Cần có một bản hiệu chú "Truyện Kiều"
Lê-Ngọc-Trụ
Trên thi đàn Việt Nam, về phương diện văn chương, dùng toàn tiếng Việt để diễn tả cốt truyện một cách thi vị, thì ai ai cũng đều công nhận và thán phục thi tài của cụ Tiên-Điền Nguyễn-Du trong quyển Đoạn-trường Tân-thanh, diễn dịch nơi cuốn Kim-Vân Kiều truyện của Thanh-Tâm Tài-Nhân Từ-Vị.
Quyển Đoạn-trường Tân-thanh, thường gọi là Truyện Kiều hoặc Truyện Thúy-Kiều, một « Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ » (1) trải qua thời gian và không gian, được hầu hết các giới trong xứ tán thưởng, các thi nhân học giả ngâm vịnh, « bói » « lẩy », bình luận giảng giải rất nhiều. Và áng văn tuyệt phẩm của cụ Tố-Như cũng vì đó mà bị sửa chữa, thêm thắt quá nhiều, làm cho ngày nay bản Truyện Kiều không còn được thuần nhất, có nhiều « thoại » khác nhau, khiến cho ông Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu, trong bài tựa quyển Vương-Thuý-Kiều chú giải tân truyện đã viết :
« Thường thấy nhiều người bàn nói về quyển Kiều, lẩn thẩn mê man, gần khiến cho người nghe đến không rõ quyển truyện « nàng Thuý Kiều » hay truyện « ông Nguyễn Du » nữa. Lại có những người quá sùng bái cổ nhân, tự cam nô lệ, xướng ra những lời đàm phán quá đáng, không đích đáng ; chẳng làm thêm giá trị cho tác giả chút chi, mà chỉ làm mất cái diện mục của văn chương đã lắm. Rồi nữa, kẻ tung lên, người dấp xuống ; một quyển văn vô tội, gần thành một quả ban-lông (ballon). Nghĩ thật đáng buồn cho dư luận văn học giới ».
Sở dĩ quyển Truyện Kiều có nhiều « thoại » như vậy, nguyên do trước tiên tại bởi có hai bản khác nhau, là bản Phường và bản Kinh bằng chữ nôm, mà chúng ta ngày nay còn nghe nói. Chúng tôi không được có hai bản ấy để đối chiếu mà khảo cứu, xin tóm lược bài « Bản Phường và bản Kinh », của giáo sư Doãn-Quốc-Sỹ (2).
« Bản nguyên văn Truyện Kiều của Nguyễn-Du đã thất lạc ngay từ buổi đầu ; hiện nay chỉ còn hai bản khác nhau ít nhiều : bản Kinh và bản Phường.
Bản Kinh do vua Dực-Tông đã chữa lại và cho in ở Huế, bản phường do Phạm-Quý-Thích đem khắc in ở phố hàng Gai (Hà-nội). Thế nào bản Phường cũng có những chỗ sửa đổi lại vài câu, nhưng chắc chắn gần với nguyên tác hơn cả, vì căn cứ vào :
« 1.- Lời văn từ đầu đến cuối cùng một giọng.
2.- Phạm-Quý-Thích, người Hải-dương, đỗ tiến sĩ về cuối Lê, cùng với tác giả là bạn đồng thanh đồng khí và có được tác giả đưa cho xem khi quyển truyện làm xong.
3. Bản Phường là bản đã được in và khắc trước hết.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
So hai bản, có nhiều khoản khác nhau những tiểu tiết, có khi sửa hẳn cả ý lẫn lời. Như đoạn Hoạn-Thư, Thúc-Sinh với Kiều :
- Khi thì bản Kinh hợp tình hợp lý.
- Khi thì bản Kinh kém sút quá xa về cả lời lẫn ý.
- Khi thì bản Kinh quá ư tàn nhẫn và thô lỗ.
- Khi thì bản Phường, vừa nhẹ vừa êm... ».
Về chuyện vua Tự-Đức cho sửa quyển Truyện Kiều, ông Nguyễn-Phú-Đốc trong bài « Địa-vị « Truyện Kiều » trong lịch sử quốc văn » (3) có nhắc đến, như vầy :
« Truyện Kiều viết xong, các bậc thâm nho cũng đều phải công nhận là một áng văn nôm tuyệt phẩm. Đến đời vua Tự-Đức, nhận thấy có người chê Truyện Kiều, nhiều câu văn không được hoàn toàn và thanh nhã, nhà vua liền truyền cho tất cả các quan họp nhau soạn lại Truyện Kiều, thì có một vị quan tại triều tên là Hà-Tôn-Quyền sửa thành cuốn Á-Kiều lục.
« Nhưng sau vua, tôi cùng nhau bình lại, thấy văn chương vẫn không bằng được bản dịch của cụ Nguyễn-Du nên lại hủy đi, không truyền đến đời sau. »
Về các « thoại » khác nhau của Truyện Kiều, mấy ông Ưu-Thiên Bùi-Kỷ và Lệ-Thần Trần-Trọng-Kim trong Truyện Thúy-Kiều (4), Tản-Đà Nguyễn-Khắc-Hiếu trong Vương-Thúy-Kiều chú-giải tân truyện (5) Vân-Hạc Lê-Văn-Hoè trong Truyện Kiều chú-giải (6) có dẫn ra mà mỗi vị chọn lựa « thoại » nào cho thích hợp để dùng cho bản của mình.
Ông Ứng-Hoè Nguyễn-Văn-Tố, trong loạt bài « Tài liệu để đính chính cổ văn » về Truyện Kiều, trong Tri-tân tạp-chí từ số 63, 9-9-1942 trở đi, cũng có vịn theo bản Kinh của Kiều-Oánh-Mậu mà cho nhiều tài liệu hữu ích trong việc « hiệu chú » Truyện Kiều. Xin dẫn vài thí dụ về « thoại » khác nhau.
1) Câu thứ 8 của Truyện Kiều.
Các bản quốc ngữ, trừ bản của Tản-Đà, đều chép :
« Phong-tình cổ-lục » còn truyền sử xanh. Và đều cho là tên quyển sách cổ của Trung-hoa. Hai ông Bùi-Kỷ và Trần-Trọng-Kim chú thích : « Phong-tình cổ-lục » là bộ sách Phong-tình-lục đời xưa, tức là bộ Thanh-tâm tài-nhân ».
Ông Lê-Văn-Hoè chú thích : « Phong-tình cổ-lục » là tên bộ sách chép chuyện phong tình đời cổ ».
Bản của Nguyễn-Khắc-Hiếu chép : « Phong-tình có lục còn truyền sử xanh » và chú thích « Phong-tình có lục » nghĩa là có cái cái bản truyện phong tình. Chữ có, nhiều bản đề là cổ, vì ở chữ nôm ta xưa, trong chữ 固 có, có chữ 古 cổ. »
Các bản nôm đều ghi :
« Phong-tình có lục... », chữ nôm có mượn chữ cố (chữ cổ 古 trong bộ vi 囗 : 固) của chữ Hán, để ghi. Nếu phải là « cổ lục », thì chữ Hán đã sẵn có chữ cổ 古 rồi, sao không dùng đến.
Theo ông Ứng-Hoè, trong Tri-tân, số 68, « nên theo chữ có trong kinh bản, nghĩa là có chuyện phong tình còn để lại trong sách : chữ phong tình là tiếng nôm của ta, chớ chẳng phải danh từ của Tàu ; vả lại không có tên chuyện nào gọi là « Phong-tình cổ-lục ».
Giáo sư Bửu-Cầm trong bài « Thanh-Tâm Tài-Nhân là ai ? » (7) có đưa ra ý kiến như sau :
« Bùi-Kỷ và Trần-Trọng-Kim tin rằng Phong-tình cổ-lục là tên một bổ sách chép những chuyện tình ngày xưa mà trong ấy có Truyện Kiều (có lẽ hai ông có căn cứ vào ba chữ phong-tình lục trong bài tựa Truyện Kiều của Mộng-Liên-Đường chủ-nhân để phỏng đoán rằng Phong-tình cổ-lục là tên riêng một bộ sách. Theo tôi « Phong-tình lục » chỉ là một danh từ phổ thông, có nghĩa là « sách phong tình » hoặc « tiểu thuyết phong tình »). Nhưng các học giả đã dày công nghiên cứu Truyện Kiều vẫn không tìm ra bộ sách nhan đề Phong-tình cổ-lục.
« Tôi đã có dịp được xem các bản Kiều chữ nôm, thấy phần nhiều chép hai chữ « cổ lục » như thế nầy, 固 錄 (cố lục). Chữ Nôm thường mượn của Hán-văn chữ cố 固 để đọc là có, nhưng nếu ta đọc chữ cố, theo âm Nôm (có) và đọc chữ lục 錄 theo âm Hán-Việt thì thật khó nghe và không có nghĩa. Vậy thiết tưởng nên đọc hai chữ ấy là có lúc mới hợp lý. Tôi hiện còn giữ được một bản Kiều chữ Nôm do tổ phụ tôi chép để lại, trong đó không còn mượn chữ lục 錄 bên Hán-văn để đọc thành âm lúc nữa, mà đã viết rõ chữ lúc theo nghĩa nôm : một bên là chữ nhật 日, chỉ thời gian, một bên là chữ lục 六 do đó đọc ra âm lúc
, ấy là theo phép hình-thanh (cũng gọi hài-thanh).
« Bằng vào những chứng cớ trên đây, thì câu « Phong-tình cổ-lục còn truyền sử xanh » phải đọc là « Phong tình có lúc còn truyền sử xanh, » nghĩa là : chuyện phong tình hoa nguyệt phần nhiều trái với lễ giáo, phương hại đến thuần phong mỹ tục, không đáng lưu truyền, nhưng « Truyện Kiều » mặc dầu cũng là chuyện phong tình, song có đủ đường hiếu nghĩa, cho nên có lúc còn được lưu truyền trong sử sách. Có lẽ nên hiểu như vậy mới hợp với mạch văn và không phản ý tác giả ».
2) Câu thứ 78, các bản chép :
« Vùi nông một nấm, mặc dầu cỏ hoa », trừ bản của Tản-Đà. Bản nầy chép :
« Bụi hồng một nấm, mặc dầu cỏ hoa », và chú thích : « Hai chữ « bụi hồng » đây chỉ là lời văn lịch sự, nói cái mả chôn ở bên đường.
« Có nhiều bản đề là « vùi nông » thời làm mất cả vẻ hay mà lại thành ra cái tình của người khách không có trung hậu. Như sự sai lầm đó rất có hại đến văn lý ».
Ông Ứng-Hoè, trong Tri-tân, số 67, chép : « Vùi hồng một nấm, mặc dầu cỏ hoa ». « Hai chữ vùi hồng có bản chép vùi nông, nghĩa cũng thông : nhưng cụ Kiều-Oánh-Mậu nói chữ tử, chữ châu, chữ hồng là chữ hay của nhà làm văn, thường dùng để tả cảnh : « văn tự khiếu giả » cho nên cụ cho khắc là vùi hồng. »
3) Câu 92, bản của hai ông Tản-Đà và Vân-Hạc ghi :
« Sẵn đây ta THẮP một vài nén hương ».
Bản của ông Bùi-Kỷ thì ghi :
« Sẵn đây ta KIẾM một vài nén hương » và chú thích : kiếm là để « đem dâng, đem lễ », chứ không phải là « tìm kiếm ». Có bản viết là : sẵn đây ta ĐẮP một vài nén hương, lấy nghĩa đắp đất làm hương, nhưng nghe cầu kỳ lắm ».
Ông Ứng-Hoè, trong Tri-tân, số 69, viết :
« Sẵn đây ta KIẾM một vài nén hương ».
« Quyển Kiều chữ Hán (của Thanh-Tâm Tài-Nhân) có câu : « Kiều toát thổ vi hương » (Kiều vuốt đất làm hương), thế thì chữ kiếm phải nghĩa hơn chữ « thắp. » Các bản chữ nôm đều viết là « kiếm » cả. Hoặc có người bẻ rằng : vì có chữ sẵn đây, nên bản quốc-ngữ chữa là : « Sẵn đây ta thắp một vài nén hương », nhưng chữ sắn đây là nhân tiện cô Kiều ở đây, chứ chưa chắc đã có sẵn hương ».
Trong Tri-tân, số 67, ông Ứng-Hoè cũng viết : « Cứ theo bản Kiều bằng chữ Hán của Thanh-Tâm Tài-Nhân, thì Thúy-Kiều bẻ một cành trúc cắm ở trên mộ, khấn rằng : « Lưu Đạm-Tiên ! Lưu Đạm-Tiên ! Ta là Thúy-Kiều, ngày nay viếng nhà ngươi, ngươi nên thấu xét ». Xong rồi, nặn đất làm hương, cúi mình bốn lạy, lạy xong đề bài thơ... »
Vịn vào tài liệu ấy, ông Nguyễn-Văn-Tố cho rằng chữ « kiếm » phải nghĩa hơn chữ « thắp », ông không giải nghĩa chữ « kiếm », nhưng chắc rằng chữ « kiếm » là « tìm kiếm » theo nghĩa thông thường. Ông Nguyễn-Văn-Vĩnh, trong bản Kiều dịch ra Pháp-văn, cũng hiểu theo nghĩa « tìm kiếm », nên dịch là « Je vais me procurer quelques bâtonnets d'encens. ».
Ý nghĩa « đem dâng, đem lễ », mà ông Bùi-Kỷ giải thích chữ « kiếm », chúng tôi tra các tự-điển nhưng không gặp nghĩa ấy, nhất quyển Việt-Nam tự-điển ; không biết các tự điển có thiếu sót chăng ? Ý nghĩa « đem dâng, đem lễ », trong Nam có tiếng kiếng « kiếng dâng, kiếng biếu » là tiếng kính 敬 biến trại (Đại Nam quấc-âm tự-vị của ông Huình-Tịnh-Của ghi kiến (không g) nhưng có gạnh thêm chữ kính), chẳng biết có phải là tiếng kiếng nầy đọc trại ra kiếm (như ông Bùi-Kỷ đã giải thích) hay không, song chắc chắn là bản chữ nôm viết kiếm 劍.
Có vài cụ thâm nho cho rằng cụ Nguyễn-Du tuy dịch quyển Truyện Kiều nơi quyển Kim-Vân-Kiều truyện của Thanh-Tâm Tài-Nhân, nhưng không thật hẳn theo đúng từng chữ của nguyên tác ; cụ đã châm chước cho hợp với phong tục Việt-nam hơn. Ta thường nói « thắp hương », « đốt nhang » thì câu :
« Sẵn đây ta thắp một vài nén hương » nó hợp với phong tục ta hơn. Còn nếu theo nguyên tác : « vuốt đất nặn đất thành hương » (hoặc để tượng trưng cho hương), thì câu :
« Sẵn đây ta đắp một vài nén hương » mới dịch sát với nguyên tác. Vả lại, có chữ sẵn đây là « đã sẵn có hương » thì chữ thắp phù hợp hơn. Song ông Ứng-Hoè cho rằng « sẵn đây » là « nhân tiện cô Kiều ở đây », vậy nếu quả là « nhân tiện » thì có chữ « tiện đây » sao cụ Nguyễn-Du không dùng ?
4) Câu 139, tất cả các bản quốc-ngữ đều chép :
« Tuyết in sắc ngựa câu dòn ».
Về nghĩa chữ « dòn », hai ông Bùi-Kỷ và Trần-Trọng-Kim giải thích : « dòn » là (đẹp).
Ông Nguyễn-Khắc-Hiếu ghi : « chữ dòn chưa được tường nghĩa, có bản cho là nghĩa xinh đẹp ».
Ông Lê-Văn-Hoè giải nghĩa : « Dòn là xinh đẹp. (Ta thường nói : « đen dòn » nghĩa là « đen đẹp ». Phương-ngôn có câu : « Ở nhà nhất mẹ, nhì con, ra đường còn lắm kẻ dòn hơn ta). Các bản của Craysac và Nguyễn-Văn-Vĩnh giảng trắng dòn là « trắng toát chói lọi », nghe chưa được xuôi ».
Ông Nguyễn-Văn-Tố, trong Tri-tân, số 70, viết :
« Tuyết in sắc ngựa câu dồn ». « Chữ « dồn », « nhật 日 » bằng chữ tồn 存 », các bản khác thì viết « khung bệnh », bằng chữ « tồn », cho nên người ta đọc là :
« Tuyết in sắc ngựa câu dòn ».
« Nếu theo nghĩa « sắc tuyết in sắc ngựa, sắc trắng cùng lộ » - « tuyết sắc ấn mã, bạch sắc dữ bộc », như lời chú thích của cụ Kiều-Oánh-Mậu, - thì phải đọc là dồn mới hợp nghĩa, vì sắc tuyết trắng, sắc ngựa cũng trắng, hai sắc dồn lại với nhau ».
Chúng tôi trưng dẫn vài thí dụ kể trên, cốt để chứng minh rằng Truyện Kiều có nhiều « thoại », và các vị thâm nho thì hiểu mỗi vị mỗi khác, trong khi nguyên tác không còn, khiến cho kẻ hậu học chúng tôi, đối với áng văn tuyệt tác nầy, không biết phải hiểu thế nào cho vỡ lẽ. Vậy trong việc chấn hưng quốc học, tài bồi văn hóa, hiệu đính Truyện Kiều là điều cần thiết cho nền văn chương quốc-âm.
Nhân khi biên soạn bài nầy, chúng tôi lại gặp nhiều từ ngữ trong tác phẩm mà có vài vị học giả giải thích không theo như nghĩa thông thường, chẳng hạn như hai câu 55, 56 :
« Nao nao dòng nước uốn quanh
« Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang »
Các bản quốc-ngữ kể trên không giải thích hai chữ « nao nao », có lẽ cho là nghĩa của nó rất thông thường, ai cũng hiểu. Song khi xem bản dịch Pháp-văn của ông Nguyễn-Văn-Vĩnh, thì thấy hai câu ấy như thế nầy :
« Le cours d'eau tortueux coule en torrent.
Un tout petit pont est sur l'arroyo tout en aval ».
Và nơi phần dịch từng tiếng một, thì nao-nao (susurrant, bruyant, coule en se soulevant)... và ghềnh (petit cours d'eau).
« Susurrer », Pháp-Việt từ-điển của Đào-Đăng-Vỹ dịch là : « kêu ù-ù, vù-vù : kêu, nói rì-rầm ». Như thế nao-nao là « tiếng rì-rầm, tiếng nước chảy cuồn cuộn ». Bản dịch của M.R. (8) cũng theo nghĩa ấy : « le ruisseau murmurant coule avec des méandres ». Và bản của hai ông Xuân-Phúc và Xuân-Việt (9) cũng dịch :
« Dans un Joyeux murmure, un ruisseau décrit de gracieux méandres. »
Tra các tự-điển, thì lại thấy nghĩa khác nhau. Việt-Nam tự-điển của hội Khai-trí Tiến-đức, nơi chữ nao, nghĩa thứ hai, là : « cuồn cuộn » : « nao nao dòng nước uốn quanh. »
Tự-vị Paulus Của ghi : «nao nao : cong cong ».
Dictionnaire Annamite-Français của J.F.M. Génibrel ghi là tiếng Hán-Việt 撓 (10) nao, : courbe, courbé ; khúc nao, tortueux, sinueux ; náo : troubler.
Chữ 撓 nạo, phát âm theo Hán-Việt từ-điển của Thiều-Chửu là « cong, chịu uốn mình theo người ».
Khang-Hi tự-điển phiên thiết là : Nữ + giáo, âm náo (đúng ra phải đọc nạo như ông Thiều-Chửu) - « khúc mộc » (cây cong) ; lại cũng có âm nữa là ; ni + giao : nao - « khúc dã » (cong).
Vậy nao, trong nao nao là tiếng Hán-Việt được Việt-hóa, nghĩa là được thông dụng thành tiếng Việt và cũng dùng với nghĩa « cong », thì nao nao là tiếng điệp âm giảm nghĩa, có nghĩa là « cong cong » hoặc « hơi cong ».
Giáo sư Bửu-Cầm và mấy vị túc nho vùng Nghệ-tĩnh mà chúng tôi đã thỉnh giáo, cũng đồng ý với nghĩa nầy. Như vậy theo định nghĩa của Việt-Nam tự-điển và mấy dịch phẩm dẫn trên, thì từ ngữ nao nao miền Bắc không giống nghĩa thông dụng miền Trung và miền Nam sao ?
Lại còn chữ ghềnh nữa. Ông Nguyễn-Văn-Vĩnh dịch là petit cours d'eau, arroyo « cái rạch nhỏ », Việt-Nam tự-điển giải nghĩa : « ghềnh, vũng sâu, có nước xoáy mạnh » : « Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang ». Đại-Nam quấc-âm tự-vị của Huình-Tịnh-Của ghi « gành » « Chỗ đá đất gio gie bên mé biển ».
Dictionnaire Vietnamien-Français-Chinois, của E. Gouin, cũng giải thích gần như thế : « gành » : Enrochement sur le bord ou au milieu du fleuve. » Quý vị túc nho mà chúng tôi thỉnh giáo, cũng hiểu như chúng tôi theo nghĩa của tự vị Paulus Của, về tiếng gành (ghềnh), là « phần đá nhô ra bên mé sông, mé biển ».
Trong ngôn ngữ Việt-nam cũng có từ ngữ mà hai miền Bắc và Nam hiểu nghĩa khác nhau, như buôn sỉ, bán sỉ miền Bắc hiểu là « mua bán lẻ », miền Nam, trái lại, hiểu là « mua buôn, mua cả bận, mua soát », vậy tiếng nao nao và ghềnh của hai câu Kiều dẫn trên có ở vào trường hợp nầy chăng. Chúng tôi thật rất phân vân, trong khi chẳng có một quyển tự-điển Việt-Nam thật đầy đủ để tra cứu.
★
Thật không gì phiền phức lộn xộn hơn là trong văn chương khi trưng dẫn một câu thơ, mà không biết phải chọn theo « thoại » nào. Nhất là khi phải biên soạn một quyển « Tự-điển Việt-nam » hoàn toàn đứng đắn, các vị soạn giả tương lai không biết sẽ quyết định làm sao. Vậy, vi tiền đồ văn học và văn hóa nước nhà, chúng tôi mong ước được thấy một quyển « Truyện Kiều hiệu-chú » theo phương pháp khoa học, cũng như các tác phẩm văn chương khác, hiệu chú như kiểu quyển « Bích-câu kỳ-ngộ » của ông Hoàng-Xuân-Hãn mới xuất bản. Loại tác phẩm hiệu chú nầy sẽ được cả học giới công nhận, để « thống nhất thoại » và làm căn bản cho nền quốc học Việt-nam.
LÊ-NGỌC-TRỤ
Văn 44, 15.10.1965
Chú thích:
(1) « Lời văn rất hay để lại nghìn năm nước Đại Việt », câu thơ đề KIỀU của ông Tú làng Minh-hương, tự Tiểu-Minh, tên là Phan-Thạch-Sơ, do Tản-Đà trích dẫn và phiên dịch, trong quyển Vương-Thúy-Kiều chú giải tân truyện.
(2) Trong Gió Mới, số 32, 20-12-1985, tr. 9.
(3) Trong Bulletin de la Société d'Enseignement Mutuel du Tonkin, quyển XVI, số 3-4, tháng VII-XII 1936, tr. 234.
(4) Sài-gòn, Tân-Việt, 1952.
(5) Hà-nội, Hương-Sơn, 1952.
(6) Sài-gòn, Ziên-Hồng tái-bản, 1956.
(7) Văn-hóa nguyệt-san số 41, tháng VI-1959, tr. 558.
(8) « Kim-Vân-Kiều » Nouvelle traduction francaise, - Hà-nội, Ed. Alexandre de Rhodes, 1944.
(9) Kim-Vân-Kiều, traduit du vietnamien. - Paris, Gallimard 1961.
(10) Cũng viết với (Bộ thủ) 手, âm và nghĩa như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét