Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2009

53- Cô Kiều đa tình lãng mạn -Trang Lưu An


Cô Kiều đa tình lãng mạn
(Ðể kỷ niệm ngày giỗ thứ 180 của Tố Như tiên sinh)
            Truyện Kiều, một đại tác phẩm văn chương của Việt Nam, đã đi vào nền văn hóa, con người và cả nếp sống, sự suy nghĩ của dân VN chúng ta rất sâu đậm. Từ  người cùng đinh đến vị vương chúa không ai, không thuộc một vài câu Kiều. Người ta đã siêu linh hoá truyện kiều để dùng trong việc bói toán, dùng những câu Kiều để diễn tả, để dẫn chứng, để an ủi, than van những hoàn cảnh, những dữ kiện trong đời sống hàng ngày.  Bàn đến truyện Kiều thì không bao giờ kể hết được, biết bao nhiêu những bài viết, những cuộc nói chuyện của các nhà văn, học giả..., nhưng vẫn còn là một đề tài phong phú và hấp dẫn cho bất cứ ai đến với nó.
Vào với truyện Kiều người ta mê mẩn với những câu văn đơn sơ, tài tình, bóng bẩy của Nguyễn Du. Tài nghệ của cụ gần như được trải dài trên khắp mọi khía cạnh của tác phẩm. Từ những câu văn tả cảnh làm người đọc như bị lặn chìm vào thiên nhiên với cỏ cây, suối chẩy, với chim bay trên trời, cá bơi dưới nước...

Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang

Khi tả người cụ không những làm cho bóng dáng nhân vật hiện ra trong trí tưởng của người đọc một cách rõ ràng mà còn bộc lộ được cái bản chất, nghề nghiệp của từng nhân vật. Chẳng hạn với cái nét quí phái, công tử của Kim Trọng :

Phong lưu tài mạo tuyệt vời
Vào trong thanh nhã, ra ngoài hào hoa.

 Nét oai nghi, hùng dũng của Từ Hải :

Râu hùm, mày én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Còn kỹ thuật diễn tả về tình cảm và tài sắc của Kiều, tiên sinh được coi là đạt đến mức thoát trần rồi. Chỉ với vài câu thơ tiên sinh đã dẫn bất cứ người đọc nào dù khó tính đến đâu cũng phải mê mẩn với sắc đẹp, tài năng và tính lãng mạn,đa tình, không người sánh của cô Kiều.  Cụ lại khéo biến hoá câu truyện một cách thần kỳ hoà hợp với con người đa tài, đa sắc của Kiều làm cho người đọc không những yêu mê mà phải thương xót, phải tiếc rẻ cho cuộc đời của Kiều.
         Nhân dịp tưởng nhớ đến ngày giỗ của cụ Nguyễn Du  tiên sinh. Tôi viết ra đây vài hàng về tài sắc, về tính đa tình, lãng mạn của nàng Kiều trong cái nhìn , cái mê mẩn ( chủ   quan ) của mình như là một nén hương thơm tưởng nhớ đến cụ, người đã cống hiến cho nền văn học quê hương chúng ta một bông hoa tuyệt đẹp chưa có ai sánh kịp. Người đã cho dân tộc chúng ta sự tự hào với áng văn chương bất hủ đó.
&
Sắc đẹp của Kiều : 
       Sắc đẹp của Thúy Kiều được cụ Nguyễn Du mô tả rời rạc, trải dài khắp cuốn truyện xen kẽ với những đọan tả về tài năng và tánh đa tình của Kiều. Chỉ có 2 đoạn được mô tả riêng biệt, làm cho người đọc đờ đẫn với một cô Kiều tuyệt sắc,không một tì vết của tạo hoá. Ðoạn thứ nhất trong phần giới thiệu về Kiều và gia thế của nàng :

Mai cốt cách tuyết tinh thần
Một người , một vẻ mười phân vẹn mười.
.......... Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Ðúng như vậy, còn ngôn từ nào hơn Mai cốt cách, tuyết tinh thần ? Còn so sánh nào bằng hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh để tả một nàng Kiều tuyệt sắc!                                   
Ðoạn thứ hai, tả cảnh mùa hè Thúc Sinh đến tìm Kiều ở thanh lâu, nhìn thấy Kiều tắm. Kiều hiện ra như một bức tượng toàn mỹ :

Buồng the phải buổi thong dong
Thanh lan rủ bức, trướng hồng tắm hoa
Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên

Thôi, đẹp nào hơn một bức tượng toàn mỹ của thiên nhiên? Thôi, hấp dẫn nào hơn một giai nhân có làn da trắng trong như ngà ngọc đang tắm giữa một ngày hè nóng bức ? !
       Nếu đọc kỹ cả cuốn truyện sẽ thấy  Nguyễn Du đã tả nét đẹp của Kiều môt cách thoáng qua, kín đáo để làm cái đệm cho những câu tả về tài năng và đa tình của Kiều mà thôi. Cụ đã khéo léo, dẫn dắt sự tưởng tượng của người đọc về một cô Kiều có sắc đẹp đổ nước, nghiêng thành. Chính những tưởng tượng đó làm cho người đọc yêu và mê mẩn Kiều. Trong sự yêu mê đó Kiều là hiện thân của một người đẹp lý tưởng,nét đẹp của Kiều phù hợp với bất cứ dạng thức, khuôn khổ của giai nhân trong tưởng tượng của người đọc .


Tài năng của Kiều :        

         Mô tả tài năng của Kiều, có lẽ là một trong những khía cạnh độc đáo đã đưa tác phẩm lên một vị trí tột đỉnh trong lịch sử  văn học Việt Nam. Với Kiều, tài năng siêu việt đó đã mang nàng đến một vị trí của một giai nhân trong mộng tưởng. Kiều đẹp, cái đẹp của nàng có lẽ người ta còn có thể tìm được trong thế gian, nhưng tài năng của nàng thì phải tìm trong mơ mà thôi  :

Thông minh vốn sẵn tính người
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung, thương lầu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

            Ai hơn được nữa?  Ðẹp như thế mà tài như thế ! Tài làm thơ và âm nhạc của Kiều được tiên sinh mô tả gần như khắp cuốn truyện. Ngay vài trang đầu tiên, trong dịp đi tảo mộ, một buổi chiều tà, Kiều đã xúc động, thương xót vẻ tiêu điều, vắng lạnh của ngôi mả Ðạm tiên. Thi hứng của nàng  phát ra ngay : 

Rút trâm sẵn giắt trên đầu
Vạch da cây vịnh, bốn câu ba vần.
........ Lòng thơ lai láng bồi hồi
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi .

   Buổi tối khi về nhà, Ðạm tiên hiện đến trong giấc mơ, ra đề cho Kiếu làm thơ, chỉ với một cái vẫy tay mà Kiều đã làm xong 10 khúc ca ngâm  :

Kiều vâng lĩnh ý đề bài
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm.
...... Xem thơ nắc nở khen thầm
  Giá đành tú khẩu, cẩm tâm khác thường
Ví đem vào tập đọan trường 
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai !

 Thơ và đàn có lẽ hai nhã khiếu đó đã thấm sâu, hoà trộn vào thân xác và tâm tư  của Kiều, tạo ra một nàng Kiều nghệ sĩ đa tình và cũng nhiều truân chuyên! Chẳng hạn Kiều thường làm thơ, hoạ đàn với Thúc Sinh khi ở lầu xanh :

Khi gío gác, khi trăng sân
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ

Khi bị cha Thúc Sinh cáo quan là Kiều đã dụ dỗ con trai của ông. Kiều bị tra khảo, nhờ Thúc Sinh than khóc,quan nha muốn thử tài học của Kiều, đã đưa ra một đề '' Cái gông ''mà Kiều đang đeo trên cổ. Dù đang đau đớn vì những trận đánh nát da, nát thịt, Kiều vẫn còn làm được một bài thơ khiến cho vị quan phải khen là hay hơn thời thịnh Ðường
Nàng vâng cất bút tay đề Tiên hoa, trình trước án phê xem tường. Khen rằng, giá lợp thịnh Ðường Tài này, sắc ấy nghìn vàng chưa cân !
         Tài làm thơ như thế, còn tài về đàn của Kiều thì không còn gì để mà so sánh được nữa, nó đạt đến mức siêu thượng rồi ! Âm thanh tiếng đàn của Kiều  không còn là những âm vang thông thường nữa,mà nó đã vượt lên cái mức mông lung, thần thánh rồi. Nó chuyên chở  cảm xúc vui buồn , đau khổ hoan lạc của Kiều khi đánh đàn cùng với ý nghĩa của tấu khúc đến người nghe. Ðọc những đoạn tả Kiều đánh đàn ai mà không ngơ ngẩn với âm thanh,ai mà không lịm người với tài năng của Kiều. Trong tiếng đàn của nàng có gươm dao, có máu lửa, có khổ ải, ai oán và có cả hoan lạc vui ca đoàn tụ .... đọc những đoạn Kiều gẩy đàn, người ta có cảm tưỡng những âm vang, nốt nhạc đang lơ lửng, vương vấn trong không gian  :

Khúc đâu Hán, sở chiến trường
Nghe ra tiếng sắt, tiếng vàng chen nhau 
Khúc đâu Tư mã Phương cầu 
Nghe ra như oán, như sầu phải chăng !

Hay qúa ! Hay  đến nỗi mà ngọn đèn khi tỏ khi mờ ! hay đến nỗi mà Kim Trọng phải ngẩn ngơ, thay đổi biết bao nhiêu dạng bộ. Kim trọng không còn là Kim trọng của phong tư tài mạo, tuyệt vời, vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa nữa. Mà là Kim Trọng của đờ đẫn, của đau khổ vì những âm vang của bản đàn bạc mệnh mà Kiều đang đánh  :

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu
Khi tựa gối, khi cúi đầu
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.

  Trong 15 năm phong trần, Kiều đã nhiều lần phải dùng tài đàn của mình để phục vụ cho kẻ mạnh. Lúc bị Hoạn Thư  vợ Thúc Sinh bầy mưu bắt về nhà làm nô tì, đánh đập và làm nhục Kiều, bắt nàng đánh đàn cho vợ chồng Hoạn Thư ăn tiệc :

Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng

Lúc Từ Hải bị chết đứng vì nghe Kiều mà bị lầm mưu dụ hàng của Hồ Tôn Hiến. Hồ bắt Kiều ra hầu rượu đánh đàn, tiếng đàn của Kiều bi thương đến nỗi làm cho một vị trọng quan của triều đình phải rơi lệ. Kiều dùng tiếng đàn thay cho tiếng khóc, lòng ân hận vì lỗi lầm của mình mà Từ Hải người chồng yêu của nàng phải chết oan ức . Tiếng đàn của Kiều có máu nhỏ, có âm thanh của gío tủi, mưa sầu : 

Một cung gío tủi, mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu, năm đầu ngón tay !
Ve ngâm, vượn hót nào tày 
Lọt tay, Hồ cũng nhăn mày rơi châu

 Lần dạo đàn sau cùng trong cuốn truyện, lúc Kiều gặp lại gia đình và Kim Trọng, trong đêm khuya, hai người lại ngồi bên nhau, lại tâm sự, kể lể. Kim Trọng lại muốn sống lại với kỷ niệm của 15 năm về trước, chàng yêu  cầu Kiều đàn lại bản đàn bạc mệnh khi xưa. Vẫn là những tấu khúc của bản đàn bạc mệnh xa xưa, vẫn là những nốt nhạc, những âm thanh não nùng, buồn bã :

Lọt tai nghe suốt năm cung
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao !  

  Nhưng ý đàn thì lại vui vẻ, đầm ấm hơn, êm ái hơn. Ðó tiếng đàn của Kiều cao siêu như vậy đó!  Cùng một âm vang, cùng một nhạc phổ nhưng nó lại chuyên chở cảm xúc vui mừng hội ngộ của nàng đến người nghe. Như vậy âm thanh mà Kiều tạo ra không còn là âm thanh thông thường nữa, âm vang , cảm xúc  chính là Kiều vậy ! Kiều buồn, Kiều khổ ải, bi ai sẽ là những giọt nước mắt đau thương, là những cắt xé tâm hồn.  Kiều vui mừng, hoan lạc âm thanh , tiết điệu sẽ êm ái, du dương ru lòng người vào với khoái cảm lâng lâng ! :

Phím đàn dìu dặt tay tiên
Khói trầm cao thấp, tiếng huyền gần xa 
Khúc đâu đầm ấm dương hòa 
Ấy là Hồ Ðiệp, hay là Trang Sinh 
Khúc đâu êm ái, xuân tình 
Ấy hồn Thục Ðế, hay mình Ðỗ Quyên

Ðến nỗi Kim Trọng ngồi nghe đã phải ngạc nhiên :

Chàng rằng : '' Phổ ấy tay nào,
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy ? ''

Tài của Kiều là thế ! sắc của Kiều là thế ! Biết bao nhiêu những bài viết, bài khảo luận văn chương về tác phẩm và ngay trong truyện Nguyễn Du cũng viết rằng vì qúa đẽp, vì qúa tài cho nên Kiều đã bị tạo hóa ghen tị :
Lạ gì bỉ sắc, tư phong Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
   Triết lý của truyện Kiều đặt trên nền tảng thuyết nhân qủa của đạo Phật, mà thuyết nhân qủa dựa vào chữ  '' Nghiệp ''  trong phật giáo, nhà nho gọi là '' mệnh ''. Gần như trong toàn truyện, Nguyễn Du đều đề cập đến chữ mệnh đó một cách gián tiếp hay trực tiếp để dẫn người đọc vào cái thuyết ''Tài mệnh tương đố '' mà cụ muốn gửi gấm vào trong tác phẩm. Chẳng hạn ngay hai câu mở đầu truyện :    

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau,

Củng những câu nói của vãi Gíac Duyên, của ni sư Tam hợp :

Sư rằng '' Phúc họa đạo trời
Cỗi nguồn cũng bởi tại người mà ra... ''.
.........   Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Thuyết tài mệnh tương đố trong truyện được chứng minh bằng những sự khổ sở, gian truân, nhục nhã... của Kiều được coi là cái '' Qủa ''  mà nó phát sinh từ cái '' Nhân '' tài sắc của Kiều :

Có đâu thiên vị, người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Với ý nghĩa mấy câu trên, người ta suy đoán được Kiều vì có tài, sinh ra cậy vào tài của mình ( nhân ) để rồi nhận lấy những tai ương ( qủa ) do sự cậy tài mà ra. Nhưng đọc khắp cuốn truyện không có một câu văn nào tả Kiều khoe khoang, tự mãn với cái tài sắc vô song của nàng cả. Nếu có vài lần vì con người đa cảm, đa tình của Kiều mà nàng làm thơ ( khóc đạm Tiên,  hoạ thơ với Thúc Sinh ), nàng đánh đàn ( cho Kim trọng, Thúc Sinh nghe ) mà thôi. Còn những lần làm thơ, đánh đàn khác nàng bị bắt buộc hay muốn thoát được những trận đòn máu chẩy, thịt nát của quan nha. Như vậy cái tài sắc của Kiều đâu có phải là cái nhân để tạo ra cái qủa bi đát của nàng trong 15 năm gian truân vậy.

Tánh đa tình, lãng mạn của Kiều :
         Chính cái tánh đa tình, đa cảm của nàng. Chính cái bản chất qúa lãng mạn trong tình yêu, trong  thơ văn và trong âm thanh của âm nhạc. Chính cái con người kết tạo bởi những cá tính của một nghệ sĩ đa tình, của cô gái mới lớn rạo rực với yêu đương đã là cái nhân chính tạo ra cái qủa khổ ải, gian truân của người đẹp Thúy Kiều vậy .
        Thật thế, ngay trong phần đầu của câu truyện khi cùng hai em đi dự hội đạp Thanh, trên đường về nhà, một buổi chiều tà đẹp đẽ nên thơ của mùa xuân nhìn thấy nấm mồ sơ xác, hoang tàn của Ðạm Thanh :     

Nao nao dòng nước uốn quanh 
Nhịp cầu nho nhỏ, cuối ghềnh bắc ngang 
Sè sè nấm đất bên đường 
Dầu dầu, ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh !

Tại sao Kiều không vô tình như nàng Thúy Vân hay Vương Quan :

Vân rằng :'' Chị cũng nực cười, 
Khéo dư nước mắt, khóc người đời xưa ! ''.
 ......... Quan rằng :'' Chị nói hay sao, 
Một lời là một, vận vào khó nghe ''

Mà Kiều lại khóc thương cho đời hồng nhan bạc mệnh, cho cái lạnh lẽo quên lãng của ngôi mộ Ðạm Tiên. Kiều làm thơ, đốt hương thương khóc, khi về nhà vào buổi tối, vẫn còn ám ảnh vì hình bóng Ðạm Tiên, một giai nhân, tài sắc rồi Kiều nằm mơ thấy Ðạm tiên hiện đến, ra đề cho nàng làm thơ... !  Ðó, ngay đầu cuốn truyện người đọc đã thấy con người, trái tim của Kiều đã khác hẳn Thúy Vân và có lẽ khác thế nhân rồi. Kiều cũng như Vân, cũng nhìn thấy cái đẽp Phan An, Tống Ngọc của Kim Trọng :

Nền phú hậu, bậc tài danh 
Văn chương nết đất, thông minh tính trời 
Phong tư tài mạo tuyệt vời, 
Vào trong Phong nhã ra ngoài hào hoa

Nhưng Kiều đã ngẩn ngơ, yêu Kim Trọng ngay, không muốn từ gĩa dù trời đã về chiều :

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, 
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
 ...........  Người đâu gặp gỡ làm chi 
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?

Rồi cũng chính con tim lãng mạn, tánh  đa tình đó, Thúy Kiều, cô gái mới lớn  khoảng 14, 15 tuổi đã dám phá bung cái lễ giáo của gia đình, của xã hội. Trong dịp cha mẹ và hai em về quê ăn mừng sinh nhật bên ngoại. Kiều đã dám mang đồ ăn sang nhà trọ của Kim Trọng từ sáng đến chiều để tâm sự, thề thốt.  Kiều làm thơ đề hoạ trên bức tranh mà Kim trọng vừa vẽ, Kiều uống rượu với Kim  đến chiều tối rồi vội vàng về nhà. Nhưng biết cha mẹ vẫn chưa về, dù tối khuya nàng lại lén sang nữa, lúc đó Kim trọng đang thiu thiu ngủ  ( có lẽ vì say rượu lúc chiều ? )  :

Cửa ngoài vội rủ rèm the 
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
 ........... Sinh vừa tựa án thiu thiu 
Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mơ !

            Hai người lại tâm sự, lại lấy giấy viết lời thề thốt. Kiều đánh đàn, ở cho tới sáng với Kim Trọng. Ðó là  Kiều đa tình, Kiều lãng mạn, Kiều tài năng, Kiều tuyệt sắc và Kiều của lả lơi như thế ! Hõi làm sao Kim trọng không có tí chút qúa đà! rất bình thường, rất tự nhiên mà thôi ! Một người đàn ông trong lúc còn ngây ngất hơi men khi một gia nhân, lãng mạn như Kiều giữa đêm khuya vào phòng mình... Còn ai nỡ trách làm gì cho mang tiếng gỉa đạo đức ?

Hoa thơm càng tỏ thức hồng 
Ðầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu 
Sóng tình dường đã xiêu xiêu 
Xem trong âu yếm, có chiều lả lơi !

Khi Vương Ông bị thằng bán tơ giá họa, tại sao Thúy Vân không nói đến? Vương Quan là con trai chẳng đoái hoài mà Kiều lại vì thương cha mẹ bị quan nha tra khảo mà phải chọn con đường bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha ? Ðó cũng là cái tình ( tình hiếu đễ) của Kiều mà ra sao ? Ðó không phải vì tình cảm dẫn Kiều vào con đường đọan trường hay sao ?
     Sau khi đã thất thân với Mã Giám Sinh, Kiều bị mang về thanh lâu ở Lâm Truy gặp Tú Bà. Khi biết đã bị mắc lỡm vợ chồng Mã giám Sinh, Kiều cương quyết chống đối lại vũ lực của Tú bà bắt nàng đón khách bằng cách dùng dao tự tử . Tú bà đã phải chịu thua, hứa tìm nơi xứng đáng để gả chồng cho Kiều :

Cũng là lỡ một lầm hai 
Ðá vàng sao nỡ ép nài mây mưa.
 ........ Người còn thì của hãy còn 
Tìm nơi xứng đáng làm con cái nhà

Tú bà dành riêng cho Kiều ở lầu Ngưng Bích nhiều tháng trời, không gây khó khăn cho Kiều. Ngồi trên lầu Ngưng Bích, nhìn qua cửa sổ, những cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi. Nghe tiếng sóng dạt dào cùng với mầu xanh biếc của những làn cỏ chạy dài cuối chân mây... làm cho Kiều nhớ nhà, nhớ cha mẹ , nhớ người yêu. Con người đa tình, nghệ sĩ của Kiều đã khiến nàng làm thơ, ngâm thơ. Nhờ đó Sở Khanh đã có dịp để hoạ vần và Kiều đã tưởng rằng lại gặp được người đồng điệu :  

Chung quanh những nước non người 
Ðem lòng lưu lạc nên vài bốn câu 
Ngậm ngùi rủ bức rèm châu 
Cách tường nghe có tiếng đâu hoạ vần 
Một chàng vừa trạc thanh xuân 
Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng 
Nghĩ rằng cũng mạch thư hương 
Hõi ra mời biết rằng chàng Sở Khanh

Ðó, cái đa tình của Kiều đã dẫn nàng vào nghề buôn phấn bán hương lần đầu tiên, không phải ư ? !
Rồi cũng chính cái đa tình đó Kiều trở thành vợ Thúc Sinh, bị khổ sở, nhục nhã với Hoạn Thư. Nếu Kiều không yêu cái tài văn chương,không mê những cuộc gío mưa với Thúc Sinh thì Thúc Sinh cũng chỉ đến với Kiều như là một khách tìm hoa tầm thường, đến rồi đi mà thôi. Nhưng : 

Khi gác gío, khi trăng sân 
Bàu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ 
Khi hương sớm khi trà trưa 
Bàn vây điểm nước, đường tơ hoạ đàn ! 
Miệt mài trong cuộc truy hoan 
Càng quen thuộc nết, càng dan díu tình

Kiều là thế. Con người của nàng chất đầy tình cảm, chan chứa lãng mạn , đó là nguyên nhân chính  đem nàng đến sự khổ ải cho đời nàng vậy.
       Khi bị Thúc Ông, cha Thúc Sinh thưa kiện lên quan nha, sau những trận đòn nát thịt tan xương. Nhờ Thúc Sinh than van, nhờ tài làm thơ của Kiều, quan nha kính phục Kiều và xếp đặt cho nàng làm vợ lẽ Thúc Sinh ! Tại sao lúc đó Kiều không xin quan nha từ chối sự kết hôn đó để trở về nhà ? Lúc đó Kiều không còn vương vấn gì với chốn lầu xanh vì Thúc Sinh đã chuộc nàng ra rồi mà . Nhưng Kiều vẫn còn yêu Thúc Sinh, yêu con người văn chương, cờ rượu, đa tình và bằng lòng lấy Thúc Sinh. Ðó cũng chẳng phải là thêm một chứng minh con người ướt át lãng mạn của Kiều đã dẫn nàng đến lầu xanh lần thứ hai sao ? ! 

Huệ lan sực nức một nhà 
Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.
 .........   Mảnh vui rượu sớm cờ trưa 
Ðào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh

Hoạn Thư ghen bầy mưu bắt, đầy đoạ Kiều. Nhưng ít ra Hoạn Thư vẫn kính trọng cái tài văn chương, đàn địch và sự thông minh của Kiều :   

Ví rằng có số giầu sang 
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bể trần chìm nổi thuyền quyên
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời !

Hoạn Thư đã lấy lòng từ bi cho Kiều vào lầu quan âm để Kiều xuất gia với pháp danh là Trạc Tuyền, cung cấp tất cả vật dụng sinh sống, ăn uống và còn cắt cho hai người hầu hạ Kiều :

Áo xanh đổi lấy cà sa 
Pháp danh lại đổi tên ra 
Trạc Tuyền Sớm khuya tính đủ dầu đèn
Xuân thu cắt sẵn hai tên hương trà

Còn gì nữa ? hỡi cô Kiều  lãng mạn đa tình ? còn gì nữa một cuộc đời trầm lặng thanh cao của người tu hành mà chính sau này ở phần cuối truyện nàng mong muốn ?  Nhưng khi Thúc Sinh lén ra gặp Kiều ( Thúc Sinh lén đến gặp là lẽ tự nhiên của một con người ),  nhưng nàng lại nặng tình si, lại tâm sự, lại vướng víu. Con tim đầy ắp tình cảm của nàng vẫn là cái động lực làm cho nàng khổ ải  :

Bây giờ kẻ ngược người xuôi
Biết bao giờ lại nối lời nước non 
Dẫu rằng sông cạn đá mòn 
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ

Hoạn Thư kín đáo bắt gặp, Kiều sợ hãi đã ăn cắp đồ vàng bạc qúi báu trốn đi và lại phải vào lầu xanh lần thứ hai :

Nghĩ đi nghĩ lại quanh co 
Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân 
Bên mình giắt để hộ thân 
Lần nghe canh đã một phần trống ba 
Cất mình qua ngọn tường hoa 
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.

  Vào lầu xanh lần thứ hai này, Kiều đã chán nản, buông xuôi cho số phận :

Chém cha cái số hoa đào 
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi 
Nghĩ đời mà ngán cho đời 
Taì tình chi lắm cho giời đất ghen.
 .........  Biết thân tránh chẳng khỏi trời 
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh !

Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ thoáng qua, một chán nản tức thời mà thôi ! Con người đa tình, nghệ sĩ của Kiều đâu có thể dẽ dàng nghe theo sự suy nghĩ của nàng được ! Rồi nàng lại mê mẩn với cái đẹp hùng dũng, cái oai nghi trượng phu của Từ Hải, một khách làng chơi :

Lần thu gío mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi 
Râu hùm, hàm én, mày ngài 
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao 
Ðường đường một đấng anh hào 
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

Từ Hải anh hùng, Kiều đẹp, đa tình thì làm sao mà dứt ra cho được ? ! Anh hùng phải có giai nhân, mà giai nhân ở đây lại là nàng Kiều tài sắc, lãng mạn, thơ hay, đàn gỉoi, tửu lượng cao... và khéo miệng . Ngay lần đầu gặp nhau, Kiều đã nói với Từ hải là con người bao dung, nàng tin rằng chàng sẽ làm lên nghiệp lớn như vua Cao tổ nhà Ðường ở thành Tấn Dương :
Thưa rằng: 

'' Lượng cả bao dung, 
Tấn Dương được thấy mây hồng có phen.

Làm sao mà Từ Hải lúc hàn vi, lúc chưa bay bổng  có thể cưỡng được cái luới tình mê mẩn của Kiều được ?  Ðó cũng biểu lộ được là tình cảm của Kiều vẫn còn tràn lan, vẫn còn nóng hổi với yêu đương lắm vậy :

Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

Từ đây Kiều thật sự đã là vợ của Từ Hải, hạnh phúc và quyền lực đã đến với nàng. Trong toàn câu truyện, người ta hình dung ra một cô Kiều đẹp, nghệ sĩ, lãng mạn, đa tình có tí mong manh. Cô kiều đáng thương gặp phải những bất hạnh của số kiếp. Người ta thương nàng là người phụ nữ chân yếu tay mềm, nhưng trong đọan tả Kiều ngồi xử án, trả thù những kẻ đày đoạ nàng ngày xưa... Cái hình ảnh nàng Kiều mong manh, đáng thương không còn nữa, lúc đó là hình ảnh nàng Kiều của hận thù của la hét của dữ dằn... Ðã làm giảm cái đẹp, giảm cái mê của người đọc với Kiều :

Trướng hùm mở giữa trung quân 
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.
 ...........  Máu rơi thịt nát tan tành 
Ai ơi trông thấy hồn kinh phách rời !

Trong suốt thơì gian 5 năm tiếp theo, Kiều thật sự là một bà chúa, một hoàng hậu quyền uy :

Triều đình riêng một cõi trời 
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
 ...............  Nghênh ngang một cõi biên thùy 
Thiếu gì cô qủa, thiéu gì bá vương

 Nếu Kiều chịu an phận với cái vị trí tột đỉnh đó rồi đón cha mẹ, hai em đến cùng hưởng thú giầu sang, quyền tước thì có lẽ đời của nàng đã rẽ sang một hướng khác. Hướng của một bà hoàng quyền lực. Nhưng tình cảm vẫn đè nặng trong con người của nàng. Kiều tưởng tượng đến cảnh Từ Hải chồng nàng là một vị quan to của triều đình, nàng sẽ là phu nhân, làm rạng rỡ mẹ cha, được trở về cố hương sau nhiêu năm lưu lạc :

Nghĩ mình mặt nước cánh bèo 
Ðã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân 
Bằng nay chịu tiếng vương thần 
Thênh thang đường cái, thanh vân hẹp gì ! 

Với tình cảm yêú đuối dại khờ của một người thiếu phụ, đa cảm,thêm vào đó những món qùa đút lót của Hồ Tôn Hiến, nàng đã khuyên chồng ra hàng quan quân. Tứ Hải, anh hùng nhưng có mấy ai chiến thắng được những lời thì thầm lúc gối chăn ! Ðể rồi chàng đã bị chết đứng dưới làn mưa đạn :

Ðang khi bất ý chẳng ngờ 
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
 ..........   Khí thiêng khi đã về thần 
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng 

Than ôi, chỉ vì một lúc yếu lòng, một lần si mê tài sắc ( mấy ai chiến thắng được nhỉ ? !)  mà bị chết thảm thương để lại một sự nghiệp dở dang :

Triều đình riêng một góc trời 
Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà

Hồ Tôn Hiến bắt Kiều gẩy đàn, dâng rượu  suốt đêm ! Trong truyện không mô tả những việc gì xẩy ra trong đêm đó, nhưng buổi sáng hôm sau, Hồ công cảm thấy ngượng ngùng, lo sợ bị mang tiếng không hay ! Ông ta đã ép gả Kiều cho người thổ quan :

Nghĩ mình phương diện quốc gia 
Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào 
Phải tuồng trăng gío hay sao
Sự này biết tính thế nào được đây ? .... 
Lệnh quan, ai dám cãi đây 
Ép tình mới gán cho người thổ quan.

Có lẽ vì một lý do thầm kín nào khác (?) ngoài cái lý do danh dự của một vị thương quan, Hồ Tôn Hiến đã không bị cái lưới tình, cái sắc đẹp, tài năng của Kiều chinh phục chăng ?.
      Ở phần cuối truyện, tả cảnh xum họp với gia đình, với Kim Trọng. Những đoạn thơ mô tả Kiều nói với Kim Trọng,vẫn còn biểu lộ tánh đa tình, lãng mạn của nàng bằng những câu nói lững lờ. Kiều tâm sự, uống rượu với Kim trọng suốt đêm :

Truyện trò chưa cạn tóc tơ 
Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông 

Dù ở đoạn kết câu truyện cụ Nguyễ Du đã lấy những câu nói, những vần thơ để cho Kiều chấp nhận biến tình yêu vợ chồng của Kiều với Kim Trọng ra tình bạn thơ văn, đàn nhạc và uống rượu. Nhưng nếu lấy cái suy nghĩ  tầm thường của nhân thế, ở một xã hội phong kiến 500 năm về trước.Thời điểm người đàn ông năm thê bẩy thiếp, nhất là giới quan lại, giầu có, thì cảnh một cô Kiều mới 30 tuổi, vẫn còn tuyệt sắc, vẫn đa tình, lãng mạn ( có tí của xác thịt  ). Kiều và Kim vẫn yêu nhau, vẫn gặp nhau ( chẳng ai cản ngăn mà còn đồng ý nữa là khác ! ) , người ta tự hỏi hai người có thể mãi mãi là bạn văn nghệ  được không ?

Ông bà trông mặt cầm tay
Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra
Bây chầy dãi nguyệt dầu hoa
Mười phần xuân, có gầy ba bốn phần. 

Khi mà :                           

Tình nhân lại gặp tình nhân
Hoa xưa ong cũ, mấy phân chung tình.
 ...........  Hai tình vẹn cả hoà hai
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ
Khi chén rượu, khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên !

 Riêng cá nhân tôi,( cái tôi của tục lụy ! )  đọc đi đọc lại nhiều lần truyện Kiều trong nhưng lúc rảnh rỗi, trong tuổi đang đẩn đờ yêu đương, mơ mộng. Cảm thấy mình rạo rực với cái đẹp, cái tài và nhất là cái đa tình, lãng mạn, dám dấn thân của nàng Kiều mà cụ Nguyễn Du đã mô tả trong truyện. Tôi nghĩ rằng Tiên sinh đã cố tình mang vào đó một  giải lý đạo đức của một nhà nho đạo mạo mà thôi, nhưng không đúng phần tâm lý của thời điểm xã hội của câu truyện. Tôi vẫn mong là câu truyện còn dài...  để tôi không mang một cảm giác, nàng Kiều giai nhân, nàng Kiều mơ tưởng của tôi, mới ở cái tuổi 30, vẫn còn sắc đẹp, tài năng và lãng mạn như vậy mà hàng ngày nhìn thấy người mình yêu nhưng phải thu mình vào cầm kỳ, thi hoạ ! Ôi buồn chết ! 



Vài lời tâm tư của người viết

Với Tố Như tiên sinh
       Thưa tiên sinh, sau đúng 180 năm ngày tiên sinh mất, biết bao nhiêu những bài viết, những cuộc nói chuyện, triển lãm...của hàng ngàn vị học giả, vua chúa đã đề cập đến văn tài và tác phẩm của tiên sinh. Họ nói đến cá nhân, tư cách của tiên sinh. Họ nói đến từng câu thơ, từng tác động, từng cảm xúc, từng tài năng ... của từng nhân vật trong tác phẩm siêu thượng của tiên sinh. Họ bi đát hoá câu truyện và cả cuộc đời tiên sinh nữa! Họ nói sau khi viết xong cuốn truyện Thúy Kiều mái tóc tiên sinh bạc phơ vì tận dụng tâm hồn... Họ siêu linh hoá tác phẩm của tiên sinh thành một cuốn sách bói toán...
Kẻ hậu sinh này viết gì đây về tiên sinh khi tất cả sự thật và tưởng tượng mà thế nhân đã viết, đã nói trong suốt 180 năm vừa qua. Khen cũng qúa dư  thừa, mà ngôn từ cũng chẳng thể vượt qua được hai chữ  '' mê say ''! Còn chê bai, cố tìm lấy một dấu vết nhỏ nhoi nào đó để nghĩ mình là một kẻ ''bình văn ''  lại mang cái mặc cảm của kẻ '' ngựa non háu đá ''
Với hai câu thơ mà tiên sinh để lại :

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như

Tạm dịch :

Ba trăm năm lẻ sau này nữa
Thiên hạ, còn ai khóc Tố Như

Kẻ hậu sinh này muốn dành tất cả cái kiến thức thiển cận nhỏ nhoi của mình để nói với tiên sinh một sự thật. Ðó là mới có 180 năm sau ngày tiên sinh mất, bao nhiêu người, từ vua chúa đến kẻ cùng đinh đã ngẩn ngơ, đờ dẫn, đã khóc thương cho cuộc đời tài sắc, số phận của cô Kiều. Mà cô Kiều không phải là tiên sinh đó sao ? Không phải thiên hạ khóc tiên sinh đó ư ?
       Ba trăm năm, ba nghìn năm và có lẽ mãi mãi sau này còn có người đọc và hiểu được tiếng Việt thì thế gian này vẫn còn tiếng khóc thê lương, tiếng đàn thần thánh,những cảnh ngâm thơ đa tình, nghệ sĩ của cô Kiều. Tiếng suối chẩy quanh róc rách giữa bãi cỏ xanh tận chân trời, những buổi chiều tà nhìn bãi biển rì rào sóng vỗ, những lúc ngẩn ngơ buồn viễn xứ mà tiên sinh mô tả trong tác phẩm... Như vậy  còn gì để nhớ, để thương, để khóc hơn được nữa mà thế gian đã và đang dành cho tiên sinh, hỡi Tố Như tiên sinh ?!


Với nàng Kiều

Cô Kiều ơi, ai bảo cô tài năng tuyệt thế, ai bảo cô sắc đẹp nghiêng quốc đổ thành, ai bảo cô đa tình lãng mạn đam mê ? Sắc như thế có mấy người sánh được?Tài năng như thế ai nào dám ghanh đua ? Lãng mạn, đa tình như thế tìm đâu người so sánh ?. Ðẹp như Tây Thi, chim nhạn mùa xuân ủ rũ không bay ( Tây Thi lạc nhạn ). Tài sắc như Chiêu Quân, cá lặn đáy hồ tìm bóng giai nhân ( Chiêu Quân trầm ngư ). Lồ lộ chết người như Ðiêu Thuyền, trăng rằm ngẩn ngơ, mất sáng ( Ðiêu Thuyền bế nguyệt ).  Yểu điệu, sang trọng như Qúi Phi, hoa tươi e thẹn thua mầu thắm ( Qúi Phi tu  hoa )...  cũng đẹp đến như cô mà thôi, Kiều nương ạ ! Ðẹp như thế ! tài như thế ! ai mà không yêu ? ai mà không ngơ ngẩn đa mê ? Ai mà không ghen cơ    chứ ? Trời xanh còn phải cau mặt nhăn mày thì  trách làm chi Kim Trọng,Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải : 

Lạ gì bỉ sắc, tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen !

Ðó cũng là lẽ thường của tạo hoá, của nhân sinh mà thôi ! Không lẽ để cho người đẹp, người tài năng, người đa tình như thế mà duyên toàn, phúc trọn hay sao ? Bất công qúa, ích kỷ qúa ! Thôi Kiều nương ạ, thôi đành chịu đôi phần khổ ải với nhân gian, thôi đành biết một vài mùi vị của gian truân, sóng gío với đời :

Mười lăm năm bấy nhiêu lần
Làm gương cho khách hồng quần thử soi !

Tài như thế, sắc như thế và tình như thế thì cũng phải nhận lấy cái nghiệp như thế ! Trách tạo hoá, trách số phận làm chi cho thiên hạ cau mày  :

Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần, trờI xa.


Với Từ Hải
       Từ Hải ơi, có người cho ngươi là anh hùng mã thượng, là vương chúa một phương. Có kẻ lại nói ngươi là thảo khấu, cướp cạn gặp thời, có người  lại trách ngươi  dại khờ mê gái mà chết đứng ! lại có kẻ đau xót cho ngươi vì Kiều nương mà quên chí lớn :

Áo xiêm trói buộc lấy nhau
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi
Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này đã dễ làm gì được nhau ?    

    Ôi thôi, miệng lưỡi thế nhân, để tâm làm gì cho vướng bận tâm can, với ta, Kiều đẹp như thế, tài năng như thế, đa tình, lãng mạn như thế ..., nếu có vì nàng mà chết, vẫn là cái chết phong lưu, sung sướng.
Vơí nửa năm lúc vị ngộ, nặng nghĩa phu thê    :    

Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

Với trọn năm ai đóng vai thiếu phụ Nam Sương, đằng đãng ngóng trông chồng nơi gío cát :

Nàng thì chiếc bóng song mai
Ðêm thâu đằng đãng, nhặt cài then mây
Sân rêu chẳng vẽ dấu giầy
Cỏ non hơn thước, liễu gầy vài phân

Rồi năm năm, ai cùng mi thoả chí vẫy vùng vương bá : 

Trước cờ ai dám tranh cường
Năm năm hùng cứ một phương hải tần.
 ......... Trướng hùm mở giữa trung quân
Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Thế gian này, biết bao kẻ chỉ mong ước được một phút bùng lên rồi phụt tắt, vẫn còn hơn loe lói suốt quanh năm ! Còn ngươi với Kiều nương tài sắc đa tình, trong gần bẩy năm vùng vẫy thỏa chí nam nhi... Còn gì hơn nữa ! Ðáng ! đáng lắm hỡi kẻ nam nhi mà ta ước muốn.
Với ta, chết vì dân vì nước, chết vì lý tưởng cao danh là cái chết ngạo nghễ lưu danh sử sách. Cái chết kiên hùng muôn thu tưởng nhớ, nhưng mấy ai có được ? Còn  cái chết vì tình yêu, vì si mê, lãng mạn không phải là cái chết phong lưu, đẹp đẽ hay sao ?!  Ta nói thật với mi, nếu đời ta có một kỳ ngộ gặp được một nàng Kiều diễm ảo, đa tình như thế thì dù có vì nàng mà chết đi chết lại, chết đứng, chết ngồi, ta chẳng bao giờ có một tí nhăn mặt ngại ngần từ chối ! Ta tầm thường ư ? Thôi cũng  được ! Ta lầm lẫn ư ? Có hề chi một kiếp phù du ? !

(Zurich,  tháng 7, năm 2000)

Trang Lưu An là anh Vũ Ngọc Ruẩn, sinh năm 1946 tại Xuân Trường, Nam Ðịnh , Việt Nam. Bút hiệu Lưu An & Thượng Xuyên Lộ, cưu học sinh Chu Văn An 59-66, tốt nghiệp Master về Food Sciences đại học Kagoshima, Japan 1977. Anh Ruẫn hiện đang sinh sống tại Thụy Sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét