về quê nương nhờ chú bác, rồi cũng học hành đỗ đạt, đến năm 19 tuổi đã ra làm quan. Chưa được 6 năm thì đến năm Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung Nguyễn Huệ kéo đại binh Tây Sơn ra Thăng Long dẹp tan quân Tàu xâm lược, chấm dứt triều đại nhà Lê đã trị vì gần 400 năm. Nguyễn Du năm ấy 24 tuổi, trông thấy anh em bị nhà tan cửa nát, rất đau lòng. Từ đó, ông phải sống cảnh cơ hàn hơn nữa, lại còn phải chứng kiến cảnh đầu rơi máu chảy của người thân, nên tấm lòng càng thêm bi lụy.
 
Nhà Nguyễn dẹp tan Tây Sơn, vua Gia Long thống nhất sơn hà vào năm 1802, xuống chiếu kêu gọi cựu thần nhà Lê ra giúp nước. Từ chối chẳng được, cuối cùng Nguyễn Du cũng phải ra làm quan, để rồi sau này, vào năm 1813 khi 38 tuổi được cử đi sứ sang Tàu. Do sự đi sứ này mà sử sách về sau cho rằng Truyện Kiều đã được viết sau khi ông đi sứ về, mang theo quyển tiểu thuyết của người Tàu nhan đề là Thanh Tâm Tài Nhân, đến khi về nước mới phỏng theo cốt truyện ấy để viết nên Đoạn Trường Tân Thanh, sau này được gọi tên thống nhất là Truyện Kiều, nay là đệ nhất danh phẩm của dân tộc Việt Nam ta.
Nguyễn Du mất năm 1820, vừa đúng 55 tuổi, để lại Truyện Kiều cho hậu thế nâng niu, và căn cứ theo từng giai đoạn đau thương của cuộc đời ông mà phỏng đoán ý nghĩa từng câu từng đoạn trong tác phẩm. Nhưng thật ra, cả một dân tộc dầu một lòng yêu quý Truyện Kiều, vẫn chưa bao giờ đồng ý với nhau về những điều phỏng đoán ấy cả.
 
Về thời điểm viết Truyện Kiều, thì theo sự công bố mới nhất gần đây của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, thì đây là lần đầu tiên thời điểm này được chính thức xác định: Truyện Kiều đã được viết ra vào đời Tây Sơn, trước khi
 
Nguyễn Du đi sứ bên Tàu, chứ không phải là sau đó, như đã từng ghi nhận. Và Truyện Kiều đã được viết bằng tiếng Việt, chữ Nôm, cảm hứng từ bản chữ Hán tình cờ đọc được của người Tàu, vì đây là giai đoạn thịnh hành của tiếng-Việt-chữ-Nôm đã nổi lên từ cuối thế kỷ 17 cho đến đời Minh Mạng, thời của những Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm. Thế nghĩa là: Nguyễn Du đã hoàn thành tác phẩm này từ lúc còn rất trẻ, trên dưới 30 tuổi thôi.
Truyện Kiều là đệ nhất danh phẩm của dân tộc là điều có thể chứng tỏ được bằng nhiều dữ kiện lịch sử văn học. Thứ nhất, tác phẩm được nói đến nhiều nhất trong văn chương Việt. Thứ hai tác phẩm được in lại nhiều lần nhất, và thứ ba, tác phẩm được quảng bá sâu rộng trong dân gian dưới nhiều hình thức.
  
MỘT: TRUYỆN KIỀU ĐƯỢC NÓI TỚI NHIỀU NHẤT.
Từ 1825 cho đến 1994, đã có hơn vô số bài viết, những luận án, hoặc những số báo đăng tải phê bình, nhận xét về Truyện Kiều của Nguyễn Du. Dưới đây là liệt kê hơn 50 tác giả Việt đáng kể đã từng luận bàn Truyện Kiều, và một số bình luận tiếng Nhật và tiếng Hán.
1825: Phạm Qúy Thích là người đầu tiên viết, bài Tống Vinh Đoạn Trường Tân Thanh.
1871: Vua Tự Đức viết bài Tổng Từ về Truyện Kiều.
1905: Tổng Đốc Lê Hoan thành lập Tao Đàn Hưng Yên, và mở cuộc thi Vịnh Kiều.
1919: Phạm Quỳnh đăng bài trên báo Nam Phong chính thức ca ngợi Truyện Kiều.
1919: Huỳnh Thúc Kháng và Ngô Đức Kế đăng bài đả kích trên báo Tiếng Dân và Hữu Thanh.
1920: Phan Khôi đăng bài trên báo Phụ Nữ Tân Văn cảnh cáo các nhà học phiệt về Truyện Kiều.
1924: Phạm Quỳnh tổ chức lễ kỷ niệm Nguyễn Du lần đầu tiên.
1923: Vũ Đình Long viết bài triết lý và luân lý Truyện Kiều đăng trên báo Nam Phong.
1924: Tản Đà chú thích và bình luận Vương Thúy Kiều Tân Truyện.
1924: Phan Sĩ Bằng, Lê Thước viết Truyện cụ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều.
1929: Hồ Đắc Đàm viết Truyện Kiều dẫn giải.
 1936: Trần Trọng Kim viết Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều.

 1941: Hoàng Ngọc Phách viết Cô Kiều đáng khen hay đáng chê.
1941: Hoàng Ngọc Phách viết Văn chương và luân lý Truyện Kiều.
1941: Dương Quảng Hàm viết Truyện Kim Vân Kiều của Nguyễn Du trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu.
 1942: Nguyễn Bách Khoa viết Nguyễn Du và Truyện Kiều.
 1942: Trường Chinh viết Nguyễn Du và Truyện Kiều.
1943: Đào Duy Anh viết Khảo luận về Kim Vân Kiều.
1952: Vương Thúy Kiều chú giải tân truyện được nhà xuất bản Hương Sơn in lại.
1953: Lê văn Hoè viết Nho giáo và Truyện Kiều.
1953: Lê văn Hoè viết Truyện Kiều chú giải.
1953: Lê Xuân Mỹ viết Khảo cứu Truyện Kiều.
1953: Trương Tửu viết Văn chương Truyện Kiều.
1954: Huyền Mặc Đạo Nhân viết Dẫn giải Truyện Kiều.
1955: Nam Hưng viết Ảnh hưởng triết lý Á Đông trong Truyện Kiều.
1956: Vũ Bằng viết Kim Vân Kiều của Nguyễn Du.
1959: Văn Hoè viết Truyện Kiều chú giải.
1959: Lê Tuyên viết Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh.
1960: Thái Văn Kiểm viết Văn Chương, Triết Lý và Khoa học trong Truyện Kiều.
1962: Phan Ngọc viết Kim Vân Kiều.
1960: Một nhóm giáo sư viết Chân dung Nguyễn Du.
1962: Vũ Hữu Tiềm viết Kiều của Nguyễn Du.
1964: Nguyễn Đăng Thục viết Tâm lý văn nghệ Truyện Kiều của Nguyễn Du.
1965: Một nhóm giáo sư Saigon viết Kỷ niệm đệ nhị bách chu niên thi hào Nguyễn Du.
1965: Lê Ngọc Trụ, Bửu Cầm viết Thư mục về Nguyễn Du gồm có 574 tác phẩm và bài viết về Nguyễn Du (Bộ Giáo Dục xuất bản), gồm có bài của:
Nguyễn văn Trung: Đặt lại vấn đề Truyện Kiều,
 

Trần Bích Lan: Những Nẻo Đường Tự Do,
Vũ Khắc Khoan với Nguyễn Du và tình yêu,
Việt Tử với Minh oan cho Thúy Kiều.
Ngoài ra còn có Nguyễn Khắc Hoạch, Đông Hồ, Thanh Lãng, Thích Thiẹân Ân, Bửu Cầm và Tạ Quang Phát, Trịnh Huy Tiên, Trần Cửu Chấn, Phạm văn Sơn, Thạch Nhân, Đàm Quang Hậu, Trần Quang Thuận.
1965: Trong quyển Etudes Vietnamiennes, Nguyen Du et Le Kieu, 4se edition en langue étrangère, Hà Nội, có những bài của Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Khắc Viện về Truyện Kiều của Nguyễn Du.
1965: Tại miền Bắc, qua tập Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du do nhà xuất bản Khoa Học và Xã Hội, Hà Nội, ta thấy một thư mục liệt kê các tài liệu về Nguyễn Du trên dưới 100 tập.
1968: Nguyên Sa viết trên tạp chí Nghiên Cứu và Phê Bình Văn Học bài “16NguyễnDu”, nhận định về Truyện Kiều.
1971: Tô Nam Nguyễn Đình Diệm viết Kim Vân Kiều – Thanh Tâm Tài Tử.
1973: Hà Huy Giáp viết lời giới thiệu Truyện Kiều do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích.
1977: Tại hải ngoại, tập san Văn Hóa Xã Hội số Tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du đăng bài của những tác giả cổ kim sau đây: Bùi Kỷ, Đoàn Tự thuật dịch Chu Manh Trinh, Lê Xuân Giáo, Nguyễn Phương, Nghiêm Xuân Hồng, Phước Quê, Hoàng Văn Đức, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Hữu Sáng, Vũ Quang Hân, Lưu Kim Phương, Trần Ngọc Minh, Lê Thọ Giáo.
1993: Linh mục Vũ Đình Trác viết bộ sách Triết lý nhân bản Nguyễn Du.
1993: Nguyễn Thùy và Trần Minh Xuân viết quyển: Đoạn Trường Tân Thanh, Tiếng Vui Thay Lời Buồn.
Hán ngữ thì có:
1955: Kim Vân Kiều bình giảng của Lý văn Hùng.
Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân nguyên ấn mộc bản bằng Hán Tự, đời Thanh, tàng trữ tại nội các văn khố, Tokyo, và tại Đông Dương Văn Hóa Nghiên Cứu Sở, trực thuộc Đại học Tokyo, Nhật bản.
Nhật ngữ thì có:
1942: Kim Vân Kiều của Komatsu Kiyoshi, Tokyo .
1960: Kim Vân Kiều Khảo của Tetakenaka Isoshiro.

HAI: TRUYỆN KIỀU ĐƯỢC IN ĐI IN LẠI nhiều lần .

 Theo ông Đặng Thanh Lê, được nhắc tới trong quyển Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du của linh mục Hán Chương Vũ Đình Trác, thì Truyện Kiều của Nguyễn Du được xuất bản và tái bản đến 23 lần bằng chữ Nôm, 72 lần bằng chữ Quốc Ngữ. Sau đây là những bản mà chúng ta biết được, cho đến nay:
1825: Chỉ 5 năm sau khi Nguyễn Du mất, bản đầu tiên được khắc in là do ông Phạm Quí Thích, thường gọi là bản Phường.
Bản dịch từ Nôm ra Việt đầu tiên cho Đoàn Tự Thuật in trong tạp chí Nam Phong dưới bút hiệu Đoàn Qùy.
Bản Liễu Văn Đường bằng chữ Nôm gọi tắt là Liễu Văn.
1871: Bản do vua Minh Mạng chủ trương theo bản chính Hoa Đường đã rách nát.
1871: Bản Kim Vân Kiều Tân Truyện, Liễu Văn Đường tàng bản, do Tiền Điền Lễ Tham Nguyễn Hầu chủ trương.
1875: Bản Kim Vân Kiều Tân Truyện của Trương Vĩnh Ký.
1879: Bản Kim Vân Kiều Tân Truyện, Thịnh Mỹ Đường tàng bản, đời Tự Đức năm Kỷ Mão.
1882: Bản Kim Vân Kiều, Liễu Văn Đường tàng bản, đời Tự Đức năm Nhâm Ngọ niên.
Bản Kinh là bản Truyện Kiều Nôm do vua Tự Đức và triều thần sửa lại.
1902: Bản Kiều Oánh Mậu, chữ Nôm, gọi tắt là KOM.
1904: Bản Kim Vân Kiều Truyện Quảng Tập.
1906: Bản Quản Văn Đường, chữ Nôm.
1906: Bản thực hiện bởi nhóm Chu Mạnh Trinh.
1906: Bản Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim do Tân Việt xuất bản và tái bản.
1912: Bản Kim Vân Kiều của Nguyễn văn Vĩnh.
1917: Bản Kim Thúy Tình Từ của Pham Kim Chi.
1918: Bản Phúc Văn Đường, chữ Nôm.
1926: Bản Kim Vân Kiều, nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội.
1922: Bản Kim Vân Kiều Tân Tập, Quảng Thịnh Đường tàng bản, Khải Định thất niên.
1929: Bản Kim Vân Kiều Tân Truyện, Phúc Văn Đường tàng bản, Bảo Đại Kỷ Tỵ.
1974: Truyện Kiều Nguyễn Du, do nhà xuất bản Lá Bối in tại Paris .
1975: Truyện Kiều Nguyễn Du do nhà xuất bản Người Việt tại Hoa Kỳ.
Bản Văn Hồng Thịnh cũng là Truyện Kiều xuất bản ở Hà Nội (không đề năm, tháng).
Truyện Kiều: Tác Giả, Nhân Vật và Luân Lý/ Đặng Cao Ruyên/ Nhà XB Miền Đông Hoa Kỳ, 2005)
 
BA: TRUYỆN KIỀU ĐƯỢC PHỔ BIẾN RỘNG TRONG DÂN GIAN DƯỚI MỌI HÌNH THỨC.

Văn chương, dầu trác tuyệt đến đâu, xưa nay cũng chỉ được tán thưởng rất giới hạn bởi giới thượng lưu trí thức, nhưng cũng có một số vượt ra ngoài biệt lệ đó, thì tiếc thay lại chỉ như nghiêng nhẹ hay nặng về phía bình dân. Duy chỉ có Truyện Kiều, bác học, rất bác học, bình dân cũng thật bình dân, không phân biệt giai cấp, không gian hay thời gian. Từ thuở mới ra đời được yêu mến như thế nào thì đến nay vẫn dành trọn vẹn tình cảm của người đọc, người nghe như vậy.
Trên có vua quan, dưới có gã đánh xe, người lão bộc, ngoài đồng ruộng có anh nông phu, chị đi cấy đi cày. Hơn một người đã phải băn khoăn tự hỏi: Truyện Kiều có cái ma lực gì mà hấp dẫn đến như vậy?
Một, là vì được phổ biến rộng trong dân gian Việt Nam dưới nhiều hình thức.
Từ xưa đã có những món đặc biệt xâm nhập vào đời sống đại quần chúng như là: ngâm Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, đố Kiều, ru con bằng Kiều, triển lãm tranh Kiều, vân vân.
Ngâm Kiều như các ả đào xưa đã ngâm, như bà Đàm Mộng Hoàn thuở mới vượt tuyến từ Bắc vào Nam đã ngâm làm thổn thức lòng người, như Hồ Điệp, như Hồng Vân của Tao Đàn miền Nam, đến nay vẫn còn chưa ai thay thế được.
Viết Tựa Truyện Kiều, không ai viết bằng tất cả tấm lòng, lâm ly bi đát như Chu Mạnh Trinh, mà cho đến nay, nhiều người thuộc lòng những đoạn rất mùi, như:
Than ôi, một bước phong trần, mấy phen chìm nổi, trời tình mờ mịt, bể hận mênh mông... Ta cũng nói tình, thương người đồng điệu, cái kiếp không hoa lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng (Chu Mạnh Trinh)
Vịnh Kiều, tiêu biểu như Phạm Quí Thích, Chu Mạnh Trinh, vừa là thi nhân vừa là đại khoa bảng, đã chiếm giải nhất kỳ thi vịnh Kiều từ năm 1905 với tập thơ Nôm, mà sau đây là một bài được ưa thích nhất bởi hậu thế:
Kiều Đi Thanh Minh
Màu xanh ai khéo vẽ nên tranh
Nô nức đua nhau hội Đạp Thanh
Phận bạc ngậm ngùi người chín suối
Duyên may run rủi khách ba sinh
Dưới hoa nép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình
Man mác vì đâu thêm ngán nỗi
Đường về chuông đã gác chênh chênh
Tập Kiều là chép một câu thơ Kiều 6 chữ của đoạn này với một câu 8 chữ của đoạn khác, nhiều khi rất xa cách nhau (trong Truyện Kiều) để làm thành một bài thơ có ý nghĩa riêng, tâm sự riêng của mình. Như một bài thơ của Cao Tiêu chẳng hạn, với 4 câu đầu:
Từ đây góc bể chân trời
Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu
Một phen tri kỷ cùng nhau
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà!
            (Cao Tiêu)       
Lẩy Kiều là chọn rút ra một vài câu, vài đoạn trong thơ Kiều để phỏng theo mà diễn đạt ý. Thí dụ:
Thanh Minh trong tiết bộ hành chơi
Tình nọ, duyên này vướng cả hai,
Thường kẻ dấu giày in mặt đất
Cảm ai màu áo nhuộm da trời
Vừa tập Kiều vừa lẩy Kiều, cả trong văn lẫn thơ, thì đồng thời với chúng ta có nhà thơ Bùi Giáng, được yêu mến ở trong nước, và ca tụng rất nhiều ở hải ngoại. Thử đọc hai câu lẩy Kiều của ông:
Trông chừng khói ngất song thưa
Bụi hồng lẽo đẽo chưa vừa chiêm bao
Tuần mưa cữ gió người nào...
(Bùi Giáng)
Và trong văn, ông cũng lẩy và tập được, như thế này:
Tôi mượn lời ... ông Du viết lại tái Tân Thanh. Lấy trong ý tứ mà suy, thì bài ra bài vịnh kể gì vịnh ra? Tuy nhiên, nếu như tổng hợp mà còn ngụ trong tính tình nên câu tuyệt diệu, thì cái sự tình tại hạ gây nên cũng chẳng phải là toàn nhiên dấm dớ!
(Bùi Giáng, Mùa Thu Trong Thi Ca, tr 27-28).
Bói Kiều là dùng Truyện Kiều làm sách bói: đọc lên câu thơ thế nào thì cho rằng vận mệnh hên xui của mình cũng như thế. Ví dụ, bói phải câu: “Màu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” thì thôi, hết thời rồi, đừng có mong chuyện làm ăn, buôn bán gì nữa!
Còn như ru con bằng thơ Kiều thì mẹ tôi từng ru tôi, mẹ anh từng ru anh, ru chị, làm sao có thể quên:
À ơi à...
Trăm năm trong cõi người ra
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau...
Ạ ạ ơi...
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san..
 
Còn như vẽ tranh Kiều thì phải nhớ đến trước tiên những bức sơn mài của họa sĩ Tú Duyên, nổi danh từ những thập niên 50 với những tác phẩm thuần túy Việt Nam, đặc biệt là tranh Kiều, đã từng được trưng bày trong những kỳ triển lãm lớn.
Lý do thứ hai khiến Truyện Kiều có cái ma lực gì mà hấp dẫn đến như vậy là vì đã được phổ biến rộng qua các bản dịch.
Với cảm tình đặc biệt cũng như lòng tôn kính pha lẫn niềm tự hào dân tộc, các nhà trí thức Việt Nam thấm nhuần Tây học dưới thời Pháp thuộc cũng như sau này dưới chế độ Việt Nam Tự Do, và cả bên Xã Hội Chủ Nghĩa cũng hết sức quan tâm đến việc phổ biến đệ nhất danh phẩm này của dân tộc và văn hoá Việt Nam ra ngoài thế giới. Trước tiên, phải kể đến những bản dịch Pháp văn cũ, có:
Kim Van Kieu Tan Truyen, dịch và xuất bản bởi Abel Des Michels.
Kim Van Kieu Tan Truyen, Nouvelle histoire de Kim, Van et Kieu. Dịch và xuất bản bởi Edmond Nordemann.
Kim Ven Kieou, dịch bản bởi L. Masse.
Kim Van Kieou, le célèbre poème Annamite dịch bởi Réne Crayssac.
Poème de Kim Van Kieu Truyen. Dịch sang Quốc Ngữ và chú giải bởi Trương Vĩnh Ký.
Kieu. Dịch và chú giải bởi Nguyễn văn Vĩnh.
Kieu. Dịch từ tiếng Việt bởi Xuân Phúc và Xuân Việt.
Kim Van Keou, poème populaire Annnamite. Paris, Challamel, 1915 của Thu Giang.
Bản dịch tíếng Thụy Điển, mang tên Kim Och Kieu, bởi KVR.
Bản dịch tiếng Đức. Dasmadchen/Kieu do Ubertragon Von Irene.
Bản dịch tiếng Anh. The Tale of Kieu của Huỳnh Sanh Thông, Hoa Kỳ.
Một bản dịch ra tiếng Tiệp Khắc.
Một bản dịch ra tiếng Ả Rập.
Bản dịch ra tiếng Nhật bởi Komatsu Kihoshi: Kim Van Kieou, xuất bản tại Tokyo năm 1943.
Bản Hán ngữ, Kim Vân Kiều của Trương Cam Vũ, Chợ Lớn, Vĩnh Hưng ấn quán, 1962.
Ngoài ra, Truyện Kiều còn được giới thiệu rộng rãi bỏi các dịch giả miền Bắc Việt Nam tới các nước Xã Hội Chủ Nghĩa như Liên Xô, Trung Quốc, Albani, Hungary, Romania, Tiệp Khắc, Cuba, Campuchia...
 
Đả kích giá trị của Truyện Kiều trên mặt đạo đức, luân lý.

Từ khi Truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời đã lập tức đón nhận những tình cảm âu yếm nhất của những người yêu thơ nhất, như Phạm Quí Thích, Chu Mạnh Trinh. Nhưng đồng thời cũng đã làm bùng nổ nhiều cuộc tranh luận giữa một số nhà trí thức rất đáng kể, đến nỗi sau này trong 2 bộ Từ Điển Văn Học tập 1 và 2 do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Hà Nội thực hiện năm 1983, đã có một mục dành riêng cho vụ này, gọi là Tranh luận về Truyện Kiều, khi tra tự điển thì phải kiếm vần TR.
Hãy trở lại không khí sôi động từ buổi bình minh dưới thời gọi là phong kiến ấy. Hơn một nhà Nho, nhà ái quốc đã nhập cuộc, lên tiếng đả kích áng văn chương đi trước thời đại này, trước tiên, về phương diện đạo đức luân lý. Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, vào tuổi 73 còn được hú hí với ả hầu non hơ hớ, và làm thơ:
Kìa những người mái tóc trắng phau phau
Còn run rẩy kẻ đào tơ hây hấy
Tân nhân lục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!
            (Nguyễn Công Trứ)
Thế mà lại là người mắng mỏ Nguyễn
 
Du qua Thúy Kiều bằng những lời cay độc nhất:
Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm!
            (Nguyễn Công Trứ)
Từ năm 1803, đã có bản nghị án Thúy
Kiều về phương diện đức hạnh do ông Nguyễn
văn Thắng nào đó, phê rằng:
Xét sau trước đủ nhân, trinh, hiếu, nghĩa
Thương lâu nay lầm tuyết, nguyệt,
phong, hoa. (Nguyễn văn Thắng)
Các cụ lên mặt đạo đức quá khiến trong dân gian đã lan tràn câu ca dao răn đe nghiêm khắc:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều
 
ĐẢ KÍCH GIÁ TRỊ CỦA TRUYỆN KIỀU VÌ THIÊN KIẾN CHÍNH TRỊ.

Từ khi nước ta bị người Pháp xâm chiếm và đặt ách đô hộ, áng văn chương vô thưởng vô phạt về chính trị kia lại trở thành cái cớ bung xung hàng đầu cho các ngài có liên can đến món sát phạt này hùng hổ lời qua tiếng lại với nhau.
Năm 1924, tạp chí Nam Phong của chủ bút Phạm Quỳnh là người bị coi là theo Pháp thân Pháp, tổ chức lễ kỷ niệm thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên. Bài diễn văn của học giả họ Phạm nổ to như những phát súng thần công nhằm vào hàng ngũ địch là những nhà Nho yêu nước còn mưu đồ chuyện chống xâm lăng, dù rằng ông chỉ nói toàn chuyện văn chương từ một tác phẩm mà ông thực lòng yêu mến. Từ đó, có những câu tán dương Kiều bất hủ của quan Thượng Thư họ Phạm:
Truyện Kiều vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh Thư Phúc Âm của cả một dân tộc. Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.
            (Phạm Quỳnh)
Cả một làn sóng phẫn nộ dâng lên. Nhà Nho, nhà cách mạng yêu nước Ngô Đức Kế lên tiếng đả kích trước tiên, trong bài Chánh Học cùng Tà Thuyết, đăng trên báo Hữu Thanh, nói ngụ ý: tà thuyết chính là Truyện Kiều, chính là phong trào tán dương Kiều mà kẻ phát động chính là Phạm Quỳnh, đó vậy. Phụ họa với Ngô Đức Kế là Huỳnh Thúc Kháng, chủ bút báo Tiếng Dân ở Huế cũng lên tiếng đả kích Phạm Quỳnh với những lập luận tương tự: Truyện Kiều là thứ văn chương ủy mỵ, ru ngủ thanh niên để họ xao lãng việc chính trị: yêu nước, chống Pháp.
            (Huỳnh Thúc Kháng)
Pháp đang chân trong chân ngoài thì Nhật đến, Việt Minh lên. Bấy giờ lại có ông Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa) lôi Kiều ra để luận bàn chính trị. Tác giả Nguyễn văn Hoan trong mục Tranh Luận về Kiều đã ghi nhận:
Với hai cuốn Nguyễn Du với Truyện Kiều (1942) và văn Chương Truyện Kiều (1953), Nguyễn Bách Khoa tuyên bố chủ ý làm sáng tỏ một phương pháp nghiên cứu, khách quan khoa học, nhưng sự thực đã vận dụng đủ thứ lý thuyết, từ thuyết hoàn cảnh của Ten, phân tâm học bệnh lý của Freud, pha trộn với cả thuyết di truyền huyết thống và thuyết luận hồ đồ. Nguyễn Bách Khoa đã khẳng định Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh, và Thúy Kiều mắc bệnh ủy hoàng, lên án thể thơ lục bát là sản phẩm của một trạng thái nô lệ của dân tộc, Truyện Kiều là kết tinh phẩm của một chặng đường suy đồi nhất trên tràng kỳ tiến hóa của cá tính Việt Nam.
            (Nguyễn văn Hoan)
Sau này, ở một chỗ khác, phê bình về Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà văn Hà Huy Giáp còn đi đến một kết luận chính trị làm người đọc phải cười ra nước mắt. Ông Hà viết:
Lòng thương người của Nguyễn Du mênh mông vô hạn, nhưng ông không thể tìm thấy lối thoát trong vòng vây của giai cấp ông, thời đại ông. Phải đến những năm đầu của thế kỷ 20... Chủ tịch Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam , mới tìm ra được lối thoát.
            (Hà Huy Giáp, trích từ Đào Đăng Vỹ).
 
ĐẢ KÍCH GIÁ TRỊ CỦA TRUYỆN KIỀU VÌ TÌNH CẢM CÁ NHÂN.
Năm 1977, tại hải ngoại nhà văn Đào Đăng Vỹ đã ghi nhận trong đặc san tưởng niệm thi hào Nguyễn Du rằng: Hai nhà Nho học uyên thâm là Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng trong khoảng những năm 1930, đã vì ghét học giả Phạm Quỳnh là người thân Pháp đã quá bênh vực Truyện Kiều, nên hai ông đâm ra ghét lây Nguyễn Du và Truyện Kiều, mỗi lần nói đến Truyện Kiều thì gọi xếch mé là “Cuốn trăm năm trong cõi,” nói đến Thúy Kiều thì một điều “con đĩ Kiều,” hai điều “con đĩ Kiều,” thật là quá đáng!
Xem thế đủ biết, các cụ ta ngày xưa khi tranh luận văn chương cũng nặng lời với nhau lắm, chớ đâu phải bao giờ cũng ôn tồn trong sự tương kính so với hậu thế chúng ta bây giờ thường hay cãi cọ bôi nhọ lẫn nhau bất cố liêm sỉ.
Ngoài mấy cụ khả kính nói trên, còn phải kể đó đây rải rác đôi lời đả kích Truyện Kiều khi bị lôi ra như dẫn chứng sinh động cho các cuộc tranh luận về chủ thuyết vốn mông lung, như: Phái nghệ thuật vị nhân sinh đối lập với nghệ thuật vị nghệ thuật lập luận rằng: Văn chương Truyện Kiều phải chính là nội dung Truyện Kiều, vì nó là phần cốt yếu và vĩnh viễn. Thiếu phần ấy, Truyện Kiều chỉ là một cái xác chết (Hoài Thanh – Tao Đàn số 6, 1939.)
Nhưng chỉ có thế mà thôi. Trước sau kim cổ, chỉ vỏn vẹn có mấy vị đáng kể đã lên tiếng đả kích Truyện Kiều, chính thức và dữ dội: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Nguyễn Bách Khoa. Còn ngoài ra là một đội ngũ hùng hậu người cầm bút đã tự động sắp hàng đứng về phe bênh vực: Truyện Kiều của Nguyễn Du, đệ nhất danh phẩm.
Ngoài ra tất cả sách viết ra đều là để ca ngợi.
 
THỜI ĐẠI HOÀNG KIM CỦA TRUYỆN KIỀU
Thời đại hoàng kim của văn học Trung Quốc đã được khẳng định là đời Đường, kéo dài mấy trăm năm thi ca, từ Sơ Đường, Thịnh Đường đến Vãn Đường.
Với văn học Việt Nam, cho đến nay, hầu như giá trị Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã được khẳng định: Đó là đệ nhất danh phẩm, mà sự quan tâm, lòng yêu mến ngưỡng mộ, niềm hãnh diện, tự hào dân tộc đã được biểu lộ rõ ràng qua những sự kiện nêu trên. Càng rõ ràng hơn nữa khi cùng với thời gian và những cuộc biến thiên, tác phẩm này vẫn cứ giữ nguyên địa vị độc tôn như thế. Hơn một thức giả đã đồng ý như vậy.
Nhà thơ Nguyên Sa trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, trong một bài viết như là tổng kết về Truyện Kiều đã có những nhận định chính xác. Sau đây là trích dẫn từng đoạn cần thiết:
Sự kiện tất cả những người sắp hàng liên tục nhìn ngắm Nguyễn Du từ khi nhà thơ nằm xuống tới nay đã đóng góp để tạo thành, bên cạnh, trước mặt Nguyễn Du thi sĩ, một lô Nguyễn Du khác. Nguyễn Du như một sự kiện xã hội. Nguyễn Du như một hãnh diện lịch sử. Nguyễn Du như một biểu tượng quốc gia...
Chỉ riêng cái sự kiện Truyện Kiều chiếm chiếu nhất trong các chương trình văn chương trung học và đại học cũng đủ nói lên rằng chẳng còn gì là quan trọng nữa những tiếng kêu ca lo lắng về cái ảnh hưởng tai hại dâm đãng của Truyện Kiều. Chỉ nhìn những người làm văn học cũng đủ thấy chẳng còn ai coi là đứng đắn, dù những người chấp nhận lối phê bình xã hội, cái ý tưởng thơ Kiều bạc nhược, lục bát nô lệ.
Trong khi đó các anh nhìn coi, môn phái khen Kiều khoẻ ghê gớm. Lúc còn cãi cọ nhau ở cái thời tiền chiến êm ả đáng yêu đó, môn phái này đã khoẻ. Bây giờ, nó lại là một đại môn phái. Vua quan như Minh Mạng, Tự Đức. Có vua tất có triều thần. Có các nhà Nho học, Phạm Lập Trai, Thập Thanh Nhị, Mộng Liên Đường, Chu Mạnh trinh. Các nhà Nho học rồi những người viết chữ Quốc Ngữ: Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Vũ Đình Long, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Tường Tam. Và Hoài Thanh, và Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu. Và Đào Duy Anh, v.v.
Mỗi một nhóm người khen một kiểu. Mỗi người trong nhóm khen một lối. Lời khen ngợi nào cũng ào ạt, mãnh liệt, nồng nhiệt. Khen ghê quá. Vua Minh Mạng và những quân thần như Hà Tôn Quyền lấy Đoạn Trường Tân Thanh làm đề tài ngâm vịnh. Cái danh dự này lớn lắm mà một ông vua dành cho một tác phẩm văn chương. Vua Tự Đức không phải chỉ thích thú, chỉ thưởng ngoạn hay chỉ ngâm vịnh Truyện Kiều. Đoạn Trường Tân Thanh với ông vua thi sĩ này trở thành một đối tượng của đam mê: mê ngựa Hậu Bổ, mê Nôm Thúy Kiều.
Đấy, đặt cái môn phái khen Kiều bên cạnh môn phái chê Kiều, sự tương phản thật là rõ rệt. Chê bai lèo tèo có mấy người. Khen Kiều thì đông ghê. Bây giờ là một tập thể to lớn. Khen Kiều bây giờ trở thành một thứ minh giáo, và chê Kiều là một thứ tà giáo, một thứ bàng môn tả đạo.
Sự thống nhất quan điểm của số lượng người am hiểu văn chương tự nó đã có một giá trị ghê gớm. Với sự hỗ trợ của thời gian, với sự xác nhận của những chương trình học
vấn, những nghi lễ kỷ niệm, Truyện Kiều và Nguyễn Du bây giờ trở thành một sự kiện xã hội, một biểu tượng quốc gia, một đối tượng tôn giáo...
Thật thế, bây giờ, quan niệm phổ biến nó rõ rệt như thế này: Nguyễn Du là nhà thơ lớn nhất, là tác giả quan trọng nhất không phải chỉ của thế kỷ 19 mà còn của tất cả mọi thời đại dĩ vãng, hiện tại và cả tương lai văn chương Việt Nam. Bởi vì to lớn như thế, Nguyễn Du là niềm kiêu hãnh của dân tộc, là bằng cớ vững chắc chứng minh nền văn minh, nền văn hóa và nền văn nghệ nước ta.
            (Nguyên Sa)
Nhà thơ Nguyên Sa, giáo sư Triết học của miền Nam Việt Nam đã viết những dòng này vào năm 1968, trên tạp chí Nghiên Cứu và Phê Bình Văn Học tập 1, thời chưa có làn sóng vĩ đại người Việt đi ra nước ngoài sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Từ ấy đến nay, đã có thêm biết bao lời ca tụng mới nồng nhiệt chẳng kém, và còn hơn nhiều nữa, chưa kể sự tán thưởng của phía bên kia trong những sách xuất bản tại Hà Nội mà trước kia chúng ta ở miền Nam không có, nay đã được đọc tại Hoa Kỳ. Chính ông Nguyễn Văn Hoàn trong Tự Điển Văn Học của Hà Nội này đã cho biết:
Chính ngay Trương Tửu, với quan điểm tờ-rốt-xkít (Trotskist), bị nhiễu loạn tư tưởng cơ hội, đã từ bỏ thái độ miệt thị Truyện Kiều, miệt thị Nguyễn Du, lại chuyển sang thái độ cực lực tán dương. Dưới con mắt của Trương Tửu, Nguyễn Du đã biến thành một chiến sĩ nhiệt tình đề cao ý chí chiến đấu của con người chống phong kiến và Truyện Kiều là một tác phẩm cổ điển tiêu biểu cho văn học Việt Nam , là tiếng nói của tình cảm và lý trí đại chúng chống phong kiến. (Nguyễn văn Hoàn)
Kết luận, ông Nguyễn văn Hoàn cho rằng:
Những đợt tranh luận về Truyện Kiều chứng tỏ thái độ đối với di sản cổ điển thường bao hàm một thái độ chính trị rõ rệt. Nhưng nếu như nội dung Truyện Kiều luôn luôn đặt ra những nhận định trái ngược, thì về giá trị nghệ thuật, tuy phương pháp tiếp cận các tác phẩm khác nhau, quan niệm thẩm mỹ khác nhau, nhưng hầu hết mọi người đều nhất trí tán thưởng. (Nguyễn văn Hoàn)
Ông nhắc lời của Cao Bá Quát: “Nguyễn Du có tấm lòng cảm thông nhân tình”, và
nhắc lại lời nói tự thuở nào xa xưa của những người thông minh nhất, nhạy cảm nhất: Mộng Liên Đường, năm 1820:
“Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy... nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. (Nguyễn văn Hoàn)
Nguyễn Lộc, cũng trên Tự Điển Văn Học này chấm dứt bài viết của ông về Nguyễn Du rằng:
“Truyện Kiều là một cống hiến to lớn của nhà thơ đối với sự phát triển của ngôn ngữ dân tộc. Về phương pháp sáng tác, qua Truyện Kiều, chúng ta thấy Nguyễn Du đã phá vỡ rất nhiều nguyên tắc mỹ học truyền thống, những yếu tố ước lệ tưởng tượng của nghệ thuật phong kiến phương Đông để đi đến chủ nghĩa hiện thực”. (Nguyễn Lộc)
Nhưng dầu sao, tất cả trên đây cũng đều thuộc về dĩ vãng, gần nhất cũng ba bốn chục năm rồi. Sau năm 1975, trong cuộc đời thứ hai ở nước ngoài, ít nhất cũng đã có một lần lễ tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức với một đặc san, vào năm 1977; ít nhất cũng có hai bản Truyện Kiều được in lại; ở đó, ta lại đọc được những lời ca ngợi chí tình không hề giảm sút như:
Cuốn Đoạn Trường Tân Thanh hay Kim Vân Kiều của Nguyễn Du thật là một áng văn chương tuyệt bút, một áng văn chương toàn bích, không tiền khoáng hậu vậy.
            (Hồng Liên Lê Xuân Giáo).
Truyện Kiều của Nguyễn Du đối với dân tộc Việt Nam đã được đặt lên một địa vị tuyệt đỉnh mà không một tác phẩm nào trên thế giới sánh bằng; Kiều làm ta nghĩ đến Marie Madeline trong Thánh Kinh, Kiều còn hơn cả Fifi trong La Putain Respectueuse trong kịch bản của triết gia Jean Paul Sartre nhiều.
            (Đào Đăng Vỹ)
Từ lâu, tôi vẫn thầm coi cụ Nguyễn Du như là đệ nhất thi bá của Việt Nam , và có lẽ là đệ nhất thi bá của cả thế giới. Từ khi cầm bút, tôi vẫn ngần ngại không dám viết về Nguyễn Du, vì nhiều lẽ. Lẽ thứ nhất là văn chương của cụ quá hay: “Nửa vành tuyết ngậm bốn bề trăng soi,” hoặc “Đánh tranh lợp mái thảo đường/ Một gian nuớc biếc mây vàng chia đôi”... thì mình còn biết nói gì nữa đây?
            (Nghiêm Xuân Hồng)
Lời nói đầu của nhà Xuất Bản Người Việt khi cho tái bản Truyện Kiều trên đất khách vào năm 1976 mở đầu rằng:
Nói về tầm quan trọng của Truyện Kiều trong văn học Việt Nam , trong đời sống của dân tộc Việt Nam , là điều không cần thiết. Ai cũng biết, từ hơn 150 năm nay, Truyện Kiều đã được người Việt Nam qúy chuộng ra sao, bất cứ ở đâu, bất cứ dưới chế độ nào. Truyện Kiều là niềm hãnh diện của dân tộc Việt Nam , là sự cần thiết trong cuộc sống tinh thần của người Việt Nam . (Nhà Xuất Bản Người Việt)
           
Cho đến năm 1993, cuốn Triết Lý Nhân Bản Nguyễn Du của linh mục Vũ Đình Trác ra đời tại Hoa Kỳ – đồng thời cũng là luận án triết học Việt Nam của ông – lại thêm một lần nữa khẳng định địa vị độc tôn của Truyện Kiều Nguyễn Du trong văn học Việt Nam, nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, và đặc biệt nhấn mạnh ở triết lý nhân bản Nguyễn Du trong tác phẩm này, coi như khám phá mới của ông. Ông viết:
Hiện nay văn học Việt Nam càng khai thác Nguyễn Du nhiều hơn. Người ta có thể phủ nhận ông ở điểm này hay điểm khác, nhưng trên căn cứ nhân bản (tình người), thì ai cũng bái phục ông và tôn ông làm thầy dạy tình người. Nói rõ hơn, ở mảnh đất quê hương ông ngày nay, những người cộng sản cũng như không cộng sản đều gặp nhau trên căn cứ nhân bản ấy, để xưng tụng là đệ nhất thi hào của dân tộc. (Vũ Đình Trác)
Cũng trong bộ sách luận án Triết học này, chính tác giả cho độc giả biết thêm nhiều điều mới mẻ, như:
 
Riêng về bản dịch ra Pháp ngữ của René Crayssac thì chính dịch giả đã tuyên bố rằng: Sở dĩ tôi dịch Kim Vân Kiều là vì áng thơ kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh mà không sợ kém văn chương kiệt tác nào của bất cứ thời nào và nước nào. Ông còn thú nhận: Điểm đặc sắc khiến ông hâm mộ Truyện Kiều của Nguyễn Du là vì ông đã đọc thấy ở đó Hồn Việt Nam, nó nói lên tất cả tinh thần Việt Nam vì thơ Nguyễn Du là những vần thơ đầy
sắc thái dân tộc. (Vũ Đình Trác)
 
CA NGỢI , CA NGỢI VÀ THẦN PHỤC.
Trải qua gần 200 năm từ khi tác phẩm ra đời,
trừ ra vài đợt sóng xôn xao nghiêng ngả vì ảnh hưởng thời thế, tất cả sách vở viết ra đều là để ca ngợi và thần phục mà thôi. Cho nên, có thể nói không sợ nhầm lẫn rằng: Từ khi tác phẩm 3250 câu thơ lục bát của Nguyễn Du ra đời, thời đại nào cũng là thời đại hoàng kim của Truyện Kiều.
Trên đây, qua một cuộc hành trình theo dấu Truyện Kiều của Nguyễn Du, kéo dài từ đầu thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ thứ 20, đã khẳng định:
Truyện Kiều của Nguyễn Du, đệ nhất danh phẩm, và
thời đại nào cũng là thời đại hoàng kim của Truyện Kiều.
Trong năm 1995, chúng tôi có đọc được vài bài viết gọi là mổ xẻ Truyện Kiều như là bài của người viết ký tên Đồ Bỏ, đăng trên tờ báo Việt Nam Mới ở Seattle, và bài của ông Tạ Quang Khôi tại Virginia, cũng có nhặt ra được vô số là hạt sạn, coi như là những sơ sót về phương diện kỹ thuật của tác giả. Tuy nhiên, ông Đồ Bỏ, sau khi mổ xẻ bằng lời văn bỡn cợt, thông minh và duyên dáng, đã vội kết luận rất xây dựng rằng:
Một áng văn chương tuyệt bích như thế xứng đáng là viên ngọc quý (và có lẽ là viên ngọc quý nhất) trong kho tàng văn học nước ta. Những sơ hở nói trên không đủ để làm giảm giá tác phẩm, và như Phạm Quỳnh nói: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Hy vọng là bài viết này gây được sự tò mò của giới trẻ ở hải ngoại để chú ý mà trân trọng nâng niu gìn giữ các gia tài tinh thần qúy báu của tiền nhân để lại. (Đồ Bỏ)
                       
Những bài mổ xẻ như thế buộc chúng ta phải kết luận rằng những sơ sót về kỹ thuật dựng truyện trong Truyện Kiều quả thật là đầy rẫy, chứ không hiếm đâu. Được hỏi nghĩ sao về những hạt sạn ấy, một cụ bà thượng thọ 82 đã từng giảng dạy văn chương Truyện Kiều trước đây ở quê nhà mỉm cười nói:
Tôi là người đã mê Truyện Kiều từ năm lên 10 tuổi, và đến bây giờ vẫn còn yêu. Yêu là yêu cái tài văn chương trác tuyệt của Nguyễn Du, đến nỗi biết là có những điểm sai lầm vô lý như thế mà cũng chẳng quan tâm, vì khi nhà thơ tả Từ Hải “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” là đại ý chỉ muốn nói ông ta dáng người cao lớn uy nghi thế thôi. Và khi thi hào nói: “Mỗi trời thu để riêng ai một người” là ông chỉ làm thơ thôi, chắc cũng chẳng quan tâm đến chuyện lúc Kim Trọng đi về Lâm Truy để thọ tang thì là mùa Hè, mà chỉ có mấy ngày sau, Thúy Kiều bán mình thì đã là mùa Thu. Như tất cả giá trị của Truyện Kiều chỉ là thơ thôi, ngoài ra không có gì đáng kể.
Có thể nào như vậy được không? Hay cần phải nói thêm rằng: Là thơ, viết bằng tất cả tình cảm sôi động, nồng nàn của một thi tài xuất chúng, thực sự yêu thương cuộc đời, và biết thế nào là sức mạnh của tình yêu. Tiếc thay, thi sĩ đã giã biệt cõi đời quá sớm, khiến cho tài năng lớn của ông chỉ kịp dành cho một tác phẩm nhỏ (dù sao cũng nhỏ đối với tài năng lớn của ông). Và như vậy đã đủ chưa, hay chúng ta còn phải tiếp tục bàn cãi với nhau nhiều hơn nữa, trước khi tiếp tục đưa Truyện Kiều ra trình diện với năm châu thế giới như là đệ nhất danh phẩm của dân tộc?

 1995

Tài liệu biên khảo này hoàn tất ngày đầu Xuân Bính Tý 1995. Cho đến nay, vẫn còn tiếp tục không ngừng nhiều bài viết giá trị khác, cho đến một ngày bức tượng Nguyễn Du được dựng lên tại làng Tiên Điền thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tượng lớn hơn người, cao gần hai thước: tượng của đại thi hào Nguyễn Du.
___________________________________________________________
Tài liệu tham khảo
- Tạp chí Nghiên Cứu và Phê Bình Văn Học, tập 1.
- Từ Điển Văn Học Hà Nội, tập 1 và 2.
- Triết Lý Nhân Bản của Nguyễn Du, Hán Chương Vũ Đình Trác.
- Đoạn Trường Tân Thanh, Tiếng Vui Trong Lời Buồn, Trần Minh Xuân và Nguyễn Thùy.
- Từ Điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh.
- Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Dương Quảng Hàm.
- Văn Hiến, Tập San Tưởng Niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du.
- Mùa Thu Trong Thi Ca, Bùi Giáng.
- Tập San Khải Định 48-55, bài của Ngự Thuyết: “Viếng Mộ Nguyễn Du”.
- Truyện Kiều, tái bản tại Hoa Kỳ, nhà xuất bản Người Việt.
- The Tale of Kieu, Huỳnh Sanh Thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét