Truyện Kiều trong Văn Hoá Việt Nam
Về cái hay của truyện Kiều, xưa nay thiên hạ đã bàn luận khá nhiều, cho nên những gì đã trở thành phổ biến, ví dụ như cách hành văn hay, dùng chữ khéo vv... có lẽ không cần phải nhắc đi nhắc lại mãi.
Có thể bảo truyện Kiều được ưa chuộng và được truyền bá rộng rãi trong nhân gian vì tương đối nó dễ nhớ dễ thuộc, văn chương uyên áo nhưng tương đối cũng dễ hiểu đối với quần chúng bình dân; mặt khác truyện lại có giá trị về đạo nghĩa. Các tác phẩm khác, ví dụ như Lục Vân Tiên, cũng như thế; song rõ rệt là văn chương của truyện Kiều trau chuốt hơn, tả tình tả cảnh phong phú hơn nên dễ đi vào lòng người hơn. Dân Việt ta ưa ngâm Kiều, vịnh Kiều, dẫn Kiều, lẩy Kiều, v.v... là vì thế.
1. Sự phổ biến của truyện Kiều trong nhân gian:
Đặc điểm lớn nhất của người Việt Nam là yêu thơ. Ít có dân tộc nào yêu thơ như người Việt Nam đến độ thơ đã trở thành như hơi thở trong đời sống: buồn khổ cũng thơ, vui mừng cũng thơ, đánh giặc cũng thơ, ở tù cũng thơ, giao tế với nhau bằng thơ, và khi hẹn hò tình tự với nhau thì... khỏi nói là thơ nhiều đến như thế nào! Chỉ riêng Ca Dao và Văn Chương Bình Dân Truyền Khẩu của Việt Nam, nếu có ai đi tom góp cho đầy đủ, hẵn cũng đến những "ba bồ chữ" !
Riêng về truyện Kiều, độ thẩm thấu của nó đã vào rất sâu trong lòng quần chúng nên rất nhiều người thuộc, có người thuộc được cả những đoạn rất dài. Đáng nói hơn nữa là hầu hết quần chúng Việt Nam, những ai đã biết rõ về truyện Kiều thì lại muốn biết thêm cho thật chi tiết. Họ thấy thích thú, sung sướng trong những khám phá mới hoặc trong những ứng dụng thơ Kiều theo những điều tức cảnh tức tình mới. Ví dụ người ta đố nhau:
Truyện Kiều anh học đã lâu
Đố anh tóm được một câu hết Kiều ? (1)
Đố anh tóm được một câu hết Kiều ? (1)
hay có khi một cô gái dám dạn dĩ:
Đầu Kiều có một chữ nho
Anh mà nói được em cho làm chồng
Giữa Kiều có một chữ Không
Anh mà đoán được tơ hồng em trao (...)
Anh mà nói được em cho làm chồng
Giữa Kiều có một chữ Không
Anh mà đoán được tơ hồng em trao (...)
Lắm lúc, người ta đố nhau những câu Kiều đặc biệt, ví dụ tìm ra câu thơ gồm toàn chữ Hán như:
Hồ công quyết kế thừa cơ
Lễ tiền binh hậu tế cờ tập công
Lễ tiền binh hậu tế cờ tập công
Hoặc bảo kiếm những câu chỉ toàn chữ Nôm thôi, nhưng phải "khác thường" như:
Này chồng, này mẹ, này cha
Này là em ruột, này là em dâu
Này là em ruột, này là em dâu
Hay là :
Còn non còn nước còn dài
Còn về còn nhớ tới người hôm nay
Còn về còn nhớ tới người hôm nay
Có khi họ lại phỏng đoán, chả biết Nguyễn Du thực sự có nghĩ thế hay không:
Đêm khuya gió lọt song đào
Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời (2)
Một vành trăng khuyết ba sao giữa trời (2)
2. Điều cần chú ý khi nói về một số tư tưởng trong truyện Kiều
Về mặt các ƯU ÐIỂM cũng như những HẠN CHẾ của truyện Kiều, sách vở đã có nói khá nhiều nên ở đây chúng ta chỉ cần lướt nhanh qua một số điểm và không nêu lại những gì đã quá thông thường, phổ quát.
Bên cạnh giá trị cao về văn chương, truyện Kiều còn là một tấm gương phản ánh khá rõ rệt thế thái nhân tình, nói lên được những tệ đoan của xã hội. Nó cũng diễn tả được tâm-tư tình-cảm của cá nhân con người trong nhiều trạng huống khác nhau một cách tài tình, sâu sắc. Nhờ những điều như thế nên truyện Kiều mang tính chất riêng chung rất lớn. Ngược lại, HẠN CHẾ KHÁCH QUAN của nó cũng khá nhiều: Suốt cả câu chuyện ta thấy đầy dẫy những ý niệm về nhân quả, định mệnh của tôn giáo (ví dụ: Bắt phong trần phải phong trần !). Bối cảnh của nó lại bắt buộc phải rất xa lạ với Việt Nam (= tất cả toàn ở tận đâu đâu bên Tàu). Đây là chuyện dịch của Tàu (sẽ bàn sau) nên chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn, nhưng chẳng phải là không có hạn chế khách quan trong đó. Sở dĩ văn chương thời đó phải tránh xa bối cảnh Việt Nam vì ở thời phong kiến, nếu viết một câu chuyện như truyện Kiều với bối cảnh Việt Nam thì dù vô tình hay không, tác giả cũng phải chịu hậu quả khá nặng nề khi có những đụng chạm trên dưới ngang dọc. Do đó các tác phẩm có tiê’ng của ta như CHINH PHỤ NGÂM, CUNG OÁN NGÂM KHÚC, LỤC VÂN TIÊN, vân vân, đều mang bối cảnh rất xa lạ với dân Việt, ví dụ như cõi Thiên San, năm Gia Tĩnh, núi Ô Sào, giặc Ô Qua, v.v...
GIỚI HẠN CHỦ QUAN cũng bao gồm vài điểm khá xa vời thực tế, ví dụ chuyện của ông lãnh tụ Từ Hải, một kẻ “ hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh ! ” : Dù có mê gái đến bực nào đi nữa, nếu đương sự không thấy ra được vấn đề, chắc chắn những chân tay tả hữu của ông ta cũng không để cho chỉ vì một nàng Kiều “bé bỏng” mà họ Từ phải tổ chức một vụ xử án công khai khiến thiên hạ nơi nơi đều biết rõ hết cái "lý lịch" khá thăng trầm của vị "đệ nhất phu nhân" như thế! Việc xử án không có lợi gì cho sự nghiệp của họ Từ chút nào về cả hai mặt danh tiếng cũng như tuyên truyền chính trị
Một điểm nhỏ khác là tính chất của sự gắn bó giữa Kiều và Từ Hải. Qua câu nói "nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào", ta thấy rõ trước sau gì cô Kiều vẫn xem việc làm của họ Từ là hành vi của một thứ "giặc cỏ" (dù rằng lúc mới gặp Từ, cô ta có tạm khen rằnng "Tấn Dương được thấy mây rồng có phen"!). Những lý luận "chiêu hàng" khá yếu ớt của Kiều lại được Từ Hải nghe theo một cách quá ư dễ dãi, hóa ra cái mục đích chống triều đình của họ Từ mà ai cũng ngỡ là để cứu dân độ thế, thật sự không hẵn như vậy ! Tương tự suy ra, việc xử án công khai lũ Khuyển Ưng nọ kia ... rốt cục cũng chỉ để làm vui lòng người đẹp chứ chả phải vì Từ Hải muốn đưa ra một bài học để răn những kẻ ác chút nào cả !
Người ta cho rằng sở dĩ Nguyễn Du lèo lái câu chuyện như thế để rốt cục Kim Kiều còn có thể gặp gỡ vì chính ông ta còn mơ ước một cuộc "tái hợp" với nhà Lê. Đây có lẽ là mấu chốt của truyện Kiều. Đành rằng Nguyễn Du đã có thể muốn ký thác tâm sự cuả mình qua truyện Kiều, do đó ông ta có thể lèo lái câu chuyện theo ý ông. Nhưng phải nhớ là Nguyễn Du không sáng tác câu chuyện mà chỉ "diễn Nôm" (nói đúng hơn là diễn ra thơ Nôm) lại câu chuyện của một tác giả Trung Quốc tên Thanh Tâm Tài Nhân. Giữa truyện Kiều của Nguyễn Du và Kim-Vân-Kiều-Truyện (hay có thể là tựa gì đó) của Thanh Tâm Tài Nhân có những khác biệt gì chính yếu, đó là điều chúng ta phải biết đến và nhận định kỹ để có thể phân biệt được đâu là ý thật của Nguyễn Du, đâu là ý ông vay mượn, và đâu là những điều Nguyễn Du chỉ dịch ra một cách tự nhiên, vô tình.
Nhà văn Lữ Phương có nhận dịnh rằng truyện Kiều mang giá trị lớn ở điểm đã "đi trước thời đại của nó" qua chuyện Từ Hải:Việc thực hiện công lý "ân đền oán trả" đã không do bàn tay một nhân vật nằm trong giai cấp thống trị như vua chúa, quan lại, trạng nguyên, v.v... mà lại qua tay một kẻ dám chống lại triều đình! Nhận xét thật đúng, nhưng tư tưởng này của ai, Nguyễn Du hay Thanh Tâm Tài Nhân ?
Thêm một điều nữa: có những đoạn thật hay trong truyện Kiều, ví dụ khúc tả Kiều gảy đàn:
Khúc đâu đầm ấm dương hòa
Ấy là Hồ Ðiệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Đấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên
Trong sao trăng tỏ doành quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông ...
Ấy là Hồ Ðiệp hay là Trang Sinh
Khúc đâu êm ái xuân tình
Đấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên
Trong sao trăng tỏ doành quyên
Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông ...
Tất cả những ý niệm so sánh như ở trên, hay những từ ngữ và ý niệm như "tiếng trong tiếng đục", "tiếng sắt tiếng vàng"... ở những đoạn khác là của ai; Nguyễn Du sáng tác ra hay chỉ mang rượu cũ sẵn có bỏ vào bình mới một cách khéo léo ?
Xưa nay hầu hết các nhà xuất bản cho ra truyện Kiều đều chỉ chú trọng đến những vấn đề đính chính từ ngữ đúng sai, hoặc giải thích điển cố, hoặc so sánh vài khảo dị đối với các bản cũ đã ra từ trước, v.v... Điều đó cũng tốt, nhưng không cần thiết lắm vì rốt cục cũng không có gì mới, nhất là hiện nay TỰ ÐIỂN TRUYỆN KIỀU đã ra đời. Cái đáng làm nhất là tìm nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân, dịch cho sát và đúng đắn, rồi so sánh với tác phẩm của Nguyễn Du thì không mấy ai chịu làm. Trước đây độ 20-25 năm có thấy một tạp chí ở Sài Gòn (Bách Khoa?) chịu khó dịch và đăng dần dà truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân bằng văn xuôi. Đây là một công trình quan trọng, đáng tìm lại cho đầy đủ và lưu trữ khi chưa có thể làm được công việc tìm nguyên bản để dịch cho hoàn hảo.
Tìm tòi để nhận định cho đúng đắn về truyện Kiều là một điều cần thiết. Khi hãnh diện về truyện Kiều, chúng ta phải nắm rõ là chúng ta hãnh diện về nó ở chỗ nào đã đành, cũng phải công nhận nó có những hạn chế nào nữa.
3. Khía cạnh chính trị: Truyện Kiều như một thần dược trong “uống ngoài thoa”
Đây là một khía cạnh đặc biệt nhất của Việt Nam: dùng truyện Kiều như một thanh gươm hiệp sĩ để trừ tà diệt bạo, một vũ khí để "tịch tà cự bí", một nơi nương tựa để đứng vững trong cảnh thanh bần, một tấm "gương chiếu yêu" để ánh sáng công lý rọi rõ sự trắng đen của sự vật trước tai mắt thiên hạ ... Có thể bảo rằng sức mạnh hùng-hồn của dân tộc đã làm tăng gía trị của truyện Kiều, hay truyện Kiều làm mạnh thêm và vững thêm giá-trị truyền thống của dân tộc. Chưa biết cách gọi nào là đúng, song kết quả thì như nhau. Ta thử xem qua một số trường hợp.
Trước hết là buổi giao thời khi quân Pháp mới đến. Nếu đã có một số người ra cọng tác một cách trắng trợn như Trần Bá Lộc, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan, Huỳnh Công Tấn, Nguyễn Thân, v.v... thì cũng đã có những người trí thức "còn biết mắc cở" kiểu Tôn Thọ Tường. Ông Tường chỉ biện minh cho mình hay đã cố tìm một "chủ thuyết" cho hành động hợp tác của ông ta thì chưa phải là điều để bàn ở đây, nhưng ai cũng nhớ là ông Tường đã không lỡ dịp nào để biện minh. Song song với những nhân vật khác như Tôn Phu Nhân, Từ Thứ, nàng Kiều cũng đã được ông ta đem ra để nhờ thiên hạ "chứng giám" cho rằng:
Mười mấy năm trời nhục trả xong
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả (3)
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
Soi gương kim cổ thương mà trách
Chả trách chi Kiều, trách hóa công !
Sông Tiền Đường đục hóa ra trong
Mảnh duyên bình lãng còn nong nả (3)
Chút phận tang thương lắm ngại ngùng
Chữ hiếu ít nhiều trời đất biết
Gánh tình nặng nhẹ chị em chung
Soi gương kim cổ thương mà trách
Chả trách chi Kiều, trách hóa công !
Hiểu rõ ông Tường là cử nhân Phan Văn Trị. Đã nhắc khéo ông Tường nhiều lần, ví dụ như
Anh hỡi Tôn Quyền, anh có biết
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
cũng như đã nêu rõ đâu là trong đục trắng đen một cách rõ ràng, dĩ nhiên lần này cụ cử cũng không im lă.ng. Đại điện cho tầng lớp sĩ phu yêu nước, cụ lý luận:
Tài sắc chi mi hỡi Thúy Kiều
Khá thương mà cũng trách đôi điều
Ví dù Viên Ngoại oan khiên lắm
Sao chẳng Đề Oanh sớ sách kêu ? (4)
Chút nghĩa chàng Kim tình đã bấy
Nén vàng họ Mã giá bao nhiêu ?
Liêu Dương ngàn dặm chi xa đó
Mà đã Lâm Tri bướm dập dìu !
Khá thương mà cũng trách đôi điều
Ví dù Viên Ngoại oan khiên lắm
Sao chẳng Đề Oanh sớ sách kêu ? (4)
Chút nghĩa chàng Kim tình đã bấy
Nén vàng họ Mã giá bao nhiêu ?
Liêu Dương ngàn dặm chi xa đó
Mà đã Lâm Tri bướm dập dìu !
Nhưng nhắc truyện Kiều mà ngậm khổ lần nọ qua lần kia thì phải kể đến tâm sự của một nhà nho yêu nước nồng nàn khác:NGUYỄN KHUYẾN. Biết cụ là danh sĩ được quần chúng trọng vọng, nhà cầm quyền thấy dụ dỗ mãi không lung lay được, bèn nghĩ đủ cách để hạ uy tín của cụ. Họ ép cụ phải làm văn để tế 1 tên quan Tây (Pháp) khi hắn chết (5).
Nghe lời thì khổ tâm, vì không khéo sẽ bị dùng làm phương tiện để tuyên truyền rằng "đến cả cụ Tam Nguyên mà còn có phần nào hợp tác" ! Nhưng từ chối dĩ nhiên họ không cho, cụ đành ngậm ngùi xem mình như thân phận một nàng Kiều khi đã sa cơ lạc bước thì:
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình !
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình !
Kết quả là truyện Kiều đã trở thành nơi ẩn nấp an toàn cho một tâm hồn muốn giữ vững sĩ khí. Cụ không làm chữ nào, chỉ lẩy Kiều :
Trời Tây bảng lảng bóng vàng
Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng giong
Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang
Bây giờ sự đã vẹn toàn
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Khí thiêng khi đã về thần
Hồn còn theo ngọn mây Tần xa xa
Cúi đầu quì trước thềm hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh !
Thanh gươm yên ngựa lên đàng thẳng giong
Ngoài nghìn dặm chốc ba đông
Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang
Bây giờ sự đã vẹn toàn
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân
Khí thiêng khi đã về thần
Hồn còn theo ngọn mây Tần xa xa
Cúi đầu quì trước thềm hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh !
Phải, cái thể phách này "phẩm tiên rớt xuống tay hèn" coi như đã chết, nhưng tinh thần thì không ai có thể đàn áp được. Vả lại "đứa con quý không thể để chết về tay kẻ cướp", khi chưa đáng phải hy sinh, con người cần phải bảo vệ tính mạng mình !
Nhưng đã yên đâu ! Về sau này, nhân thấy truyện Kiều không mang tư tưởng kêu gọi độc lập hay có gì nguy hiểm cho thể chế,người Pháp để dân Việt "phát huy văn hóa" theo đường lối họ vạch ra và giới cầm quyền tổ chức thi đua ngâm vịnh Kiều khắp nơi. Tên Tổng Đốc Lê Hoan lại bắt cụ đứng ra làm chủ khảo cho cuộc thi "Vịnh Kiều". Dưới đây là bài vịnh Kiều của ông chủ khảo:
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ viên gìa
Muốn yên phải liệu ba trăm lạng
Vì hiếu nên đành một chiếc thoa
Rước khách mượn màu son phấn mụ
Bán mình chuộc lấy tội tình cha
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a ?
Muốn yên phải liệu ba trăm lạng
Vì hiếu nên đành một chiếc thoa
Rước khách mượn màu son phấn mụ
Bán mình chuộc lấy tội tình cha
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a ?
Thật đáng cảm phục, mà cũng đáng ngậm ngùi !
*
THỜI buổi ấy, vàng thau lẫn lộn. Các phong trào yêu nước đã lần lượt bị dẹp tan cả để một Nguyễn Đình Chiểu sa nước mắt cho những cảnh:
Trên giồng lửa cháy, cờ tam sắc
Dưới trảng đèn lờ, bóng thất tinh ... (Khóc Phan công, Tòng)
Dưới trảng đèn lờ, bóng thất tinh ...
Khi đất nước đã ở cảnh "ải lang dứt dấu, ngựa Hồ vào ra" (6) rồi, thì kẻ theo phú quý mỗi ngày càng thêm nhiều, kẻ lơi lả "ngã tay chèo" cũng đông dần ra khiến một Nguyễn Hữu Huân ngậm ngùi:
Áo Hán nhiều phần thay vẻ lạ
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon ! (7)
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon !
Đối phó với tình thế đó, cụ Phan Bội Châu và các đồng chí đã đứng ra những mong "gom bột để gột nên hồ" với mục đích "vị ngô hoàng chủng thụ hồng kỳ" (= vì nòi hoàng chủng dựng cờ đào). Nếu phái Thiết-Huyết (= hay phái Kịch-Liệt) của cụ đã cho ra Hải Ngoại Huyết Thư với những câu:
Kìa những kẻ lạc tai tham họa
Đều là người tuấn nhã thông minh
Ai ơi xin chớ cậy mình
Ngu mà ngu thế thật đành là ngu !
Đều là người tuấn nhã thông minh
Ai ơi xin chớ cậy mình
Ngu mà ngu thế thật đành là ngu !
Kìa những kẻ vong thù nhẫn sỉ
Rặt là người phú quý vinh hoa
Ai ơi nên phải nghĩ xa
Ngu mà ngu thế, rồi ra hại mình !
Rặt là người phú quý vinh hoa
Ai ơi nên phải nghĩ xa
Ngu mà ngu thế, rồi ra hại mình !
(...)
Hòn máu uất chất quanh đáy ruột
Anh em ơi, mau tuốt gươm ra
Có trời, có đất, có ta
Đồng tâm như thế mới là đồng tâm ! ...
Anh em ơi, mau tuốt gươm ra
Có trời, có đất, có ta
Đồng tâm như thế mới là đồng tâm ! ...
thì phái Ôn Hoà (hay phái Thận Trọng) cũng nhắc nhở toàn dân rằng chẳng vinh hoa gì cái kiếp làm tôi tớ cho người! Năm 1907, cơ quan của phái Ôn Hòa là Ðông Kinh Nghĩa Thục cho lưu hành bài "lẩy Kiều" khắp nơi, nhắm vào quần chúng nói chung nhưng chủ ý kêu gọi những phần tử hợp tác với Pháp. Bài văn nhắc nhở: khi chủ quyền còn ở tay TÂY thì sang giàu đi nữa cũng chỉ làm nô lệ cho người:
Trời Tây bảng lảng bóng vàng
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai ?
Cúi đầu nép xuống sân mai
Còn toan nở mặt với đời cho qua ?
Trông người lại gẫm đến ta
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi !
Người yêu ta xấu với người
Đỉnh chung hồ dễ ăn ngồi cho yên ! (...)
Phẩm tiên đã bám tay hèn
Làm cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Đục trong thân cũng là thân
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi
Tẻ vui âu cũng kiếp người
Công đeo đẳng chẳng thiệt thòi lắm sao ?
Thân lươn bao quản lấm đầu
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi !
Bây giờ kim mã ngọc đường với ai ?
Cúi đầu nép xuống sân mai
Còn toan nở mặt với đời cho qua ?
Trông người lại gẫm đến ta
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi !
Người yêu ta xấu với người
Đỉnh chung hồ dễ ăn ngồi cho yên ! (...)
Phẩm tiên đã bám tay hèn
Làm cho bùn lại vẩn lên mấy lần
Đục trong thân cũng là thân
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi
Tẻ vui âu cũng kiếp người
Công đeo đẳng chẳng thiệt thòi lắm sao ?
Thân lươn bao quản lấm đầu
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi !
Nhưng Ðông Kinh Nghĩa Thục không sống đuợc lâu. Mới hoạt động được chỉ một năm thì nguòi Pháp đã hoảng hốt ra lệnh đóng cửa và "hốt" hết các chí sĩ của phong trào ra Côn Đảo (1908). Cụ Phan Bội Châu, linh hồn của phong trào yêu nước đương thời cũng bị bắt cóc ở Thượng Hải (1925) và đưa về Hà Nội. Cụ bị kêu án tử hình.
Tuy nhiên sợ rằng một Phan Bội Châu "tuẫn nghĩa" sẽ làm cả một dân tộc đứng vùng lên nhanh hơn, đồng loạt hơn, thực dân Pháp đành đưa cụ Phan đi giam lỏng ở Huế. Cho rằng cụ ở như thế lâu ngày sẽ sinh chuyện không tốt, phái Kịch Liệt thì mong cụ thoát ra nhanh để "tái tạo cơ đồ", phái Thận Trọng thì sợ cụ sẽ không giữ được trọn vẹn danh tiết vì người Pháp đang ráng sức dụ dỗ cụ "đề huề" với họ. Cụ Phan phải lẩy Kiều để nhắn nhủ quốc dân thuộc cả hai phái:
Ví chăng xét tấm tình si
Thiệt ta mà có ích gì đến ai
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt hẵn đền bồi có khi
Thiệt ta mà có ích gì đến ai
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt hẵn đền bồi có khi
Sinh rằng từ thưở tương tri
Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn ngách sông,
Muôn đội ơn lòng…
Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn ngách sông,
Muôn đội ơn lòng…
Trong số học sinh Đông Du theo cụ lúc trước, có Nguyễn Bá Trác (còn tên là Nguyễn Phong Di) về đầu thú với Pháp và được làm quan, dần dà lên đến chức Tuần Phủ. Cái ghế Tuần Phủ ấy có được nghe đâu cũng do đương sự tố cáo anh em bạn bè đồng chí cũ mà ra. Mặt khác, cha mẹ của đương sự cũng được Nam Triều -- theo lệnh của Pháp -- sắc phong khen ngợi.
Một bữa nọ, con người phản bội kia cao hứng tổ chức ngâm vi.nh. Có một nhà Nho can đảm đã "lẩy Kiều" trước đám đông làm quan lớn xanh cả mặt. Bài thơ được truyền tụng nhanh chóng:
Kể từ lạc bước trở ra
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa ?
*
NHỮNG năm từ 1925 trở đi là thời mà truyện Kiều "phát đạt", nhưng lần này theo khuynh hướng xấu nhất. Qua tài văn chương xuất sắc của một người hợp tác mới - Phạm Quỳnh - người Pháp đã tổ chức các phong trào "HỌC KIỀU" rầm rộ khắp toàn quốc để người Việt quên đi quốc sự, chính tri. Chính Phạm Quỳnh đã đưa ra khẩu hiệu cho phong trào "HỌC KIỀU":
Truyện Kiều còn, tiếng ta còn
Tiếng ta còn, nước ta còn.
Tiếng ta còn, nước ta còn.
Phong trào này lan rất nhanh, nhưng tính chất của nó dĩ nhiên bị mọi ngưòi khám phá ra sớm. Cụ nghè Ngô Đức Kế, đã từng bị Pháp nhốt tù Côn Đảo nhưng hùng khí không nhụt: Cụ nổi giận viết ngay một bài tựa đề là CHÍNH HỌC VÀ TÀ THUYẾT để công kích nhóm Phạm Quỳnh thẳng cánh. (Bài văn này hùng hồn, sắc bén, tiếc rằng dài quá không tiện chép ra trong khuôn khổ bài viết này).
Một chiến sĩ khác, cụ nghè Huỳnh Thúc Kháng, cũng đi tù Côn Đảo về còn chân ướt chân ráo nhưng đã lật đật tiếp sức ngay cho cụ Ngô với cả một loạt thơ "VỊNH KIỀU" dài. Nàng Kiều mà cụ gọi là cái thứ "phường trăng gió" ở đây dĩ nhiên không ai khác hơn kẻ "đứng đầu" phong trào "Học Kiều" : Phạm Quỳnh !
Á cũ qua rồi, mới chửa Âu !
Học KIỀU xúm xít bọn mày râu
Đã đem thân thế nương nhà thổ
Còn trách cha ông vụng kiếp tu
Một khúc Đoạn Trường khêu lửa dục
Mấy thiên Bạc Mệnh chác hơi sầu
Biết chăng, hỏi cụ Tiên Điền vậy
Muôn ác tà dâm, ấy sự đâu ?
Học KIỀU xúm xít bọn mày râu
Đã đem thân thế nương nhà thổ
Còn trách cha ông vụng kiếp tu
Một khúc Đoạn Trường khêu lửa dục
Mấy thiên Bạc Mệnh chác hơi sầu
Biết chăng, hỏi cụ Tiên Điền vậy
Muôn ác tà dâm, ấy sự đâu ?
Muôn ác tà dâm, ấy sự đâu
Tình đâu đâu, mà hiếu đâu đâu
Theo trai gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ thân đành kiếp ngựa trâu
Nghiêng nưóc trận cười, gương mấy kiếp
Đắm mình bể sắc, tội nghìn thu
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy
Biết nỗi người sau dại thế ru ?
Tình đâu đâu, mà hiếu đâu đâu
Theo trai gác xó lời cha mẹ
Làm đĩ thân đành kiếp ngựa trâu
Nghiêng nưóc trận cười, gương mấy kiếp
Đắm mình bể sắc, tội nghìn thu
Tiên Điền cụ nghĩ mua vui vậy
Biết nỗi người sau dại thế ru ?
Biết nỗi người sau dại thế ru
Phong trào đưa giọng chuyện phong lưu
Vẩn vơ người ấy phường trăng gió
Đau đớn lòng ai cuộc bể dâu
Nòi giống khôn thiêng dân một nước
Anh hùng nhiều ít tiếng năm châu
Tiên Điền cụ có hay chưa nhỉ
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu !
Phong trào đưa giọng chuyện phong lưu
Vẩn vơ người ấy phường trăng gió
Đau đớn lòng ai cuộc bể dâu
Nòi giống khôn thiêng dân một nước
Anh hùng nhiều ít tiếng năm châu
Tiên Điền cụ có hay chưa nhỉ
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu !
Sách dạy ngày nay đĩ đứng đầu
Xúm nhau sùng bái gái bên Tàu
Cột đồng Mã Viện xô chưa ngã
Sóng ác Kiều Nương lại đắm sâu
Ô điểm nghìn năm nhơ lịch sử
Báo chương phân nửa chuyện thanh lâu
Ai ơi, gọi cụ Tiên Điền dậy
Đừng để non sông chịu tiếng vu !
Xúm nhau sùng bái gái bên Tàu
Cột đồng Mã Viện xô chưa ngã
Sóng ác Kiều Nương lại đắm sâu
Ô điểm nghìn năm nhơ lịch sử
Báo chương phân nửa chuyện thanh lâu
Ai ơi, gọi cụ Tiên Điền dậy
Đừng để non sông chịu tiếng vu !
Đừng để non sông chịu tiếng vu
Phật nhà không lạy, lạy người Tàu
Trưng Vương đền cũ mùi hương lạnh
Triệu Ẩu bia còn nét chữ lu
Thiện chẳng thấy bày, bày những ác
Ơn kia không biết, biết chi cừu
Tiên Điền cụ biết thời nay nhỉ
Á cũ qua rồi, mới chửa Âu !
Phật nhà không lạy, lạy người Tàu
Trưng Vương đền cũ mùi hương lạnh
Triệu Ẩu bia còn nét chữ lu
Thiện chẳng thấy bày, bày những ác
Ơn kia không biết, biết chi cừu
Tiên Điền cụ biết thời nay nhỉ
Á cũ qua rồi, mới chửa Âu !
Quả là một cú đánh trời giáng của văn chương lửa thép !
Ở kinh đô có văn chương tranh đấu của kinh đô, địa phương cũng có văn chương tranh đấu của địa phương hòa điệu. Vùng Ninh Bình, tên tổng đốc tham ô là TỪ ÐẠM (8) cũng tổ chức "Học Kiều" và tự đứng ra làm chủ khảo cho cuộc thi "Vịnh Kiều". Họ Từ sớm nhận đưọc một bài ứng thí "xỏ ngọt" rất chua chát:
Khóa cửa phòng xuân để đợi chờ
Duyên em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng
Viên ngoại chìu con chết ngẩn ngơ
Nợ trước hẹn hò con đĩ ÐẠM
Duyên sau gặp gỡ bố cu TỪ
Mười lăm năm ấy, bao nhiêu sướng
Còn trách làm chi chú bán tơ !
Duyên em mất nết tự bao giờ
Chàng Kim mê gái công đeo đẳng
Viên ngoại chìu con chết ngẩn ngơ
Nợ trước hẹn hò con đĩ ÐẠM
Duyên sau gặp gỡ bố cu TỪ
Mười lăm năm ấy, bao nhiêu sướng
Còn trách làm chi chú bán tơ !
Nhưng nghe đả kích một ông quan, dù là quan to, cũng chưa bằng nghe đả kích vua! Năm 1945, Việt Nam độc lập. Vua Bảo Đạimới nhận làm Cố Vấn Tối Cao cho chính phủ Việt Minh (chủ tich: HỒ Chí Minh, phó chủ tịch: Nguyễn HẢI Thần) chưa được bao lâu thì nhân dịp đi Trùng Khánh (Trung Quốc) đã bỏ và về Hồng Kông để lập thế lực khác. Khi Pháp dùng "LÁ BÀI BẢO ÐẠI", ông ta lại vác chiếu trở về Việt Nam làm "Quốc Trưởng". Cụ cử Tùng-Lâm Lê Cương Phụng đón rước vua Bảo Đại về nước với một bài "Vịnh Kiều" độc đáo:
Thơ thới đòi phen phận liễu bồ
Cửa người đành chịu kiếp hoa nô
Đường xưa nẻo tía vừa ra khỏi
Lối cũ lầu xanh lại bước vô
Đã trót hẹn lời cùng bác HẢI
Sao không thẹn mặt với ông HỒ
Lộn chồng trốn chúa con người ấy
Còn hiếu còn trung ở chỗ mô !
Cửa người đành chịu kiếp hoa nô
Đường xưa nẻo tía vừa ra khỏi
Lối cũ lầu xanh lại bước vô
Đã trót hẹn lời cùng bác HẢI
Sao không thẹn mặt với ông HỒ
Lộn chồng trốn chúa con người ấy
Còn hiếu còn trung ở chỗ mô !
4. Thay phần kết
SỢI CHỈ kim tuyến xuyên suốt giòng lịch sử Việt Nam là vấn đề thịnh vượng của giống nòi và hạnh phúc của toàn dân. Đó là mục đích đầu tiên và cuối cùng, đồng thời cũng là “niềm tin làm dậy lên như men" để con người sống và tranh đấu. Ngày nào mục đích này còn chưa đưọc đạt tới, truyện Kiều và dân Việt vẫn còn nhiều duyên nợ ba sinh. Khi mà đông đảo người Việt còn "phải gọi người nằm thiên cổ dậy", chắc chắn không phải chỉ để làm mỗi cái việc "nghệ thuật vị nghệ thuật".
Truyện Kiều đã được dùng để biện minh và đả kích, dụ dỗ và phản kháng, giúp xâm lăng và chống xâm lăng, v.v... Nhưng trong tất cả các bài Vịnh Kiều, có lẽ bài sau đây của Trần Huy Liệu là bài đáng cảm khái nhất:
Bạc mệnh hồng nhan chán vạn người
Đoạn trường sổ ấy có tên ai
Phòng loan cung cấm đà bao thưở
Mày trắng lầu xanh mấy độ rồi
Bể thẳm mênh mông làn sóng gợn
Sông Tiền man mác cánh hoa trôi
Chỉ vì chưa gặp người tri kỷ
Mà luống long đong suốt cả đời
Đoạn trường sổ ấy có tên ai
Phòng loan cung cấm đà bao thưở
Mày trắng lầu xanh mấy độ rồi
Bể thẳm mênh mông làn sóng gợn
Sông Tiền man mác cánh hoa trôi
Chỉ vì chưa gặp người tri kỷ
Mà luống long đong suốt cả đời
Riêng với chúng ta – những đứa con của 50 cái trứng đã phiêu bồng, có thể lên núi hay đã xuống bể – truyện Kiều có sống trong lòng chăng cũng chỉ là lời nhắn nhủ đơn sơ gửi về những người con của 50 cái trứng ở lại :
Chân trời góc biển chơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ mới phai
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời !
Tấm son gột rửa bao giờ mới phai
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời !
______________________________________________________________________________
CHÚ THÍCH
1. Câu trả lời là:
Trăm năm trong cõi người ta
Mua vui cũng được một VÀ trống canh
Mua vui cũng được một VÀ trống canh
2. Câu thơ nằm ở đoạn Kiều nhớ Thúc Sinh. Thúc Sinh tên THÚC KỲ TÂM, và chữ TÂM viết (tiếng Hán) như một vành trăng với ba chấm. Điều này, Nguyễn Du đã dịch lại, đã nghĩ ra hay người đời sau tự suy diễn ra ?
3. Duyên bình lãng = Duyên bèo nước.
4. Đề Oanh là gái, giả trai đi dâng sớ kêu oan cho cha. Cha được tha.
5. Có người nói là văn tế tên toàn quyền Pasquier. Nhưng Pasquier chết cháy trên máy bay năm 1933, còn cụ Nguyễn thất lộc năm 1909.
6+7. Thời xưa, các cụ chịu ảnh hưởng quá nặng của văn học Trung Quốc nói chung, NHO GIÁO nói riêng, nên không phân biệt được như chúng ta ngày nay. Các cụ nhìn người Pháp qua ống kiếng màu của văn học Trung Quốc cũ nên gọi quân Pháp là "Quân Hồ Lỗ", đồng thời coi mình có nền văn minh như Hán (= khác xa Hồ). Nguyễn Đình Chiểu khi nói đến phong tục ta bị Tây hóa cũng đã mượn hình ảnh:
Buồn xem trong đất U Yên
Y quan nay hóa áo chiên nón cừu.
Y quan nay hóa áo chiên nón cừu.
ẢI LANG DỨT DẤU : Lang là chó sói. Xưa người Trung Quốc trộn phân chó sói với cỏ khô để khi đốt khói sẽ lên cao. Các cửa ải phía bắc dùng phương tiện xông khói này để truyền tin đi khi bị tấn công. Do đó các ải này gọi là ẢI LANG. Khi đã thua và bị chiếm đóng rồi thì các ải lang bị san bằng cả, thành ra "Ải Lang Dứt Dấu".
8. Tổng Đốc Từ Ðạm là điển hình của tham quan Việt Nam theo Pháp. Ông ta nổi tiếng tàn ác. Thưở đó, trong nhân dân có câu:
Thứ nhất là rắn Mai hoa
Thứ nhì Từ Đạm, thứ ba Tán Bình
Thứ nhì Từ Đạm, thứ ba Tán Bình
9. PHỤ THÊM:
Trong cuộc thi Vịnh Kiều do Nguyễn Khuyến làm chủ khảo, người được giải nhất là Chu Mạnh Trinh. Chu có tài, nhưng cụ Nguyễn không ưa vì Chu đi theo Pháp. Dù vậy, cụ cũng bị áp lực phải lựa Chu vì Chu là quan to (chỉ đứng sau Tổng Đốc Lê Hoan). Khi đọc bài vịnh của Chu thấy có câu:
Làng nho người cũng xem ra vẻ
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay
cụ Nguyễn chê thiếu ý thức và phê:
Rằng hay thì thực là hay
Nho sánh với xỏ, già này không ưa
Nho sánh với xỏ, già này không ưa
Chu giận, bảo vị chủ khảo "hữu nhãn vô châu". Biết Cụ vốn bị loà từ lâu, Chu gửi biếu một chậu trà (Camelia Sasanqua) đang nở hoa. Cụ làm thơ đáp lễ:
Có khách cho ta một chậu trà
Ðương say, ta có biết là hoa
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ ( = Chu không kính lão)
Áo tía đai vàng bác đấy a ! ( = nhờ gì mà bác được Pháp cho làm quan?)
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá ( =Chu)
Gió to luống sợ lũ dơi già ( = lũ Pháp)
Xưa nay ta thưởng hoa bằng mũi
Đếch thấy mùi hương, một tiếng khà .
Ðương say, ta có biết là hoa
Da mồi tóc bạc ta già nhỉ
Áo tía đai vàng bác đấy a ! ( = nhờ gì mà bác được Pháp cho làm quan?)
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá ( =Chu)
Gió to luống sợ lũ dơi già ( = lũ Pháp)
Xưa nay ta thưởng hoa bằng mũi
Đếch thấy mùi hương, một tiếng khà
Văn-Lang Tôn-thất Phương, Canberra 1985
® "Khi phát hành lại thông tin từ trang này cần phải có sự đồng ý của tác giả
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét