Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

6- SAU KHI ĐỌC BÀI TRẢ LỜI CỦA TRẦN... - PHAN KHÔI

 SAU KHI ĐỌC BÀI TRẢ LỜI CỦA TRẦN TRỌNG KIM TIÊN SANH  CẢNH CÁO CÁC NHÀ “HỌC PHIỆT”

Sau khi tôi đọc bài của Trần Trọng Kim tiên sanh bàn với tôi về sự phê bình cuốn sách Nho giáo, đăng ở Phụ nữ tân văn số 60, tôi rất lấy làm phục cái nhã độ của tiên sanh. Tôi lấy làm phục tiên sanh bao nhiêu, thì tôi càng mừng cho học giới nước ta có cơ khai phóng bấy nhiêu!
Số là, chẳng những như Trần quân đã nói, người mình xưa nay chưa quen chịu kẻ khác phê bình, mà lại trong xã hội nầy, có một hạng người, tôi muốn dâng cho họ một cái huy hiệu mới, là “học phiệt”. Hạng người ấy ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi. Đã hay rằng mình giỏi, song thế nào cho khỏi sự sai lầm, vậy mà họ tự phụ quá, cứ mạt sát hết. Ừ, cái dư luận nào không chánh đáng, họ mạt sát chẳng nói làm chi; cái nầy, khi người ta công kích họ một cách chánh đáng, mà họ cũng làm thinh. Làm thinh, không phải tỏ ra là họ phục; nhưng làm thinh, tỏ ra là họ không thèm nói với, thế mới đáng ghét. Tôi dâng cho họ cái huy hiệu “học phiệt”, lấy nghĩa rằng họ có ý kế nghiệp nhau mà chuyên quyền trong học giới, cũng như bọn “quân phiệt”, đã nối nhau mà chiếm cứ đất đai và quyền chánh trị bên Tàu.
Tôi chẳng nói gần nói xa chi hết; tôi nói ngay rằng hạng “học phiệt” ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là một. Thử xách ra lấy một việc. Chắc hẳn nhiều độc giả còn nhớ chuyện Ngô Đức Kế tiên sanh công kích sự đề xướng Truyện Kiều hồi mấy năm trước nên đã viết một bài trong tạp chí Hữu thanh. Nói có vong linh Ngô tiên sanh! Không biết làm sao mà ông nầy có ác cảm với Phạm quân quá. Hồi đó tôi đương ở Hà Nội, tôi đi lại với cả hai đằng, đầu đuôi làm sao tôi rõ hết. Vì sự tư ý đó nên trong bài Chánh học với tà thuyết của họ Ngô có chỗ không được công bằng; tuy vậy, lấy đại thế cái bài mà nói, thì cách công kích như vậy là chánh đáng. Vả lại nó là một vấn đề lớn, có quan hệ với học phong sĩ tập, dầu phải dầu chăng, cũng không có thế nào bỏ qua đặng. Vậy mà bên Phạm Quỳnh tiên sanh nín lặng, chẳng thèm nói đi nói lại lấy nửa lời.
Có một lẽ có thể vin lấy mà cãi cho Phạm quân về sự làm thinh đó, là trong bài của họ Ngô chưa hề có một lần nào nói đến tên tuổi Phạm quân. Theo phép, khi người ta nói đến mình một cách không chánh thức, thì mình có quyền làm thinh được.
Song le, có lẽ khác mạnh hơn để đánh đổ lẽ ấy đi. Trong bài của họ Ngô tuy không nói đến tên Phạm quân, song toàn nói những công việc của Phạm quân đã chủ trương, hoặc đã thi hành, mà công việc ấy lại không có thể lộn với của người khác. Huống chi, công việc lại là công việc làm ra giữa xã hội, chẳng phải riêng của một người, ai cũng có quyền can thiệp đến, ai cũng có quyền bàn bạc đến. Chỉ có một điều nên hỏi, là lời người ta bàn bạc đó phải hay quấy mà thôi. Nếu là phải, thì mình nên viết ra mà nhận lỗi và tỏ ý phục thiện của mình; bằng quấy, thì mình cũng nên viết ra mà cãi lại để binh vực cho chơn lý. Đàng nào cũng phải trả lời hết, không phép làm thinh. Làm thinh thì tỏ ra hai dấu: một là bí, hết đường nói lại; hai là khinh người. Bí mà làm thinh, không nhận lỗi cách đường đường chánh chánh, thì thành ra mình không có can đảm, không biết phục thiện. Còn khinh người thì lại vô lý lắm, mình khinh người, người lại chẳng biết khinh mình sao? Huống chi, phải biết rằng khinh người bằng một cách như vậy, thì trong khi mình khinh người đó, chính mình tự khinh lấy mình rồi, vì mình đã đối với mình, với người, cũng đều không ngay thật.
Hai cái lỗi đó, thế nào Phạm tiên sanh cũng phải vấp một, vì tiên sanh đã làm thinh trong khi ấy. Nhưng nói tiên sanh vấp cái lỗi trước thì thà nói tiên sanh vấp cái lỗi sau. Bởi chưng, sau khi nín không trả lời, Phạm tiên sanh có viết một bài trong Nam phong nhớ chừng như đầu đề là Xử thế châm ngôn thì phải; trong đó có những câu, nhớ chừng như “Một thanh bảo kiếm…” chi chi đó thì phải. Đại ý nói ta là thanh gươm bách luyện đây, tha hồ mà công kích, có sờn đâu được ta? Thiệt nó in hệt như cái giọng Tử Cống xưa kia binh vực cho thầy mình mà nói rằng: “Nhân tuy dục tự tuyệt, kỳ hà thương ư nhựt nguyệt hồ?” một thứ!
Về câu chuyện trên nầy ta lại nên chia ra hai mặt mà bàn. Cái kiểu làm thinh ấy, nói về mặt học vấn là dở; chớ nói về mặt làm báo thì lại là hay. Vong hồn ông Tập Xuyên, sống thì khôn thác thì thiêng, ông chứng giám cho lời tôi đây! Thật hồi đó Ngô tiên sanh hằm hằm chực Phạm quân trả lời thì kéo luôn cả đại đội ra mà công kích; song cái kế Tư Mã Trọng Đạt diệu thay, làm cho cái phương lược “lục xuất kỳ sơn” kia mới vừa có “nhứt xuất” thì đã quay đầu ngựa trở về! Tôi nói: về mặt làm báo là hay, cái hay ở đó.
Song le, cái nghề làm báo, gặp thì làm, chớ có phải cái đất mà chúng ta toan đặt cái đời mình trên đó đâu. Chúng ta – các ông đã đành, mà cũng xin cho tôi xen vào với – nên đặt cái đời mình trên cái đất học vấn. Trong sự học vấn mà không ngay thật, ngay thật đối mình, đối với người, đối với nhứt thiết, thì thật là nguy hiểm lắm, nguy hiểm đến cái đời của mình nữa!
Có một điều nên lượng thứ cho Phạm tiên sanh, là lúc bấy giờ tiên sanh còn đương vào cái tuổi thanh niên, cái tuổi ấy thường làm cho người ta phụ khí và hiếu thắng. Song ngày nay, tiên sanh niên càng cao, đức càng mậu, có lẽ những điều ký vãng ấy, tiên sanh đã rất lấy làm hối hận mà không nói ra chăng.
Thánh nhân có nói rằng: “Quân tử tấn đức tu nghiệp, dục cập thời dã.(1) Chữ “đức” khỏi cắt nghĩa; còn chữ “nghiệp” đó tức là sự học vấn của mình. Hai cái đó có quan hệ lẫn nhau, tới thì cùng tới, lui thì cùng lui, với nhau. Muốn cho sự học vấn của mình một ngày một tới, phải hư tâm, phải khắc kỷ, phải biết phục thiện, thì mới tới được; mà sự học vấn đã tới, thì cái đức của mình cũng ngày càng đầy đủ thêm. Cập thời là thời nào? Theo ý tôi thì vào lúc ngoài ba mươi cho đến bốn năm mươi, xoang(*) cỡ tuổi chúng ta ngày nay, là cái thời mà những sự phụ khí hiếu thắng đã lần lần xa ra khỏi mình.
Sự tấn đức tu nghiệp mà thánh nhân nói đó, ở đời xưa thiệt rất khó; khó vì chẳng biết noi theo một cái phương pháp nào. Song đương đời ta đây thì đỡ được sự khó ấy một chút; sẵn có phương pháp khoa học đó, ta nên lợi dụng lấy để mà tấn đức.
Đã có người đứng sau lưng tôi mà cười tôi rồi! Họ cười họ lại còn nói: Cái đời anh nhà nho đặc sệt mà mỗi chút mỗi khoa học, khéo làm rầy tai! - Nếu có phải vậy thì tôi kiếu ông ấy đi, mà chỉ nói với những người nào không ra ý khinh tôi. Thật vậy, sự nầy lại là một cái vấn đề nên nói rõ ở nơi khác nữa. Đây tôi chỉ nói rằng: Cái phương pháp khoa học cũng vậy, hay là đích thân khoa học cũng vậy, thật là cái tiện cho học giả lợi dụng để mà tấn đức. Vì theo phương pháp khoa học thì mỗi một sự gì cũng phải luật lịnh, cậy chứng nghiệm để tìm cho thấy chơn lý, mà trong khi ấy lại phải bỏ hết cả những điều tư tâm, thành kiến và sự kiêu căng của mình đi; chẳng phải là trong lúc cầu tri thức đó, cũng luôn thể làm ích lợi cho tánh nết của mình sao? Tôi chối dài, tôi không phải nhà khoa học; song thật như ông Trần Trọng Kim nói, tôi có cái khuynh hướng về khoa học. Câu chuyện vừa rồi là tôi lấy ở sự kinh nghiệm của chính mình tôi mà nói ra, có ích cho ai thì có, không thì thôi, không có hại.
Nãy giờ tôi nói dông dài những tấn đức tu nghiệp, khoa học khoa hiếc để cho lợt bớt câu chuyện đi, chớ rồi cũng không thể bỏ qua cái thói kiêu căng của mấy ông “học phiệt”. Họ làm vậy khác nào như ôm lấy cái độc quyền dư luận, trở ngại sự tấn bộ của học giới nước ta. Ai nói, họ không thèm nói với, tức là có ý để một mình họ nói thôi, thế chẳng phải ôm lấy độc quyền dư luận là gì? Mà đã không cãi cọ thì không nẩy ra chơn lý; không có ánh sáng của chơn lý thì học giới tối tăm; thiệt họ đã vô ý mà dứt ngang con đường tấn bộ của học giới đi, chớ chẳng những trở ngại mà thôi vậy.
Thật vậy, cái thói của họ đó đã tràn ngập cả xã hội mà thành ra như phong tục trong hơn mười năm nay. Ai nói trời nói đất chi thì nói, ngang ngạnh đến đâu cũng không có người cãi. Cái phong tục ấy nên đặt cho nó một cái danh từ là “nguội lạnh”.
Chính mình Phạm Quỳnh tiên sanh đã nhìn thấy chỗ đó. Tiên sanh có viết trong Nam phong số 148, hồi tháng Mars năm nay, về phần phụ trương tiếng Pháp, nơi bài “Hồi tưởng về Khổng Tử và Khổng giáo” (Réflexion sur Confucius et le Confucéisme), một đoạn như vầy:
“Ở nước Nam ta, cái phong trào bài kích Khổng giáo thà kêu là cái phong trào nguội lạnh… Mới có một nhà nho cũng học đòi bạn đồng đạo mình bên “thiếu niên Trung Quốc", ra tay phản đối Khổng Tử và Khổng giáo, mà chừng như độc giả chẳng mấy ai thiết đến, không ai cho là phải mà cũng không ai cho không, dầu rằng những bài phản đối ấy viết bằng lối văn chín chắn và tài liệu dồi dào, đáng khen thật, song tôi tưởng chắc độc giả của nó cũng không nhiều bằng của những cái tin ngắn chút xíu trên tờ báo nói về công trạng của hai tay vô địch nghề banh vợt, mà hết thảy các báo đã tôn cho là nhứt quốc chi hùng”.(2)
Xin độc giả thử nghĩ coi, có cái xã hội nào lại nguội lạnh đến nỗi nước nầy chăng? Mà việc đó, đố ai dám cả gan bảo là việc tầm thường. Chính trong đoạn đó chỗ để những cái chấm giây đó, Phạm tiên sanh nói rằng: “Kể ra thì đấng Thánh ở Khúc Phụ xa xuôi thật, xa cả về không gian và về thời gian, song lâu nay chính ngài vẫn đã chi phối những điều giáo huấn của ngài trong cả cuộc sanh hoạt xứ nầy, về tinh thần và luân lý”.(3) Ừ! nếu đã nhìn nhận cho Khổng giáo ở xã hội mình là quan hệ với sự sống của mọi người vậy thì sao trong khi có kẻ nhè nó phản đối, ai nấy lại nỡ làm lơ, không thèm quan thiết đến cho đành? Tôi xin trung cáo cùng người trong nước: đừng có lấy cái cớ nói ra không ai thèm nói lại, làm dịp tiện để nhạo cười cái anh nhà nho mà Phạm quân nói kia; song ai nấy hãy nhìn điều nầy là một điều sỉ nhục cho cả một dân tộc, vì trong việc đó tỏ ra rằng cái lương tâm của dân nầy hình như đã tê điếng rồi vậy!
Lẽ đáng trong khi thấy những bài phản đối Khổng giáo đó, hạng người thường có cho là không quan hệ mà bỏ qua đi nữa, thì những người bấy lâu đã có tông tín (conviction) về Khổng giáo chủ trương cái thuyết duy trì Khổng giáo, cũng phải vội vã đứng ra, một là binh vực cho sự tông tín của mình, hai là vệ dực cho thánh đạo, ba là phá sự cổ hoặc cho người đương thời, mới phải cho. Cái nầy từ hiền đến ngu rủ nhau làm thinh một loạt; sau khi đó rồi, có kẻ lại tỏ ý ra như tuồng mình làm vậy là đắc sách, thì tôi phải chịu, không hiểu cái lòng dạ người ta là thế nào! Nếu anh nhà nho công kích Khổng giáo đó mà công kích phải lẽ, thôi chẳng nói làm chi; ví bằng anh ta công kích bậy mà lại dùng lối văn chín chắn, tài liệu dồi dào, đến nỗi ông Phạm Quỳnh phải khen, thì tôi tưởng, chẳng nhiều thì ít, thế nào cũng có hại cho thế đạo nhân tâm chớ. Vậy mà cứ nguội lạnh là nguội lạnh làm sao?
Tôi thấy đám trẻ con chơi với nhau, đến lúc đổ quạu, một đứa đứng ra một phía, lấy lời vô lễ mà xỉ mắng mấy đứa kia. Mấy đứa nầy thiệt hành cái chủ nghĩa tiêu cực phản kháng, ra hiệu lịnh cho nhau rằng: “Nó nói gì kệ nó, mình cứ bịt lỗ tai, chẳng thèm nghe!” Chúng nó bảo nhau thế nào, làm y như thế. Đứa kia nói một chặp, mỏi miệng rồi thôi. Khi ấy mấy đứa làm thinh ban nãy đó mới rập nhau xỉ vào mặt đứa ấy mà nói rằng: “Lêu lêu mắc cỡ! Lêu lêu mắc cỡ!”
Quái làm sao! câu chuyện nói trên kia mà lại tình cờ giống với cái trò trẻ con nầy!
Trời ôi! nhà nho ấy chẳng phải ai đâu lạ, chính thị là tôi đây. Mà nếu còn có ai nữa thì tôi là một. Phạm quân nói nhà nho trổng mà không kêu tên, ấy là vì cái tên tôi không đáng làm dơ ngòi bút của Phạm quân hay là vì người sợ tôi “mắc cỡ” tội nghiệp mà dấu tên đi, thì tôi không biết.
Năm ngoái tôi có viết cả thảy 21 bài nói về ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta, đăng trong báo Thần chung, từ ngày 3 octobre cho đến 18 novembre 1929. Sự độc giả nguội lạnh đối với những bài ấy có đến như Phạm tiên sanh nói chăng, thì tôi không được biết cho chắc; song trước sau vỏn vẹn chỉ có một bài gởi tới phản đối, cũng có đăng ở Thần chung(**), mà tôi đã thú thiệt, không hiểu tác giả ý muốn nói những gì. Vì vậy đương khi toàn văn của tôi chưa hết mà tôi cũng bắt chước đứa con nít nói trên đó, mỏi miệng rồi thôi.
Chẳng đợi đến bây giờ có Phạm tiên sanh nói, tôi mới biết; cái sự nguội lạnh ấy tôi đã đoán trước rồi. Trong bài thứ 21, là khi tôi đã ngã lòng toan gác bút, tôi có viết một đoạn rằng:
“Nước Tàu còn có năm ba bọn trung với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến, ra tay chống chỏi, hết phương nầy, tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà cũng còn tỏ cho thiên hạ biết trong Khổng giáo vẫn có người. Đến nước ta thì hết chỗ nói! Khổng giáo ở nước ta trong khi gặp văn minh Âu châu, hình như nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi; chánh  phủ bỏ khoa cử thì cũng đau lòng mà khóc rên chút đỉnh; nhưng đến khi chánh phủ lập trường bắt học chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan. Rồi đến ngày nay đây, có kẻ ngỗ nghịch là tôi, dám ra đương trường chỉ trích Khổng giáo, – để rồi coi, giạc chừng như – cũng không ai thèm nóng mặt mà ra miệng hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử chớ nó có nói chi mình đâu, nó có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng! Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây bỗng dưng hai hàng nước mắt tôi trào ra trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn; nhưng tôi khóc, một là vì cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi; hai là vì ngó thấy cái tình đời bạc bẽo!”
Sự nguội lạnh đó, theo như tôi đã kể ra trong đoạn trước, thì quả là do mấy nhà “học phiệt” tạo ra. Nếu còn bởi các cớ khá nữa, thì cái cớ mấy nhà “học phiệt” chuyên chế dư luận cũng là một cớ lớn, họ phải chịu một phần trách nhiệm lớn trong sự đó.
Khi tôi viết bài bình phẩm cuốn sách Nho giáo, trong anh em đã có người e cho tôi lại “mắc cỡ” chuyến nữa, nhưng tôi cũng cứ đánh bạo mà làm. May quá! Trần tiên sanh khứng viết ra mà thương xác sự học vấn cùng tôi; cái tên tiên sanh tôi quý trọng bao nhiêu, thì cái bài ấy tôi cũng quý trọng bấy nhiêu; quả là “vàng”thật!
Về phương diện lý thuyết của cái bài tiên sanh trả lời cho tôi đó, tôi xin để rồi sẽ nói đến. Nay chính tôi và cũng xin đại biểu cho những anh em có học vấn ít nhiều mà cùng tôi đồng ý kiến, ngỏ lời cảm tạ Trần tiên sanh về sự người đã có ý tốt, mở cái đường thương xác về sự học cho chúng tôi và hết thảy mọi người trong nước Việt Nam sau nầy.
Nhơn đó tôi dám lấy tư cách một nhà học giả tầm thường, không có cái bằng cấp nào hết, chỉ có cái óc tự do độc lập, lấy chơn lý làm thầy, không thần phục dưới quyền đạo giáo nào hay là thánh hiền nào, viết một cách thiệt nghiêm cẩn ra ở đây mấy lời, để cảnh cáo các nhà “học phiệt” nước ta mà trong đó, tôi đã cử một Phạm Quỳnh tiên sanh ra làm đại biểu.
Học thuật của nước ta xưa nay chỉ có cái hư danh mà thôi, chớ coi đi coi lại, đem mà so sánh với các nước, thì thấy ra tầm thường quá. Nước Việt Nam nầy mà gọi được là có học thuật, hoạ từ nay về sau chăng. Sự đó, cái trách nhiệm ở chúng ta, là những kẻ có học mà ở vào cái thời đại văn hóa Đông Tây giao hội với nhau nầy.
Chúng tôi muốn rằng trong nước ta từ rày về sau, nên lần lần bỏ hẳn cái danh từ Nho hoc và Tây học mà lập ra một nền học thuật mới, kêu là nền học thuật Việt Nam; nó sẽ đứng với nước ta đời đời: nước còn có thì học thuật còn có; học thuật còn có thì nước còn có. Ấy là một cái khí giới chúng tôi định sắm ra để cầm giữ tổ quốc và đưa đồng bào lên đường tấn hóa, hầu theo kịp loài người trên thế giới trong cõi đại đồng ngày nay.
Trên đây nói “chúng tôi muốn, chúng tôi định”, chẳng qua là để tỏ ra cái ý kiến của một bọn người chúng tôi mà thôi. Bên các ông, những người mà chúng tôi kêu là “học phiệt”, chắc cũng có cái ý kiến như chúng tôi đó, vì thấy có người đã tỏ ra trong khi luận về sự học.
Vậy thì hai bên, cái ý kiến đại để đồng nhau; có khác nhau, chỉ là cái thái độ. Chúng tôi thì muốn, về sự học, phải cho ngôn luận được công khai. Còn các ông, theo như cái thái độ đã vẽ ra trên kia, thì hình như muốn chuyên chế.
Chúng tôi cho cái thái độ ấy ở trong việc gì thì hoặc giả còn được, chớ ở trong học giới thì nhứt định không có thể được. Cái lẽ tại sao mà không được, đã nói rõ trên kia rồi. Vậy bây giờ chúng tôi yêu cầu các ông phải bỏ hẳn cái thái độ ấy đi. Nghĩa là từ nay về sau, về sự học, khi có ai nghi ngờ những điều các ông chủ trương mà chất vấn hoặc công kích, thì các ông phải trả lời minh bạch, phải thì nói phải, quấy thì nói quấy.
Chúng tôi nhìn các ông là bậc túc học; nếu các ông chịu đem ý kiến mình trao đổi với mọi người, thì sự ích cho các ông chưa nói, mà phần chắc là có ích cho cả xã hội. Nếu các ông còn giữ thói cũ, thì xã hội đã không được ích, mà tập theo các ông, lại thành ra cái phong tục nguội lạnh nữa. Sự nguội lạnh ấy, tôi đã cho là cái lương tâm tê điếng; mà theo Trang Tử thì là cái lòng đã chết, chẳng có gì đáng buồn rầu hơn! (Ai mạc đại ư tâm tử).
Lần nầy là lần thứ nhứt mà tôi đem cái chánh nghĩa ra thưa cùng các ông như vậy; rồi mới tới dưới nầy là cái ý cảnh cáo.
Các ông đành là bậc túc học, cái công nghiệp của các ông ở trong học giới nước ta đành chẳng phải là nhỏ. Song cái thái độ ấy của các ông, hôm nay đã có nhiều người không phục, có ngày họ sẽ nổi lên mà phản đối.
Tôi biết trong ba kỳ mỗi nơi đã có ít nữa là một người học vấn rộng rãi, có đức, có tài, có thức, chẳng kém các ông là mấy. Những người ấy đều khuynh hướng về cái bình dân chủ nghĩa, họ muốn sự học vấn được phổ cập, nên thế nào họ cũng sẽ đứng dậy mà đánh đổ cái kiểu học phiệt của các ông. Sự ấy chưa xảy ra là vì họ đương nuôi cái thế lực bằng học thức của họ cho thật mạnh đã. Chẳng sớm thì chầy, trong nước Việt Nam nầy cũng sẽ có một cuộc chiến tranh về tư tưởng. Trước mặt các ông, tôi không nói dối.
Cái chỗ tôi đem mà cảnh cáo các ông là chỗ đó. Tùy các ông muốn làm như Diêm Tích Sơn, Trương Học Lương thì làm, hay là muốn làm như Ngô Bội Phu, Đoàn Kỳ Thụy thì làm.
Tôi đây, chưa phải là kẻ phản đối các ông đâu. Tôi chỉ là một viên tiểu tướng của đạo quân bình dân tư tưởng đi trước dẹp đường, và luôn thể báo hiệu cho các ông mà thôi.

PHAN KHÔI


Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.62 (24.7.1930)
Trung lập, Sài Gòn, s. 6206 (26.7.1930);  s.6207(28.7); s.6208 (29.7); s.6209 (30.7.1930).


(1) Xin lỗi độc giả, chỗ nầy tôi dẫn sách mà không nói rõ sách nào, lời ai nói, là vì lâu nay tôi ít ôn nhuần nên tôi quên xuất xứ, mà trong tay cũng không sẵn sách để tra lại. Câu nầy tôi nhớ như ở kinh Dịch thì phải. Lại xin độc giả cũng biết cho rằng khi nào tôi dẫn sách như vậy là đã suy đi nghĩ lại câu sách ấy mà nhận cho như là một cái công lệ rồi, tôi mới dẫn vào; chớ không phải hễ tôi thấy lời ông thánh thì tin là phải mà dẫn vào đâu.
(*) xoang: H.T. Paulus Của (sđd) giải là: “đụng nhằm, tuông phải”; vậy “xoang cỡ tuổi…” có thể được hiểu là: vào trạc tuổi, vào lứa tuổi.
(2)  Nguyên văn: En Annam, la vague de défaveur est plutôt une vague d’indifférence… Et si dernièrement un lettré Annamite, emboitant le pas à ses confrères de la “jeune Chine” a essayé de faire le procès de Confucius et du Confucéisme, il ne semble pas qu’il a beaucoup intéressé ses lecteurs: personne ne l’a ni approuvé ni contredit et je doute fort que ses articles, ecrits pourtant avec un louable souci de style et de documentation, aient eu autant de lecteurs que le moindre petit entrefilet relatif aux exploits de deux champions de tennis promus par toute la presse progressiste au rang de héros nationnaux (nguyên chú của Phan Khôi).
(3) Nguyên văn: Le sage de Khu-fou parait loin, bien loin dans l’espace et le temps, lui qui naguère encore animait de ses enseignements et de ses préceptes toute la vie morale et spirituelle de ce pays (nguyên chú của Phan Khôi).
(**) Đó là bài của Hoành Sơn: Đôi lời về Khổng giáo bàn cùng Phan Khôi tiên sinh đăng 9 kỳ báo Thần chung từ 6.1.1930 đến 12.2.1930.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét