Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

59 - VÃI GIÁC-DUYÊN - NGUYỄN-PHÚ-LONG

NGUYỄN PHÚ LONG
Đọc truyện Thúy-Kiều

VÃI GIÁC-DUYÊN
NGƯỜI VÀ VIỆC
 
Nhắc đến Truyện Thúy-Kiều ai ai đều dễ dàng hình dung ra bao nhiêu nhân vật sống động: Thúy Kiều, Thúy-Vân, Kim-Trọng, Từ-Hải, Sở-Khanh....
Nhưng ít có người để ý đến một vài vai trò khá quan trọng, hiện diện suốt một đoạn thật dài, thí dụ như Vãi Giác-Duyên, người mà ngay như Chu-Mạnh-Trinh, sáng tác cả một tập thơ vịnh Truyện Kiều cũng chẳng làm cho vãi được một bài thất ngôn bát cú, thế có bất công hay không!!!
Thúy-Kiều thì:
... sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn,
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.


Từ Hải thì:
Râu hầm hàm én mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.


Nhưng đến Vãi Giác Duyên thì chẳng ai biết hình dáng vãi như thế nào, bởi tác giả tuyệt nhiên không có một câu thơ nào mô tả vãi, do đó nay đề cập đến vãi thật cũng khó, thật là:
Ma đưa lối, quỷ đưa đường,
Lại tìm những chỗ đoạn trường mà đi.


Đến đây tôi phải xin phép quý vị cao niên, quý vị thuộc lòng truyện Thúy-Kiều nhuyễn như cháo, quý vị đã từng bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, để nói qua về cốt truyện một chút.
Như ai nấy đều biết, Truyện Thúy-Kiều là một truyện dài phóng tác bằng thơ của Nguyễn-Du từ một bản văn xuôi của Trung Hoa, kể lại cuộc đời nàng Kiều tài sắc, đào tơ mơn mởn, tương lai đầy hứa hẹn, đang ươm một mối tình đẹp như mộng, nhưng định mệnh đã éo le đưa đẩy vào những nghịch cảnh, phải bán mình chuộc cha, rơi vào thanh lâu, được một nhà buôn tên Thúc Kỳ Tâm cứu ra, những tưởng từ đây sống cuộc đời an phận, êm đềm, nào ngờ lại gặp vợ của Thúc Sinh quá ghen, làm tình làm tội đủ điều nên mặc dù: 
“Sót vì cầm đã bén giây, 
Chẳng trăm năm cũng một ngày duyên ta.”



 Thúy-Kiều cuối cùng phải quyết định:
“Liệu mà xa chạy cao bay, 
Ái ân ta có ngần này mà thôi.” 
Thế là một hôm, đang đêm Thúy-Kiều đã:
“Cất mình qua ngọn tường hoa, 
Lần đường theo bóng trăng tà về tây.”

 Thúy-Kiều cuối cùng phải quyết định:


để tình cờ trên đường vô định gặp vãi Giác-Duyên. Vãi Giác Duyên có mặt trong Truyện Thúy Kiều kể từ lúc đó:
Xăm xăm gõ mái cửa ngoài,
Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong.
Thấy mầu ăn mặc nâu sòng,
Giác-Duyên sư trưởng lành lòng liền thương.


Vãi Giác-Duyên được bao nhiêu tuổi, sinh ngày nào, tháng năm nào, không ai biết rõ.. Nhưng truyện Thúy-Kiều được bắt đầu kể ”Vào năm Gia-Tĩnh Triều Minh.” Rồi sau đó trong khoảng mười lăm năm vãi Giác-Duyên đã gặp Thúy-Kiều ba lần, và ngay lần đầu, vãi đã là sư trưởng đang cai quản, điều hành tại một ngôi chùa đàng hoàng 
Ta thử nghĩ coi, chẳng lẽ một vị sư trưởng đứng đầu cả một ngôi chùa, quán xuyến mọi việc từ ngoại giao cho đến nội bộ, từ vật chất cho đến tinh thần, từ lớn đến nhỏ mà chưa được mười lăm tuổi sao! Vậy tôi có thể kết luận, với sự dè dặt thường lệ, là, năm sinh của vãi Giác-Duyên phải trước năm Gia-Tĩnh khá lâu!!!
Câu chuyện tuổi tác của vãi Giác-Duyên vừa được bàn sơ, nhưng ta nên ngưng ở đây thôi! Dù sao vãi cũng là phái nữ. Nói rõ ràng về tuổi tác của phái nữ thời buổi này là không lịch sự. 
Bây giờ ngẫm về bốn câu thơ tả lúc Thúy-Kiều gặp vãi Giác-Duyên nơi chùa trên đây, bàn về cách xưng hô sao cho chỉnh, có lẽ ta phải gọi là sư bà mới đúng. “Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong.” Trụ trì là sư đã thụ giới lên hạng sư ông, sư bà. Nhưng xưng hô như vậy lại không được tự nhiên, thân tình. Mà gọi là vãi thì vẫn tỏ được cái ý kính trọng, mới lại chính trong truyện cũng có chỗ kêu Giác-Duyên là vãi:
Mụ quản gia, vãi Giác-Duyên,
Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời.


Do đó tôi cũng chọn chữ VÃI để nói về vãi Giác-Duyên.
Thường, một bà vãi thì còn ở tại gia. Tôi nghĩ, để được kể là một bà vãi, điều kiện cần và đủ, chỉ là năng đi lễ chùa, thuộc một ít Kinh Phật phổ thông và có tinh thần sẵn sàng làm công quả, sẵn sàng tham dự vào các việc hiếu sự trong cộng đồng làng xã thế thôi. Nếu chấp nhận hiểu như vậy là đúng thì vãi Giác-Duyên cũng hơi khiêm nhường. Thực ra tiếp tục đọc truyện Thúy-Kiều ta thấy vãi Giác Duyên đã không lưu tâm gì đến cách xưng hô của người đời đối với vãi. Xưng hô còn biểu lộ danh vị. Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, Ông Tú Vị Xuyên. Vãi là nhà tu nên coi thường danh vị và ngay cả lợi lộc nữa. Ai gọi sao cũng được, chẳng bao giờ thấy vãi phản đối, ưu phiền, đính chính. Có lúc vãi được gọi là THẦY:           
Nhớ lời lập một am mây
Khiến người thân tín rước thầy Giác-Duyên.



Chỗ khác vãi lại được gọi là PHÁP SƯ:
Thật tin nghe đã bấy lâu,
Pháp-sư dậy thế sự đâu lạ dường!


Và một lần nữa lại được gọi là SƯ HUYNH:
Bản sư rồi cũng đến sau,
Dậy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh!


Thuý Kiều đã nói thế khi gặp vãi Giác-Duyên ở chùa Chiêu-Ẩn-Am và đưa tặng lễ vật ra mắt, dối rằng mình là đệ tử của sư bà Hằng Thủy sẽ đến sau. Lễ vật ra mắt là đồ lấy từ nhà Hoạn-Thư để phòng thân thì còn dễ hiểu, nhưng làm sao tình cờ mà lại biết chuyện sư bà Hằng-Thủy để kể ra như thật vậy nhỉ! Câu chuyện hai người gặp gỡ cũng dản dị nhưng đã chứng tỏ nhà tu lòng dạ thực thà chất phác, còn Thúy Kiều thì đúng là “Thông minh vốn sẵn tính trời.”  
Theo bản chữ, xin mô tả diễn tiến đại khái như sau: từ xa, khi trông thấy ngôi chùa với “rành rành” ba chữ Chiêu-Ẩn-Am thì Thúy Kiều “xăm xăm” tới gõ cổng (cửa ngoài) và được một ni cô ra tiếp xúc. Thúy-Kiều nói rằng đi vân du đến đây xin vào nghỉ chưn. Ni cô cho biết việc này phải hỏi sư đương gia. Kiểu hỏi sư đương gia tên là gì ? Ni cô trả lời Giác-Duyên. Kiều nhớ lấy tên ấy rồi vào nói với Giác-Duyên rằng: “Tôi cùng với thầy tôi định đi đến “Chiêu Ẩn Am” thăm sư Giác-Duyên. Không ngờ thầy tôi đi lạc đâu, tìm không thấy, mãi mới thấy chùa đây, không biết thầy tôi đã đi đến chưa?  Giác Duyên nghĩ một lúc rồi hỏi có phải sư Hằng Thủy ở Trấn-Giang không? Kiều nhận là phải. Nếu Giác-Duyên hỏi, chẳng hay thầy của ni cô là ai, thì có lẽ Thúy-Kiều cũng hơi lúng túng!
Chiêu Ẩn Am là một kiểng chùa ở bên Trung Quốc. Theo diễn tiến câu chuyện thì nó phải nằm trong vùng Vô-Tích thuộc tỉnh Giang-Tô, cho nên trong chúng ta chắc không ai có duyên tri ngộ, họa chăng chỉ có một người. Đó là tướng Nguyễn-Sơn của Việt Nam cộng sản, kẻ đã từng theo Mao-Trạch-Đông làm cuộc vạn lý trường chinh vòng vo Trung-Quốc.  Mà giả thử Chiêu Ẩn Am có tọa lạc ngay trên đất nước ta chăng nữa chắc cũng ít người biết đến vì nước ta, nhất là Bắc Việt có rất nhiều chùa: Chùa Thầy, chùa Tây-Phương, chùa Long-Giáng…, ở đâu cũng thấy chùa! 
Đến nỗi, “Năm Bính Ngọ 1786 khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà lần thứ nhất, thấy làng nào cũng đầy dẫy chùa chiền, người có đưa ra ý kiến là Đàng Ngoài nhiều chùa quá, mà những người đi tu thì không mấy đạt được cái đạo cao siêu của Phật, nên về sau người xuống chiếu bắt bỏ các chùa nhỏ ở các làng đem gỗ gạch làm ở mỗi phủ huyện một ngôi chùa thật to, thật đẹp rồi chọn lấy tăng nhân có học thức, đạo đức ở coi chùa thờ Phật, còn những người không xứng đáng thì bắt về làm ăn. Ý Vua Quang-Trung muốn rằng chỗ thờ Phật thì phải cho trang nghiêm, mà những người đi tu thì phải là bực chân tu, mộ đạo mới được.” Theo VNSL Trần-Trọng-Kim.
Mới đầu gặp gỡ thì vãi Giác-Duyên đã hoan hỷ chấp nhận Thúy Kiều vào ở tạm trong chùa vì đinh ninh Kiều là người nhà của sư bà Hằng Thủy, một người bạn tu ở tận Trấn-Giang. Nhưng trường hợp nếu Thúy Kiều không giới thiệu là đệ tử của Hằng Thủy thì chắc quyết định của vãi cũng không thay đổi gì vì cho tá túc kẻ lỡ độ đường là phản ứng bình thường của các vị tu hành. Song ít lâu sau, khi biết Kiều bỏ chốn từ nhà Hoạn-Thư, vợ của Thúc Sinh thì vãi thương quá, sợ quá!
Giác-Duyên nghe nói rụng rời,
Nửa thương nửa sợ bồi hồi chẳng xong.



Sợ vì vãi thấy đây không phải là chuyện bình thường; Còn thương là thương cho một kiếp hồng nhan lận đận. Cũng vì thương, vì sợ nên vãi đâu nỡ phủi tay đẩy nàng ra khỏi cổng chùa, vãi đã phải cố gắng tìm cho Kiều một lối thoát, một chỗ dung thân. À phải rồi! Gửi nàng sang nhà họ Bạc, một người vẫn thường tới chùa dâng hương cúng phật vào những ngày ràm mồng một. Nhưng vãi có ngờ đâu, với con mắt đầy tình người chân thật của kẻ mặc áo cà sa vãi đã không có kinh nghiệm nhìn thấu cuộc đời giả dối và làm như vậy vãi đã vô tình đẩy Kiều vào con đường lầu xanh cũ.  Bởi vì Bạc bà thì  cũng chính là một tay tổ bợm già như Tú Bà, cả hai đều nuôi những tay em, ”đi dạo lấy người, Đem về rước khách kiếm lời mà ăn.” Thế nên khi Thúy Kiều sa vào tay Bạc bà thì cũng như lúc trước lọt vô hệ thống của Tú bà  vậy. Thân gái yếu đuối cô đơn, làm sao vùng vẫy thoát khỏi. Đã từng có một bài học, lần này nàng chẳng chống cự nhiều, chẳng toan tự tử, sau những lừa đảo, sau những áp bức đe dọa nàng đành chấp nhận bằng một lời oán than chua sót:
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!


Trở lại lầu xanh, Thúy Kiều có oán than gì vãi Giác Duyên không??? Không, tuyệt nhiên không. Tản-Đà Nguyễn Khắc Hiếu, trong một bài hát nói đã viết:
Cô Thúy Kiều xưa kia còn má phấn môi son,
Lầu xanh chưa mãn (ấy chứ) cô lại bon đi ở chùa.


Ý nói chưa hết hạn ở lầu xanh thì đi ở chùa làm gì để lại phải trở về lầu xanh! Thúy Kiều hình như cũng đã biết cái số kiếp hẩm hiu như vậy nên ta thấy nàng đã không hờn giận gì vãi cả!
Hơn thế nữa, Thúy-Kiều còn luôn luôn nhớ ơn vì đã được cưu mang những ngày tuy ngắn ngủi nhưng thật êm đềm thanh thản dản dị đượm mùi dưa muối nâu sồng ở Chiêu Ẩn Am.
Cái ơn này ví như sự tích Bát Cơm Phiếu Mẫu, Kiều nghĩ, dù cho có ngàn vàng cũng không thể đền bồi được tấm lòng thương bao la của vãi đối với nàng. Thế nên khi được chuộc ra lần thứ hai từ lầu xanh rồi trở thành phu nhơn Từ Hải, một người một mình một cõi đất Hàng Châu, Kiều đã sai đem lệnh tiến mời vãi đến để báo đáp phần nào:
Nhớ khi lỡ bước sẩy vời
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương
Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
 Mà lòng Phiếu Mẫu mấy vàng cho cân.



Khi nhìn thấy người cầm lệnh tiến mời vãi đi gặp Thúy Kiều thì vãi Giác Duyên cảm nghĩ thế nào nhỉ? Trong truyện không cho biết gì cả. Cho đến lúc đó vãi cũng không còn bận tâm nhiều về Thúy-Kiều nữa. Nàng đến chùa tá túc ít bữa rồi đi, cũng như nhiều kẻ khác trước nàng và sau nàng. Cổng chùa rộng mở. Hoàn cảnh của nàng có đặc biệt, nhưng hoàn cảnh nào chẳng đặc biệt. Chuyện nàng đã cũ, coi như là đã giải quyết xong.
Về sau có thể là Bạc bà vẫn đến chùa dâng hương cúng phật tại Chiêu-Ẩn-Am như thường lệ…và khi Bạc bà trở lại đôi khi vãi Giác-Duyên có hỏi thăm nàng nhưng thiếu gì cách để trả lời qua mặt vãi, chẳng hạn Bạc bà sẽ kể lể, nào là kiếm được chỗ tử tế, cũng con cháu nhà, cho cưới hỏi xong xuôi, hiện đã yên bề gia thất, chưa biết chừng nay đã con dắt, con địu vân... vân... toàn là tin lành làm vãi đã nghe, vãi đã tin và vãi đã nhầm. Sự thực không phải như vậy.
Đây là lần thứ nhì vãi Giác Duyên xuất hiện và cũng là lần thứ nhì vãi gặp Thúy-Kiều. Còn nhớ lần trước vãi nhờ Bạc bà đưa Kiều ra khỏi cổng chùa, để nàng phải dấn thân vào một cuộc phiêu lưu tối tăm mờ mịt, bao nhiêu gió dập mưa vùi nỗi tủi nhục làm sao kể xiết... để về sau may mắn lọt vào tay Từ-Hải, một người trai anh hùng đang trọc trời, khuấy nước ở đất Hàng-Châu.
 Không giống lần trước, bận này vãi chẳng chủ động chuyện gì, vãi đến đây trong tư cách một người khách được mời. Vãi cũng chẳng có ý kiến gì về những việc sẩy ra mà vãi mới biết. Thời gian gặp gỡ thật là ngắn ngủi. Có lẽ ngắn ngủi vì vãi không muốn nhìn thấy cảnh phồn hoa phú qúy chăng? 
Giác Duyên vâng dặn ân cần,
Tạ từ thoắt đã rời chân cõi ngoài.


Như ta biết, Giác-Duyên là một vai phụ trong truyện Thúy Kiều, nên chỉ được nói đến thấp thoáng qua những nút thắt mở cần thiết cho câu chuyện, tuy nhiên ở giữa những nút thắt mở ấy, Giác-Duyên cũng chắc chắn còn một đời sống riêng liên tục, đời sống đó dù không được giới thiệu ra rõ ràng song ta cũng hình dung được qua những hoạt động rải rác như là :
“Đeo bầu quẩy níp.”, “Hành cước phương xa.”, “Ngao du sơn thủy.”  Đời sống đó vô cùng thanh thản, nhẹ nhàng, thơ thới như một áng mây đẹp lững lờ trôi, làm ta ao ước có khi suốt đời chả mong thực hiện được!
Chuyến này, sau khi gặp Kiều lần thứ nhì, nhớ lời dặn dò ân cần, vãi đã đi tìm Tam Hợp đạo cô, một nhà tiên tri, để hỏi giùm về tương lai hậu vận Thúy-Kiều. Vậy sư Tam Hợp đã nói gì về cuộc đời Thúy-Kiều? Hung kiết ra sao? Và bởi lẽ “Xưa nay nhân đinh thắng thiên cũng nhiều!” nên sau khi nghe sư Tam-Hợp, vãi Giác-Duyên có cần phải hành động gì để phụ giúp không?
Căn cứ vào áng văn chương bất hủ Truyện Thúy-Kiều của Nguyễn Du, người viết xin được trình bầy tiếp như sau:
Giác-Duyên đi rồi, Thúy Kiều ở lại với cuộc sống “Thong dong cá nước vui vầy”, “Eâm đềm trướng rủ màn che”, “Phỉ nguyền sánh phượng đẹp duyên cưỡi rồng”… Nhưng tiếc thay thời gian hạnh phúc ngắn ngủi chỉ được năm năm. Sau năm năm “Giây cát được nhờ bóng cây” biết bao nhiêu biến cố dồn dập xẩy đến, nguyên do từ một quyết định lầm lẫn của Từ-Hải, một tính toán thiển cận của Thúy-Kiều khiến cho chàng thì chết đứng giữa đám ba quân tan nát, khói lửa mịt trời, nàng thì bị xô đẩy đến con đường cùng, phải nhẩy xuống Sông Tiền Đường tự tử.
Sư Tam-Hợp đã tiên tri việc này, và cũng báo trước rằng dù Thúy Kiều có tự tử “song chẳng hề chi!” nên đã dặn dò Giác Duyên những việc phải đề phòng:
Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,
Tiền-Đường thả một bè lau rước người.
Trước sau cho vẹn một lời
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không.


Theo lời khuyên trên đây, vãi Giác-Duyên bèn bắt tay ngay vào việc. Vãi thuê người túc trực canh chừng dưới bến, vãi cho làm nhà tranh ngay ven sông, vãi mua thuyền thả trên dòng nước, đan lưới kết chài giang ngang… đợi chờ tất cả mọi sự đều sẵn sàng cho khi chửng nịch! (Chửng nịch là vớt người chết đuối, trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có câu: “Do kỷ chi thành, thẩm ư chửng nịch.”) 
Thế là sau khi Thúy-Kiều vừa gieo mình xuống lòng sông thì lập tức ngư ông đã vớt ngay lên thuyền rồi đem ngay về nhà tranh cất ven sông phục cho nàng tỉnh lại để nàng nhìn thấy vãi Giác Duyên với nét mặt lo lắng ngồi bên cạnh thì không hiểu đang ở nơi đâu, đang sống hay là đã chết rồi!
Đến đây ta mới thấy công ơn của vãi Giác-Duyên thực sự to lớn dường nào! Đúng như Kiều nghĩ, núi vàng cũng không sánh bằng! Mặt khác ta lại thấy mối liên hệ giữa Kiều và vãi Giác Duyên thật là NGƯỜI. Mối liên hệ này Giác-Duyên cũng nhìn thấy từ lâu nhưng dưới con mắt nhà phật qua câu nói “Sư rằng nhân quả với nàng…”, thật vậy, Kiều gặp hoạn nạn tới gõ cổng chùa, Giác Duyên mở lòng từ bi cứu khổ, nếu không có DUYÊN với nhau thì sự gặp gỡ giữa hai người chỉ có thế thôi, đường đời muôn vạn ngả, sau đó mỗi kẻ đi một phương, dễ gì còn tương ngộ.
Nhưng sự thể đã diễn ra không thường tình như vậy. Một bên là Thúy Kiều thì sau khi từ giã, lúc nào cũng ghi nhớ, canh cánh bên lòng để rồi khi có dịp là bầy tỏ, thực hiện ngay bằng cách mời vãi đến kể lể điều ân nghĩa. Mặt khác, cử chỉ hành động của Kiều đã khiến cho vãi Giác-Duyên cảm động về một tấm lòng chung thủy, nên cũng chẳng tiếc gì, đã tận tụy lo cho cuộc đời Thúy-Kiều hệt như một bà mẹ lo cho con. Thật vậy, công việc vãi sửa soạn cứu vớt Kiều, hình ảnh vãi ngồi lo lắng chờ Kiều nằm thiêm thiếp trong khoang thuyền, quần áo nàng ướt sũng đúng là một người mẹ lo cho con. 
Đặt trường hợp nếu truyện Thúy-Kiều không có nhân vật Giác-Duyên thì mọi tình tiết sẽ biến chuyển ra sao nhỉ?  Khi Thúy Kiều chốn khỏi nhà Hoạn-Thư chắc là thay vì đến Chiêu Ẩn Am sẽ gõ cửa thẳng tới nhà Bạc bà, đoạn báo ân báo oán sẽ không có vãi, những người ân đền oán trả chỉ có vợ chồngThúc Sinh, đám khuyển ưng, mụ quản gia thế thôi!... Đến đây mọi sự vẫn bình thường, nhưng đoạn sau cùng thiếu vãi thì không biết Nguyễn-Du sẽ đưa đẩy câu chuyện như thế nào! Và dù như thế nào, ta tin tưởng là với thiên tài Nguyễn Tiên-Điền thì chúng ta vẫn có một kết thúc có hậu, hấp dẫn cho truyện Thúy-Kiều.
Đặt trường hợp vậy thôi, chứ thực sự thì vai trò Giác Duyên là rất cần thiết, nhờ ba giai đoạn vãi tiếp xúc với Thúy Kiều, ngoài việc đưa đẩy nàng đến những hoàn cảnh lúc chìm lúc nổi, làm mủi lòng người, hấp dẫn cho câu chuyện vãi còn cộng tác với sư Tam-Hợp để tạo ra cái không khí lãng đãng của đạo Phật, có chùa có cảnh có thuyết định mệnh, nhân quả, luân hồi và đó cũng là một số điều mà tác giả muốn câu chuyện chuyên chở mang theo.
Xem vậy nhiệm vụ của vãi do Nguyễn Du trao cho cũng lớn và cũng vô cùng quan trọng.  Như thế Nguyễn-Du tất phải giới thiệu vãi như là một người khả kính trong xã hội, có chức vị, có học thức.
Về chức vị thì hiện Giác-Duyên đang là sư trưởng trụ trì tại chùa Chiêu Ẩn Am vậy là ổn rồi. Tuy nhiên còn chứng minh cái “học thức” của vãi Giác Duyên cũng hơi lòng vòng. Như ai nấy đều biết, trong xã hội Á-Đông xưa, chẳng có người đàn bà nào đỗ đạt, làm quan. Lý do là các bà phần nhiều đi học nhưng tuyệt nhiên không đi thi, hãn hữu mới có trường hợp như truyện Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài còn thì con gái học cho biết ấy mà! Thế nên nói rằng phái nữ ngày trước vô học thì không chấp nhận được!  Bà Đoàn-thị Điểm học giỏi nổi tiếng từ năm lên sáu; Bà Hồ Xuân Hương cha mất sớm vẫn được mẹ tiếp tục cho đi học. Có điều các bà đi học nhưng không phải ai cũng trở thành thi sĩ. Lại nữa, vì xã hội không chấp nhận họ tham gia thi cử thành ra chẳng biết thực sự trình độ học vấn của họ đến đâu, do đó phần lớn ta được biết tới những người phụ nữ có học vì một lẽ dản dị là thấy họ đọc được chữ thánh hiền.
Vãi Giác Duyên cũng đọc được chữ thánh hiền vậy thì phải kể vãi là người học thức đáng kính, chẳng thế mà khi cơ duyên đưa đẩy vãi tới một đàn tràng lễ chiêu hồn cho một vong linh quá vãng trên Sông Tiền Đường vãi nhác trông lên linh vị thấy tên tuổi của Thúy Kiều bèn
Thất kinh mới hỏi :”Những người đâu ta?
Với nàng thân thích gần xa 
Người còn sao bỗng làm ma khóc người!”



“Những người đâu ta ”gồm đầy đủ mẹ cha Thúy Kiều, chàng Kim-Trọng, cô Thúy Vân,những người mà Thúy Kiều đã hy sinh cả đời mình vì thương mến, những người mà nàng đã xa cách mười lăm năm nhưng trong lòng lúc nào cũng nôn nóng nhớ nhung!
“Những người đâu ta” cũng vậy. Cũng rất đáng thương trước nỗi đau khổ ly tan thiếu vắng nàng. Sau một thời gian dài khổ công tìm kiếm cả mười mấy năm, bây giờ đến đây, được tin nàng đã thực sự gieo mình xuống Sông Tiền-Đường, vậy là hết!  Không còn gì nữa! Lễ chiêu hồn được tổ chức là hành động cuối cùng nói lên sự thất vọng hoàn toàn. Nhìn ngọn sóng bạc nhấp nhô trước rặng núi trùng trùng mọi người còn tưởng tới lúc Thúy Kiều gieo mình xuống nước, giờ không biết linh hồn nàng đang phiêu bạt chốn nào! Có hóa thành con chim Tinh Vệ như chuyện công chúa con Viêm Đế thuở xưa. 
Trong tình trạng tuyệt vọng đó, thật xững xờ, mọi người lại được gặp vãi Giác-Duyên và câu hỏi mở đầu của vãi thực tình cũng đã làm mọi người …thất kinh! Tá hỏa!  Để rồi nỗi hy vọng từ đâu đột ngột trở về, càng lúc càng lớn, ai nấy  mừng như thể chết đi vừa sống lại. Mọi việc đảo lộn thật không ngờ! “Dụi mắt tưởng mình mơ mới tỉnh, Tỉnh rồi ngơ ngác lại chiêm bao.”(TVL)
Sau cùng thì còn biết làm gì hơn là mọi người riu ríu theo vãi Giác Duyên về thảo am ven sông gặp lại Thúy Kiều. Cố nhân ngộ cố tri, người cũ gặp người xưa. Mười lăm năm dài hay ngắn?  Mười lăm năm đã qua. Cảnh bây giờ đã khác, ở đây không có “Cỏ non xanh tận chân trời, cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” nhưng người xưa vẫn còn đó với chút thời gian phảng phất trên hình hài, nó khiến cho ánh mắt nhìn nhau càng gần gụi, thân tình xao xuyến bâng khuâng. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Cuộc trùng phùng vui đến rơi nước mắt, thực không bút mực nào tả xiết.
Rồi sau cơn xúc động, Thúy Kiều đã gạt lệ, như một cách giới thiệu, kể cho gia đình nghe “đầu đuôi câu chuyện” giữa nàng và vãi Giác-Duyên. Cuối cùng kết luận ngỏ ý muốn ở lại chùa với vãi cho trọn tình trọn nghĩa.
Mùi thiền đã bén muối dưa,
Mầu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng,
Sự đời đã tắt lửa lòng,
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi.


Nhưng chắc chẳng nói thì mọi người  cũng biết là ý kiến của nàng bị gạt bỏ ngay, không được ai hoan hỷ chấp nhận, thiểu số phục tòng đa số, cưỡng sao được, gia đình nàng đã phủ phục lạy tạ vãi Giác-Duyên rồi sửa soạn đem nàng về sum họp dự trù xong xuôi sau này “Lập am rồi sẽ rước thầy ở chung!”
Ông Vũ-Trinh (1759-1828) quan tham tri bộ hình, anh rể Nguyễn-Du, đọc truyện Thúy Kiều có phê rằng “Thúy Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ như hòn đá nàng chỉ đáng cho theo thói giầu sang làm bà quan là phải!” ý muốn so sánh với ba lần xuất hiện của vãi Giác-Duyên. Ý muốn chê Thúy-Vân đã chẳng giúp đỡ chị em khi hoạn nạn được việc gì.
Nhưng đem so sánh như thế cũng hơi khe khắt, vị trí Giác-Duyên và Thúy Vân khác nhau, Thúy Vân không có cơ hội tiếp xúc với xã hội, trước sau vẫn chỉ là “thiếp trong cánh cửa” sống trọn vẹn với tinh thần “Tại gia tòng phụ, xuất gía tòng phu, phu tử tòng tử”. Hơn nữa, ý kiến của Giác Duyên thì trước sau chắc mọi người còn nhớ, vãi đã giải thích những liên hệ giữa vãi và Thúy Kiều là vì hai người có nhân quả với nhau!
Và nếu đúng như thế thì cái nhân quả ấy lại đang bước sang một chuyển biến mới. Vãi và Thúy Kiều đã đến lúc chia tay như thể ai sẽ đi con đường của người ấy!
Vãi là kẻ tu hành, chuyện hợp tan trong cõi tạm này coi cũng nhẹ. Suy nghĩ như vậy sẽ giúp vãi phần nào trong việc dứt ra cái tình quyến luyến do khoảng thời gian gần gụi bên nhau. Cuối cùng, khi đôi uyên ương Thúy-Kiều Kim Trọng đã thu xếp yên bề gia thất, cho người đi thỉnh vãi về thì không tìm thấy vãi đâu cả!
Sư đà hái thuốc phương xa,
Mây bay hạc lánh biết là về đâu.



NGUYỄN-PHÚ-LONG
Virginia, USA - (Trích trong Ai Đắp Lũy Thầy)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét