| .................................................
Về bài CẨM SẮT của Lý Thương Ẩn
Từ ý nghĩa bài thơ cho đến
tiếng đàn sum họp của Thuý Kiều
Vĩnh Sính
Mùa Hè năm nay, trên đường từ Việt Nam về lại Canada, tôi ghé Tokyo, thăm anh bạn cũ đang ốm nặng. Một tối, trước giờ đi ngủ, tình cờ thấy trong nhà có cuốn Ri Shôin (Lý Thương Ẩn, 812?-858), tôi lấy ra xem. Lý sống vào thời vãn Ðuờng ở Trung Quốc, một thời kỳ có lắm bế tắc về chính trị và xã hội, nhưng chín muồi về văn hoá nghệ thuật. Tuy đỗ đạt cao, Lý không mấy may mắn trên bước hoạn lộ. Thơ Lý được ưa chuộng nhưng nổi tiếng hóc búa. Trong thơ có nhiều điển tích, giàu hình tượng, mà cũng chứa lắm ẩn dụ khó giải mã. Cẩm sắt thường được xem là bài thơ hay nhất và cũng là bài thơ khó hiểu nhất của họ Lý. Chả vậy mà nhà bình thơ đời Thanh Vương Sĩ Trinh đã nhận xét : ‘Nhất biên Cẩm sắt giải nhân nan’ (Bài thơ Cẩm sắt hiểu sao đây !)1
Tối đó tôi khẽ đọc bài Cẩm sắt qua âm Hán Việt. Ngâm chầm chậm hai câu mở đầu ‘Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền / Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên’ , tự dưng tôi thấy xúc động mạnh. Chỉ có hai câu mà họ Lý đã đưa người đọc đến ngay ngưỡng cửa của những dĩ vãng xa xôi, sâu lắng. Ngâm xong cả bài, tuy không nắm hết ý nhưng tôi vẫn cảm thấy những âm hưởng trongCẩm sắt có sức quyến rũ, có một ma lực lạ lùng. Người dịch, chú thích và bình luận tập thơ Ri Shôin là Takahashi Kazumi (1931-71), một nhà văn, nhà thơ, và cũng là một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc xuất sắc nhưng mệnh bạc. Những lời bình của Takahashi như những tia chớp sáng, trong khoảnh-khắc-một-sát-na đưa người đọc đi thẳng vào thế giới thẩm mỹ của thơ Lý Thương Ẩn mà các nhà bình luận thơ Ðuờng xưa nay vẫn thường nói tới. Ð?c lui đọc lại, tôi như bị thu hút bởi bài thơ. Duyên nọ dẫn đến duyên kia, sau đó cũng do tình cờ, tôi được biết là trong phần cuối Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng đã mượn bốn câu trong bài thất ngôn bát cú này để diễn tả cảnh Kiều gẩy đàn cho Kim Trọng nghe sau mười lăm năm cách biệt. Khi so sánh bốn câu trong nguyên tác với đoạn thơ phóng dịch trong Kiều, chúng tôi phát hiện một điều khá kỳ thú : Tiên Ðiền tiên sinh đã thay đổi không khí u uất trong nguyên tác thành một bầu không khí đầm ấm, êm ái, tươi sáng cho phù hợp với cảnh sum họp vui vầy giữa Kiều với Kim Trọng !
Mục đích của chúng tôi khi viết bài này là hy vọng được chia sẻ với độc giả một bài thơ hay, đồng thời cũng mong được mạn đàm về một số chi tiết xung quanh bài thơ và đưa ra một số nhận xét về đoạn thơ phỏng dịch trong Truyện Kiều nói trên. Trước hết, ta thử xem qua gốc gác những từ cần giải thích cùng những điển tích trong bài Cẩm sắt.
| Cẩm sắt
Cẩm sắt vô đoan ngũ thập huyền,
Nhất huyền nhất trụ tứ hoa niên.
Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp,
Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên.
Thưng hải nguyệt minh châu hữu lệ,
Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.
Thử tình khả đãi thành truy ức,
Chỉ thị đương thì dĩ võng nhiên.
|
Câu 1 ) Cẩm sắt : Có người dịch là đàn gấm,2 nhưng trên thực tế là cây đàn sắt có chạm trổ. Ðàn sắt là loại đàn lớn làm bằng gỗ cây ngô đồng. Ðàn sắt và đàn cầm là hai loại đàn cổ, chữ cầm sắt 3 thường dùng nhằm chỉ vợ chồng hoà hợp, như đàn sắt đàn cầm hoà nhau. Theo Daijigen (Ðại từ nguyên), cẩm sắt là mỹ danh của cây đàn sắt 4. Vô đoan : do đâu, từ đâu, không có lý do.Ngũ thập huyền : Theo truyền thuyết, khi Tố Nữ gẩy đàn sắt tế trời theo lệnh vua Phục Hy 5 , đàn này có 50 dây. Nhưng vì tiếng đàn quá ai oán não nùng, Phục Hy cấm không cho sử dụng đàn này nữa. Sau đó, vì dân chúng vẫn không chịu tuân lệnh, Phục Hy mới cho phép dùng nửa số dây, từ đó đàn sắt chỉ có 25 dây (theo Phong thiền thư, Sử ký của Tư Mã Thiên ; hoặc Giao tự chí, Hán thư của Ban Cố đời Hậu Hán). 6
Câu 2) Trụ : trụ ; trục ; hay ‘con nhạn’ đỡ dây đàn (huyền). Hoa niên : Thanh xuân, tuổi trẻ, thời kỳ rạo rực yêu đương. Tư, tứ : nghĩ, nhớ ; ở đây dùng theo nghĩa ‘gợi nhớ’ . Mỗi dây đàn, mỗi trục, xui nhớ lại tuổi hoa niên. Ðọc hai câu mở đầu, ta không khỏi liên tưởng đến hai câu hát ru con Việt Nam ‘Hai tay cầm bốn tao nôi / Tao thẳng tao dùi, tao nhớ tao thương’ — tuy dân dã mộc mạc nhưng có sức gợi cảm cũng vô cùng mãnh liệt.
Câu 3) Trang sinh : tức Trang Chu, nhà tư tưởng thời Chiến Quốc. Sách Trang Tử ghi lại những ngôn thuyết của Trang Tử cùng những người cùng phái, chủ trương là mọi việc trên đời như lớn nhỏ, khôn dại, sống chết, v.v. chẳng có gì khác nhau cho lắm ; xem vô vi, tự nhiên là đạo đức cao nhất. Thuyết giải về sự khó phân biệt giữa tỉnh và mộng, sống và chết, thiên Tề vật luận trongTrang Tử viết : " Ngày xưa, Trang Chu chiêm bao thấy mình hoá bướm bay nhởn nhơ, tự lấy làm thích chí, quên mình là Chu. Bất giác tỉnh giấc, thấy hình thù mình vẫn là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu ! "
Câu 4) Vọng đế : đế hiệu của vua Ðỗ Vũ nước Thục cuối đời Chu (nên còn gọi là Thục đế). 7 Tương truyền Vọng đế ra lệnh bộ hạ là Miết Linh đi cứu lũ ở xa nhằm thừa dịp tư tình với vợ của Miết Linh. Sau đó Vọng đế tự hổ thẹn về hành vi bất chính của mình, từ ngôi rồi mai danh ẩn tích. Mỗi năm cứ vào tháng hai âm lịch (Vọng đế rời đất Thục cũng vào tháng này), đêm đêm chim đỗ quyên lại cất tiếng sầu thảm. Bởi vậy, người nước Thục mỗi lần nghe tiếng chim đỗ quyên lại nhớ đến Vọng đế 8 . Xuân tâm : lòng xuân, còn có nghĩa như ‘xuân tình’: tình yêu trai gái, có thể bao hàm hơi hướng tính dục. Nguyễn Du cũng đã dùng chữ ‘xuân tình’ khi phỏng dịch đoạn thơ này trong Truyện Kiều.
Câu 5) Thương hải : Biển xanh, còn có nghĩa là biển rộng, biển cả. Thương hải cũng có khi dùng để chỉ tên một biển hư cấu ở cõi tiên. Nguyệt minh châu hữu lệ : Theo Văn tuyển (Lý Thiện chú thích), " khi trăng đầy, trai có ngọc (châu), khi trăng khuyết trai không có ngọc " (nguyệt mãn tức châu toàn, nguyệt khuy tức châu khuyết). Theo cuốn Biệt quốc động minh ký thời Lục Triều, ngày xưa có người lặn xuống đáy biển tìm ngọc, lạc vào cung điện của nhân ngư, tìm được bảo ngọc do nước mắt của nhân ngư đọng lại 9. Ngoài ra, câu này còn có thể hiểu theo điển tíchthương hải di châu (hạt ngọc bỏ rơi trong biển cả), ngụ ý là người có tài mà không có chỗ thi thố.
Câu 6) Lam Ðiền : tên một ngọn núi ở Thiểm Tây (Lam điền sơn), còn gọi là Ngọc sơn, nổi tiếng có nhiều ngọc quý. Theo Sơn hải kinh, Ngọc sơn là nơi bà tiên Tây Vương Mẫu ở — chi tiết này khiến người đọc liên tưởng đến một cõi tiên hư cấu, giống như Thương hải trong câu 5 10. Ngọc sinh yên : Theo Lục dị truyện, con gái Ngô Phù Sai là Tử Ngọc yêu người lính hầu là Hàn Trọng nhưng không được Ngô vương chấp thuận, mang mối bi tình xuống tuyền đài. Một sáng, khi Ngô vương đang dùng lược chải tóc, nhìn ra vườn thấy có viên ngọc lớn màu tím chiếu sáng, phu nhân nghe nói chạy ra vườn, khi vừa ôm chầm hòn ngọc thì ngọc tan thành khói biến mất. Lại có thuyết cho rằng tứ thơ trong câu này lấy từ ý câu sau đây của nhà thơ Ðái Thúc Luân (732-789) thời Trung Ðường : " Cảnh, đối với nhà thơ, tựa như viên ngọc quý bốc tan thành khói khi Lam Ðiền ửng nắng, chỉ có thể đứng nhìn từ xa chứ không được lại gần " (thi gia chi cảnh như Lam Ðiền nhật noãn lương ngọc sinh yên, khả vọng nhi bất khả trí ư mi tiệp chi tiền giã) 11.
Hai câu 5 & 6 đối nhau, bởi vậy khi chuyển ngữ chúng tôi đã cố gắng giữ nguyên những chữ đối nhau trong câu. Nói một cách khác, khi xem Thương hải là một danh từ tiêng, chúng tôi cũng xem Lam điền là danh từ riêng ; và khi dịch ‘thương hải’ như một danh từ chung (biển cả), chúng tôi cũng dịch ‘lam điền’ như một danh từ chung (đồng xanh).
Hai câu 7 & 8) Khả [đãi] : trợ từ có nghĩa là : phải, nên, đáng, có thể, chắc có thể, có lẽ, hình như ; hoặc là trợ từ nghi vấn (làm sao có thể...). Võng nhiên : không biết gì cả, ngơ ngác như mất hồn, phôi pha. Câu 7 có thể dịch là " Tình này [giả sử] có thể trở thành một cái gì để ghi nhớ " hoặc " Làm sao có thể chờ đợi để tình này trở thành cái gì để ghi nhớ ? " Chúng tôi đã chọn cách dịch thứ nhất. Câu 8 có nghĩa là " Thì lúc ấy thời gian/duyên tình cũng đã phôi pha/tàn phai/nhạt nhoà ".
Sau đây là hai bản dịch bài Cẩm sắt của chúng tôi :
Bản dịch 1 :
Cẩm sắt vì đâu năm chục dây ?
Mỗi dây mỗi trục nhớ thương đầy.
Trang sinh sớm mộng mê thành bướm,
Thục đế tình xuân tiếng cuốc chầy.
Thương hải trăng thanh châu nhỏ lệ,
Lam điền nắng ấm ngọc tan bay.
Tình này ví thử sau còn nhớ,
Lúc đã tàn phai với tháng ngày !
| Bản dịch 2 :
Cẩm sắt vì đâu ngũ-thập-huyền ?
Mỗi dây mỗi trục gợi hoa niên.
Trang sinh sớm mộng mê thành bướm,
Thục đế xuân tình gửi tiếng quyên.
Bể cả trăng thanh châu đẫm lệ,
Ðồng xanh nắng ửng ngọc tan liền.
Tình này ví thử sau còn nhớ,
Khi đã qua rồi thuở lứa duyên !
|
Như chúng ta đã thấy, lời thơ trong bài Cẩm sắt đượm nét buồn man mác, như chất chứa một ‘nỗi sầu vạn đời’. Có người cho rằng Lý đã viết bài thơ này vào những năm cuối đời để khóc người vợ quá cố của mình, có kẻ bảo Lý viết để than tiếc cho người yêu mang tên là Cẩm Sắt. Ngoài ra còn có không biết bao nhiêu giả thuyết khác 12. Có lẽ chúng ta nên hiểu là Lý muốn nói về bản chất mộng ảo, mong manh của cuộc đời và của tình yêu, không chỉ của nhà thơ mà của con người nói chung. Những năm tháng đã trôi qua trong cuộc đời (mà trăm năm là giới hạn) như thâu gọn lại trong năm chục sợi dây đàn. Từ mỗi dây, tiếng đàn ngân lên như khơi dậy lại tuổi hoa niên, của ‘cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / ngàn năm chưa dễ đã ai quên’ (Thế Lữ) ! Làm sao phân biệt thực với mộng ? Trang Chu hay con bướm, Thục đế hay chim đỗ quyên, bên nào thực, bên nào mộng ? Ngay giữa lúc ‘Thương hải trăng thanh’ thì ‘châu đẫm lệ’ , và ngay khi ‘Lam điền nắng ấm’ thì ‘ngọc tan bay’ ! Và tình yêu, khi muốn ghi nhớ, muốn trân trọng, thì hỡi ôi, lúc đó thời gian đã phôi pha ; duyên tình, hương nguyền ngày trước còn đâu nữa ! Tất cả đều mong manh, mộng ảo.
Cho dầu chúng ta không thể giải thích một cách thoả đáng tất cả những ẩn dụ trong Cẩm sắt, nhưng vẫn có thể cảm nhận được giá trị của bài thơ, đúng như Lương Khải Siêu (1873-1929) đã nhận xét khi đọc những bài thơ khó giải mã của Lý. Lương viết : " Tôi không hiểu và thậm chí không thể giải thích ý nghĩa của từng câu thơ, nhưng tôi vẫn yêu và vẫn bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của thơ họ Lý " 13.
Cuối cùng, chúng tôi xin đưa ra vài nhận xét về đoạn phóng dịch bốn câu 3, 4, 5, 6 của bài Cẩm sắt trong Kiều. Ðoạn này nằm trong phần cuối của Truyện Kiều, khi Kiều và Kim Trọng gặp lại nhau sau mười lăm năm cách biệt. Kim Trọng nhờ Kiều đánh đàn cho mình nghe, và Kiều đã " nể lòng người cũ vâng lời một phen ". Trước đó, khi Kiều đàn cho Kim Trọng nghe lần đầu tiên, hay trong những lần Kiều bị buộc phải gẩy đàn cho Thúc Sinh, Hoạn Thư, v.v. nghe, thì tiếng đàn của nàng lâm ly, não nùng, " nghe ra như oán như sầu phải chăng ". Nhưng lần này, khác hẳn với những lần trước, tiếng đàn của Kiều nghe thật ấm áp, êm ái, trong sáng. Nguyễn Du đã phóng dịch bốn câu trên nhằm diễn tả tiếng đàn sum họp của Thuý Kiều như sau :
Khúc đâu đầm ấm dương hoà,
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh.
Khúc đâu êm ái xuân tình,
Ấy hồn Thục đế hay mình đỗ quyên ?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên,
Ấm sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông !
Qua tiếng đàn vui tươi, ấm áp trong đoạn phóng dịch này, người đọc không còn thấy bóng dáng trăn trở hoài nghi của một Trang Chu nguyên sơ trong thiên Tề vật luận 14, tiếng ca của chim đỗ quyên không còn nhuốm máu vì Thục đế — mà chỉ là một giai điệu êm ái gợi nhớ vị quân vương đa tình, những hạt châu không còn đẫm lệ ở Thương hải vào những đêm trăng tỏ, và hạt ngọc kia cũng không còn bốc khói khi ửng nắng ở Lam điền !
Dĩ nhiên Tiên Ðiền tiên sinh đã không hiểu lầm ý thơ của họ Lý. Do đâu mà chúng ta có thể khẳng định như vậy ? Ngoài bản lĩnh của nhà học giả này như ta đã biết, lý do là ngay sau đó, khi Kim Trọng hỏi Kiều : " Tiếng đàn ngày trước sao ai oán, não nùng, mà hôm nay em đàn sao nghe vui thế ? " (Chàng rằng : Phổ ấy tay nào ? Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy), thì Nguyễn Du đã thay nàng Kiều đáp lời : " Tẻ vui bởi tại lòng này / Hay là khổ tận đến ngày cam lai ? ". Mặc dầu phải đối đầu với định mệnh phũ phàng, nghiệt ngã trong suốt mười lăm năm chia cách (Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa / Bấy chầy gió táp mưa sa), Nguyễn Du đã thay Kiều khẳng định phẩm chất đẹp đẽ trong sạch của nàng : " Chữ Trinh còn một chút này ". Chữ Trinh ở đây dĩ nhiên phải hiểu theo nghĩa tinh thần. Kiều cảm kích bởi tấm lòng của người cũ, vì hơn ai hết Kim Trọng hiểu được điều đó, bởi thế Kiều mới nói : " Thân tàn gợi đục khơi trong / Là nhờ quân tử khác lòng người ta / Mấy lời tâm phúc ruột rà / Tương tri dường ấy mới là tương tri " ! Trong không khí " tình xưa lai láng khôn hàn ", Kim Trọng nhờ Kiều gẩy cho nghe một khúc (" Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa "). Ðoạn Nguyễn Du phỏng dịch từ Cẩm sắt chính là để diễn tả tiếng đàn của Thuý Kiều lúc đó.
Ta hãy thử suy luận. Phải chăng Nguyễn Du đã thay đổi hẳn bầu không khí ‘một cách sáng tạo’ khi phỏng dịch đoạn trên nhằm nói rõ lên rằng " Tẻ vui bởi tại lòng này ", và trong giờ phút tương phùng Kiều cảm thấy đã được phỉ nguyền (" Ba sinh đã phỉ mười nguyền "), hay nói đúng hơn, nàng cảm thấy đã được giải thoát khỏi nghiệp chướng ? Chắc hẳn chính vì vậy, nên ngay cả giai điệu lâm ly, u uất của bài Cẩm sắt mà nghe vẫn êm ái, đầm ấm ! Bằng chứng cụ thể và hùng hồn nhất về sự cố ý thay đổi một cách sáng tạo của Nguyễn Du có thể tìm thấy ở câu cuối cùng trong 6 câu thơ phỏng dịch. Trong câu này, thiên tài họ Nguyễn đã đảo ngược hiện tượng, biến " Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên " (Lam điền nắng ấm ngọc tan bay) thành " Ấm sao hạt ngọc Lam Ðiền mới đông ", tức " ngọc tan thành khói " trong nguyên tác đã trở thành " ngọc... mới đông " trong Truyện Kiều ! Vì " ngọc... mới đông " nên Nguyễn Văn Vĩnh khi chuyển ngữ Kiều sang tiếng Pháp, đã dịch câu này là : ‘Et c’était chaud comme une de ces gouttes qui viennent de se cristalliser en perles sur la plaine de Lam điền’ 15.
Trong Truyện Kiều, điều đáng chú ý là Nguyễn Du đã khởi đầu bằng thuyết tài mệnh tương đố cũng có xuất xứ từ thơ của Lý Thương Ẩn (" Cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương ", tức " Xưa nay tài mệnh vốn thường kỵ nhau "), và như chúng ta đã thấy, trong phần kết thúc Nguyễn cũng đã phóng dịch một đoạn thơ của họ Lý trong khúc đàn cuối cùng của nàng Kiều nhằm chứng minh là ‘tẻ vui’ là ‘bởi tại lòng này’ và niềm vui sẽ có được khi trong lòng không còn bị vướng vất bởi các nghiệp chướng. Theo Nguyễn Du, đánh thức thiện căn, thiện tâm chính là chìa khoá đưa đến sự giải thoát (" Thiện tâm ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ").
Sự thay đổi nội dung, từ bốn câu thơ trong bài Cẩm sắt sang đoạn phóng dịch trong phần kết thúc Truyện Kiều, nghĩ cho cùng, là một hiện tượng khúc xạ xảy ra khá phổ biến, với mức độ khác nhau, khi nước này tiếp thu văn hoá nước kia trong quá trình giao lưu / giao thoa văn hoá. Ðiều đáng chú ý là trong trường hợp này, thiên tài Nguyễn Du đã ‘Việt Nam hoá’ bốn câu thơ trong bàiCẩm sắt một cách điêu luyện nhằm bảo vệ nàng Kiều, nạn nhân của nghịch cảnh xã hội, và chứng minh rằng mặc bao ‘gió táp mưa sa’, nàng Kiều đã giữ được phẩm giá trong trắng của mình. Như nhiều thức giả đã nhận xét, đành rằng Tố Như tiên sinh đã ít nhiều ký thác tâm sự vào Kiều khi bảo vệ cho nàng 16, tuy nhiên tâm thức ‘tấm lòng như tuyết như băng’, hoặc ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn’ mà Tố Như tiên sinh đã khẳng định qua Kiều nằm ngay trong cốt lõi tâm tình dân tộc của người Việt. Có lẽ vì thế nên Truyện Kiều, ngoài những vần thơ điêu luyện, đã được người Việt — nạn nhân của không biết bao cơn binh lửa cùng nghịch cảnh xã hội — yêu chuộng mãi không thôi.
Vĩnh Sính
1 Trích lại từ Wang Chiu-kuei [Vương Thu Quế], ‘Objective Correlative’ in the Love Poems of Li Shang-yin (Tương quan khách quan trong những bài thơ tình của Lý Thương Ẩn), Trung tâm Nghiên cứu Ngữ văn Ngoại quốc, Ðại học Quốc lập Ðài Loan (Taipei : Quỹ Văn hoá, Gia Tân Thuỷ Nê Công Ty, 1970), trang 31.
2 Ví dụ, xem Lê Nguyễn Lưu, Ðường thi tuyển dịch (Huế : Nxb Thuận Hoá, 1997), tập 2, trang 1331.
3 Có học giả nhầm tên bài thơ này là Cầm sắt, thay vì Cẩm sắt ; ví dụ : Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, Truyện Kiều (Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1996, xuất bản lần thứ XIII), trang 234 ; hoặc Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu khảo và chú thích, Truyện Thúy Kiều (Fort Smith, AR : Nxb Sống Mới, không ghi năm in lại), trang 206.
4 Tokyo: Kadokawa Shoten, 1992, trang 1820.
5 Có sách ghi là Thái đế. Xem James Liu, The Poetry of Li Shang-yin (Thơ Lý Thương Ẩn). (Chicago: The University of Chicago Press, 1969), trang 51.
6 Trích dẫn lại từ Takahashi Kazumi, Ri Shôin (Lý Thương Ẩn) (Tokyo : Kawade Bunko, 1996), trang 40.
7 Ðối với độc giả Việt Nam, tuy cách gọi Thục đế nghe quen tai hơn Vọng đế, nhưng nguyên văn chữ Hán để là Vọng đế thì ta phải theo đúng vậy, khi dịch sang tiếng Việt dĩ nhiên ta có thể chuyển thành Thục đế để độc giả người Việt dễ theo dõi hơn. Có tác giả ghi nhầm nguyên văn trong Cẩm sắt là Thục đế ; chẳng hạn như : Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải, sđd, trang 234 ; Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu chú giải, Vương Thuý Kiều (Ðoạn trường tân thanh) (Sài Gòn : Tủ sách Hương Sơn, 1960), trang 234.
8 Takahashi Kazumi, sđd, trang 40.
9 Như trên.
10 Như trên, trang 40-41.
11 Trích lại từ Wang Chiu-kuei, sđd, trang 38.
12 Xem James Liu, sđd, trang 52-57.
13 Xem Fusheng Wu, The Poetics of Decadence : Chinese Poetry of the Southern Dynasties and Late Tang Periods (Thi ca đồi phế : Thơ Trung Quốc vào thời Lục Triều và Vãn Ðường) (Albany, NY : State University of New York, 1998), trang 169.
14 Về điểm này, học giả Ðặng Thanh Lê cũng đã đưa ra nhận xét tương tự trong Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (Hà Nộiấ: Nxb Khoa học xã hội, 1979), trang 141. Cách lý giải của Ðặng quân về ý nghĩa của đoạn phỏng dịch từ Cẩm sắt hay phần ‘Tái hồi Kim Trọng’ nói chung có điểm khác với cách lý giải của chúng tôi.
15 Nguyễn Du, Kim Vân Kiều : Traduction en Français par Nguyễn Văn Vĩnh (in theo bản của Nhà Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1943 ; Nxb Văn Học, 1994), trang 780. Người viết cho in chữ thẳng để nhấn mạnh.
16 Theo quan niệm ‘trung thần bất sự nhị quân’ (tôi trung không thờ hai vua) ngày trước, việc làm quan cho hai triều (trước làm tôi nhà Lê và sau ra làm quan cho nhà Nguyễn) chắc đã làm Nguyễn Du trăn trở không ít.
Vĩnh Sính
|
Tự cảm thấy hổ thẹn. Thì ra bài "Cẩm sắt" này nguyên lai là từng xuất hiện trong Truyện Kiều. Thảo nào thấy nó vừa lạ vừa quen.
Trả lờiXóaBản thân chưa bao giờ đọc hết Truyện Kiều, chỉ có bài "Cẩm sắt" này là mang một kỉ niệm đặc biệt. Ấn tượng với hai câu cuối:
"Tình kia chỉ còn là hồi ức,
Chỉ là lúc ấy lòng ngẩn ngơ."