Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

22 - THƠ QUỐC ÂM CỦA NGUYỄN DU - leque

gửi bởi leque


THƠ QUỐC ÂM CỦA NGUYỄN DU 


Trong các sáng tác bằng thơ quốc âm của Nguyễn Du, ngoài Truyện Kiều còn có ba bài nữa. Đó là bài: Chiêu hồn thập loại chúng sinh, văn tế Trường Lưu nhị nữ và Thác lời trai phường Nón. 
Xưa nay, các nhà nghiên cứu thường tập trung vào Truyện Kiều và thơ chữ Hán, còn các bài thơ này ít được quan tâm. Nhưng Truyện Kiều thì có nhiều dị bản còn thơ chữ Hán thì phải qua khâu dịch thuật nên hiểu được chính xác không phải dễ, trong lúc các bài thơ quốc âm này lại dễ hiểu hơn nhiều. Đây cũng là những tư liệu tốt giúp cho việc tìm hiểu về Nguyễn Du và các tác phẩm khác của cụ. 



VĂN TẾ TRƯỜNG LƯU NHỊ NỮ 



1 Than rằng: Chùa Phổ Cứu trăng dìu gió dặt ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm; duềnh Đào Nguyên nước chảy hoa trôi bỗng nửa bước chia đường đôi ngả. 
2 Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi; câu vĩnh quyết đọc càng buồn bã. 
3 Nhớ hai ả xưa: Tính khí dịu dàng; hình dung ẻo lả. 
4 Rạng làu làu gương đan quế vừa tròn; non mơn mởn đóa hải đường chưa nở. 
5 Sắc lông mày, săn môi sáp ai chê rằng xấu mô mồ; thấp mài tóc cao đường ngôi ta khên đã đẹp cha chả., 
6 Tiếng cười tiếng nói nghe cũng hữu tình; nước bước nước đi thật là vô giá. 
7 Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, nghề thú quê giữ mực chân xa; cuộc làm vui vừa cợ giêng hai, bàn cờ tướng kén vào con mã. vui vừa cợ giêng hai bàn cờ tướng kén vào con mã. 
8 Khó tột vời mà rất mực hẳn hoi; nghề làm ăn chẳng đến điều hèn hạ. 
9 Cuốn song gấm một thềm hoa rụng, gieo thoi vàng dệt bức hồi văn; buông rèm sương nửa chái trăng soi, nắn quay sắt kéo dây nhân quả. 
10 Rủ rê năm bảy chị em; cưu góp ba làng bốn xã. 
11 Con người ta được một thì con gái được thì ăn được thì chơi; ở đất này khá hiếm chi đàn ông chẳng hề quen chẳng hề lạ. 
12 Đêm đêm thường ví hát xôn xao; ai ai cũng trầu cau đãi đõa. 
13 Ả nọ o này đông đúc, gái một thì gặp tuổi sang xuân; anh kia chú nọ rình mò, trai ba phủ quyết chơi mãn hạ. 
14 Bướm ong phấp phới, thôi quan thì dân; oanh yến ra vào, rộng đường quang sá. 
15 Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra túi thuốc bông đào; đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá. 
16 Đi về thường nhiều kẻ hẳn hoi; ra vào cũng lắm người chằng chạ. 
17 Trước chái thì tàng hình thủy phủ đứng lăm lăm ai biết mô mồ; trong nhà thì thiết phục long vương nằm trập trập hình như đống mả. 
18 Trai trong làng rình bốn mặt chan chan; chó hàng xóm sủa năm canh ra rả. 
19 Biết đó những ngày trong trứng, vui chi hơn liễu cợt hoa cười; vẻ chi một chút ngoài da, công đâu lại then cài cửa khóa. 
20 Ngán đâu lời nói mà lo; được thế hãy chơi cho thỏa. 
21 Buông bè chuối giữa dòng nước chảy, mặc dù ai chống ngược chống xuôi; thả lá ngô trước trận gió nồm, đã lắm kẻ bổ nghiêng bổ ngả. 
22 Họp chợ xuân nhiều khách vãng lai; dạo điếm nguyệt phải khi kinh quá. 
23 Theo chúng bạn cũng ra điều bất ý, ai dám đâu vác chuông đánh đất Đai Minh; gặp chị em chẳng có lẽ vô tình, ta cũng phải gánh ngói rao làng Bùi Ngõa. 
24 Yếm nhuộm điều che trước ngực lòe lòe; câu huê tình đọc bên tai xả xả. 
25 Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa; léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa. 
26 Thoạt đến đây buổi mới lạ lùng; xem chẳng khác người quen suồng sã. 
27 Tiếp đãi mấy đêm một mực, lòng bồ đề hỉ xả từ bi; xôn xao một khắc ngàn vàng, dàn chẩn tế ba la bát nhã. 
28 Ba sinh đành một kiếp hẹn hò; hai năm được mấy lần chung chạ. 
29 Sừng chuốt lược cũng trong đồng đạo,trai khôn thầy dái gái khôn bà nàng; đá tạc bia ai ở dị tâm, đất có thổ công sông có hà bá. có thổ công, sông có hà bá. 
30 Đến vườn mong bẻ một cành cam; giải lòng ước chẻ hai thanh ná. 
31 Quả cam chén rượu đãi đằng khi chơi cửa chơi nhà; túi vóc khăn là, dặn dò lúc buôn mành buôn giã. 
32 Ân cần nhiều nỗi thư từ; hầu hạ chẳng khuâyđiếu lả.. 
33 Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm; đùng tiếng lói sau nhà, đéo mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá. 
34 Ta đã đành rụt cổ như rùa; ả cũng chớ vật mình như sả. 
35 Giải kết cho ả, mới đến đây ai dám đoạt gia tài; hú vía cho tôi, một chút nữa sinh ra ẩu đả.sinh ra ẩu đả. 
36 Của thập phương mặc khách thừa lưa; tội nhất xá xin người xúy xóa. 
37 Như có phải quýt làm cam chịu, đã trót thì trét, sợ chi điều nói tỏi nói hành; song cũng là cú kêu ma ăn, đi không về không, chi đến nỗi gieo tai gieo vạ. 
38 Ta đã đành mắc tiếng thày lay; ả cũng hóa ra người đĩ thõa. 
39 Mấy kẻ biết người biết của, gấm mặc đêm nghĩ lại cũng hoài; một chốc ra giận ra thù, bạc gần sáng thổ nào dám gá. 
40 Khoán ước làng cứng nhắc ngô rang; nhân nghĩa cũ nát tươm chó nhả. 
41 Của là của chó treo mèo đậy, phải giữ gìn cho lắm, mắt đỏ lòm nhắm tựa mắt lươn; công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi trơ như mặt nạ. 
42 Tiếng tăm chi đó mặc ai; ngày tháng còn dài đó đã. 
43 Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phụ phàng ba chốn bốn nơi; nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả. 
44 Ờ sao mà quên ta được cho đành; nói thế mà lấy chồng thực ru tá. 
45 Công lênh ấy ai còn nhớ đến, cũng cầm bằng ruổi ngựa đường dài; mối manh kia ta đã biết rồi, thôi cũng chớ giấu voi ruộng rạ. 
46 Thế thời mách chúng ta vậy ru; thôi kính hai ả cho rồi cả. 
47 Hãy xem những của lạ lùng; chẳng trách chi ai một mả. 
48 Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì; một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á. 
49 Ở làm chi một năm thêm một tuổi càng cao; khen lắm nhỉ hai ả được hai chồng cũng khá. 
50 Thương chắc lấy nỏ được chắc, chúng bạn ta như nghé sổ ràn; chê tôm lại phải ăn tôm, lời nói trước như mèo liếm mỡ. 
51 Cha kiếp mình đã ra kiếp lăng nhăng; thiệt lòng ta cũng ra lòng suồng sã. 
52 Hựu hà ngôn tại, đã sao thì vậy, lấy ai cũng đã lấy rồi; như tư nhi dĩ, đã thế thì thôi, nói mãi ra điều nói chạ. 
53 Mình ở bạc đã ra Dương Tố chi gian; ta cũng đen chẳng biết Quan Kiệt chi trá. 
54 Bầu bạn củ rũ đi ngoay ngoảy, chẳng nhớ câu bất diệc lạc hồ; nợ nần xưa vỗ sạch sành sanh; quên mất chữ vi chiếu dụng giả. 
55 Đã biết trước yên túc quái tai; xem về sau như chi hà dã. 
56 Được đó hãy hay rằng đó, mâm son bát sứ mà ăn cơm với nước cà; chắc đâu đã hẳn hơn đâu, chăn tằm hái dâu vẫn mặc quần nâu áo vá. 
57 Nhất bạc tình là thói o Uy; chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ. 
58 Những ngỡ đứt võng nảy xuống giường bịch cái, chẳng lấy năm thì cũng lấy ba; nào ngờ trèo cao sa xuống thấp ôi cha, tưởng mất một hóa ra mất cả. 
59 Đã làm chi thế vội vàng; thôi chẳng lo gì thong thả. 
60 Chi những thói cọc cằn lửa khắc, chó cậy nhà gà cậy chuồng; tới khi nhà hơi hởi bén mùi, trâu ăn ló bò ăn má. 
61 Lời thề nguyền dĩ trục thủy lưu; bức thư vãn dụng bằng hỏa hóa. 
62 Người đến gốc mong bồng quả bưởi, há phải điều chúng bạn vô tình; con sãi chùa lại quét lá đa, thôi mặc kiếp nhà bay bất khả. 
63 Gỗ trôi sông không trở lại Lường Dà; muối bỏ bể cũng thiệt công Lữ Xá. 
64 Ả về đó bén duyên phải kiếp, chẳng quản điều mặt muội dầu gio; ta bây giờ quá lứa lỡ đôi, thôi chẳng khác mình trần trôn trạ. 
65 Ôi! Nước sông Giang Đình; nương khoai Phan Xá. 
66 Dải sông Cài văn vắt nước trong; đỉnh ngàn Hống đùn đùn mây tỏa. 
67 Gương công chúa phá tan từ trước, làm chi những nỗi tá ơm; nhịp ngọc tiêu đành để lại sau, khôn ước những điều hú họa. 
68 Nương song cúc sắp hỏi han ả Tố, vì đâu mà phận hẩm duyên ôi; dạo đường Hòe vừa gặp gỡ chàng Tiêu, từ đây đã người dưng nước lã. 
69 Giận nỗi xưa mồ hôi muối đầm đìa; tưởng nghĩa cũ nước mắt gừng lã chã. 
70 Thương vì nỗi mưa dầm rỉ rỉ, chận chắc với con trâu đực, ả cầm đèn, ả đi trước dẫn đường; đau vì khi lửa cháy phừng phừng, tím gan cho cái gà toi, ả vác búa, ả đứng ra lấp sá. 
71 Tưởng công phu mà chưa đáng đồng tiền; nhớ nhân duyên muốn đi cầu ông Tá. 
72 Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện, dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ; Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã. 
73 Rầm rì thay điếu thuốc trao tay; gắn bó mấy hạt cơm dính má. 
74 Xẩy nhớ đến lời ăn tiếng nói, cám buồn mặt lợn, tóc trên đầu đếm chẳng hay cùng; sực tưởng khi đua sức đua tài, trơ tráo đầu trâu, gan trong bụng gãi khôn đã ngá. 
75 Có công kể mấy nhật trình; lúc ấy ghép vào niên phả. 
76 Nói sao được đường xa dặm ngái, bắt chim trời chi những sự éo le; cực những điều kẻ ngược người xuôi, vẻ cò đất vẫn ra điều dối trá. 
77 Hay chi điều con gái chê chồng; chẳng có ai đàn ông ở góa. 
78 Ả sang đó bồng con cho sớm, mẹ nằm võng cha nằm giường; ta về đây kiếm chút kẻo già, bà ăn nem ông ăn chả. 
79 Sang chợ Vịnh rắp than cùng ả Út, đường đông ăm ắp, thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều; lên chùa Hương toan tu với sư Viên, rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ ni áo vá. 
80 Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần; viếng cảnh cũ muốn làm khuây khỏa. 
81 Đường cửa Trẹm mỗi ngày một ngại, bóng cây tiếng suối, núi giăng giăng con mắt đã mòn; chòm bên làng càng tối càng buồn, ngọn khói hạt mưa, trời thâm thẩm mặt người đã nhóa. 
82 Hắt hiu gió trúc mưa mai; quạnh quẽ bóng chim tăm cá. 
83 Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu; vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả? 
84 Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng; hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả. 
85 Cửa nhà mình đã bưng kín như buồng; tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá. 
86 Nghĩ cũng phải ăn hơn hờn thiệt, có con có cái, ai nói chi những sự nguyệt hoa; toan kiếm nơi đứt nối tối nằm, lạ mặt lạ mày, ai chẳng biết lại chê cỏ dã. 
87 Dẫu có ai trẻ mỏ mới lên; là những chốn xưa nay chằng bạ. 
88 Thú ngưu mã chú xuôi anh ngược, khăn dì Sàng trầu thuốc đến đâu phần; vườn yến oanh cảnh đó người đâu, của ông Đấu gió trăng còn đóng khóa. 
89 Nhân duyên xưa bẻ ngó lìa tơ; phong cảnh cũ vàng cây héo lá. 
90 Tìm những chốn tre già măng mọc, hàng thịt nguýt hàng cá, dễ mấy ai cho đáng cải kim; dốc một bài xỉ bỏ thủ cầm, trâu cột ghét trâu ăn, sợ hàng xóm lại kêu thủy hỏa. 
91 Bẽ bàng mong hỏi ả Kiều; thương hại sẽ lừa con Sá. 
92 Đầu sông cho đến cuối sông, ở chẳng vừa lòng roi mây đánh chết, gươm thư hùng tuy rẽ đôi nơi; đứt dây thì lại nối dây, thế nào tát được giếng này mới thôi, hoa tỉ muội hãy còn một đóa. 
93 Áo đơn đà lây dấu hoa thơm; bình không hãy ngát mùi hương xạ. 
94 Vào đất văn vật mang hư danh thì phải dự phòng; nổi phép võ biền cứ bản tộc âu là truy nã. 
95 Tiếng tăm kia từ trước chẳng mang; duyên nợ ấy về sau khôn trả. 
96 Nếu trước những trồng bông trồng đậu, hết chuyện trò chó chết thì thôi; từ rày đừng yêu trái yêu hoa, mất công ấy voi đâu mà tạ. 
97 Nay: Một nén hương thừa; ba tuần rượu hả. 
98 Kể chi những đường kia nỗi nọ, đi thì đi cho thoát, kẻ đã về kiếp ấy thì thôi; dù chẳng nên nghĩa trước tình sau, chờ thì chờ cho xong, ai đâu có con hoài mà gả. 



Chú thích: 
1- Chùa Phổ Cứu: Tích Trương Thụy và Thôi Oanh Oanh chung chạ ở mái Tây chùa Phổ Cứu. Nên chùa Phổ Cứu và mái tây là chỉ nơi trai gái lăng nhăng. Doành = duềnh. Đào nguyên: Suối hoa đào là nơi tiên ở. 
2- Vĩnh quyết: Dứt khoát lìa nhau. 
4- Gương đan quế: Chỉ mặt trăng. 
5- Mô mồ = đâu nào. 
7- Tiết dậy mẩy = Tuổi dậy thì. Xa = Cái guồng kéo sợi. Tức hai người làm nghề dệt vải. Cợ = cỡ, khoảng. Con mã: Tức trong hội đánh cờ người, họ bắt phải con mã. 
9- Bức hồi văn: Chỉ tấm vải. Dây nhân quả: Chỉ sợi vải. 
12- Đãi đõa: nghĩa cũng như: có mời qua. Đõa là tiếng đệm. Nếu theo âm Nghệ thì đọc là: Đại đọa nghĩa cũng như mệt nghỉ. Đọa là Mệt, kiệt sức. 
13- Ả = Chị. O = Cô. Mãn hạ: ý nói thoải mái, hết cỡ. Ở đây tác giả dùng chữ mãn hạ là để đối với sang xuân ở câu trên. 
14- Thôi quan thì dân: Hết quan đến dân. 
15- Phường Chế: Phường buôn ở làng Chế dưới chân núi Hồng Lĩnh bên bờ sông Lam(chú của Hoàng Xuân Hãn = HXH). Cân ngà quả đá: Cái gậy (bằng cái ngà voi) và cục đá nhưng tác giả thêm chữ ngà và quả cho có vẻ. Câu này ý nói: Khách hàng xứ thì sang trọng, lịch thiệp còn trai làng thì cậy thế nên chơi cục. 
21- Lá ngô: lá ngô đồng. Bổ ngả = Té ngửa. 
23- Đất Đai Minh nghề chuông, làng Bùi Ngõa nghề ngói. Vác chông đánh đất Đai Minh, gánh ngói rao làng Bùi Ngõa là làm những việc vô ích. 
25- Cao bằng mãn tọa: Bạn sang ngồi đầy nhà. 
29- Đồng đạo: Cùng lứa. Trai khôn thầy dái, gái khôn bà nàng = Trai khôn như thầy dái (người đã có vợ), gái khôn như bà nàng (người đã có chồng). Ý nói những người đến đó đều khôn ngoan sành sõi cả. Dị tâm: Khác lòng. 
30- Thanh ná = Thanh nứa. 
31- Đãi đằng: Giao tiếp bình thường. 
32- Lả = Lửa 
33- Lói: Quả pháo lớn. 
35- Giải kết: Trai gái ràng buộc, gắn bó nhau. 
36- Thừa lưa: Nhiều lắm, thừa mứa ra. 
39- Thổ: Trong đám bạc, người cầm cái gọi là thổ. Những người có tiền nhận bảo đảm ứng tiền cho con bạc vay cũng gọi là thổ. Thổ nào dám gá nghĩa là chẳng ai dám nhận lời thách đánh (Nguyễn Thạch Giang = NTG). 
48- Tắc, hò, rì: Tiếng điều khiển trâu, miền Bắc gọi là vắt, họ, riệt. Tùng tùng dạ á: Tượng thanh tiếng trống đánh rồi gọi quân lính và quân lính trả lời (HXH). 
50- Thương chắc lấy nỏ được chắc = Thương nhau lấy không được nhau. Nghé sổ ràn = Nghé sổng chuồng. 
52- Hựu hà ngôn tai, như tư nhi dĩ: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau (HXH). 
53 Dương Tố chi gian: Cái gian của Dương Tố cướp vợ Từ Đức Ngôn là công chúa Nhạc Dương khi Trần bị diệt. Quan Kiệt chi trá: Sự dối trá của Quan Kiệt, kỹ nữ đời Đường (NNTG). 
54- Bất diệc lạc hồ: Chữ sách Luận ngữ nghĩa là: chẳng vui sao? Vi chiếu dụng giả: Câu cuối các mẫu văn khế thời xưa, ý nói: Theo phép nước làm tờ này để làm bằng (NTG). 
55- Yên túc quái tai, như chi hà dã: Hai câu chữ Nho đồng nghĩa với 2 câu Nôm theo sau (HXH). 
60- Trâu ăn ló bò ăn má: Trâu ăn lúa bò ăn mạ. 
61- Dĩ trục thủy lưu, dụng bằng hỏa hóa: Câu chữ Nho: đã phó nước xuôi, toan dùng lửa hỏa (HXH). 
62- Nhà bay = Nhà chúng mày. 
63- Lường: Sông Lường ở Nghệ An (ca dao: Nước sông Lường ai lắng mà trong. Duyên chàng ai tạc cho lòng em say) có bến Đò Lường sau người Pháp viết thành Đô Lương. Dà: Sông Dà ở Hà Tĩnh. Lữ Xá: Có lẽ là một lang làm muối. 
64- Trạ: Vật bằng gỗ gắn ở một đầu của cái xa kéo sợi, có lỗ để cắm con suốt quấn chỉ. Khi quấn đủ, người ta lại tháo con suốt đó ra, cắm con suốt khác vào. Trôn trạ là một từ tục. 
65- Giang Đình: Đoạn sông Lam chảy qua quê Nguyễn Du. Phan Xá: Tên một thôn ở gần Trường Lưu. 
66- Sông Cài: Nguyễn Du ở làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân lên hát phường Vải ở làng Trường Lưu huyện La Sơn (nay thuộc huyện Can Lộc), phải đi qua đò Cài. Ngàn Hống: Tức núi Hồng Lĩnh. 
67- Tá ơm: mập mờ, úp mở (NTG). Ngọc tiêu: Sáo ngọc. 
69a- Ả Tố: Tức Tố Nga, thần xe duyên. 
68- Song cúc: Cửa sổ có hoa cúc. Đường hòe: tức giấc hòe là giấc mơ hão. Chàng Tiêu: bị người quyền thế cướp vợ, gặp vợ không dám nhìn. 
70- Chận = Chặn. Chận chắc với con trâu đực: Chạy đằng trước để ngăn con trâu đực lại. Sá: tức đường sá. Dùng từ sá để đối với đường ở vế trên. 
71- Ông Tá: Cũng như ả Út, Dì Sàng, ông Đấu, ả Kiều, con Sá chưa rõ. 
72- Dạy chuyện: Người hát phường Vải thường phải học thuộc rất nhiều câu để đối đáp với bạn hát. Để có những câu mới và hay thì họ phải tìm đến những bậc giỏi chữ để học. Đây là Nguyễn Du dạy cho hai cô gái Trường Lưu những câu do ông sáng tác. 
74- Ngá: ngứa 
76- Ngái = Xa. 
79- Chợ Vịnh: Chợ Vinh. Thành phố Vinh trước là Vĩnh An, người Nghệ đọc là Vịnh. Từ thời Pháp thuộc gọi là Vinh. Chùa Hương: Chùa Hương Tích trên núi Hồng Lĩnh. Sư Viên: Có lẽ là ông sư ở chùa hồi đó. 
81- Cửa Trẹm: Tên truông trên đường từ Tiên Điền đi qua chân núi Hồng Lĩnh để lên Trường Lưu, gần làng Kê Treo. (NTG) 
84- Mụ: Đại từ chỉ người phụ nữ ở tuổi trung niên. Tuổi thanh nữ thì gọi là o hoặc ả. Trung niên thì gọi là mụ. Già thì gọi là mệ tức bà. Lão thì gọi là cố tức cụ. O Sạ, o Uy đã được gọi mụ tức là khoảng 35. Liên hệ với câu 7 khi tác giả lần đầu gặp 2 người: Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, tức họ 17 tuổi thì từ đó đến lúc này đã trên dưới 20 năm. Vả: một loại cây giống cây sung, quả cũng gần giống quả sung nhưng không ăn được. 
90- Xỉ bỏ thủ cầm: Bỏ răng lấy đầu, ý nói lựa chọn. (NTG) 
92- Vế sau của câu này, mấy chữ : "thế nào tát cạn giếng này mới thôi" vừa khác ý vừa không có giọng văn tế. Có thể là thất bản trong khâu sưu tầm. 
97- Hương thừa: hương cháy dở. Rượu hả: Rượu để lâu không đậy, bị nhạt. 






THÁC LỜI GÁI PHƯỜNG VẢI 

Tác giả ? 
1 Tảng mai Hầu trở ra về 
Hồn tương tư hãy còn mê giấc nồng. 
Cơi trầu chưa kịp tạ lòng, 
Tỉnh ra khách đã non sông mấy vời. 
5 Trời làm chi cực bấy trời, 
Cơi trầu này để còn mời mọc ai. 
Tím gan đổ hắt ra ngoài, 
Trông theo truông Hống đò Cài thấy đâu. 
Khi lên đổ rối cho nhau, 
10 Khi về trút một gánh sầu về ngay. 
Xua buồn từ nấy đến nay, 
Nào ai mó đến xa quay xin thề. 
Ngại ngùng đường cưởi đi về 
Chân ngừng bàn đạp tay e soi chuyền. 
15 Vảnh tai nghe tiếng ác truyền, 
Đượng sầu cuộn trúc, tấm phiền đổ hoa. 
Chẹ chuyền dằng lại tháo ra, 
Gần nhau cách quạng vành xa mấy hồi. 
Liều bằng khổ một go đôi. 
20 Liều như bông đã bắn rồi bong bong. 



Chú thích: 
1- Tảng mai: Lúc rạng sáng. Hầu: Nguyễn Du được phong tước Du Đức Hầu, giữ các chức: Đông các Đại học sĩ, Hữu tham tri bộ Lễ. 
8- Truông Hống: Vùng rừng bằng dưới chân núi Hồng Lĩnh. Truông Hống, đò Cài là những địa danh nằm trên đường từ Tiên Điền đến Trường Lưu. 
12- Xa: Là cái xa kéo sợi để cuộn sợi vào suốt chỉ tiếng địa phương gọi là cái sót. Xa gồm giữa có một thanh gỗ dài khoảng 0,8m, một đầu có vành xa gọi là dằng gắn với tay quay, một đầu gắn cái trạ để cắm suốt chỉ. Dây da truyền lực quay từ dằng xa đến suốt chỉ. 
13- Cưởi: cũng có nghĩa là cái khung cửi. 
14- Bàn đạp: Hai bàn đạp để mở go. Soi chuyền: tức cái thoi trong đó có cái sót. 
15- Ác: Miếng gỗ treo trên cao để mắc dây go người ta thường làm thành hình con chim, gọi là con ác để trang trí. Khi đạp bàn đạp để mở go thì con ác dao động quanh trục quay phát ra tiếng kêu. 
16- Đượng: Cuộn chỉ. Trúc: là cái sót chỉ làm bằng trúc. 
17- Chẹ: là những cuộn sợi. Dằng: tức cái vành xa. 
18- Quạng: là một cái vành để lồng cuộn sợi đặt cách cái xa khoảng nửa mét về phía cái trạ. Sợi chỉ từ quạng được quấn vào cái sót gắn trên trạ. Người suốt chỉ tay phải quay dằng, tay trái cầm sợi chỉ để điều khiển việc quấn vào sót cho đều. 
19- Khổ: Là 1 cái khung bằng tre kết lại như chiếc lược dày dùng để đè chỉ ngang cho khít. Gọi là khổ bởi nó cố định số sợi dọc và bề ngang của tấm vải. Go: gồm 2 lá go chia các sợi dọc thành 2 lớp để luồn soi (thoi). Hai lá go có dây nối với 2 đầu con ác và 2 bàn đạp. 
20- Bắn: tức là bật bông cho tơi trước khi kéo thành chỉ. Tiếng dịa phương gọi là bắn bông. 
Bài này tác giả viết thay lời người con gái phường Vải nên dùng nhiều chữ của nghề dệt vải. Theo tài liệu sưu tầm thì tác giả bài thơ này là của cụ nghè Nguyễn Huy Quýnh. Nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn phát hiện ra là không đúng. Bởi Nguyễn Huy Quýnh (1734 - 1785) hơn Nguyễn Du (1765 - 1820) tới 31 tuổi. Nguyễn Huy Quýnh mất khi Nguyễn Du mới 20 tuổi khi đang tập ấm chức quan võ ở Thái Nguyên. Cho nên bài này có thể là văn của Nguyễn Huy Hào (hơn Nguyễn Du 4 tuổi) con cụ Quýnh hoặc của Nguyễn Huy Phó (cùng tuổi với Nguyễn Du) là anh Nguyễn Huy Hổ. Hai người này gần tuổi Nguyễn Du, cũng đều là người hay chữ, đậu Tứ trường (Cử nhân). 
Cụ Hoàng XuânHãn nhận xét: "Trong bài, người viết thác lời cô gái làng mình để trách Nguyễn Du... Tuy dụng công dùng nhiều tiếng trong nghề phường Vải nhưng vẫn không mất vẻ tự nhiên và lời văn vẫn tha thiết, ý vẫn hoàn toàn... Người con gái là có thực, chuyện tình với cụ Nguyễn Du cũng là có thực". 
Nguyên các bài không có đầu đề. Các đầu đề này là do người đời sau nhân câu chuyện mà đặt cho dễ gọi. 








THÁC LỜI TRAI PHƯỜNG NÓN 



Nguyễn Du 
1 Tiếc thay duyên Tấn phận Tần, 
Chưa quen đã lạ chưa gần đã xa. 
Chưa chi đông đã rạng ra, 
Đến giờ vẫn giận con gà chết toi. 
5 Tím gan cho cái sao Mai 
Thảo nào vác búa chém trời cũng nên. 
Về qua liếc mắt trông miền, 
Lời oanh giọng ví chưa yên dằm ngồi. 
Giữa thềm tàn đuốc còn tươi, 
10 Bã trầu chưa quét nào người tình chung. 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng, 
Đò Cài mấy trượng thì tình bấy nhiêu. 
Làm chi cắc cớ lắm điều, 
Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay. 
15 Khi xa xa đến thế này, 
Tiếng xa nghe hãy rù rì bên tai. 
Quê nhà nắng sớm mưa mai, 
Đã buồn giở đến lịp tơi càng buồn. 
Thờ ơ bó vọt đống sườn, 
20 Đã nhàm bẹ móc lại hờn nắm giang. 
Trăng tà chênh chếch bóng vàng, 
Dừng chân thoạt nhớ đến đàng cửa truông. 
Thẩn thơ gối chiếc màn suông, 
Rối lòng như sợi ai guồng cho xong. 
25 Phiên nào chợ Vịnh ra trông, 
Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba. 
Càng trông càng chẳng thấy ra, 
Cơi trầu quyệt đã vài và lần ôi. 
Tưởng rằng nói thế mà chơi. 
30 Song le đã động lòng người lắm thay. 
Trông trời trời cách tầng mây, 
Trông trăng trăng hẹn đến ngày ba mươi. 
Vô tình trăng cũng như người, 
Một ta ta lại ngậm cười chuyện ta. 



Chú thích: 
8- Dằm ngồi: Chỗ ngồi. 
11- Lịp: Cái nón. Tơi: Cái áo tơi. 
19- Vọt: Cây guột người ta chẻ làm 3 hoặc làm 4 để cặp ngoài vành nón. Sườn: là các vành nón. 
20: Bẹ móc: để lấy sợi may nón. Ngày nay người ta dùng dây cước. Nắm giang: Ai không kiếm được vọt thì dùng giang để cặp nón, nhưng kém hơn vọt. 
25- Chợ vịnh: Chợ Vinh. 



Tìm hiểu: 
Về thời gian sáng tác 2 bài thơ Văn tế Trường Lưu nhị nữ và Thác lời trai phường Nón, cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Nguyễn Du sáng tác bài Thác lời trai phường Nón lúc khoảng 19, 20 tuổi và bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ sau đó mấy năm, lúc chưa đến 25 tuổi. 
GS Nguyễn Thạch Giang cho rằng: Nguyễn Du sáng tác bài Thác lời trai phường Nón vào khoảng 16-19 tuổi... Còn bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ vào quãng 1796- 1802, thậm chí vào những năm cuối của các năm đó, tức bài sau cách bài trước khoảng 16- 20 năm, lúc Nguyễn Du ở vào độ tuổi 32- 38. 
Các cụ Trương Chính, Nguyễn Quảng Tuân thì cho rằng bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ và Thác lời trai phường Nón không phải của Nguyễn Du. Đó chỉ là những câu chuyện hư cấu. 
Nguyễn Du từ nhỏ đã sống cùng gia đình ở Thăng Long, 11 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ, ở với anh là Tả thị lang bộ Hình Nguyễn Khản, rồi làm con nuôi một ông quan võ họ Hà ở Thái Nguyên, 15 tuổi được Đoàn Nguyễn Tuấn đem về Sơn Nam hạ nuôi học, 18 tuổi thi đỗ Tam trường và lấy em gái Đoàn Nguyễn Tuấn. Vì mới chỉ đỗ Tam trường, không được bổ làm quan nên phải tập ấm chức quan võ của người cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên cho đến năm 21 tuổi thì lánh về sống nhờ ở quê vợ Thái Bình suốt 10 năm. Mãi đến năm 31 tuổi (1796) vợ chết, ông mới bế con nhỏ về quê. Vậy làm sao cụ có thể về quê ở Tiên Điền để đi hát phường Vải tới những 2 năm trong khoảng từ 16 đến 25 tuổi được? Và khi đó, cụ làm sao đã có tước Hầu? 
Tuy nhiên, các bài thơ đều có những tình tiết cho thấy chàng trai đó rất có thể là của Nguyễn Du như cụ Hoàng Xuân Hãn viết: 
"Tác giả chắc là người Nghi Xuân vì nhắc đến Ngàn Hống, đò Cài là cảnh sông núi chia lìa hay chắp nối Nghi Xuân và Can Lộc. Xét kỹ nữa lại thấy tác giả người Tiên Điền. Câu 64 nói đến nước sông Giang Đình. Sông Giang Đình là khúc sông Lam Giang gần Tiên Điền. Nguyễn Nghiễm về hưu (1771), vua cho tàu mành mang quân lính đưa về đến làng. Quan dân toàn hạt đến đón mừng nhiều vô kể. Cụ bèn sai làm một cái đình ở bên bến để tiếp. Đình đặt tên là Giang Đình. Sau bến thành bến Giang Đình và sông cũng đặt tên sông Giang Đình. Ở Tiên Điền ra chợ Vịnh thường đi qua bến ấy. Ta lại nhận thấy rằng tác giả là bạn của các quan họ làng Trường Lưu. Vì chơi xuân nên các bạn rủ đi hát. Quan họ ấy là người họ Nguyễn Huy. Và ta lại biết rằng họ Nguyễn Huy (ở Trường Lưu) và họ Nguyễn (ở Tiên Điền) là 2 cự tộc đời bấy giờ liên lạc nhau bởi dây nhân duyên và tình bằng hữu. Xem vậy thì chắc là người họ Nguyễn Tiên Điền. Nhưng chính là ai? Chỉ xét bài trên thì không thể đoán được. Nhưng ta có thể biết thêm rằng, vì nói đến sông Giang Đình nên chắc bài viết cũng khá lâu sau khi cụ Nguyễn Nghiễm về hưu (1771). Tác giả phải là hậu sinh của cụ. Cụ Nguyễn Du sinh năm 1765 có thể là tác giả được." 
Những nhận xét trên của cụ Hoàng Xuân Hãn là xác đáng. Nhưng thời gian sáng tác (theo tính toán của cụ và của Nguyễn Thạch Giang) lại mâu thuẩn với thời gian mà Nguyễn Du sống ở Tiên Điền. 
Nay chúng ta thử xác định thời gian sáng tác 2 bài thơ này: 
Lần đầu Nguyễn Du gặp 2 cô gái Trường Lưu trong một ngày hội xuân, khi họ cầm quân mã trong hội cờ người. Khi đó, hai cô mới 17 tuổi, đẹp người đẹp nết, lại chăm chỉ làm ăn: 
7 Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, nghề thú quê giữ mực chân xa; cuộc làm vui vừa cợ giêng hai, bàn cờ tướng kén vào con mã. 
8 Khó tột vời mà rất mực hẳn hoi; nghề làm ăn chẳng đến điều hèn hạ. 
Ngày hội thiếu gì người. Nếu là một người vô tình thì ai quan tâm đến cả gia cảnh và nghề nghiệp 2 người không quen biết đó làm gì? Điều này chứng tỏ Nguyễn Du đã cảm tình và có ý định cầu thân với 2 cô gái nên mới tìm hiểu kỹ càng như thế. Vậy là cụ không chỉ đi hát cho vui mà thật lòng muốn tìm bạn đời. Điều này cũng không khó hiểu vì lúc đó Nguyễn Du đang sống cảnh gà trống nuôi con, mặc dù thuộc hàng danh gia vọng tộc nhưng đang hồi sa sút, lại cần người để nuôi con nhỏ. Trai khôn kén vợ chợ đông, hai cô gái nổi bật giữa đám hội đã lọt mắt chàng văn nhân. Và cụ định chọn một lúc cả 2 cô. Từ đó, cụ đi lại với họ trong suốt 2 năm: 
28 Ba sinh đành một kiếp hẹn hò; hai năm được mấy lần chung chạ. 
Và cụ được họ tiếp đãi chu đáo: 
31 Quả cam chén rượu đãi đằng khi chơi cửa chơi nhà; túi vóc khăn là, dặn dò lúc buôn mành buôn giã. 
32 Ân cần nhiều nỗi thư từ; hầu hạ chẳng khuây điếu lả.. 
Còn hai cô gái thì sao? Có lẽ họ biết thân phận của họ nên không viễn vông, chỉ đãi đằng cho vui, còn thì đã chuẩn bị cho mình nơi xứng đôi vừa lứa. Bởi thế, khi biết tin 2 cô đi lấy chồng thì cụ bất ngờ: 
43 Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phụ phàng ba chốn bốn nơi; nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả. 
44 Ờ sao mà quên ta được cho đành; nói thế mà lấy chồng thực ru tá. 
Cuối cùng thì cụ cũng biết được 2 kẻ tình địch ngấm ngầm kia là ai: 
45 Công lênh ấy ai còn nhớ đến, cũng cầm bằng ruổi ngựa đường dài; mối manh kia ta đã biết rồi, thôi cũng chớ giấu voi ruộng rạ. 
47 Hãy xem những của lạ lùng; chẳng trách chi ai một mả. 
48 Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì; một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á. 
Tức là một người làm nông, một người đi lính. 
Thế là cuộc tình không thành. Cụ trách: 
57 Nhất bạc tình là thói o Uy; chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ. 
Cụ về Tiên Điền buồn rầu một thời gian, rồi lấy vợ, sinh con (cụ lấy tới 2 vợ và có hơn chục người con), rồi đi làm quan ngày một thăng tiến. 
Sau một thời gian, cụ về lại Trường Lưu thăm 2 ả Sạ, Uy thì mọi thứ đã thay đổi: 
83 Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu; vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả? 
84 Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng; hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả. 
Hai cô gái phường Vải năm nào giờ đã là mụ nọ mụ kia tức họ đã khoảng 35 tuổi. Như vậy, đã 18 đến 20 năm trôi qua. Hồi đó, 2 cô gái mới 17 tuổi và Nguyễn Du mới 31 tuổi thì lúc này, Nguyễn Du đã khoảng trên dưới 50. Cụ sinh năm 1765 thì lúc này là khoảng năm 1814. Đúng vào dịp cụ được nghỉ 6 tháng sau khi đi sứ. Thời gian như vậy rất phù hợp với những gì mà cụ Hoàng Xuân Hãn đã phát hiện từ nội dung các bài thơ trên. 
Còn thời gian sáng tác 2 bài Thác lời gái phường Vải và Thác lời trai phường Nón thì sao? 
Trước tiên, ta hãy xem tình cảm của tác giả với cô gái trong bài Thác lời trai phường Nón. Cụ Hoàng Xuân Hãn nhận xét: 
"Lời thơ là lời của Nguyễn Du chớ không phải mượn lời người phường Nón. Duy chỉ có 2 câu 9, 10 là ám chỉ mình làm nón thực nhưng bất ngoại để đối chọi lại sự dùng tiếng nghề phường Vải trong thơ trên chớ toàn bài không nói đến điều ấy nữa. Giọng thơ cụ Nguyễn Du rất văn hoa nhưng lạt lẽo. Lời lẽ chỉ khéo mà thôi chớ không tha thiết như bài trên. Bên cô thì: 
Tím gan đổ hắt ra ngoài, 
Trông theo truông Hống đò Cài thấy đâu. 
Bên cụ thì: 
Tím gan cho cái sao mai, 
Thảo nào vác búa chém trời cũng nên. 
Cụ chỉ tiếc vì duyên Tấn phận Tần. Cô phường Vải kia có lẽ chẳng qua là để trao đổi tiếng cười giọng hát trong ban tối mà thôi. Tuy cụ có quyến luyến ít nhiều chăng nữa, nhưng cụ: 
Tưởng rằng nói thế mà chơi, 
Song le đã động lòng người lắm thay! " 
Những nhận xé đó của cụ Hoàng Xuân Hãn là chính xác. Nguyễn Du không yêu người con gái đó như 2 ả Sạ Uy. 
Ta lại thấy, trên kia cụ gặp o Uy, o Sạ trong hội cờ người và giao du trong suốt 2 năm và khi không thành thì cụ buồn, cụ trách. Còn ở đây chỉ mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay là cụ đã lặn như trăng 30, rồi lại còn cười một mình nữa. 
Những chi tiết đó chứng tỏ người con gái này không phải là hai ả Sạ Uy trong bài văn tế kia mặc dù họ cũng ở Trường Lưu. Hơn nữa, lúc này Nguyễn Du đã được gọi là Hầu. Cho nên ta có cơ sở để tin rằng: Sau một thời gian đi làm quan xa, khi đã về già, Nguyễn Du nhớ về những ngày tháng sôi nổi và muốn tìm lại cảm giác thời thanh xuân cùng cái không khí đặc biệt của những đêm hát phường Vải năm nào. Còn hai ả Sạ, Uy và người thân người thuộc ở Trường Lưu không phải là mục đích chính của cuộc viếng thăm đó. Cho nên không gặp được họ thì cụ đi hát với những bạn phường Vải mới. Và chỉ mới mỗi một đêm, cụ đã vô tình bị một cô phường Vải mới lớn nào đó phải lòng. 
Như vậy thì 2 bài Thác lời gái phường Vải và Thác lời trai phường Nón cũng được viết cùng thời gian với bài văn tế Trường Lưu nhị nữ, khoảng năm 1814. Và chắc chắn là bài Thác lời gái phường Vải không phải của cụ Nguyễn Huy Quýnh vì cụ đã mất từ gần 30 năm trước, mà là do con hoặc cháu cụ sáng tác như cụ Hoàng Xuân Hãn đã bàn. 
Mọi việc như vậy đã hoàn toàn hợp lý. 
Tuy nhiên, vẫn còn một luận cứ nữa bổ sung cho kết luận trên. Đó là việc sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ, nhất là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh vào các bài thơ trên. Vào thời đó, thơ Nôm đã rất phát triển. Ngay họ Nguyễn Tiên Điền cũng nhiều người làm thơ Nôm. Nhưng ít người đưa ca dao, tục ngữ, thành ngữ vào thơ Nôm; đặc biệt là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh thì thường chỉ được dùng khi nào bí từ hoặc để nhạo cho vui, còn đưa vào thơ văn một cách nghiêm túc với ý định thể nghiệm sức biểu cảm của loại ngôn ngữ này thì gần như chỉ có mỗi một Nguyễn Du. Điều này thể hiện rõ trong tác phẩm Đoạn trường tân thanh và trong bài Văn tế Trường Lưu nhị nữ. 
Biết được điều này, chúng ta có cơ sở để tìm hiểu kỹ hơn về Nguyễn Du và tác phẩm Đoạn trường tân thanh. Đặc biệt là việc sử dụng rất nhiều tiếng địa phương trong bài văn tế Trường Lưu nhị nữ. Cụ Hoàng Xuân Hãn đã nhận xét thật chí lý: 
"Xét về hình thức, ta cũng thấy sự non nớt. Văn chương có tài tự nhiên, nhưng vì muốn cầu kỳ vần lạ, hoặc muốn dùng câu sẵn chữ liền nên lời đè mất ý, còn đoạn nào thoát ý thì văn cực hay, cực tài. Nhưng mạch lạc cũng không được thông suốt". 
Từ đó chúng tôi tin rằng: Nguyễn Du đang có ý định dùng ngôn ngữ dân gian để sáng tác một tác phẩm trường thiên. Cụ bắt đầu thử sức trong bài văn tế Trường Lưu nhị nữ để rồi chắt lọc, cô đọng lại trong Đoạn trường tân thanh. Cái mà cụ Hoàng Xuân Hãn gọi là câu sẵn chữ liền đó chính là những ca dao, tục ngữ, thành ngữ mà cụ muốn thử nghiệm. Vì chỉ là một thử nghiệm về ngôn ngữ nên cụ ít chú ý đến ý tứ và bố cục của bài văn tế. 
Tóm lại, chúng ta đã có thêm một cứ liệu để phục vụ cho việc tìm hiểu về thời điểm sáng tác và đối tượng của tác phẩm Đoạn trường tân thanh. 







CHIÊU HỒN THẬP LOẠI CHÚNG SINH 

Nguyễn Du 

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt, 
Toát hơi may lạnh buốt xương khô. 
Não người thay buổi chiều thu, 
4 Ngàn lau nhuốm bạc lá khô rụng vàng. 
Đường bạch dương bóng chiều man mác, 
Dịp đường lê lác đác sương sa. 
Lòng nào lòng chẳng thiết tha, 
8 Cõi dương còn thế nữa là cõi âm. 
Trong trường dạ tối tăm trời đất, 
Có khôn thiêng phảng phất u minh. 
Thương thay thập loại chúng sinh, 
12 Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người. 
Hương lửa đã không nơi nương tựa, 
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên, 
Còn chi ai quý ai hèn, 
16 Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu. 
Tiết đầu thu lập đàn giải thoát, 
Nước tĩnh đàn sái hạt dương chi. 
Muôn nhờ đức Phật từ bi, 
20 Giải oan cứu khổ độ về Tây phương. 
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh, 
Chí những lăm cất gánh non sông, 
Nói chi những buổi tranh hùng, 
24 Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau. 
Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở, 
Khôn đem mình làm đứa thất phu, 
Giàu sang càng nặng oán thù, 
28 Máu tươi lai láng xương khô rụng rời. 
Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc, 
Quỷ không đầu đứng khóc đêm mưa, 
Cho hay thành bại là cơ, 
32 Mà cô hồn biết bao giờ cho tan. 
Cũng có kẻ màn loan trướng huệ, 
Những cậy mình cung quế Hằng Nga, 
Một phen thay đổi sơn hà, 
36 Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu. 
Trên lầu cao dưới dòng nước chảy, 
Phận đã đành trâm gãy bình rơi, 
Khi sao đông đúc vui cười, 
40 Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương. 
Đau đớn nhẽ không hương không khói, 
Hồn ngẩn ngơ dòng suối rừng sim, 
Thương thay chân yếu tay mềm, 
44 Càng năm càng héo một đêm một dài. 
Kìa những kẻ mũ cao áo rộng, 
Ngọn bút son thác sống ở tay, 
Kinh luân găm một túi đầy, 
48 Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu. 
Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm, 
Trăm loài ma mồ nấm chung quanh, 
Ngàn vàng khôn đổi được mình, 
52 Lầu ca viện hát tan tành còn đâu? 
Kẻ thân thích vắng sau vắng trước, 
Biết lấy ai bát nước nén nhang, 
Cô hồn thất thểu dọc ngang, 
56 Nặng oan khôn nhẽ tìm đàng hóa sinh. 
Kìa những kẻ bài binh bố trận, 
Đổi mình vào lấy ấn nguyên nhung, 
Gió mưa sấm sét đùng đùng, 
60 Giãi thây trăm họ làm công một người. 
Khi thất thế tên rơi đạn lạc, 
Bãi sa trường thịt nát máu trôi, 
Mênh mông góc bể chân trời, 
64 Nắm xương vô chủ biết nơi chốn nào? 
Trời thăm thẳm mưa gào gió thét, 
Khí âm huyền mờ mịt trước sau, 
Ngàn mây nội cỏ rầu rầu, 
68 Nào đâu điếu tế nào nào đâu chưng thường? 
Cũng có kẻ tính đường trí phú, 
Mãi làm giàu nhịn ngủ kém ăn, 
Ruột rà không kẻ chí thân, 
72 Dẫu làm nên để dành phần cho ai? 
Khi nằm xuống không người thân chủ, 
Cửa phù vân dẫu có như không, 
Sống thời tiền chảy bạc ròng, 
76 Thác không đem được một đồng nào đi. 
Khóc ma mướn thương gì hàng xóm, 
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm, 
Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm, 
80 Nén hương giọt nước biết tìm vào đâu? 
Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý, 
Dấn mình vào thành thị lân la, 
Mấy thu lìa cửa lìa nhà, 
84 Văn chương đã chắc đâu mà trí thân. 
Dọc hàng quán gặp tuần mưa nắng, 
Vợ con nào nuôi nấng khem kiêng, 
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng, 
88 Anh em thiên hạ láng giềng người dưng. 
Bóng phần tử xa chừng hương khúc, 
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang, 
Cô hồn nhờ gửi tha phương, 
92 Gió trăng hiu hắt lửa hương lạnh lùng. 
Cũng có kẻ vào sông ra bể, 
Cánh buồm mây chạy xế gió đông, 
Gặp cơn giông tố giữa dòng, 
96 Đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê, 
Cũng có kẻ đi về buôn bán, 
Đòn gánh tre chín dạn hai vai, 
Gặp cơn mưa nắng giữa trời, 
100 Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao. 
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính, 
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan, 
Nước khe cơm vắt gian nan, 
104 Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời. 
Buổi chiến trận mạng người như rác, 
Phận đã dành đạn lạc tên rơi, 
Lập lòe ngọn lửa ma trơi, 
108 Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương. 
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp, 
Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa, 
Ngẩn ngơ khi trở về già, 
112 Ai chồng con tá biết là cậy ai? 
Sống đã chịu một đời phiền não, 
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa, 
Đau đớn thay phận đàn bà, 
116 Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu? 
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất, 
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi, 
Thương thay cũng một kiếp người, 
120 Sống nhờ hàng xứ chết vùi đường quan. 
Cũng có kẻ mắc oan tù rạc, 
Gửi mình vào chiếu rách một manh, 
Nắm xương chôn rấp góc thành, 
124 Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi? 
Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé, 
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha, 
Lấy ai bồng bế xót xa, 
128 U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng. 
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối, 
Cũng có người sẩy cối sa cây, 
Có người leo giếng đứt dây, 
132 Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành. 
Người thì mắc sơn tinh thủy quái, 
Người thì sa nanh sói ngà voi, 
Có người hay đẻ không nuôi, 
136 Có người sa sẩy có người khốn thương. 
Gặp phải lúc đi đường lỡ bước, 
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau, 
Mỗi người một nghiệp khác nhau, 
140 Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ? 
Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi, 
Hoặc là nương ngọn suối chân mây, 
Hoặc là điếm cỏ bóng cây, 
144 Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ. 
Hoặc là nương thần từ Phật tự, 
Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông, 
Hoặc là trong quãng đồng không, 
148 Hoặc nơi gò suối hoặc vùng lau tre. 
Sống đã chịu một bề thảm thiết, 
Ruột héo khô dạ rét căm căm, 
Dãi dầu trong mấy mươi năm, 
152 Thở than dưới đất ăn nằm trên sương. 
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn, 
Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra, 
Lôi thôi bồng trẻ dắt già, 
156 Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh. 
Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ, 
Phóng hào quang cứu khổ độ u, 
Ráp hòa tứ hải quần chu 
160 Não phiền trút sạch oán thù rửa không. 
Nhờ đức Phật thần thông quảng đại, 
Chuyển pháp luân tam giới thập phương, 
Nhơn nhơn Tiêu Diễn đại vương, 
164 Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh. 
Nhờ phép Phật uy linh dũng mãnh 
Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao, 
Mười loài là những loài nào, 
168 Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh. 
Kiếp phù sinh như hình như ảnh, 
Có chữ rằng vạn cảnh giai không, 
Ai ai lấy Phật làm lòng, 
172 Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi. 
Dàn chẩn tế vâng lời Phật giáo, 
Của có chi bát cháo nén nhang, 
Gọi là manh áo thoi vàng, 
176 Giúp cho làm của ăn đàng thăng thiên. 
Ai đến đây dưới trên ngồi lại, 
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu, 
Phép thiêng biến ít thành nhiều, 
180 Trên nhờ tôn giả chia đều chúng sinh. 
Phật hữu tình từ bi phổ độ. 
Chớ ngại rằng có có không không, 
Nam mô chư Phật Pháp Tăng; 
184 Độ cho nhất thiết siêu thăng thượng đài. 





Chú thích: 
4- Lá ngô: lá ngô đồng. 
5- Dịp đường lê: một quãng đường có trồng cây lê. 
9- Trường dạ: đêm dài bất tận, chỉ chốn âm phủ, 
11- Thập loại chúng sinh: 10 loại người. Theo cách nói của người xưa, 10 loại có nghĩa là tất cả các loại. 
18- Nước tĩnh đàn, hạt dương chi: lễ vật. 
20- Tây phương: Nơi cực lạc. 
26- Thất phu: người dân thường. 
34- Cung quế, Hằng Nga: Cung trăng, chỉ nơi cao quý. 
47- Kinh luân: điều hành việc chính trị quốc gia. 
48- Quản: tức Quản Trọng là trọng phụ nước Tề giúp Tề Hoàn Công dựng nghiệp bá. Cát: tức Khổng Minh Gia Cát lượng đời Thục Hán, quân sư của Lưu Bị. Y: là Y Doãn, hiền tướng dựng nghiệp nhà Thương. Chu: là Chu Công em Chu Vũ Vương, có công dựng nghiệp nhà Chu. 
58- Nguyên nhung: người chỉ huy cao nhất của quân đội. 
66- Âm huyền: cũng như âm khí. 
68- Chưng: lễ tế về mùa đông. Thường: lễ tế về mùa thu. 
69- Trí phú: làm cho mình trở nên giàu có. 
89- Phần: Phần Du. Tử: Cây dâu. Đều dùng để chỉ quê nhà. Hương khúc: tình cảm xóm làng. 
96- Kình nghê: Các loài cá dữ. 
138- Cầu Nại Hà: Nại Hà là con sông ở địa ngục. 
157- Siêu sinh tịnh độ: siêu thoát khỏi trần thế để đi vào cõi an lạc, thanh tịnh. 
158- Độ u: giúp kẻ u mê. 
159- Tứ hải quần chu: Bốn bể họp lại. 
162- Chuyển pháp luân: Thay đổi luật lệ. Tam giới: là trời, đất và người. 
163- Tiêu Diễn đại vương: tức Lương Vũ Đế, rất hâm mộ đạo Phật. Về sau Hầu Cảnh làm phản, vây hãm thành đài. Tiêu Diễn bị chết đói. Vì thế sau này mỗi khi lập đàn khí thực, người ta thường làm tượng Tiêu Diễn tay cầm lá cờ tỏ ý dẫn đường chúng sinh đi tìm của bố thí. 
170- Vạn cảnh giai không: Tất cả đều là không. 
172- Luân hồi: người ta hết kiếp thì chết, rồi lại đầu thai vào kiếp khác. Siêu thoát khỏi luân hồi là không đầu thai trở lại làm người nữa mà biến thành tiên Phật. 
173- Phật giáo: Phật dạy. 
180- Tôn giả: những vị tu hành được tôn kính. 
181- Phổ độ: cứu giúp. 
Bài này có lẽ được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian sống ở quê nhà 1796- 1802.



VĂN TẾ TRƯỜNG LƯU NHỊ NỮ 



Than rằng



Chùa Phổ Cứu trăng dìu gió dặt, ngỡ một ngày nên nghĩa trăm năm 
duềnh Đào Nguyên nước chảy hoa trôi, bỗng nửa bước chia đường đôi ngả 


Chữ chung tình nghĩ lại ngậm ngùi 
câu vĩnh quyết đọc càng buồn bã 



Nhớ hai ả xưa



Tính khí dịu dàng 
hình dung ẻo lả 


Rạng làu làu gương đan quế vừa tròn 
non mơn mởn đóa hải đường chưa nở 


Sắc lông mày săn môi sáp ai chê rằng xấu mô mồ 
thấp mài tóc cao đường ngôi ta khên đã đẹp cha chả 


Tiếng cười tiếng nói nghe cũng hữu tình 
nước bước nước đi thật là vô giá 


Tiết dậy mẩy trong năm mười bảy, nghề thú quê giữ mực chân xa 
cuộc làm vui vừa cợ giêng hai, bàn cờ tướng kén vào con mã 


Khó tột vời mà rất mực hẳn hoi 
nghề làm ăn chẳng đến điều hèn hạ 


Cuốn song gấm một thềm hoa rụng, gieo thoi vàng dệt bức hồi văn 
buông rèm sương nửa chái trăng soi, nắn quay sắt kéo dây nhân quả 


Rủ rê năm bảy chị em 
cưu góp ba làng bốn xã 


Con người ta được một thì con gái, được thì ăn, được thì chơi 
ở đất này khá hiếm chi đàn ông, chẳng hề quen, chẳng hề lạ 


Đêm đêm thường ví hát xôn xao 
ai ai cũng trầu cau đãi đõa 


Ả nọ o này đông đúc, gái một thì gặp tuổi sang xuân 
anh kia chú nọ rình mò, trai ba phủ quyết chơi mãn hạ 


Bướm ong phấp phới, thôi quan thì dân 
oanh yến ra vào, rộng đường quang sá 


Nhất lịch sự là quân phường ngoài Chế, những vất ra túi thuốc bông đào 
đội thế thần thì quan họ trong làng, cũng mang tới cân ngà quả đá 


Đi về thường nhiều kẻ hẳn hoi 
ra vào cũng lắm người chằng chạ 


Trước chái thì tàng hình thủy phủ đứng lăm lăm ai biết mô mồ 
trong nhà thì thiết phục long vương nằm trập trập hình như đống mả 


Trai trong làng rình bốn mặt chan chan 
chó hàng xóm sủa năm canh ra rả 


Biết đó những ngày trong trứng, vui chi hơn liễu cợt hoa cười 
vẻ chi một chút ngoài da, công đâu lại then cài cửa khóa 


Ngán đâu lời nói mà lo 
được thế hãy chơi cho thỏa 


Buông bè chuối giữa dòng nước chảy, mặc dù ai chống ngược chống xuôi 
thả lá ngô trước trận gió nồm, đã lắm kẻ bổ nghiêng bổ ngả 


Họp chợ xuân nhiều khách vãng lai 
dạo điếm nguyệt phải khi kinh quá 


Theo chúng bạn cũng ra điều bất ý, ai dám đâu vác chuông đánh đất Đai Minh 
gặp chị em chẳng có lẽ vô tình, ta cũng phải gánh ngói rao làng Bùi Ngõa 


Yếm nhuộm điều che trước ngực lòe lòe 
câu huê tình đọc bên tai xả xả 


Quây ngoài sân thì trong làng chín mười ả, ả ví, ả hát, ả kéo sợi, ả đưa thoi, lại có ả bưng trầu tận miệng, mỹ nữ như hoa 
léo lên giường thì quan họ năm bảy ông, ông nói, ông cười, ông ngâm thơ, ông đọc truyện, lại có ông đắp áo trùm đầu, cao bằng mãn tọa 


Thoạt đến đây buổi mới lạ lùng 
xem chẳng khác người quen suồng sã 


Tiếp đãi mấy đêm một mực, lòng bồ đề hỉ xả từ bi 
xôn xao một khắc ngàn vàng, dàn chẩn tế ba la bát nhã 


Ba sinh đành một kiếp hẹn hò 
hai năm được mấy lần chung chạ 


Sừng chuốt lược cũng trong đồng đạo, trai khôn thầy dái gái khôn bà nàng 
đá tạc bia ai ở dị tâm, đất có thổ công sông có hà bá 


Đến vườn mong bẻ một cành cam 
giải lòng ước chẻ hai thanh ná 


Quả cam chén rượu đãi đằng khi chơi cửa chơi nhà 
túi vóc khăn là, dặn dò lúc buôn mành buôn giã 


Ân cần nhiều nỗi thư từ 
hầu hạ chẳng khuây điếu lả 


Phụt ngọn đèn trước mặt, đếch sự đời chẳng phải đứa tiểu tâm 
đùng tiếng lói sau nhà, đéo mẹ kiếp bỗng có thằng đại phá 


Ta đã đành rụt cổ như rùa 
ả cũng chớ vật mình như sả 


Giải kết cho ả, mới đến đây ai dám đoạt gia tài 
hú vía cho tôi, một chút nữa sinh ra ẩu đả 


Của thập phương mặc khách thừa lưa 
tội nhất xá xin người xúy xóa 


Như có phải quýt làm cam chịu, đã trót thì trét, sợ chi điều nói tỏi nói hành 
song cũng là cú kêu ma ăn, đi không về không, chi đến nỗi gieo tai gieo vạ 


Ta đã đành mắc tiếng thày lay 
ả cũng hóa ra người đĩ thõa 


Mấy kẻ biết người biết của, gấm mặc đêm nghĩ lại cũng hoài 
một chốc ra giận ra thù, bạc gần sáng thổ nào dám gá 


Khoán ước làng cứng nhắc ngô rang 
nhân nghĩa cũ nát tươm chó nhả 


Của là của chó treo mèo đậy, phải giữ gìn cho lắm, mắt đỏ lòm nhắm tựa mắt lươn 
công tiếc công cốc mò cò ăn, đi chơi nhởi làm chi, mặt trắng phủi trơ như mặt nạ 


Tiếng tăm chi đó mặc ai 
ngày tháng còn dài đó đã 


Những ngỡ trăm năm trước hẹn hò đã chắc, để phụ phàng ba chốn bốn nơi 
nào ngờ tháng sáu này tệ bạc làm sao, bỗng tống táng một tuần hai ả 


Ờ sao mà quên ta được cho đành 
nói thế mà lấy chồng thực ru tá 


Công lênh ấy ai còn nhớ đến, cũng cầm bằng ruổi ngựa đường dài 
mối manh kia ta đã biết rồi, thôi cũng chớ giấu voi ruộng rạ 


Thế thời mách chúng ta vậy ru 
thôi kính hai ả cho rồi cả 


Hãy xem những của lạ lùng 
chẳng trách chi ai một mả 


Một chú thì dắt mũi trâu từ thuở bé, tắc tắc hò rì 
một anh thì cắt cỏ ngựa đến tận già, tùng tùng dạ á 


Ở làm chi một năm thêm một tuổi càng cao 
khen lắm nhỉ hai ả được hai chồng cũng khá 


Thương chắc lấy nỏ được chắc, chúng bạn ta như nghé sổ ràn 
chê tôm lại phải ăn tôm, lời nói trước như mèo liếm mỡ 


Cha kiếp mình đã ra kiếp lăng nhăng 
thiệt lòng ta cũng ra lòng suồng sã 


Hựu hà ngôn tại, đã sao thì vậy, lấy ai cũng đã lấy rồi 
như tư nhi dĩ, đã thế thì thôi, nói mãi ra điều nói chạ 


Mình ở bạc đã ra Dương Tố chi gian 
ta cũng đen chẳng biết Quan Kiệt chi trá 


Bầu bạn củ rũ đi ngoay ngoảy, chẳng nhớ câu bất diệc lạc hồ 
nợ nần xưa vỗ sạch sành sanh, quên mất chữ vi chiếu dụng giả 


Đã biết trước yên túc quái tai 
xem về sau như chi hà dã 


Được đó hãy hay rằng đó, mâm son bát sứ mà ăn cơm với nước cà 
chắc đâu đã hẳn hơn đâu, chăn tằm hái dâu vẫn mặc quần nâu áo vá 


Nhất bạc tình là thói o Uy 
chẳng nhân nghĩa ai bằng ả Sạ 


Những ngỡ đứt võng nảy xuống giường bịch cái, chẳng lấy năm thì cũng lấy ba 
nào ngờ trèo cao sa xuống thấp ôi cha, tưởng mất một hóa ra mất cả 


Đã làm chi thế vội vàng 
thôi chẳng lo gì thong thả 


Chi những thói cọc cằn lửa khắc, chó cậy nhà gà cậy chuồng 
tới khi nhà hơi hởi bén mùi, trâu ăn ló bò ăn má 


Lời thề nguyền dĩ trục thủy lưu 
bức thư vãn dụng bằng hỏa hóa 


Người đến gốc mong bồng quả bưởi, há phải điều chúng bạn vô tình 
con sãi chùa lại quét lá đa, thôi mặc kiếp nhà bay bất khả 


Gỗ trôi sông không trở lại Lường Dà 
muối bỏ bể cũng thiệt công Lữ Xá 


Ả về đó bén duyên phải kiếp, chẳng quản điều mặt muội dầu gio 
ta bây giờ quá lứa lỡ đôi, thôi chẳng khác mình trần trôn trạ 


Ôi! Nước sông Giang Đình 
nương khoai Phan Xá 


Dải sông Cài văn vắt nước trong 
đỉnh ngàn Hống đùn đùn mây tỏa 


Gương công chúa phá tan từ trước, làm chi những nỗi tá ơm 
nhịp ngọc tiêu đành để lại sau, khôn ước những điều hú họa 


Nương song cúc sắp hỏi han ả Tố, vì đâu mà phận hẩm duyên ôi 
dạo đường Hòe vừa gặp gỡ chàng Tiêu, từ đây đã người dưng nước lã 


Giận nỗi xưa mồ hôi muối đầm đìa 
tưởng nghĩa cũ nước mắt gừng lã chã 


Thương vì nỗi mưa dầm rỉ rỉ, chận chắc với con trâu đực, ả cầm đèn, ả đi trước dẫn đường 
đau vì khi lửa cháy phừng phừng, tím gan cho cái gà toi, ả vác búa, ả đứng ra lấp sá 


Tưởng công phu mà chưa đáng đồng tiền 
nhớ nhân duyên muốn đi cầu ông Tá 


Nhớ những lúc tắt đèn dạy chuyện, dứt câu này nối câu khác trăng ngoài hiên khi tỏ khi mờ 
Tưởng những khi thắp đuốc chơi đêm, ở nhà ngoài vào nhà trong giọt bên chái như tầm như tã 


Rầm rì thay điếu thuốc trao tay 
gắn bó mấy hạt cơm dính má 


Xẩy nhớ đến lời ăn tiếng nói, cám buồn mặt lợn, tóc trên đầu đếm chẳng hay cùng 
sực tưởng khi đua sức đua tài, trơ tráo đầu trâu, gan trong bụng gãi khôn đã ngá 


Có công kể mấy nhật trình 
lúc ấy ghép vào niên phả 


Nói sao được đường xa dặm ngái, bắt chim trời chi những sự éo le 
cực những điều kẻ ngược người xuôi, vẻ cò đất vẫn ra điều dối trá 


Hay chi điều con gái chê chồng 
chẳng có ai đàn ông ở góa 


Ả sang đó bồng con cho sớm, mẹ nằm võng cha nằm giường 
ta về đây kiếm chút kẻo già, bà ăn nem ông ăn chả 


Sang chợ Vịnh rắp than cùng ả Út, đường đông ăm ắp, thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều 
lên chùa Hương toan tu với sư Viên, rũ sạch làu làu, mua chưa được mũ ni áo vá 


Ở nhà lâu nghĩ cũng bần thần 
viếng cảnh cũ muốn làm khuây khỏa 


Đường cửa Trẹm mỗi ngày một ngại, bóng cây tiếng suối, núi giăng giăng con mắt đã mòn 
chòm bên làng càng tối càng buồn, ngọn khói hạt mưa, trời thâm thẩm mặt người đã nhóa 


Hắt hiu gió trúc mưa mai 
quạnh quẽ bóng chim tăm cá 


Vì quan họ nên chúng ta mộ đức, bạn hữu quen còn được bao nhiêu 
vào trong làng hỏi đôi ả Sạ Uy, lứa tác cũ hãy còn bao nả 


Thăm tận nhà thì chẳng thấy người quen người thuộc, chua cay thay ăn khế với gừng 
hỏi đến tên thì đã gọi mụ nọ mụ kia, may mắn bấy trồng sung ra vả 


Cửa nhà mình đã bưng kín như buồng 
tiếng tăm ta cũng rửa sạch như đá 


Nghĩ cũng phải ăn hơn hờn thiệt, có con có cái, ai nói chi những sự nguyệt hoa 
toan kiếm nơi đứt nối tối nằm, lạ mặt lạ mày, ai chẳng biết lại chê cỏ dã 


Dẫu có ai trẻ mỏ mới lên 
là những chốn xưa nay chằng bạ 


Thú ngưu mã chú xuôi anh ngược, khăn dì Sàng trầu thuốc đến đâu phần 
vườn yến oanh cảnh đó người đâu, của ông Đấu gió trăng còn đóng khóa 


Nhân duyên xưa bẻ ngó lìa tơ 
phong cảnh cũ vàng cây héo lá 


Tìm những chốn tre già măng mọc, hàng thịt nguýt hàng cá, dễ mấy ai cho đáng cải kim 
dốc một bài xỉ bỏ thủ cầm, trâu cột ghét trâu ăn, sợ hàng xóm lại kêu thủy hỏa 


Bẽ bàng mong hỏi ả Kiều 
thương hại sẽ lừa con Sá 


Đầu sông cho đến cuối sông, ở chẳng vừa lòng roi mây đánh chết, gươm thư hùng tuy rẽ đôi nơi 
đứt dây thì lại nối dây, thế nào tát được giếng này mới thôi, hoa tỉ muội hãy còn một đóa 


Áo đơn đà lây dấu hoa thơm 
bình không hãy ngát mùi hương xạ 


Vào đất văn vật mang hư danh thì phải dự phòng 
nổi phép võ biền cứ bản tộc âu là truy nã 


Tiếng tăm kia từ trước chẳng mang 
duyên nợ ấy về sau khôn trả 


Nếu trước những trồng bông trồng đậu, hết chuyện trò chó chết thì thôi 
từ rày đừng yêu trái yêu hoa, mất công ấy voi đâu mà tạ 



Nay



Một nén hương thừa 
ba tuần rượu hả 


Kể chi những đường kia nỗi nọ, đi thì đi cho thoát, kẻ đã về kiếp ấy thì thôi 
dù chẳng nên nghĩa trước tình sau, chờ thì chờ cho xong, ai đâu có con hoài mà gả


LeQue ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét