Tương quan giữa Truyện Kiều và Kinh Dịch
Từ trước đến nay nói đến Truyện Kiều các nhà nghiên cứu thường chỉ đề cập đến mối quan hệ giữa Truyện Kiều và Phật Giáo, Nho Giáo, Lão Giáo chứ chưa ai đá động đến mối liên hệ sâu xa giữa Truyện Kiều và Kinh Dịch. Sự thực ma lực của Kinh Dịch chi phối khá sâu sắc đối với Truyện Kiều.
Lúc nằm dưỡng bệnh ở quê nhà Nguyễn Du đã chịu ảnh hưởng Kinh Dịch khi viết:
An đắc huyền quan minh nguyệt hiện
Dương quang hạ chiếu phá quần âm
(Ngọa bệnh)
Nguyễn Huệ Chi đã viết khi dịch hai câu này: "Lúc chưa ra làm quan, sự ngột ngạt trong tâm hồn khiến Nguyễn Du đã có lúc phải kêu gọi ánh sáng:
Ước gì vầng trăng sáng xuất hiện ngay trước cửa
Ánh sáng dọi xuống xua đuổi mọi bóng tối
Thực ra đây là cách chơi chữ của Nguyễn Du. Câu này Nguyễn Du ám chỉ quẻ Phục. Quẻ Phục trong Kinh Dịch ghép bởi hai quẻ đơn: quẻ Khôn-Địa có 3 hào âm; quẻ Chấn-Lôi có 2 hào âm và một hào dương, thành ra quẻ Địa-Lôi-Phục có 5 hào âm ở trên và một hào dương ở dưới cùng. Phục là hồi phục, ở đây là ước muốn lành bệnh, 5 hào âm là quần âm, dương quang là hào dương. Theo Dịch lý mọi vật đến cùng cực thì biến đổi, quẻ Thuần-Khôn có 6 hào âm nghĩa là đã đi đến cùng cực, lúc đó một hào dương sẽ xuất hiện ở dưới cùng (vị trí hào sơ) biến đổi quẻ Thuần-Khôn thành quẻ Địa-Lôi-Phục, sau đó dương sẽ lần lượt tiến lên thay thế hào âm ở các vị trí hào 2, 3, 4, 5, 6. Khi âm bị thay thế hoàn toàn đó là đến thời quẻ Càn, thuần dương, dương đến cùng cực thì sẽ biến đổi, một hào âm sẽ xuất hiện ở dưới đổi quẻ Càn thành quẻ Cấu, vòng chuyển đổi liên tục không ngừng.
Cách chơi chữ tài hoa này, không biết có được Nguyễn Du vận dụng trong khi viết Truyện Kiều hay không. Điều này khó biết được, ngay cả đến Phạm Quý Thích người đã từng viết "Chu Dịch vấn đáp toát yếu" bạn thân của Nguyễn Du cũng không nhắc đến. Nhưng sự kiện này lại bàng bạc ẩn dấu khắp Truyện Kiều như một sự thật hiển nhiên khiến ta không thể bỏ qua.
Một hiện tượng khá thích thú là Truyện Kiều và Kinh Dịch đều được quần chúng tôn sùng và dùng làm sách bói khá linh nghiệm. Có thuyết cho rằng Kinh Dịch vốn là sách bói toán sau được nâng thành sách triết đứng đầu ngũ kinh. Kinh Dịch gồm thâu vũ trụ trong 64 quẻ, mỗi lời hào được thiết kế theo kiểu bói toán với những lời phán ấn định giá trị cho mỗi sự kiện, cảnh ngộ, tình tiết là tốt hay xấu, có lợi hay hại, có lầm hay không, vì vậy Kinh Dịch làm sách bói là chuyện hiển nhiên, nhưng sao một Truyện thơ như Kiều lại có thể thành sách bói, làm sao những nhân vật như Kiều, Từ Hải, Giác Duyên lại được con người tìm đến nhờ giải đáp những vấn nạn trước cuộc đời đa đoan kính tín như Tiên, như Phật: "Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thuý Kiều...". Truyện Kiều tuy là truyện phóng tác, nhưng nguyên tác của Thanh Tâm Tài Nhân không đủ sức thần hoá như của Nguyễn Du, điều đó hẳn nhiên đã nói lên sức sáng tạo tuyệt vời của bậc thi thánh Việt Nam mà mỗi câu thơ như đồng cảm với tâm trạng, cảnh ngộ, thân phận nhân sinh trong "cõi người ta". Một trong những bí ẩn làm nên sức thu hút của Truyện Kiều chính là Nguyễn Du đã thiết kế Truyện Kiều trên đất Kinh Dịch, mỗi nhân vật trong truyện Kiều lại có sức chứa hình tượng của một quẻ đơn trong tám quẻ đơn cơ bản cấu tạo nên Dịch.
Toàn bộ Truyện Kiều có thể tóm lại trong một quẻ Phục, Phục là hồi phục, là trở về. Đó là chuyện một người con gái khuê các gặp nạn, phải đem thân lưu lạc giang hồ, sau 15 năm lại được trở về đoàn tụ với gia đình, với người yêu, phục hồi nhân phẩm, tuyết sạch giá trong. Khi Thuý Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường, Nguyễn Du đã dùng quẻ Phục để chuyển mạch: "Trong cơ âm cực dương hồi khôn hay" (Kiều, 2646). Bố cục Truyện Kiều cũng được cấu trúc theo dạng quẻ Phục:
Quẻ Phục
Truyện Kiều
Hào 6 Thượng Lục -----Kiều gặp Kim Trọng, gia đình Kiều mắc nạn
Hào 5 Lục Ngũ -----Kiều bán mình vào thanh lâu lần thứ nhất
Hào 4 Lục Tứ -----Kiều gặp nạn Hoạn thư
Hào 3 Lục Tam -----Kiều bị bán vào thanh lâu lần thứ hai
Hào 2 Lục Nhị -----Kiều gặp Từ Hải mắc nạn Hồ Tôn Hiến
Hào 1 Sơ Cửu -----Kim - Kiều tái hợp
Ở phần mở đầu Truyện Kiều, khi giới thiệu gia đình Kiều, Nguyễn Du nói đến Vương Quan trước, tiếp đến là Thuý Vân rồi mới đến Thuý Kiều, không theo thứ bậc chị trước em sau. Trúc Viên Lê Mạnh Liêu cho rằng ngày xưa trọng nam khinh nữ nên giới thiệu Vương Quan trước "tả Thuý Vân trước Kiều là cố ý dồn hết cái đẹp cho em để đến khi tả chị chỉ dùng hai chữ "phần hơn" là đủ. Cách làm đó Lê Mạnh Liêu khen là cao diệu. Chính xác, nhưng đó là cái nhìn mặt nổi về thi pháp, còn một cách nhìn tiềm phục cũng đáng lưu ý là Nguyễn Du đã giới thiệu ba chị em nhà họ Vương theo trình tự cấu trúc một quẻ Dịch. Quẻ đơn có ba vạch, vạch trên cùng tượng trưng cho hàng thiếu niên (em út) chỉ Vương Quan, vạch giữa chỉ hàng trung niên (em thứ) Thuý Vân, vạch dưới cùng chỉ hàng trưởng bối (cả) Thuý Kiều. Tại Hàn Quốc cũng có một bản dịch tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng Thuý Vân là con út chứ không phải Vương Quan.
Kinh Dịch có 8 quẻ đơn:
- Quẻ Càn còn gọi là quẻ Thiên có tượng là Vua, là Vương, là cha
- Quẻ Khôn còn gọi là quẻ Địa có tượng là Hoàng Hậu, là mẹ
- Quẻ Khảm còn gọi quẻ Thuỷ có tượng là nước, là trăng, con trai thứ
- Quẻ Ly còn gọi quẻ Hoả có tượng là lửa, con gái thứ
- Quẻ Tốn còn gọi quẻ Phong có tượng là gió, chị cả
- Quẻ Chấn còn gọi quẻ Lôi có tượng sấm, con trai trưởng
- Quẻ Cấn còn gọi quẻ Sơn có tượng là núi, con trai út, quân tử
- Quẻ Đoài còn gọi quẻ Trạch có tượng là đầm ao, con gái út
Trong Truyện Kiều, Viên ngoại họ Vương cha đẻ Thuý Kiều tương ứng với quẻ Càn, mẹ Thuý Kiều tương ứng với quẻ Khôn.
Vương Quan, tương ứng với quẻ Cấn là con trai út. Cấn còn có tượng là hiền nhân quân tử phù hợp với cách mô tả của Nguyễn Du:
"Một trai con thứ rốt lòng
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia"
Thuý Vân tương ứng với quẻ Ly vì là con gái thứ. Ly là mặt trời có hình tượng tròn đầy cao quý phù hợp với vóc dáng Thuý Vân:
"Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang"
Kim Trọng và Thúc Sinh cả hai đều là người tình của Thuý Kiều, họ còn ở tuổi trung niên, tương ứng với quẻ Khảm có tượng là mặt trăng, cho nên giữa họ và Thuý Kiều có mối liên kết qua hình tượng mặt trăng.
Kim Trọng buổi ban đầu đến với Thuý Kiều: "Đề huề lưng túi gió trăng". Trăng là Kim Trọng, gió là Thuý Kiều, câu thơ như một dự báo, một định mệnh của Dịch.
Gặp Kim Trọng, Thuý Kiều về ôm mối tương tư, nhìn trăng lại nghĩ đến duyên phận, đến người mới gặp đã phải lòng:
"Một mình lặng ngắm bóng nga
Rộn đường gần với nỗi xa, bời bời"
"Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay chăng"
Khi bán mình cho Mã Giám Sinh theo về "cõi khách xa xăm", ánh trăng lại gợi cho Thuý Kiều nhớ về Kim Trọng:
"Đêm khuya ngắt tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông"
Thuý Kiều đã đồng hoá Kim Trọng với trăng và sâu sắc hơn theo Dịch Kim Trọng chính là Khảm là Trăng.
Trăng cũng là Thúc Sinh, khi Thúc Sinh đi "khuất mấy ngàn dâu xanh", một mình cô đơn Thuý Kiều nhìn trăng không khỏi nhớ đến Thúc Sinh:
"Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường"
Từ Hải - người anh hùng "Đội trời, đạp đất ở đời" đã được Nguyễn Du cô đúc tương hợp với quẻ Chấn, quẻ này có tượng là sấm, là chúa tể. Khi Từ Hải nổi giận, Từ Hải là hiện thân của sấm sét: "Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang". Thuý Kiều nói với Từ Hải cũng là nói với Sấm "Trộm nhờ sấm sét ra tay". Đội quân của Từ cũng là đội quân của sấm sét: "Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài".
Thuý Kiều là chị cả tương ứng với quẻ Tốn có tượng là gió. Mệnh vận cả đời Kiều gắn liền với gió, bao nhiêu gió trong Truyện Kiều hầu như thổi dồn vào đời Kiều đẩy cô gái ngây thơ phong gấm vùi dập xuống chốn bùn nhơ. Ngay từ đầu Truyện Kiều phong ba đã nổi: "Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay". Người báo mệnh cho Kiều, Đạm Tiên, đã mang gió táp đến trong buổi xuân xanh của đời nàng: "Ào ào đổ lộc rung cây, ở trong dường có hương bay ít nhiều". Đời Kiều hiếm khi được cảnh "gió mát trăng thanh", "gió quang mây tạnh" mà chỉ toàn cảnh "gió giật mây vần", "gió táp mưa sa", "gió thảm mưa sầu". Kiều đã dự cảm mình sẽ hoá thân thành gió "Trông ra ngọn cỏ lá cây, Thấy hiu hiu gió thì hay chị về". Kim Trọng tương tư Kiều đã đồng hoá nàng với gió "Mành tương phân phất gió đàn, Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình", "Bẻ bài rầu rĩ tiếng tơ, Trầm bay lạt khói, gió đưa lay rèm, Dường như bên nóc bên thềm, Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng". Ở thanh lâu, Sở Khanh lừa Kiều diễn cảnh "quyến gió rũ mây" đẩy nàng đến mức "dập dìu lá gió cành chim" khiến Kiều đau đớn ê chề "mặt sao dày gió dạn sương" chẳng còn thiết tha với cuộc sống "thờ ơ gió trúc mưa mai", cho đến khi gặp lại Kim Trọng, mặc dầu khát khao hạnh phúc lứa đôi, nàng cũng không dám nhận lại quá khứ: "Một lời tuy có ước xưa, Xét mình dãi gió dầu mưa đã nhiều. Nói càng hổ thẹn trăm chiều, Thà cho ngọn nước thuỷ triều chảy xuôi".
Số phận những nhân vật trong Truyện Kiều cũng không thoát khỏi sự chi phối của những quẻ chiếu mệnh.
Kim Trọng bước vào nhà Kiều là tai hoạ liền ập đến vì Kim Trọng là quẻ Khảm-Thuỷ hợp với Vương Ông quẻ Càn-Thiên thành quẻ Thiên-Thuỷ-Tụng là tranh chấp, kiện tụng. Cả nhà Kiều mắc hoạ thằng bán tơ, tan cửa nát nhà.
Kiều quẻ Tốn-Phong gặp Kim Trọng tạo thành thế Phong-Thuỷ-Hoán (thay đổi) khiến nàng phải chịu cuộc biến động lớn, thay đổi hoàn toàn thân phận "Khi sao phong gấm rũ là, Giờ sao tan tác như hoa giữa đường". Cũng thế khi Kiều gặp Thúc Sinh, đời nàng một lần nữa lại đổi thay. Số mệnh quẻ Hoán lại chiếu đến đời nàng khiến nàng phải chịu cảnh "làm cho nhìn chẳng được nhau". Điều này lý giải tại sao Kim-Kiều không thể nên vợ nên chồng. Ảnh hưởng quẻ Hoán đeo đẳng họ suốt đời, đến nỗi sau 15 năm lưu lạc họ may mắn gặp lại nhau, hạnh phúc vẫn không mỉm cười với họ, cho dù chàng độ lượng "hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa" nhưng nàng không làm sao nguôi quên quá khứ "Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa". Họ đành "Đem tình cầm sắt đổi ra cầm kỳ" chịu sự an bài của số phận.
Kim không lấy được Kiều nhưng có duyên phận với Thuý Vân. Thuý Vân kết nghĩa với Kim Trọng là do sao Hoả (quẻ ly) chiếu mệnh hợp với Kim Trọng quẻ Khảm-Thuỷ thành quẻ Thuỷ-Hoả-Ký-Tế. Ký Tế là xong, nhưng chỉ xong, chỉ yên phận với Thuý Vân thôi, còn với Kim Trọng thì chưa. Theo Dịch quẻ kép được ghép bởi hai quẻ nội và ngoại, trong Thuỷ-Hoả-Ký-Tế, Thuý Vân quẻ Hoả là quẻ nội, chủ thể. Đối với Kim Trọng thì không thế vì Kim Trọng hợp với Thuý Vân lại thành quẻ Hoả-Thuỷ-Vị-Tế, Vị Tế là chưa xong, ở đây Kim Trọng quẻ Thuỷ là quẻ nội giữ vai trò chủ đạo. Kim Trọng vẫn còn vương vấn Thuý Kiều.
Chỉ có Từ Hải có thể đưa Thuý Kiều lên "ngôi mệnh phụ đường đường" vì Kiều quẻ Tốn-Phong hợp với Từ Hải quẻ Chấn-Lôi thành Phong-Lôi-Ích nghĩa là Từ Hải có thể mang lại lợi ích cho Kiều. Cả hai là "trai anh hùng, gái thuyền quyên" họ hợp lại cũng thành quẻ Lôi-Phong-Hằng nên mới có cơ "Phỉ nguyền sánh phượng, Đẹp duyên cởi rồng".
Dầu ý thức hay hoạt động theo sự dẫn dắt của vô thức trong Truyện Kiều vẫn chảy mạnh dòng máu Kinh Dịch. Nguyễn Du đã cơ cấu Truyện Kiều trên nền Kinh Dịch hết sức tài tình, hết sức linh diệu, khó nhận thấy bàn tay thao tác của bậc đại thi hào. Mỗi tình tiết, mỗi số phận của nhân vật đều phản ánh một cách sinh động hình tượng quẻ chiếu mệnh, tự nhiên như hơi thở. Đọc Truyện Kiều không thể không chú ý đến hai lớp vận động, lớp trên các nhân vật đang chuyển dịch theo số phận, lớp dưới các quẻ Dịch tương ứng đang vận hành. Phù sa Kinh Dịch đã góp phần làm nên sắc màu rực rỡ cho hoa trái Truyện Kiều.
Nguyễn Thiếu Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét