Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp
Thụy Khuê
Tựa
Ghi lại lời nói của Hoàng Xuân Hãn
Những buổi nói chuyện với hai học giả Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp mà chúng tôi ghi lại trong quyển sách này -phản ánh hai nhân cách độc đáo trong nghiên cứu văn học, một tình nghĩa thầy trò hiếm có ở thời đại này- là để xác lập sự thật trước những "tam sao thất bản" ngay trong bối cảnh mà "bài ghi" vừa ra đời chưa được một năm.
Khi bác Hãn mất, anh Hiệp nhiều lần hỏi tôi: "Không hiểu sao bác Hãn lại kể với Thụy Khuê những "chuyện ấy" mà trong bao nhiêu năm gần bác, nhiều lần tôi hỏi bác không trả lời." Ý anh Hiệp muốn nói đến những khúc mắc trong đời sống chính trị, những lựa chọn riêng tư của Hoàng Xuân Hãn, những nhận định về các nhân vật lịch sử cùng thời với bác... bởi anh cũng là người nghiên cứu lịch sử. Riêng về địa hạt Hán Nôm, có thể anh tế nhị hơn, không muốn đụng chạm đến những điều mà thầy mình chưa công bố. Anh hỏi thì tôi cũng chịu. Không trả lời được. Nay nghĩ lại tôi cho đó là nhân duyên bởi tôi là người ngoại đạo, không biết Hán Nôm, không thạo lịch sử.
Ðối với những độc giả đã đọc các tác phẩm của Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, thì đây là một "cách đọc" khác: đọc để "nghe" giọng nói đặc biệt của hai thầy trò một cách thân tình hơn, bộc trực hơn, tự nhiên phóng khoáng hơn. Có thể có chỗ thiếu chính xác do trí nhớ không trung thành hoặc không có tư liệu bên cạnh, hay người ghi sai sót, nhưng những sai lầm đó chúng tôi tin rằng giới chuyên môn có thể tự đính chính được.
Những buổi nói chuyện này được ghi âm để phát thanh trên đài RFI (Radio France Internationale) nhưng sau đó chúng tôi ghi lại toàn bộ và in trên tạp chí Hợp Lưu (1) ở Hoa Kỳ.
Khi in loạt bài trên Hợp Lưu, số tưởng niệm Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi có viết phần mở đầu tựa đề Nói Chuyện Với Bác Hãn, nêu rõ những điểm:
- Ðây là những buổi nói chuyện, để tránh hiểu lầm rằng đây là những bài biên khảo của Hoàng Xuân Hãn, có sách vở, tài liệu bên cạnh để kiểm chứng.
- Chúng tôi gặp một số khó khăn khi ghi lại vì không phải là người trong ngành, lại không biết gì về Hán Nôm mà bác Hãn nói giọng Nghệ An, người không quen giọng Nghệ rất khó đoán.
- Ðáng lẽ bài nói chuyện phải được bác Hãn đọc và sửa lại trước khi in, nhưng bác đã mất, chúng tôi nhờ anh Tạ Trọng Hiệp nghe lại cassettes và chữa lại những chỗ ghi sai, đồng thời anh Hiệp viết những chữ Nôm cần thiết mà bác Hãn đã nhắc tới trong bài phỏng vấn.
Ở đây xin nhấn mạnh một điểm nữa về tình nghĩa thầy trò giữa hai người: Anh Hiệp không những đã nghe lại, kiểm lại mà anh còn thêm vào hoặc sửa một vài chữ trong phần giải thích Hán Nôm để cho người đọc dễ hiểu hơn và hiệu đính một vài chỗ lý giải của Hoàng Xuân Hãn mà anh cho là "chưa chặt chẽ". Ví dụ đoạn bác giải thích tại sao lại "vuông tròn" mà không phải là "nằm tròn" trong câu thơ
Vuông tròn nhờ cậy cung mây
Trần trần một phận ấp cây đã liều.
Trần trần một phận ấp cây đã liều.
Anh Hiệp nghe đi nghe lại đoạn này, thấy có gì không ổn, anh nghĩ ngay đến những kẻ sẽ lợi dụng cơ hội để "đánh" thầy, và anh đề nghị nên đổi một vài chữ trong đoạn này cho "hợp lý" hơn. Tôi hoàn toàn đồng ý. Ðoạn in trên Hợp Lưu là do anh Hiệp đã sửa lại mặc dù anh không đồng ý lắm, với thầy Hãn. Anh nhắc đi nhắc lại: Giá mình có văn bản Kiều Tầm Nguyên của cụ ở đây thì thật đỡ khổ (lúc ấy chúng tôi không thể làm rộn gia đình bác Hãn, vì tang lễ vừa xong).
Sau khi anh Hiệp qua đời, mọi việc anh tiên đoán đã xẩy ra: Sự chỉ trích Hoàng Xuân Hãn đôi khi không đi từ một lập luận nghiên cứu khoa học nào, chứng tỏ rằng có thể đó chỉ là một phương tiện để "nổi tiếng". Trước sự kiện đó, giáo sư Nghiêm Xuân Hải, con rể bác Hãn, lại nghe lại những cassettes ghi những buổi nói chuyện mà tôi đã trao cho gia đình, đồng thời tôi cũng trao lại cho anh Hải những notes do chính tay anh Hiệp sửa đổi vài chữ, trong đoạn "vuông tròn". Anh Hải nghe lại băng và tìm lại bản thảo viết tay của Hoàng Xuân Hãn, mới phát hiện ra: Thoại của anh Hiệp cũng sai, vì những chữ Nôm bác Hãn viết trong bản thảo Kiều Tầm Nguyên khác với chữ Nôm của anh Hiệp. Do đó chúng tôi thiết lập lại những lời của Hoàng Xuân Hãn trong lần in này. Riêng Kiều Tầm Nguyên của Hoàng Xuân Hãn trong suốt hành trình 50 năm đã có tới ba bản hiệu đính khác nhau.
Những sự kiện này, Nghiêm Xuân Hải thuật lại trong bài viết Di Sản Hoàng Xuân.
Sở dĩ phải dài dòng như trên để chứng minh rằng: từ những điều mà Hoàng Xuân Hãn nói đến việc ghi lại đã có những khó khăn về mặt chính xác. Cho nên không thể dựa vào những bài "nói chuyện" để đánh giá "công trình nghiên cứu Kiều" của Hoàng Xuân Hãn như loạt bài viết của Nguyễn Quảng Tuân bởi lẽ đơn giản là: Chúng ta chưa nhìn thấy công trình nghiên cứu tức là cuốn Kiều Tầm Nguyên của Hoàng Xuân Hãn, mà chỉ được nghe, được đọc buổi phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn nói về lề lối làm việc, phương pháp suy luận, cách thức lựa lọc các chứng từ của Hoàng Xuân Hãn. Do đó việc làm của Nguyễn Quảng Tuân chẳng khác nào viết phê bình một cuốn sách mà mình chưa đọc, chỉ mới nghe một bài phỏng vấn tác giả đã vội viết bài đả kích tác phẩm.
Trường hợp của Nguyễn Quảng Tuân chỉ là cá biệt và cách lập luận thiếu chính xác của ông đã được một số thức giả nhận ra (2). Nhưng còn một khía cạnh đáng chú ý hơn, đó là việc tam sao thất bản ngay trước mắt và những hậu quả của nó.
Tạp chí Văn Học tại Hà Nội, số tháng 3 năm 1997, in bài tựa đề Học Giả Hoàng Xuân Hãn Nói Về Chuyện Kiều của Hoa Lục Bình. Cuối bài có ghi: "Hoa Lục Bình sao trích (theo tài liệu của Hội Cam Tuyền)." Bài này lấy lại gần nguyên vẹn phần Hoàng Xuân Hãn Nghiên Cứu Kiều (trong bài phỏng vấn mà chúng tôi đã đăng trên Hợp Lưu), giữ cả những chú thích, chỉ bỏ các câu hỏi và bỏ lời giới thiệu với những dè dặt của chúng tôi.
Tất nhiên không thể nghi ngờ chủ đích tốt của tờ Văn Học (Hà Nội), cũng như ông Hoa Lục Bình muốn giới thiệu công việc nghiên cứu Kiều của học giả Hoàng Xuân Hãn với độc giả trong nước, nhưng cách làm việc thiếu khoa học lại không được thành thực lắm về vấn đề văn bản học, đối với một tạp chí nghiên cứu như tờ Văn Học thật là đáng trách; khiến cho độc giả, nếu không nghe Hoàng Xuân Hãn trên đài RFI, không đọc Hợp Lưu, và không nhìn kỹ nhan đề, thì sẽ có thể hiểu lầm rằng đây là một bài tự thuật do Hoàng Xuân Hãn viết ra (3) (thật sự thì người đọc ít khi nhìn kỹ nhan đề). Có thể nói là hai bài Học Giả Hoàng Xuân Hãn Nói Về Truyện Kiều của Hoa Lục Bình và Một Vài Nhận Xét Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều Của Cố Học Giả Hoàng Xuân Hãn của Nguyễn Quảng Tuân đã gây nên một phong trào tranh luận trên các báo ở trong nưóc về "công trình nghiên cứu Kiều" của Hoàng Xuân Hãn, kéo dài trong những năm 1997, 1998, 1999...
Về văn bản in lại trong tập La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I, Con Người Và Trước Tác (phần I) (nhà xuất bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998) do Hữu Ngọc và Nguyễn Ðức Hiền biên soạn; để bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn có thể in được ở Việt Nam, chúng tôi đồng ý với yêu cầu của ban biên tập (4) là có thể cắt bỏ một vài chữ, vài đoạn, với điều kiện là phải để ngoặc [...] thay thế những đoạn hay những chữ bị cắt, và đề rõ xuất xứ, nếu lấy trên Hợp Lưu, như vậy độc giả có thể tìm lại được bản gốc để biết chỗ bị cắt.
Khi sách in ra, chúng tôi thấy có một vài thay đổi: như tiểu tựa Hoàng Xuân Hãn, Chứng Nhân Lịch Sử được đổi thành Những Cuộc Tiếp Xúc Khó Quên, có những đoạn bị cắt, một vài câu thêm vào, những chữ Nôm để trống và không đề xuất xứ từ Hợp Lưu, không in bài dẫn nhập với những dè dặt của chúng tôi... Do đó, trong lần in này, chúng tôi sẽ chú thích để độc giả biết đoạn nào đã bị cắt trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, hoặc câu nào không có trong nguyên văn lời nói của Hoàng Xuân Hãn.
Ngoài ra chúng tôi sửa lại một vài lỗi trong bản Hợp Lưu, vì in sai hoặc vì nghe lầm, sau này được anh Nghiêm Xuân Hải nghe lại và phát hiện ra, với những chú thích cho mỗi trường hợp.
Văn bản mà quý vị cầm trên tay, sẽ được xem như là với mọi cố gắng của chúng tôi để ghi đúng lời nói của Hoàng Xuân Hãn. Và mặc dầu với những sai lầm có thể có của chúng tôi hay ngay trong lời nói của Hoàng Xuân Hãn, thì đây cũng là một tư liệu quý giá trên hai mặt:
- Về phía lịch sử, đây là những điều Hoàng Xuân Hãn chưa hề viết ra, chưa hề bộc lộ trong các cuộc phỏng vấn trước đó.
- Về phía văn học, vì Kiều Tầm Nguyên chưa có điều kiện để in ra(5), đây là văn bản giới thiệu phương pháp làm việc của Hoàng Xuân Hãn. Ngay cả khi Kiều Tầm Nguyên đã in ra rồi, thì trong Kiều Tầm Nguyên cũng không có những giải thích các cách suy luận của Hoàng Xuân Hãn cho mỗi trường hợp, mà nhiều khi Hoàng Xuân Hãn chỉ ghi lại kết quả, cho nên những lời nói chuyện trong tập sách này vẫn là một loại "Tựa", trong đó Hoàng Xuân Hãn giải thích cách làm việc của mình khi đi tìm lại những lời thơ do Nguyễn Du viết ra.
Ngoài những nét chính về Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, chúng tôi in thêm ba phụ lục:
1. Sau phần Hoàng Xuân Hãn Chứng nhân lịch sử, có phụ lục A, Một Nhà Trí Thức Trong Cách Mạng Và Trong Ðổi Mới; đây là bài Stein Tonnesson (sử gia Na Uy) phỏng vấn Phan Anh cuối năm 1989, mà phần tóm tắt đã được ghi lại trong Hồi Ký Vũ Ðình Hòe (nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, 1994), để độc giả có thêm nhân chứng của Phan Anh về hoạt động của chính phủ Trần Trọng Kim.
2. Phụ lục B gồm hai bài viết của Tạ Trọng Hiệp về Ðào Duy Anh vàThư Mục Ðào Duy Anh, do chính Tạ Trọng Hiệp biên soạn.
3. Phụ lục C là bài Di Sản Hoàng Xuân Hãn của giáo sư Nghiêm Xuân Hải, người bảo quản di sản văn học của Hoàng Xuân Hãn.
Mong rằng tất cả những văn bản này sẽ đóng góp vào việc tìm hiểu và tiếp tục đường lối làm việc khoa học của Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp, hai nhà nghiên cứu sống xa đất nước trong nửa thế kỷ nhưng chưa bao giờ rời xa chữ Việt. Hiện nay người ta thường hay nhắc đến những chữ "bản sắc dân tộc" nhưng dường như ít ai tìm cách giải thích nó là cái gì. Chúng tôi cho rằng: Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp là những "bản sắc dân tộc" bằng xương bằng thịt, trong tâm hồn văn bản.
Paris ngày 24/1/2002
Thụy Khuê
Chú thích
1. Hợp Lưu số 13, tháng 11-12 năm 1993; Hợp Lưu tưởng niệm học giả Hoàng Xuân Hãn, số 29, tháng 6-7 năm 1996; Hợp Lưu tưởng niệm Phan Khôi số 33, tháng 2-3 năm 1997; Hợp Lưu tưởng niệm Tạ Trọng Hiệp, số 34, tháng 4-5 năm 1997.
1. Hợp Lưu số 13, tháng 11-12 năm 1993; Hợp Lưu tưởng niệm học giả Hoàng Xuân Hãn, số 29, tháng 6-7 năm 1996; Hợp Lưu tưởng niệm Phan Khôi số 33, tháng 2-3 năm 1997; Hợp Lưu tưởng niệm Tạ Trọng Hiệp, số 34, tháng 4-5 năm 1997.
2. Ông Nguyễn Quảng Tuân đã bị một số nhà nghiên cứu trong nước như Ðào Thái Tôn, Vũ Ðức Phúc... phản bác trên các báo Văn Học, Văn Nghệ ở Hà Nội. Những bài tranh luận này được in lại trong tập Văn Bản Truyện Kiều Nghiên Cứu Và Thảo Luận của Ðào Thái Tôn, nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2001, gồm có:
- Học Giả Hoàng Xuân Hãn Nói Về Truyện Kiều (Hoa Lục Bình sao trích theo tài liệu của Hội Cam Tuyền) Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 3, 1997.
- Một Vài Nhận Xét Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều Của Cố Học Giả Hoàng Xuân Hãn của Nguyễn Quảng Tuân, Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 6, 1997; tạp chí Hợp Lưu, Hoa Kỳ, số 37, tháng 10-11/1997.
- Nhân Một Bài "Nhận xét" Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều, của Ðào Thái Tôn, Văn Nghệ số 36, ngày 6/9/1997.
- Trả Lời Ông Ðào Thái Tôn Về Bài "Nhân Một Bài Nhận Xét Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều", của Nguyễn Quảng Tuân, Văn Nghệ số 38, ngày 20/9/1997.
- Trả Lời Bài " Trả Lời ..." Của Ông Nguyễn Quảng Tuân của Ðào Thái Tôn, Văn Nghệ số 40, ngày 4/10/1997.
- Hãy Trở Lại Ðúng Vấn Ðề: Nhận Xét Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều Của Cụ Hoàng Xuân Hãn, của Nguyễn Quảng Tuân, Văn Nghệ số 42, ngày 18/10/1997.
- Nguyễn Quảng Tuân "Nhận Xét" Phương Pháp Nghiên Cứu Của Hoàng Xuân Hãn, của Ðào Thái Tôn.
- Hoàng Xuân Hãn Và Việc Khôi Phục Nguyên Tác Truyện Kiều, Vũ Ðức Phúc, Tạp Chí Văn Học, Hà Nội, số 6, 1998.
- Về Bài Hoàng Xuân Hãn Và Việc Khôi Phục Nguyên Tác Truyện Kiều, Nguyễn Quảng Tuân, Tạp Chí Văn Học số 2, 1999.
- Phương Pháp Văn Bản Học Chân Chính Và Lối Làm Việc Không Có Phương Pháp (trả lời ông Nguyễn Quảng Tuân), Vũ Ðức Phúc, tạp Chí Văn Học số 4, 1999.
3. Trong bài đầu tiên đăng trên Văn Học (Hà Nội), số 6 năm 1997, với tựa Một Vài Nhận Xét Về Việc Nghiên Cứu Truyện Kiều Của Cố Học Giả Hoàng Xuân Hãn, ông Nguyễn Quảng Tuân đã mở đầu bằng những câu:
"Tạp chí Văn Học (số 3-1997, trang 3-15) có đăng bài học giả Hoàng Xuân Hãn nói về truyện Kiều.
Nhận thấy công trình nghiên cứu của học giả Hoàng Xuân Hãn thật đáng trân trọng, chúng tôi xin có một vài nhận xét như sau.
1.Về công việc nghiên cứu truyện Kiều của Hoàng Xuân Hãn trong 50 năm qua..."
Người đọc báo Văn Học (Hà Nội) hiển nhiên là thấy ông Nguyễn Quảng Tuân, qua cái tựa bài viết và những dòng mở đầu trên đây, đã coi bài Học Giả Hoàng Xuân Hãn Nói Về Truyện Kiều của Hoa Lục Bình là một bài "nghiên cứu truyện Kiều" do chính Hoàng Xuân Hãn viết ra theo thể tự thuật về "50 năm nghiên cứu truyện Kiều" của mình. Nếu thế thì Nguyễn Quảng Tuân chưa đáng trách lắm.
Nhưng trong bài Trả Lời Ông Ðào Thái Tôn Về Bài "Nhân một nhận xét về việc nghiên cứu truyện Kiều" đăng trên tuần báo Văn Nghệ số 38, ra ngày 20/9/1997, ông Nguyễn Quảng Tuân cho biết:
"Tôi xin thưa lại cho rõ ràng: Khi sang Ca-na-đa tôi có được đọc tờ Hợp Lưu số 29, tháng 6-7/1996 trong đó có đăng bài phỏng vấn ghi băng của bà Thụy Khuê (được ghi rất cẩn thận vào máy cát-xét) hỏi cụ Hoàng Xuân Hãn về công việc nghiên cứu truyện Kiều của cụ từ 50 năm nay.
Ở Tô-rông-tô tôi có viết ngay bài Nhận xét về công trình nghiên cứu truyện Kiều của học giả Hoàng Xuân Hãn, rồi khi về nước thấy Tạp chí Văn Học có đăng lại bài ấy nên tôi đã gửi đăng trên số 6-1997 (chú thích của chúng tôi: Sau này ông gửi đăng cả trên Hợp Lưu, số 37, tháng 10-11/1997). Bài in trên Hợp Lưu có thêm vài câu nói là Nguyễn Quảng Tuân đã đọc bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn dăng trên Hợp Lưu.
Như thế là ông Nguyễn Quảng Tuân đã đọc bài phỏng vấn Hoàng Xuân Hãn trên Hợp Lưu, với những lời báo trước của chúng tôi "Thường khi vào cuối câu chuyện, nếu bác mệt thì sau này kiểm lại, có thể bác nhớ lầm độ vài năm (như trường hợp cụ Phạm Quý Thích vào Huế lần đầu)", vậy mà ông đã lờ đi, và ông chắc nịch cho đó là một bài nghiên cứu của Hoàng Xuân Hãn, để chỉ trích Hoàng Xuân Hãn bằng những lời lẽ nặng nề, đại loại như "Hoàng Xuân Hãn nhầm lẫn", "Hoàng Xuân Hãn lại nhầm lẫn nữa", "Hoàng Xuân Hãn sai hoàn toàn", "Hoàng Xuân Hãn phiên âm sai", "Hoàng Xuân Hãn khám phá ra bản Nôm ở miền Nam mà còn giữ kín không muốn cho mọi người biết"... Những sai lầm trong lập luận của Nguyễn Quảng Tuân khi ông nói về những cái nhầm lẫn của Hoàng Xuân Hãn, thì chính văn bản của ông đã tự nói ra hoặc các nhà nghiên cứu như Ðào Thái Tôn đã vạch ra từng điểm một; ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: tinh thần "nghiên cứu" đặt trên cơ sở "đại khái" (chép sai lời nói của người mình phê phán) hoặc suy diễn (cho Hoàng Xuân Hãn "biết mà giấu" v.v...) như thế, khó có thể chấp thuận được.
4. Soạn giả Nguyễn Ðức Hiền có liên lạc với chúng tôi trước khi sửa soạn in bộ sách. Trong thư viết ngày 6/1/1997, ông cho biết:
"...Anh Hữu Ngọc là đồng tác giả với tôi trong việc tổ chức, biên soạn tập sách ước tính dày trên 2000 trang mang tên "Hoàng Xuân Hãn: Tự Bạch, Nhân Chứng Và Trước Tác". Chị Thụy Khuê ạ, giá như phần tự bạch (confession) có điều kiện sử dụng trọn vẹn bài phỏng vấn của chị thì thật là tuyệt vời. Song như chị biết, việc viết và xuất bản sách ở trong nước không phải lúc nào cũng diễn ra suông sẻ theo ý muốn tác giả. Bởi vậy trước khi viết thư cho chị, anh Hữu Ngọc với tôi đã tìm gặp những người anh chị em ruột thịt của bác Hãn (như bà Hoàng Thị Cúc, ông Hoàng Xuân Bình) và một số bà con trong dòng tộc họ Hoàng ở Kẻ Trổ (Hà Tĩnh). Mọi người đều thống nhất ý kiến là để cho cuốn sách được ra mắt kịp thời vào kỳ giỗ đầu bác Hãn, nếu cần phải cắt bỏ một đôi chữ hoặc dăm ba chữ, dăm ba dòng mà không ảnh hưởng đến tư tưởng chủ đạo của bác Hãn, thì các soạn giả cũng nên chấp thuận yêu cầu của nhà xuất bản; phần tạm thời chưa in chắc chắn sẽ được bổ sung vào các lần tái bản sau. Trước thực tế đó, mong chị hết sức thông cảm với chúng tôi cũng như thân nhân của bác Hãn, vui lòng cho phép chúng tôi được sử dụng cuốn băng phỏng vấn ghi âm (hoặc phần đăng trên báo Hợp Lưu) theo tinh thần đã trình bày ở trên."
"...Anh Hữu Ngọc là đồng tác giả với tôi trong việc tổ chức, biên soạn tập sách ước tính dày trên 2000 trang mang tên "Hoàng Xuân Hãn: Tự Bạch, Nhân Chứng Và Trước Tác". Chị Thụy Khuê ạ, giá như phần tự bạch (confession) có điều kiện sử dụng trọn vẹn bài phỏng vấn của chị thì thật là tuyệt vời. Song như chị biết, việc viết và xuất bản sách ở trong nước không phải lúc nào cũng diễn ra suông sẻ theo ý muốn tác giả. Bởi vậy trước khi viết thư cho chị, anh Hữu Ngọc với tôi đã tìm gặp những người anh chị em ruột thịt của bác Hãn (như bà Hoàng Thị Cúc, ông Hoàng Xuân Bình) và một số bà con trong dòng tộc họ Hoàng ở Kẻ Trổ (Hà Tĩnh). Mọi người đều thống nhất ý kiến là để cho cuốn sách được ra mắt kịp thời vào kỳ giỗ đầu bác Hãn, nếu cần phải cắt bỏ một đôi chữ hoặc dăm ba chữ, dăm ba dòng mà không ảnh hưởng đến tư tưởng chủ đạo của bác Hãn, thì các soạn giả cũng nên chấp thuận yêu cầu của nhà xuất bản; phần tạm thời chưa in chắc chắn sẽ được bổ sung vào các lần tái bản sau. Trước thực tế đó, mong chị hết sức thông cảm với chúng tôi cũng như thân nhân của bác Hãn, vui lòng cho phép chúng tôi được sử dụng cuốn băng phỏng vấn ghi âm (hoặc phần đăng trên báo Hợp Lưu) theo tinh thần đã trình bày ở trên."
(trích thư viết ngày 6/1/1997 của ông Nguyễn Ðức Hiền)
Trong thư trả lời ngày 22/1/1997, chúng tôi có những hàng:
"... Hôm nay, qua thư anh, tôi lại được biết thêm rằng nhan đề cuốn sách sẽ là "Hoàng Xuân Hãn, Tự bạch, Nhân chứng và Trước tác". Tôi có một vài góp ý với anh:
- Việc in lại bài vở, theo thiển ý, nếu ban biên tập lấy lại những bài đã in trên Hợp Lưu hay các báo khác, thì chỉ cần đề rõ xuất xứ và in nguyên văn. Nếu vì một lý do nào đó, phải cắt bỏ vài chữ, hoặc vài đoạn, thì có lẽ cứ mở ngoặc đơn ngay chỗ cắt và để [ .... ] là mọi người hiểu. Tôi thấy bên này họ cũng hay làm như thế lắm, sau này không ai có thể trách mình được, và nếu ai muốn đọc nguyên tác, thì cứ theo reférence mà tìm, cũng dễ thôi.
-Về việc cái tựa, trong có hai chữ "Tự Bạch", đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Như anh biết, tôi có may mắn được gần bác Hãn trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, trước khi bác mất.
Theo tôi nghĩ, bác là một bậc Phu Tử. Khi nào bác có điều gì muốn nói, thì có lẽ, những kẻ "hậu sinh" như chúng ta chỉ nên "nghe", và tránh "đánh giá" bác. Bác cũng không lý luận, nên chúng ta cũng không có gì để "cãi". Ðiều tôi muốn nhấn mạnh với anh là tránh "đánh giá" bác. Vì đánh giá bác, mình dễ lạc vào sự sai lầm. [...]
Vì thế, khi được anh cho biết cuốn sách sẽ có nhan đề: "Hoàng Xuân Hãn: Tự bạch ...", tôi e rằng hai chữ "Tự bạch" không đúng với tinh thần Hoàng Xuân Hãn.
Theo tôi, Hoàng Xuân Hãn không có ý "tự bạch", không cần "tự bạch" điều gì và cũng không phải "tự bạch" với ai cả. Những gì bác làm trong suốt cuộc đời chính trị cũng như văn học, là làm trong tinh thần sáng suốt và trách nhiệm.
Khi bác trả lời phỏng vấn, đối với riêng tôi, tôi nghĩ rằng bác làm trong ý muốn "soi rạng" một số vấn đề lịch sử và văn học, để người sau có thêm dữ kiện, có thêm tư liệu mà khảo sát thời đại mà bác đã trải qua. Ngoài micro, tôi có hỏi bác về những điều mà các học giả Ðặng Thai Mai, Ðào Duy Anh đã viết trong hồi ký. Bác trả lời: "Các ông ấy chưa viết hết đâu." Hai lần bác bảo tôi, qua điện thoại: "Bác còn nhớ thêm một số việc nữa, lúc nào rảnh cô mang máy lại đây." Nhưng tiếc rằng tôi quá bận việc, chưa kịp lại thì bác đã mất. Như vậy, vẫn cái tinh thần "bác nhớ, bác mách ..." của Hoàng Xuân Hãn chỉ là cái tinh thần rất khách quan của một sử gia. Không hề có cái ý định "tự bạch" của một người có mặc cảm, cần phải "blanchir" mình.
Trong suốt cuộc đời bác, bác không bao giờ "thanh minh" điều gì. Vậy tại sao lại cần hai chữ "tự bạch" khi bác mất?"
"... Hôm nay, qua thư anh, tôi lại được biết thêm rằng nhan đề cuốn sách sẽ là "Hoàng Xuân Hãn, Tự bạch, Nhân chứng và Trước tác". Tôi có một vài góp ý với anh:
- Việc in lại bài vở, theo thiển ý, nếu ban biên tập lấy lại những bài đã in trên Hợp Lưu hay các báo khác, thì chỉ cần đề rõ xuất xứ và in nguyên văn. Nếu vì một lý do nào đó, phải cắt bỏ vài chữ, hoặc vài đoạn, thì có lẽ cứ mở ngoặc đơn ngay chỗ cắt và để [ .... ] là mọi người hiểu. Tôi thấy bên này họ cũng hay làm như thế lắm, sau này không ai có thể trách mình được, và nếu ai muốn đọc nguyên tác, thì cứ theo reférence mà tìm, cũng dễ thôi.
-Về việc cái tựa, trong có hai chữ "Tự Bạch", đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Như anh biết, tôi có may mắn được gần bác Hãn trong nhiều khoảng thời gian khác nhau, trước khi bác mất.
Theo tôi nghĩ, bác là một bậc Phu Tử. Khi nào bác có điều gì muốn nói, thì có lẽ, những kẻ "hậu sinh" như chúng ta chỉ nên "nghe", và tránh "đánh giá" bác. Bác cũng không lý luận, nên chúng ta cũng không có gì để "cãi". Ðiều tôi muốn nhấn mạnh với anh là tránh "đánh giá" bác. Vì đánh giá bác, mình dễ lạc vào sự sai lầm. [...]
Vì thế, khi được anh cho biết cuốn sách sẽ có nhan đề: "Hoàng Xuân Hãn: Tự bạch ...", tôi e rằng hai chữ "Tự bạch" không đúng với tinh thần Hoàng Xuân Hãn.
Theo tôi, Hoàng Xuân Hãn không có ý "tự bạch", không cần "tự bạch" điều gì và cũng không phải "tự bạch" với ai cả. Những gì bác làm trong suốt cuộc đời chính trị cũng như văn học, là làm trong tinh thần sáng suốt và trách nhiệm.
Khi bác trả lời phỏng vấn, đối với riêng tôi, tôi nghĩ rằng bác làm trong ý muốn "soi rạng" một số vấn đề lịch sử và văn học, để người sau có thêm dữ kiện, có thêm tư liệu mà khảo sát thời đại mà bác đã trải qua. Ngoài micro, tôi có hỏi bác về những điều mà các học giả Ðặng Thai Mai, Ðào Duy Anh đã viết trong hồi ký. Bác trả lời: "Các ông ấy chưa viết hết đâu." Hai lần bác bảo tôi, qua điện thoại: "Bác còn nhớ thêm một số việc nữa, lúc nào rảnh cô mang máy lại đây." Nhưng tiếc rằng tôi quá bận việc, chưa kịp lại thì bác đã mất. Như vậy, vẫn cái tinh thần "bác nhớ, bác mách ..." của Hoàng Xuân Hãn chỉ là cái tinh thần rất khách quan của một sử gia. Không hề có cái ý định "tự bạch" của một người có mặc cảm, cần phải "blanchir" mình.
Trong suốt cuộc đời bác, bác không bao giờ "thanh minh" điều gì. Vậy tại sao lại cần hai chữ "tự bạch" khi bác mất?"
(trích thư Thụy Khuê trả lời ông Nguyễn Ðức Hiền ngày 22/1/1997)
5. Sách Kiều Tầm Nguyên của Hoàng Xuân Hãn sẽ có những phần sau đây:
* Phần Thơ Kiều phiên âm từ bản Kiều Nôm mà Hoàng Xuân Hãn đã dựng lại.
* Phần Hiệu Ðính, nghĩa là các chú thích hiệu đính mà thường xuyên Hoàng Xuân Hãn viết ở dưới các câu thơ.
* Phần dịch bản Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Hoàng Xuân Hãn đã dịch ra quốc ngữ các phần có liên hệ với việc hiệu đính).
* Phần Bảng Chỉ Vần Kiều .
* Phần So Sánh Tám Bản Kiều. Tám bản là các bản mà Hoàng Xuân Hãn đã dùng để hiệu đính, sau khi đánh giá là các bản còn lại đều chép ra từ các bản đó:
1. Bản Nôm Duy Minh Thị 1872, hiện nay có trong thư viện Hoàng Xuân Hãn (bản in năm 1879 đã được Viện Bảo Tàng Lịch Sử TPHCM "in lại" năm 1993 trong sách Truyện Kiều của Vũ Văn Kính) (bản D).
2. Bản quốc ngữ Trương Vĩnh Ký 1875; thư viện có bản in lần thứ ba năm 1911.
3. Bản Nôm Kiều Oánh Mậu 1902, thư viện có bản mà Hoàng Xuân Hãn nhờ Hoàng Xuân Vịnh sao lại (bản K).
4. Bản quốc ngữ Phạm Kim Chi 1917 (Kim Túy Tình Từ, tức "bản ông Phán"), có bản in năm 1975.
5. Bản Huế (Nôm) (microfilm của EFEO, bản sao của thư viện có chép tên tác giả Nguyễn Du và tên hai người bình luận là Vũ Trinh và Nguyễn Lượng) (bản H).
6. Bản Nôm Liễu Văn Ðường 1871, có ở INALCO code VN.IV.468 Liễu Văn Ðường (bản L).
7. Bản Nôm Thịnh Mỹ Ðường 1879 hiện có trong thư viện (bản M).
8. Bản Thịnh Văn Ðường 1882. Bản chót này chúng tôi chưa tìm ra. (bản V)
* Trong tám bản nói trên Kiều Tầm Nguyên sẽ in một bản duy nhất, đó là bản Duy Minh Thị 1872 vì Hoàng Xuân Hãn đã đánh giá là nó gần bản gốc nhất (ngoài những chữ sai dễ chữa vì người khắc ván và người biên tập không thạo tiếng Việt).
(theo bài Di Sản Hoàng Xuân Hãn của Nghiêm Xuân Hải)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét