Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

43- TỪ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN ĐẾN DTTT - Báo Ngày Nay số 512


- AI LÀ TÁC GIẢ CỦA KIM VÂN KIỀU TRUYỆN?
- CỤ NGUYỄN DU ĐÃ MƯỢN BAO NHIÊU PHẦN TỪ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN KHI SÁNG TÁC ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH?
- SO SÁNH BUỔI XỬ OÁN CỦA THÚY KIỀU TRONG KIM VÂN KIỀU TRUYỆN VÀ ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH?
- TẠI SAO HAI TÁC PHẨM VIẾT CÙNG MỘT CÂU CHUYỆN LẠI CÓ HAI SỐ PHẬN?



Nguồn Gốc Của Đoạn Trường Tân Thanh

Đoạn Trường Tân Thanh là tác phẩm bằng thơ lục bát do cụ Nguyễn Du sáng tác, dựa theo một tiểu thuyết của Trung Hoa, để thuật lại cuộc đời truân chuyên của một thiếu nữ hữu sắc đa tài nhưng bạc mệnh. Câu truyện này là một huyền thoại xây dựng trên hai nhân vật có thật, sống vào đời vua Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1566) bên Trung Hoa. Đó là Vương Thúy Kiều và Từ Hải.



Có lẽ người đầu tiên viết về Thúy Kiều là Mao Khôn, đời nhà Minh. Trong tập Ký Tiễu Trừ Từ Hải Bản Mạt (chép lại chuyện dẹp trừ Từ Hải), qua lời thuật của họ Mao, Vương Thúy Kiều là kỳ nữ tài sắc ở huyện Lâm Truy, thông thạo ngón Hồ cầm và sở trường về lối hát mới thịnh hành vào thuở bấy giờ. Bọn nụy khấu đánh cướp đất Giang Nam, bắt Thúy Kiều dâng lên thủ lãnh Từ Hải. Từ rất yêu quý Kiều và thường hỏi ý nàng về việc quân cơ. Mỗi ngày thanh thế Từ một thêm lừng lẫy khiến vua nhà Minh phải phái quan đốc phủ Hồ Tôn Hiến mang quân dẹp trừ. Hồ cho người đem vàng bạc đến tặng Kiều và nhờ nàng thuyết phục Từ quy hàng. Nghe lời Kiều, Từ ra hàng và bị Hồ cho phục binh giết chết. Kiều bị quan quân bắt giải cho Hồ Tôn Hiến. Sau khi làm ô nhục Kiều, Hồ gả nàng cho một tù trưởng tên Vĩnh Thuận. Khi qua sông Tiền Đường, Kiều nhẩy xuống sông tự tử.




Câu truyện đời Kiều dần dần được đưa vào tiểu thuyết. Trước hết là Chu Tịch đời Minh, trong truyện Chiến Công Quan Hồ Thiếu Bảo Bình Định Nụy Khấu đăng trong Tây Hồ Nhi Tập. Kế đến là Dư Hoài, cũng đời nhà Minh, với Vương Thúy Kiều Truyện trong bộ Ngu Sơ Tân Chí (quyển 8). Trong truyện ngắn này, Thúy Kiều quê ở Lâm Truy, bị bán cho nhà hát từ thuở nhỏ và thường được gọi là Kiều Nhi. Tuy có nhan sắc, hát hay, và đàn giỏi nhưng Kiều thường bị chủ đánh vì không khéo thuật tiếp khách. Sau Kiều được một người lái buôn tên La Long Vân mua về làm thiếp. Khi đại vương Từ Hải mang quân đánh Giang Nam, bắt được Thúy Kiều, mang về làm áp trại phu nhân. Vì muốn về quê, Kiều khuyên Từ Hải ra hàng Hồ Tôn Hiến. Rốt cuộc Từ bi Hồ lừa và giết chết. Sau đó, Kiều bị buộc hầu rượu Hồ Tôn Hiến, rồi bị ép gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Quá phẫn uất nên Kiều tự trầm tại sông Tiền Đường. Học giả Phạm Quỳnh, qua một bài biên khảo về Truyện Kiều đăng trong tạp chí Nam Phong phát hành tháng 12 năm 1919, cho rằng cụ Nguyễn Du đã dựa vào tác phẩm của Dư Hoài để viết Đoạn Trường Tân Thanh.




Sang đến Vương Thúy Kiều Truyện trong tập Hồ Khoáng Thập Di Lục Tàn Cảo của Hồ Khoáng, cũng đời nhà Minh, trình độ tiểu thuyết hóa cuộc đời của Thúy Kiều và Từ Hải tăng thêm một bậc. Trong truyện này, Từ Hải trở thành một người anh hùng, sau khi bị lừa, đã chiến đấu anh dũng cho đến khi tử trận.




Ngoài ra, theo một nguồn dư luận, cuộc đời của Thúy Kiều cũng được Từ Vị, tức Từ Văn Trường (1521-1593), một nhà văn nổi tiêng quê ở huyện Sơn Âm, tỉnh Triết Giang và sống cùng thời với Kiều, thuật lại trong tập Tứ Thanh Viên (bốn tiếng kêu đứt ruột của con vượn). Đây là một tập bao gồm 4 vở tuồng mà hai vở đầu kể những chuyện xẩy ra trong cuộc đời của Kiều và của chính tác giả:




- Tập 1: Mộc Lan Nữ – Kể chuyện Kiều phải bán mình cho một phú ông và mối tình của Kiều cùng Kim Trọng, nhân vật tượng trưng cho Từ Văn Trường.




- Tập 2: Thúy Hương Điện – Vì biết Từ Văn Trường là người yêu cũ của Thúy Kiều nên Hồ Tôn Hiến mời Từ làm mặc khách để thuyết phục Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Sau khi Từ Hải bị giết, Hồ Tôn Hiến chiếm đoạt Kiều rồi gửi Kiều vào chùa Thúy Hương để ngày ngày đến ân ái với nàng. Khi biết chỗ ở của Kiều, Từ Văn Trường bèn cải trang thành một thày tu, đêm đêm lẻn vào chùa cùng nàng tình tự. Có một lần lính canh trông thấy Từ nên trình báo Hồ Tôn Hiến. Hồ nổi ghen, ra lệnh bắt tất cả 36 thày tu trong vùng đến trước mặt Kiều và buộc nàng phải khai ai là kẻ vẫn đêm đêm đến với nàng. Muốn che chở cho người yêu, Kiều đã liều chỉ đại môt thày tu ở Thúy Hương Điện. Hậu quả là nhà sư bị Hồ Tôn Hiến ra lệnh chém đầu. Từ Văn Trường cho biết ông viết tập tuồng này để thanh minh cho nỗi oan khốc của thày tu tại Thúy Hương Điện.




Theo giáo sư kiêm học giả Nguyễn Duy Nhường, tác giả bộ Đại Từ Điển Tầm Nguyên và bộ Văn Học Điển Cố Thuyết Minh, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du phải được xuất phát từ bộ Tứ Thanh Viên [1]. Ông cho rằng chỉ hai vở tuồng nêu trên mới có đủ yếu tố để Nguyễn Du phối hợp soạn ra tác phẩm bất hủ của dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa ai tìm được bộ Tứ Thanh Viên nào tại các thư quán ở Trung Hoa.




Điều đáng lưu ý là trong các tác phẩm lịch sử cũng như văn học Trung Hoa, cuộc đời Thúy Kiều chấm dứt nơi sông Tiền Đường. Thêm nữa, không tác phẩm nào đề cập đến quãng thời gian đoạn trường của nàng.




Ngoại trừ một tác phẩm: Kim Vân Kiều Truyện, sáng tác của Thanh Tam Tài Nhân với lời phê bình của Kim Thánh Thán.




Kim Vân Kiều Truyện chính là tác phẩm duy nhất ở Trung Hoa viết về bước đường lưu lạc của Kiều và bao gồm thêm nhiều nhân vật không thấy trong những tác phẩm nêu trên. Qua ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân, trong truyện này, nàng ca kỹ Kiều Nhi xuất thân từ môt gia đình trâm anh, nền nếp và tướng giặc Từ Hải biến thành vị đại vương hùng cứ môt phương. Phần cuối của Kim Vân Kiều Truyện được dùng để thuật cảnh tái hợp giữa Thúy Kiều và Kim Trọng.




Vì những sự kiện vừa kể, chúng ta có thể đoan quyết rằng Kim Vân Kiều Truyện chính là tác phẩm cụ Nguyễn Du đã dựa vào để viết Đoạn Trường Tân Thanh.




Cho đến nay, lai lịch của tác giả Kim Vân Kiều Truyện vẫn là điều bí ẩn vì những chữ Thanh Tâm Tài Nhân chỉ là một biệt hiệu chứ không phải tên thật. Một số người, trong đó có ông Nguyễn Hữu Sơn [2], cho rằng tác giả chính là Từ Vân Trường, cũng là tác giả bộ Tứ Thanh Viên kể trên. Tuy nhiên, thuyết này thiếu xác đáng vì trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều bán mình chuộc cha năm 1532 (năm Gia Tĩnh 11) và gặp lại Kim Trọng năm 1547. Trong khi đó, theo Minh sử, Hồ Tôn Hiến diệt Từ Hải năm 1557. Như vậy có sự chênh lệch 10 năm giữa tiểu thuyết và chính sử. Nếu Từ Văn Trường là tác giả thì không thể có sự sai lạc này vì ông là người đồng thời với Thúy Kiều.




Ngoài ra, cũng không ai biết đích xác Kim Vân Kiều Truyện được viết vào thời nào. Theo học giả Dương Quảng Hàm [3], Kim Vân Kiều Truyện kể một câu chuyện diễn ra trong thời vua Gia Tĩnh, từ 1522 đến 1566 và được Kim Thánh Thán, sống từ 1627 đến 1662, phê bình. Như vậy, tác phẩm này phải được sáng tác vào cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17. Ý kiến này thiếu thuyết phục vì cho đến nay, nhiều người vẫn hoài nghi tính xác thực của tác giả những lời phê bình ghi trong Kim Vân Kiều Truyện. Lý do Kim Thánh Thán là một nhà phê bình nổi tiếng, đã phê bình những tác phẩm thuộc loại kỳ thư của Trung Hoa như Thủy Hử, Tam Quốc Chí, và Tây Sương Ký. Vì vậy, khó thể tin ông phí công để phê bình một tác phẩm khá tầm thường như Kim Vân Kiều Truyện.




Một thuyết có thể tin được là trong khoảng hai trăm năm sau khi Thúy Kiều tự trầm ở sông Tiền Đường, một huyền thoại về cuộc đời Thúy Kiều đã được xây dựng bởi dân gian vùng ven biển thuộc tỉnh Triết Giang, nơi Từ Hải từng đặt tổng hành doanh. Đến đời nhà Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân đã dựa vào huyền thoại này để viết Kim Vân Kiều Truyện. Khác với Minh sử và các tác phẩm tiểu thuyết trước đó, ông đã thêm vào đoạn Kiều được cứu sống khi nàng tự trầm tại sông Tiền Đường và sau đó cho nàng tái hợp với Kim Trọng. Có thể đoạn kết không phải do Thanh Tâm Tài Nhân đặt ra mà đã được tạo dựng bởi huyền thoại vừa kể. Lý do là các câu chuyện huyền thoại thường mang đặc tính luân lý “ở hiền gặp lành” nên nước sông Tiền Đường đã rửa sạch nỗi oan của Kiều và nàng cần phải được cứu sống để đoàn tụ cùng người tình cũ.




Tại Việt Nam hiện nay, có lẽ không còn một bản Kim Vân Kiều Truyện nào đã được lưu hành trước thời cụ Nguyễn Du, ngoại trừ một bản ghi lại bằng vi phim (microfilm) đang được lưu trữ tại thư viện Khoa Học Xã Hội tại Sài Gòn. Vi phim này chụp từ một bản chép tay, với ký hiệu A953, của học viện Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d’Extrême-Orient) ở Paris. Bản Kim Vân Kiều Truyện này gồm 4 quyển với 478 trang, chia thành 20 hồi.




Đến năm 1983, nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ tại Trung Hoa in lại Kim Vân Kiều Truyện. Sách dầy 214 trang do ông Lý Trí Trung hiệu đính, dựa trên một bản đang được lưu trữ tại Đại Liên Đô thư quán. Về nội dung, bản do Xuân Phong Văn Nghệ ấn hành tương tự như bản chép tay mang ký hiệu A953, cũng chia thành 20 hồi, chỉ khác nhau đôi chút về lời văn.




Trong hai bản vừa kể, các diễn biến của Kim Vân Kiều Truyện được trình bầy qua 20 hồi sau:




Hồi 1: Thân thế Thúy Kiều - Kim Kiều gặp gỡ

Hồi 2: Mộng thấy Đạm Tiên - Kim Kiều đính ước

Hồi 3: Kim Kiều thề nguyền

Hồi 4: Kiều quyết định bán mình chuộc cha

Hồi 5: Kiều thuyết phục Vương Ông ký vào hôn thư

Hồi 6: Nhận tiền của Mã Giám Sinh - Dùng tiền chuộc Vương Ông

Hồi 7: Trao thân cho Mã - Từ giã gia đình

Hồi 8: Gặp Tú Bà tại lầu xanh ở Lâm Truy - Tự tử nhưng được cứu sống

Hồi 9: Mắc lừa Sở Khanh - Bị Tú Bà bắt trên đường đi trốn

Hồi 10: Chấp thuận tiếp khách - Được Tú Bà truyền nghề

Hồi 11: Gặp Thúc Sinh

Hồi 12: Chung sống với Thúc Sinh

Hồi 13: Hoạn Thư biết tin Thúc Sinh lấy Kiều - Thúc Sinh về thăm nhà

Hồi 14: Bị Hoạn Thư cho người bắt giải về Vô Tích - Trở thành gia nô của Hoạn Thư

Hồi 15: Bị Hoạn Thư hành hạ

Hồi 16: Tu ở Quan Âm Các trong vườn nhà Hoạn Thư - Trốn khỏi nhà Hoạn Thư, đến tu ở Chiêu Ẩn Am

Hồi 17: Sa vào lầu xanh ở Châu Thai - Gặp Từ Hải

Hồi 18: Báo ân, xử oán

Hồi 19: Trúng kế chiêu an, Từ Hải chết đứng - Kiều tự trầm nơi sông Tiền Đường, được Giác Duyên cứu

Hồi 20: Kim Kiều tái hợp




So Sánh Đoạn Trường Tân Thanh và Kim Vân Kiều Truyện




Đối chiếu Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện, ta thấy cụ Nguyễn Du đã giữ nguyên diễn biến câu chuyện. Tuy nhiên, cụ đã lược bỏ rất nhiều chi tiết không cần thiết cho tác phẩm, điển hình là cụ đã bỏ hoàn toàn hồi thứ 6 của Kim Vân Kiều Truyện và tóm lược hồi 5 trong chỉ 20 câu thơ.




Trong một bài biên khảo đăng trong tuyển tập “Nguyễn Du, Tác Giả và Tác Phẩm” do nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1999 tại Việt Nam [2], các tác giả Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, và Lô Úy Thu đã bỏ công tìm tòi những phần trong Kim Vân Kiều Truyện đã bị cụ Nguyễn Du lược bỏ. Khi so sánh Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện do Xuân Phong Văn Nghệ xuất bản, các tác giả này nhận thấy cụ Nguyễn Du đã loại bỏ 142 trang trên tổng số 214 trang, tức khoảng 2/3 tác phẩm. Cụ chỉ giữ lại 72 trang và dùng các chi tiết trong số trang này để viết thành 1313 câu thơ trong tổng số 3254 câu của Đoạn Trường Tân Thanh. Như vậy, 1941 câu còn lại do chính cụ sáng tác. Thêm nữa, cụ đã loại bỏ khá nhiều nhân vật phụ trong Kim Vân Kiều Truyện cùng các hành động của họ, và nhiều lúc sắp xếp lại các diễn biến để câu chuyện được tự nhiên. Vì vậy, tác phẩm của cụ trở nên chặt chẽ và lôi cuốn hơn rất nhiều. Điều này minh chứng được rằng Đoạn Trường Tân Thanh không phải chỉ đơn thuần là môt tác phẩm dịch như một số người lầm tưởng.




Trong pham vi hạn hẹp của bài báo, xin mời quý độc giả so sánh sự khác biệt giữa Đoạn Trường Tân Thanh với Kim Vân Kiều Truyện trong một phần khá hấp dẫn của câu chuyện. Đó là phần tả cảnh Kiều dựa vào uy thế của Từ Hải để trừng phạt những kẻ cựu thù. Phần trong Kim Vân Kiều Truyện do ông Tô Nam Nguyễn Đình Diệm chuyển ngữ từ bản A953 nêu trên [4].




* Cuộc xử oán trong Kim Vân Kiều Truyện:

... Bấy giờ trong dinh bắt đầu nổi lên một tiếng trống hiệu, bọn lính tay cầm cờ mầu lam hô to lên rằng: Đem bọn phạm nhân lớp một vào hầu. Hạ Báo (một viên tướng của Từ Hải - ghi chú của Ngày Nay) liền dẫn Hoạn thị, Kế thị (tức mẹ của Hoạn Thư), Bạc Bà, Bạc Hãnh vào quỳ dưới sân.




Phu nhân bắt đầu tuyên bố tội trạng: Mụ Bạc Bà kia đẩy người vào trong cạm bẫy, còn tên Bạc Hãnh, bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Vậy theo đúng lời thề trước của mi, lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn. Còn mụ Bạc thì đem chặt đầu bêu lên ngọn cây phía trước.




Bọn đao phủ được lệnh dạ lên một tiếng, tức thì lôi mụ Bạc Bà đem ra chặt đầu. Còn Bạc Hãnh thì dùng chiếu bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai người giữ, một người cầm cưa, cắt từ dưới chân lên đầu thành hơn 100 đoạn. Ghê thay một cái thân hình như vậy mà trong giây phút thịt nát như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn.




Kế đó, gọi đến phạm nhân họ Hoạn. Họan Thư chẳng còn hồn vía, kêu xin phu nhân tha thứ tính mạng kẻ hèn này.




Vương phu nhân rằng: Hoạn tiểu thư, nhà ngươi có nhiều mưu chước hay và cũng có gan nhẫn nại đó. Nhưng mà bất cứ việc gì cũng nên để lại chút tình, thì sau gặp gỡ khỏi ngượng. Vậy nay ngươi gặp lại ta, nhất định không thể sống được.




Hoạn Thư khấu đầu lia lịa thưa rằng: Tội của tiện thiếp thực đáng muôn chết, nhưng xin phu nhân nhớ lại trước kia phu nhân viết tờ cung trạng, làm thiếp tôi động mối tình thương, nên đã để phu nhân viết kinh trên Quan Âm Các. Rồi khi phu nhân bước ra khỏi cửa, thiếp chẳng hề đuổi theo. Cái đó đủ biết lòng riêng riêng vẫn kính yêu, chỉ vì thế bất lưỡng cập (tình thế không cho phép đứng đôi), nghĩa là không thể cắt sợi tơ tình chia lòng sủng ái, mà nó xui nên tội lỗi oan gia, dám xin phu nhân xét lại.




Vương phu nhân tỏ vẻ nghĩ ngợi một lát rồi nói tiếp: Ta đây chỉ muốn ăn thịt và lột da ngươi, để tiêu mối hận ngày trước. Nhưng giờ đây, sở dĩ ngươi được thoát chết là lúc ta đi ngươi chẳng đuổi theo, tỏ ý hé mở cửa lồng cho chim bay bổng. Nhưng còn tội sống thì ngươi không thể chối cãi được đâu. Vậy ta hỏi: Bọn sang Lâm Truy bắt ta là những tên nào? Cứ việc khai đúng sự thực, để chúng gánh bớt một phần tội lỗi cho ngươi.




Hoạn Thư cúi đầu thưa rằng: Những kẻ thi hành mưu kế dẫu là Hoạn Khuyển, Hoạn Ưng, nhưng người bầy ra mưu đó chính là tiện thiếp. Bọn chúng chẳng qua chỉ biết theo lệnh mà thôi. Nếu đem chúng ra gánh tội thay thì thiếp không nỡ.




Phu nhân rằng: Thế ra ngươi chính là phụ nữ dám nhận cả phần oan cừu vào mình đó chăng? Rồi nàng gọi quân đao phủ đem bọn Ưng Khuyển ra chém đầu để cảnh cáo những kẻ hào nô (nô bộc của phú hào) khác. Đao phủ dạ ran, lôi tuột hai tên ra chém đầu.




Phu nhân lại truyền tả hữu đem Kế thị ra nọc đánh 30 roi. Quân lính đương sắp ra tay thì Hoạn Thư ôm chầm lấy mẹ xin chịu đòn thay, và mụ quản gia (quản gia nhà mẹ Hoạn Thư, đã giúp đỡ Kiều khi nàng bị bắt về Vô Tích, và được Kiều tặng 100 lạng vàng, 2000 lạng bạc trong buổi báo ân xử oán - ghi chú của Ngày Nay) cũng vội quỳ xuống thưa rằng: Tội trạng của bà chủ tôi quả thực không thể tha thứ, vậy kẻ tớ già này xin tình nguyện thay chết cho chủ mẫu.




Phu nhân rằng: Thôi thì ta cũng nể lời mụ quản gia tha chết cho thị để mụ nhận lãnh đem đi.




Mụ quản gia tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài dinh trại. Nhưng Kế thị năm ấy tuổi ngoài sáu mươi, lại là một vị nhất phẩm phu nhân, chưa từng gặp cảnh khổ nhục bao giờ mà nay bị bắt từ huyện Vô Tích giải đến, khổ sở biết bao, lại thấy ba quân giết người như rạ, trong khi tuổi nhiều sức yếu, mụ đã khiếp đảm chết ngay tức thì. Mụ quản gia đành ngồi một bên để trông nom thi thể.




Vương phu nhân thấy mụ quản gia đem Kế thị đi rồi, bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh 100 trượng.




Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ để chừa một cái khố, tóc bị buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, hai tên khác thì cầm vọt ngựa đứng trước và sau, một tên đánh từ trên đánh xuống, một tên đánh từ dưới đánh lên, đánh như con đỉa bỏ trong thùng vôi, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo cáo đủ 100 roi, phu nhân truyền lệnh lôi ra cho Thúc Sinh nhận lãnh.




Cung nữ vâng lệnh, cởi tóc đem Hoạn Thư xuống, lôi ra phía ngoài gọi Thúc Sinh vào nhận. Thúc Sinh tạ ơn xong nhìn đến Hoạn Thư, thấy nàng chỉ còn thoi thóp thì chàng than rằng: Em ơi, chỉ vì cái khiếu thông minh của em đó mà phải rước lấy tai vạ, cầm dao cắt thịt của mình. Rồi một mặt thu nhận thi thể Kế thị, một mặt đỡ Hoạn Thư về chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi.




Kế đó Sử Chiêu (một tướng khác của Từ Hải) giải bọn Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh vào dinh.




Phu nhân hỏi: Tú Bà, mi có nhận được ta là ai không?

Tú Bà đáp: Kẻ hèn mọn này không nhận được ạ!

Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngóc đầu lên nhìn xem ta là ai?

Quân sĩ dạ ran, túm tóc mụ kéo lật về phía sau. Bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng: Tội của kẻ hèn mọn này thật đáng muôn lần bị chết chém. Chỉ xin phu nhân thương cho phần nào.

Phu nhân cười bảo: Lúc này mà mi còn mơ tưởng đến sự sống sao? Lời thề trước ngọn đèn trời ngày xưa hỏi đã tiêu tan thế nào được hử? Quân sĩ đâu, lôi con Tú Bà này ra, lấy dầu vông đun sôi để tẩm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, châm lửa đốt như ngọn đèn trời để làm tròn lời thề ngày trước. Mau lên!

Còn tên Mã Bất Tiến (tên thật của Mã Giám Sinh) thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho căng thẳng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Ngoài ra, lại nấu một nồi dầu thông trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy thùng nước lã lớn để bên, rồi đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu thông đun sôi rưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.

Quân sĩ được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Tú Bà thì cuốn thành một cây sáp lớn. Phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Giám Sinh thì bị căng xác. Sở Khanh bị quấn thành một thỏi sắt nguội.

Đoạn rồi phu nhân hô to: “Đốt sáp”, quân sĩ bèn châm lửa vào chân Tú Bà. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Tú Bà chết ngất, không trả lời được nữa.

Kế đến Mã Giám Sinh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Giám Sinh lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Giám Sinh rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng ra ngoài bể cho cá nóc ăn để báo lại tội bạc tình.

Còn Sở Khanh bị tẩm dầu thông và keo vỏ gai, bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc lột miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì ngoài da đã bị dầu thông ăn loẽn, chẳng cần dùng sức, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái mụn như là bọt nước. Rồi sau ít phút trở thành mủ, rã thịt lòi xương mà chết thê thảm...




* Cuộc xử oán trong Đoan Trường Tân Thanh:




Cuộc xử oán dông dài và man rợ trong Kim Vân Kiều Truyện được cụ Nguyễn Du tóm tắt qua 42 câu thơ:


Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,


Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.
Thoạt trông nàng đã chào thưa:
“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
“Đàn bà dễ có mấy tay,
“Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?
“Dễ dàng là thói hồng nhan,
“Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”.
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca,
Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,
“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình,
“Nghĩ cho khi gác viết kinh,
“Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo,
“Lòng riêng, riêng những kính yêu,
“Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai.
“Trót lòng gây việc chông gai,
“Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

- “Khen cho thật đã nên rằng
“Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời,
“Tha ra thì cũng may đời,
“Làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen.
“Đã lòng tri quá thì nên...”
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.
Tạ lòng, lạy trước sân mây,
Cửa viên lại dắt một giây dẫn vào.

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao,
“Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta!”
Trước là Bạc Hãnh, Bạc Bà
Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.
Tú Bà cùng Mã Giám Sinh,
Các tên tội ấy đáng tình, còn sao?
Lệnh quân truyền xuống nội đao,
Thề sao thì lại cứ sao gia hình.
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy, hồn kinh phách rời.
Cho hay muôn sự tại trời,
Phụ người, chẳng bỏ khi người phụ ta!
Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương.
Ba quân đông mặt pháp trường,
Thanh thiên, bạch nhật rõ ràng cho coi.




So sánh các đoạn trên trong Kim Vân Kiều Truyện và Đoạn Trường Tân Thanh, ta nhận thấy những điểm nổi bật sau:




- Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều tha tội hoàn toàn cho Hoạn Thư. Trong Kim Vân Kiều Truyện, Kiều tha tội chết nhưng ra lệnh đánh Hoạn Thư một cách dã man.




- Trong Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều không sai quân sĩ bắt mẹ Hoạn Thư đem về trị tội như trong Kim Vân Kiều Truyện.




- Cụ Nguyễn Du chỉ tả cảnh xử tội Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hãnh, Bạc Bà, và Ưng, Khuyển một cách vắn tắt chứ không chi tiết và tàn nhẫn như trong Kim Vân Kiều Truyện. Qua ngòi bút của cụ Nguyễn Du, chúng ta cảm thấy đồng tình với Kiều khi nàng tha bổng Hoạn Thư nên không phê phán nàng nặng nề khi nàng trả thù những nhân vật khác. Trái lại, khi đọc Kim Vân Kiều Truyện, có lẽ người đọc phải chau mày và có ý niệm chán ghét Kiều trước cách trừng trị dã man, tàn bạo, thiếu nhân tính nàng áp dụng đối với kẻ thù.




Ngoài phần xử oán vừa kể, trong toàn bộ câu chuyện, rất nhiều lần cụ Nguyễn Du đã loại bỏ những sự kiện có hại đến nhân phẩm của Thúy Kiều, và cả của các nhân vật quan yếu trong Kim Vân Kiều Truyện như Từ Hải và Kim Trọng. Điều này là một trong những yếu tố khiến chúng ta yêu thương những nhân vật này hơn.

***
Khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, ngoài việc lược bỏ những đoạn hoặc rườm rà hoặc không cần thiết trong Kim Vân Kiều Truyện, cụ Nguyễn Du đã chứng tỏ biệt tài trong việc sử dụng ngôn ngữ qua những đoạn tả cảnh, tả tình, tả tình trong cảnh, tả cảnh trong tình; cũng như đã thành công trong việc miêu tả nhân vật và tô đậm cá tính nhân vật với chỉ vài câu thơ. Thêm nữa. cụ cũng đã trang bị cho các nhân vật một đời sống nội tâm phong phú với những suy tư, những khao khát, những rung động phù hợp với con người của họ theo từng hoàn cảnh của câu chuyện. Đây là những điều Thanh Tâm Tài Nhân đã thiếu xót khi sáng tác Kim Vân Kiều Truyện.




Chính tài nghệ của cụ Nguyễn Du đã cắt nghĩa được tại sao hai tác phẩm kể cùng một câu chuyện lại có hai số phận khác nhau. Một bên nhanh chóng chìm vào quên lãng ngay chính trên quê hương của nhân vật trong truyện, một đằng vừa xuât hiện đã được quần chúng mở rộng vòng tay đón nhận và trở thành tác phẩm bất hủ của dân tộc.

Nguyễn Ngọc Bảo, 


(Báo Ngày Nay số 512, phát hành ngày 1 tháng 10 năm 2003)

Tài Liệu Tham Khảo:




[1] Nguyến Trí Tích, “Viết Về Nguyễn Du và Truyện Kiều”, Nhà xuất bản Thanh Niên, Việt Nam, 2001.

[2] Trình Bá Đĩnh, “Nguyễn Du Về Tác Giả và Tác Phẩm”, Nhà xuất bản Giáo Dục, Việt Nam, 1999.

[3] Dương Quảng Hàm, “Nguồn Gốc Truyện Kiều Của Cụ Nguyễn Du”, Tạp chíTri Tân số 4, Hà Nội, 1941.

[4] “Kim Vân Kiều Truyện”, bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, nhà xuất bản Văn Hóa, phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa, Sài Gòn, 1971.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét