Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

44- Chuyện Y học trong Kiều - BS Lê văn Lân

Chuyện Y học trong Kiều

BS Lê văn Lân
 
Cành hoa trong những cơn bão tố!
Đọc truyện Kiều, ai cũng cảm thương cho cái khổ của nhân vật Thúy Kiều.  Nàng khổ về thể xác và khổ về tinh thần.  Nói về khổ thể xác thì người ta nghĩ đến sự đau đớn do những trận đòn mà Kiều phải chịu.  Mà nói đến sự đau tức là phải nói đến chuyện thuốc men hay sự điều trị y khoa. Do đó, nói chuyện Y học trong cuốn Kiều không những là mới mẻ mà là một sự khảo sát một tác phẩm thời danh về phương diện kỹ thuật văn hóa cổ thời.
Tuy nhiên, người ta thấy Nguyễn Du hầu như không nói tới nhiều đến khía cạnh thực tế y khoa, lý do là cụ chỉ muốn giản lược những chi tiết quá thực tế trong nguyên tác Hoa ngữ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, mà ngược lại nếu cần, cụ chỉ miêu tả chúng bằng những ẩn dụ văn chương.
Đọc kỹ truyện Thúy Kiều, ta thấy nàng kỹ nữ họ Vương đã chịu cả thẩy ba trận đòn :
_ lân thứ nhất bị Tú bà đánh bằng roi da (bì tiên)
 _lân thứ hai bị lính quan phủ đánh bằng gậy gỗ (mộc trượng)
_ lần thứ ba bị Hoạn bà đánh bằng gậy tre ( trúc côn)
 
* Trận đòn roi da khủng khiếp nhất làm "thịt đổ, máu sa" mà Nguyễn Du đã miêu tả như sau:
Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra,
Đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời.
Thịt da ai cũng là người,
Uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa.
* Trận đòn bằng trượng gỗ tại phủ quan kém ghê rợn nhưng làm rơi lắm lệ và mặt mày hoa lem luốc :
Dạy rằng cứ phép gia hình,
Ba cây chập lại một cành mẫu đơn.
Phận đành chi dám kêu oan,
Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.
Một sân lầm cát đã đầy,
Gương lờ nước thủy, mai gầy vóc sương.
* Trận đòn bằng gậy tre ở phủ Hoạn bà đã làm da thịt của Thúy Kiều nát ra:
A hoàn trên dưới dạ ran,
Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào.
Trúc côn ra sức đập vào,
Thịt nào chẳng nát, gan nào chẳng kinh.
Xót thay đào lý một cành,
Một phen mưa gió, tan tành một phen.
Dưới sự miêu tả ẩn dụ của Nguyễn Du, kỹ nữ Vương Thúy Kiều là một cành hoa, nhành liễu, một đóa mẫu đơn, một cây đào lý dưới những trận đòn giáng xuống như cuồng phong bão tố. Bây giờ, chúng ta thử đi ngược về cuốn "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Tử viết bằng Hán tự để tìm hiểu những khía cạnh thực tế khi Thúy Kiều bị đòn ra sao?
 
Ngược giòng về nguyên tác Hán văn
Tôi xin trích dẫn ra những đoạn liên quan trong nguyên tác Hoa ngữ " Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Tử được Tô Nam Nguyễn đình Diệm dịch ra Việt Ngữ (Văn Hóa tùng thư - Nha Văn Hóa, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc -trách Văn-Hóa xuất bản 1971):
* Về trận đòn roi da tại nhà Tú bà (hồi X):
Khi về đến nhà, mụ Tú sai lôi nàng vào trong xó, lột hết áo quần, cả đến mảnh vải quấn chân cũng tháo trơn trọi, rồi dùng dây thừng quàng vào trước ngực, ruồn sang qua nách, bắt tréo về sau lưng, rồi buộc chặt hai đầu ngón tay cái treo lên xà nhà, để cách mặt đất ba tấc, chỉ đủ cho đầu ngón chân chấm tới mặt đất.  Còn mình mảy thì để lõa lồ chỉ còn sót lại có một cái khố, khiến nàng hổ thẹn muốn chết. Nhưng tính mệnh lúc ấy ở trong tay người thì còn biết làm thế nào? Nên đành nhắm nghiền hai mắt để mặc chúng hành hạ mà thôi.
Tú bà dợt đòn trên Kiều cả thẩy ba lần, mỗi lần hai ba chục roi da... mà "mỗi một roi vút, tức thì một lần tấm thân bị quay, luôn luôn quay tít chẳng dừng" Nói theo tiếng lóng hiện đại, Tú bà bắt Thúy Kiều đi "máy bay".
Lần cuối, Tú bà toan đánh thêm 100 roi nữa nhưng mụ vừa đánh được 2. 3 roi thì thân thể nàng quay tít như cái chong chóng, 10 đầu ngón tay, máy chẩy ròng ròng, đầu tóc xõa xuống rũ rượi, nước bọt trong miệng trào ra, máu cũng theo giọt nước mắt chảy xuống. Chị em đồng nghiệp trông thấy quang cảnh như vậy, nhất tề quỳ xuống xin tha cho nàng.
 
* Về trận đòn bằng trượng cây ở công đường phủ quan, tôi thấy có một sự sai biệt: Trong cuốn Kiều của Nguyễn Du, Thúy Kiều bị quan phủ sai lính đánh ra oai phủ đầu bằng một trận đòn mộc côn trước khi xét xử:
Trông lên mặt sắt đen sì,
Lập nghiêm trước đã ra uy nặng lời
.......
 Suy trong tình trạng bên nguyên
Bên nào thì cũng chưa yên bề nào
Nhưng đọc lại Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài tử ( hồi XII), tôi không thấy có trận đòn nào mà chỉ thấy sự việc xảy ra như sau: Quan phủ bèn sai lính đem chiếc gông ra rồi bảo Kiều: "một là phải chịu phạt đòn và chịu gông cùm một tháng. hai là lại phó trở về lầu xanh."Trong hai điều ấy tùy ý phải chọn lấy một..Thúy Kiều rằng"Bẩm quan con xin cam chịu hình phạt". Nói xong lập tức chụp gông vào cổ."Nên quan phủ thương tình bảo Thúy Kiều làm thơ vịnh cái gông, nếu nghe hay thì thả cho về. Thúy Kiều vâng lời và làm bài Hoàng Oanh nhi khúc tả cái gông quá hay nên không bị đòn và  thả cho về làm vợ bé của Thúc sinh.
 
* Về trận đòn gậy tre ở nhà Hoạn bà, Thanh Tâm tài tử viết:
            "Phu nhân lại quát: ....Con hầu bay đâu, hãy lôi nó ra đánh cho chí tử nghe! Thị tỳ hai bên dạ ran một tiếng, rồi chúng vật này xuống đất, đứa giữ tay, đứa giữ chân, đứa thì đè đầu, một đứa hô tiếng dơ roi, một đứa quỳ xuống để đếm, tức thì cặp roi bắt đầu nện xuống, nàng chỉ kịp nấc lên một tiếng, thì da mông nón lên như lửa đốt, hồn phách đã xiêu lạc mất rồi. Rồi cặp roi tre cứ đập luôn xuống một chỗ đến 15 lần, làm da rách máu tuôn. Thúy Kiều chịu đến roi thứ 20 thì "tắt thở"nên được phun nước vào mặt cho tỉnh.
 
Truyện Kiều là một tiểu thuyết phong tục
Như vậy, sau những trận đòn khủng khiếp, Thúy Kiều được chữa trị ra sao?
Nguyễn Du trong vần thơ nôm phóng tác đương nhiên không tả chi tiết mà chỉ giản lược trong tinh thần ước lệ ẩn dụ của giòng thơ tao nhã.
Dẫu sao, với mục đích khảo sát một tác phẩm văn học, ngoài chuyện ngâm nga vần điệu để cảm thương cho số kiếp đoạn trường của nhân vật chính, chúng ta cần phải đi sâu hơn vào những khía cạnh thực tế kỹ thuật khác liên quan đến bối cảnh môi trường mà câu truyện được dựng nên.   Bên cạnh những triết lý Nho và Phật siêu hình về Thiên mệnh và Nghiệp báo mà người ta từng quen biện luận về chuyện Kiều, nhiều chi tiết khác về văn hóa và lịch sử địa dư và kỹ thuật cũng phải được hậu sinh phân tách:
Học giả  Hoàng Xuân Hãn đọc câu:
 Đêm thu gió lọt song đào,
Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời
đã dùng Thiên văn học mà phỏng tính thời điểm Thúy Kiều bị hai tên côn đồ Khuyển Ưng bắt cóc.  Lê Ngọc Trụ và Trần Thượng Thủ đã vạch lại khoảng cách địa lý trên bộ và hải trình từ Lâm Truy đem về Vô Tích bao xa. Giáo sư Y khoa Nguyễn đình Cát đã "Phân tách nước mắt của nàng Kiều".  Cá nhân tôi cũng mạo muội viết về "Chuyện mua bán và kinh tế trong Kiều". Tóm lại, truyện Kiều là một kho tàng để hậu sinh khảo sát  phân tách để tìm hiểu nhiều khía cạnh về lịch sử nhân văn phong tục.
Đọc kỹ cuốn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài tử, tôi thấy cuốn này quả là một tiểu thuyết phong tục (roman de moeurs) như những cuốn tiểu thuyết Trung Hoa khác như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng,... cốt truyện là hư cấu nhưng bối cảnh và tình tiết phản ánh nhiều phong tục tập quán đương thời.  Khi nhà thơ Việt Nam Nguyễn Du phóng tác truyện Kiều của Trung hoa,  cụ đã lạng đi rất nhiều chi tiết bạc nhạc rườm rà luộm thuộm trong nguyên tác mà nhắm mục đích cốt yếu là "Việt Nam hóa" nàng Kiều với những vần thơ bóng bảy để cụ dãi bầy tâm sự của mình. Do đó, ngoài những danh từ tục về "bẩy chữ tám nghề " cần lướt qua để gìn giữ cái thanh nhã văn chương, Nguyễn Du đã cắt bớt rất nhiều chi tiết lỉnh kỉnh về nàng Thúy Kiều Tàu như ngồi nhậu với Kim Trọng bằng rượu hâm với cá rán, và chơi trò thách  làm thơ phạt rượu, những giao kèo hôn ước, những bài thơ vịnh trò vui ném đầu hồ phạt rượu của Thúc sinh, nhũng chi tiết về cuộc hành hình khi xử án... Chẳng hạn cuộc mua bán mặc cả khi Thúy Kiều bán mình lấy tiền chuộc cha dài giòng đến một hai trương giấy trong nguyên tác thì Nguyễn Du chỉ tóm gọn bằng một câu:
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngả giá, vàng ngoài bốn trăm!
Tuy nhiên, sự dài giòng của nguyên tác Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài tử đã đặc biệt có ích cho chúng ta khi tìm hiểu về phương diện Y khoa vào thời Thúy Kiều sinh sống dưới triều Minh vào thế kỷ 16 ở Trung quốc. Một điều ta cần nói là vào thời đó nền Trung Y với giá trị hầu như bất biến  từ thời xa xưa so với thời cận đại hay hiện kim không mấy gì thay đổi.  Có thể nói điều này cũng vẫn áp dụng ở Việt Nam trước khi văn hóa Âu Tây xâm nhập vào nước ta. Chính vì đặc điểm này mà tôi muốn mở ra một khảo sát chi tiết gọi là nói chuyện "Y học trong Kiều".
 
Tôi xin lần lượt đề cập đến những tiêu điểm sau:
a. Kiều được điều trị như thế nào về ngoại thương qua trường hợp nàng dùng dao cắt cổ tự vẫn và sau khi bị đánh đòn.
b. Một số nghi vấn y khoa về sự ngụy tạo luật-y trên cái thanh tân trinh nữ, về thuốc mê của Khuyển Ưng, về cái chết đứng của Từ Hải
c. Vài khía cạnh Trung Y liên quan đến người phụ nữ sinh sống trong giới bán phấn buôn hương vào triều đại nhà Minh.
 
A- Điều trị cấp cứu và thuốc thang hồi phục
 
1- Từ nước gừng hồi tỉnh qua Kim Sang tán đến những dược thảo chỉ huyết... 
          Trung Y chia những thương tích như sau: Chưởng trúng sang ( bị thương do tay), hội sang ( vết thương vỡ ra), kim sang ( thương do vũ khí kim loại), chiết sang ( bị  thương gẫy đứt)
 
 
Đoạn phim về khúc Thúy Kiều lấy dao dấu sẵn trong người ra tự cắt cổ khi Tú bà dùng roi da đánh lúc mới đến Lâm Truy chỉ được Nguyễn Du miêu tảsự điều trị cứu thương một cách giản lược:
Cắt người coi sóc rước thầy thuốc men.
và:
Thuốc thang suốt một ngày thâu,
Giấc mê nghe đã dầu dầu vừa tan.
Thanh Tâm tài tử tả chi tiết hơn, nhờ vậy mà chúng ta biết rõ về vết thương và về cách cứu cấp như thế nào:
Còn mụ Tú thì gọi một người nhà đến nâng đầu Thúy Kiều, và hai người nữa đặt nàng lên tấm cánh cửa, khe khẽ đưa vào trong phòng, trải nệm đắp chăn cẩn thận. Bấy giờ mụ mới khẽ sờ bụng nàng, thấy còn hơi nóng, vội vàng sai lấy nước gừng đến rồi nậy hàm răng đổ vào dần dần. May mà cổ dẫu bị thương, nhưng phần cuống họng chưa đứt, nước gừng còn chảy xuống được. Lúc ấy vào quãng giờ Tị (nửa buổi), săn sóc đến quãng nhá nhem, thốt nhiên thấy nàng thở dài một tiếng. Mụ Tú mừng rỡ nói:" Tạ ơn trời đất phù hộ, có cơ sống lại được rồi". Rồi mụ cho mời một ông lang chuyên môn về mặt đao thương đến. Thầy rắc thuốc Kim sang vào chỗ vết thương, buộc đoạn lụa trắng bên ngoài, hẹn rằng không được dụng chạm vào đó, và đưa cho hai liều thuốc bảo uống ngay một liều, còn một liều đợi đến canh năm, thế nào bệnh nhân cũng hồi tỉnh, bấy giờ hãy cho uống nốt. Nhưng có điều can hệ nhất là trong vòng 130 ngày, chớ nên làm cho bệnh nhân tức giận. Nếu để một phen uất hận nổi lên, thì chỗ vết thương lại nứt toang ra, không còn gì cứu vãn được nữa.
 
          Qua đoạn văn trên, ta thấy một sự ứng chế dùng cánh cửa là cáng tạm thời để khiêng nạn nhân, sự dùng nước gừng để làm hồi tỉnh, và dùng thuốc Kim sang để cầm máu.
* Về sự dùng nước gừng thì người bình dân Trung hoa hay Việt nam ta vẫn quen dùng lúc cấp cứu khi nạn nhân còn khả năng uống nước và nuốt được. Củ gừng tầm thường là vị thuốc quí. Nó đã hiện diện trong Toa thuốc Hồi Dương cứu cấp thang trong Thương hàn lục thư (gồm những phụ tử, can khương, nhục quế, nhân sâm, sao bạch truật, phục linh, trần bì, chích cam thảo, ngũ vị tử, bán hạ) để kích thích cho mạch máu đập lại cho nạn nhân bị xỉu. 
* Về thuốc bột Kim sang là nhiều thứ thảo dược  nghiền ra để rắc vào vết thương do đao thương để cầm máu và trừ độc. Theo kinh nghiệm lâm sàng, vết cứa cổ của Thúy Kiều cắt vào khá cạn nằm ở phía cuống hầu nên không đụng vào hai cảnh- động mạch ( carotid) nếu không thì nàng đã dứt kiếp đoạn trường  rồi, chỉ có giải phẫu mới cứu được thôi. Có những người cắt cổ gà vụng làm gà chỉ bị cắt cuống hầu còn dẫy dụa vùng lên bỏ chay te te! Chúng ta chưa biết thành phần của Kim Sang tán nhưng cũng đoán được nó gồm những thứ có công hiệu cầm máu và trừ độc trong kho thảo dược của Đông Y. Dùng ngoài da, ta thấy có những thứ mà dân quê ta thường có kinh nghiệm rịt để cầm máu ngay như mồ hóng, mạng nhện, bột than đốt của nang mực v.v... Trong thư tịch của Đông Y, người ta có thể tìm  nhiều thứ thảo dược  có đặc tính cầm máu mà khoa học hiện đại công nhận là đúng như cây cẩu tích (Cibotium barometz-J. Sm ) ,Cỏ mực ( Cỏ tháp bút, mộc tặc, hạn liên thảo - Equisetum herba Linn), Cây dành dành ( chi tử - Gardenia jasminoides Ellis) ,Cây hòe ( Sophora japonica Linn.), Bạch phàn ( Alum). (1)
 
[ Chú thích  số 1:  Vài  chi tiết về các thảo dược cầm máu:
_ Rễ cây cẩu tích (Cibotium barometz-J. Sm)có nhìều lông màu vàng thường gọi là Lông cu ly  hay Kim mao cẩu tích có hiệu lực cầm máu rất mau nên được dân quê vùng Đông Nam Á hay dùng. Đặc tính chỉ huyết là vì  trên lông cu ly có  nhiều lỗ vi ti ( multitude of pores).
_  Cỏ mực ( Cỏ tháp bút, mộc tặc, hạn liên thảo - Equisetum herba Linn), thường dùng trong trường hợp ho hay đái  hoặc  kiết ỵ ra máu... Thí nghiệm cho biết Cỏ mực có hiệu lực kháng khuẩn trên Cầu khuẩn Staphylococcus aureus và vi trùng kiết lỵ nhóm B; với tính chất thu liễm (astringent) và kháng viêm, cỏ mực có hiệu lực chỉ huyết và chận đứng sự viêm nhiễm.
_ Cây dành dành ( chi tử - Gardenia jasminoides Ellis) mà dân ta hay dùng trái giã ra lấy nước nhuộm  vàng bánh trái thay vì nghệ thì hoa dành dành là một vị thuốc cầm máu nội tạng khi ho và đái ra máu.
_ Cây hòe ( Sophora japonica Linn.) mà hoa chứa nhiều nhiễm sắc vàng dùng làm thuốc nhuộm thì người ta dùng làm thuốc chỉ huyết cho những trường hợp ho, tiểu và đại  ra máu, chảy máu cam, chảy máu ruột, trĩ nhờ nó chứa chất rutin mà đặc tính giống sinh tố P rất nổi tiếng trong sự điều trị những trường hợp những huyết mao quản bị dễ vỡ.
_ Vài khoáng chất cũng dùng bên ngoài để cầm máu ví dụ như Bạch phàn ( Alum) đắp ngoài da làm co rút những huyết mao quản và làm đông máu; nhờ đặc tính thu liễm ( astringent) và kháng viêm ( anti-inflammatory), nó rút nước từ tế bào nên tế bào teo khô lại, nó cũng làm giảm hoạt động  những  hạch ngoại tiết và sự rịn ra những viêm tiết chất (inflammatory exudate), nó lại tác dụng trên chất plasma protein để biến thành những chất kết tủa không tan trong nước nên làm khô những vết thương hay mô tế bào bị viêm.  ]      
         
Tóm lại, về vấn đề tại sao Kim Sang tán dùng bên ngoài cùng thuốc uống vào trong truyện Kiều lại công hiệu và gồm những thành phần gì thì chúng ta có thể đoán nó là một sự phối hợp của những vị thuốc kể trên vừa cầm máu vừa kháng viêm chăng? Điều này người viết xin nhờ ý kiến của các bậc thẩm quyền cao minh trên về phương diện " chỉ huyết tễ" trong Đông Y.
 
2- Những thuốc "hành huyết" trong Kiều
Tra cứu lịch sử, truyện nàng Kiều dựng vào năm Gia Tĩnh nhà Minh ( 1522 - 1567). Nền y dược của Trung quốc đến thời đại nhà Minh đã tiến lên một cao điểm sáng lạn, điều này được minh chứng bằng sự ra đời của cuốn Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân ( 1518 - 1593) vào năm 1596. Cuốn này được công nhận thực sự có giá trị khoa học nổi tiếng vào thế kỷ 16 mà danh tiếng vang dội qua Tây phương.
          Trở về với chuyện Y học trong Kiều, ta thấy cuốn Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài tử còn hé lộ nhiều chi tiết về sự trị liệu thuốc men. Ta thấy mụ Tú bà một mặt đã độc ác đánh đập Thúy Kiều tàn nhẫn nhưng mặt khác sau đó lại dỗ dành và tinh khôn trong việc lo điều trị cho nàng vì Kiều là một mối lợi, một "cây tiền" mà mụ đã bỏ vốn ra đầu tư.  Trước khi mụ giảng giải cho Kiều những mánh lới nhà nghề và công phu chăn gối, mụ đã lo o bế, chiều chuộng phục vụ tẩm bổ cho con mồi đắt giá của mình:
Mụ bảo nhà bếp lấy rượu ngon và các vị thuốc hành huyết như hồng hoa, tô mộc, đào nhân, nga truật, tam lăng đem sắc cho Thúy Kiều uống. Nhờ đó mà thân thể mỗi ngày mỗi thấy khỏe mạnh hơn lên.
          Ta thấy lần này sau trận đòn roi da, Tú Bà không cho mời thầy lang tới như trường hợp cấp cứu xuất huyết do cứa cổ như lần trước mà chính tự mình điều khiển sự trị liệu cho Kiều. Tại sao? Hai điều đáng nêu ra:
a. Một là mụ rất kinh nghiệm trong nghệ thuật quất roi đa dể tra tấn dữ dằn khủng bố nạn nhân nhưng không làm trí mạng như mụ đã từng đánh những kỹ nữ khác để tuyệt đối tránh rắc rối với luật pháp quan nha.  Nghệ thuật dùng roi của mụ tuyệt luân, ngó thì kinh khủng " uốn lưng thịt đổ, dập đầu máu sa", kỳ thực thì không làm rách da sâu để lại thẹo cùng mình và không làm loại gẫy xương làm cho què quặt; cách "dùng dây thừng quàng vào trước ngực, ruồn sang qua nách, bắt tréo về sau lưng, rồi buộc chặt hai đầu ngón tay cái treo lên xà nhà, để cách mặt đất ba tấc, chỉ đủ cho đầu ngón chân chấm tới mặt đất " là một kỹ thuật đặc biệt, tiếng là buộc chặt hai ngón tay cái nhưng trọng lượng của Kiều không treo vào đó mà chuyền vào sợi thừng quàng qua ngực và ruồn qua nách nếu không thì hai ngón tay cái đã loại hẳn ra! Tra tấn không cẩn thận và sành nghệ thuật  thì món hàng Thúy Kiều quí giá " vàng bốn trăm" của Tú bà  sau này đâu có được vương tôn công tử  chiếu cố nữa và Thúy kiều mặt mày đầy sẹo lấy tay đâu mà gẩy đàn cho khách nghe nữa!!
b. Hai là mụ Tú bà rất sành sõi trong sự dùng những thảo dược có đặc tính " hành huyết" trên, vì đã nhiều lần áp dụng cho họ. Vả lại, điều này cũng bắt nguồn từ một truyền thống dùng Đông Y một cách phổ thông trong dân gian Trung Quốc và Việt Nam để điều trị những chứng bịnh thông thường trong hoàn cảnh điều trị tại gia.
 
Thuốc hành huyết là gì?
 Đây là một quan niệm về y lý trong Đông Y đối với một cơ thể sau khi bị thương tích nặng do máu bầm ứ lại.  Ta thấy ở đoạn sau khi Thúy Kiều bị trận đòn nhừ tử tại nhà Hoạn bà thì được giao cho một mụ già quản gia săn sóc, quan niệm trên được nói rõ hơn: Mụ già đỡ nàng vào phòng của mình, rồi bảo nhà bếp hâm rượu nóng pha một chút đường cho nàng uống.  Nàng kêu nuốt không chạy cổ, mụ bảo đó là huyết độc hành hạ con tim, nếu không uống rượu hạ huyết thì sẽ bị chết...Nàng nghe mụ nói xuôi tai nên cũng gượng uống mấy chén, hơi rượu thấm xuống khiến nàng ngủ được một giấc ngon say. Cứ thế điều dưỡng mất hai tháng trời, vết thương roi được khỏi hẳn...
Muốn hành huyết thì căn bản là uống rượu hâm nóng vì " tửu năng dẫn huyết". Ngoài ra nếu nặng thì phải sử dụng nhiều thảo dược hành huyết khác kể trên.
Bây giờ, ta hãy duyệt qua những vị thuốc của Tú bà đó về phương diện dược động học:
_ Hồng hoa ( Carthamus tinctorius Linn.) : khí ấm, vị cay, không độc; khử ứ huyết và làm giảm đau, thường dùng trong toa điều kinh, đẻ khó, tích huyết tử cung hậu sản và sắc với rượu uống làm tan máu bầm.
_ Tô mộc ( cây gỗ vang - Caesalpinia sappan Linn.), khí  bình, vị mặn ngọt, không độc, công dụng như trên trong trường hợp thương tích, sưng bầm máu. Ngoài ra, thí nghiệm khoa học mới cho thấy rằng nước sắc của tô mộc còn có tính kháng khuẩn với Stapylococcus, Salmonella, Shigella dysenteriae.
_ Đào Nhân ( Hột đào - Persicae semen ) tính bình, đắng ngọt, không độc; trị huyết bầm ứ do thương tích
_ Nga truật ( Ngải tím - Nghệ đen Curcuma zedoaria Rosc.) tính ấm, vị chua ngọt, hơi đắng, không độc, khử ứ huyết và tan độc nên dùng trị kinh nguyệt tích ứ và thương tích bầm tím.
_ Tam lăng ( Spargani rhizoma ) tính bình, vị đắng, công hiệu trị liệu như Nga truật.
Những vị thuốc "hành huyết" trong Đông Y khi phối hợp thành bài thuốc thường được  gọi là "hoạt huyết tễ". Hoạt huyết tễ có công dụng làm huyết chạy mạnh lên và trừ khử hiện tượng ứ máu. Có hai trường hợp: Khi máu không vận chuyển điều hòa qua các tạng phủ và kinh mạch mà trở thành lười biếng chậm chạp thì gọi là " huyết trì" ( xuè zhi), còn vì những nguyên nhân bệnh lý, luồng huyết lưu thông vận chuyển bị tắc lại và ngưng chảy thì gọi là "huyết ứ" ( xuè yù).  Đông Y so sánh sự "huyết ứ" như trường hợp một giòng sông bị  phù sa đất cát lắng xuống nên hoàn toàn bế tắc.
Huyết ứ theo danh từ biện chứng Đông Y có thể phân biệt ra tùy theo tạng phủ âm dương trong cơ thể bị ảnh hưởng, tùy theo những yếu tố  bệnh nguyên như hàn, nhiệt, hư, thực; tùy theo trình độ của bệnh tình như cấp tính, mạn tính, khinh chứng, trọng chứng...; tùy theo những biểu lộ ra như sưng tấy, đau nhức ...
Nổi bật trong những yếu tố bệnh nguyên làm về  huyết ứ là những trường hợp sau:
_ Phần "Khí " trong cơ thể không điều hòa" như hư khí, ứ khí làm cho ứ huyết  vì Khí (qi) là vị chủ soái điều khiển Huyết, nên Khí dẫn Huyết đi. Khi Khí không đủ sức vận chuyển Huyết, thì nó ứ lại trong các đường kinh lạc. Đây là trường hợp của chứng bán thân bất toại sau khi bị trúng phong ( post-stroke hemiplegia) xảy ra khi Khí hư nhược và Huyết thuyên tắc nên kinh lạc không lưu thông vì bị huyết ứ.
_  Yếu tố "Hàn" ( lạnh) làm máu không lưu thông thong thả nên dần dà khiến máu ngưng kết  lại như trường hợp kinh nguyệt phụ nữ bế tắc, bụng nổi khối u và đau đớn. Sự trị liệu phải nhắm vào chiến thuật ôn kinh (sưởi ấm), trục hàn (đuổi lạnh), hoạt huyết thì giải quyết được sự huyết ứ và kinh nguyệt lại điều hòa.
_ Yếu tố " Nhiệt"sung mãn quá  làm huyết khô và đặc lại nên gây ra Huyết ứ. Nhiệt lại khiến cho máu hung hăng chảy vô kỷ luật ra ngoài qui luật kinh lạc nên có hiện tượng chẩy máu cam, khái huyết, thổ huyết, tiểu đại ra máu...
_ Những yếu tố bệnh nguyên khác gồm có ngoại thương, sanh đẻ, và giải phẫu.
Đứng trước nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau và phức tạp như vậy, vị lương y phải định bệnh rõ ràng và dùng thuốc một cách thận trọng.  Một điều rất hệ trọng là những toa thuốc hành huyết hay hoạt huyết gồm những vị thuốc công phá vào những tình trạng ngưng kết để phá vỡ và thông thoát, nên lương y phải cẩn tắc khi dùng cho những bệnh nhân yếu nhược và lão suy hay cho những người bị hư chứng. Cũng nên lưu ý rằng những toa hoạt huyết mạnh tối kỵ  dùng cho những phụ nữ thai nghén vì dễ khiến lưu huyết trục thai. Lại nữa, thuốc hoạt huyết không nên dùng cho những bệnh nhân có tạng thể dễ xuất huyết.
          Trong trường hợp Thúy Kiều, Tú bà chắc phải là người có kinh nghiệm nên mới dám bảo nhà bếp sắc những thứ thuốc hành huyết như hồng hoa, đào nhân, tô mộc, nga truật, tam lăng... Mụ quản gia già ở phủ Hoạn bà cũng vậy!  Hoặc giả là trường hợp bị đả thương của Kiều chỉ nằm ở da thịt, gân cốt ngoại bộ chứ không làm bầm tím lục phủ ngũ tạng. Hơn nữa, Thúy Kiều là gái mới cập kê, thể lực còn phương cương, khả năng hồi phục rất mau nên dùng vài thứ hành huyết trị tại gia là hiệu nghiệm thôi, chứ chưa đến nỗi mời lương y dùng những liều thuốc chuyên môn như "Trật đả hoàn" gồm những thuốc cao cấp như đương qui, xuyên khung, nhũ hương, một dược...
Vài toa thuốc mỹ phẩm 
Một điểm cần nói thêm là Thúy Kiều là "cây tiền" của mụ Tú bà nên sau khi dùng uống những thuốc hành huyết, da thịt của Kiều không những hết bầm tím  mà lại trở nên hồng hào đẹp đẽ hơn vì quan niệm đàn ông bổ khí, đàn bà bổ huyết, mà đương qui là một vị bổ huyết cần thiết!. Theo tôi nghĩ trong công cuộc " chuốt lục tô hồng" cho Kiều, mụ chắc còn có thể dùng thêm mỹ phẩm cho nàng nữa mà trong truyện không kể ra chăng? ( chằng hạn tra cứu sách thuốc tôi thấy  vài toa mỹ phẩm sau : Toa Đương qui Thược dược tán dùng cho những phụ nữ thể tạng yếu và xanh  hay mệt nhọc cùng là để tẩy vết nám quanh mắt mũi; toa Thanh thượng phòng phong thang để ngừa mụt, da xẩn đỏ và tròng trắng bị tia máu. ) Củ nghệ ( Uất kim _ Curcuma longa Linn ) là thứ bôi làm da mau lành và không gây sẹo. Nước đái con trai ( đồng tiện) chứa nhiều Nam kích thích tố dùng với nghệ là thuốc thoa bóp cho các sản phụ là da bụng săn lại không nhăn nhão)
Và đây là kết quả hồi phục của những vị thuốc hành huyết: Một hôm, Thúy Kiều tắm xong, Thúc sinh được dịp nhìn rõ chân tướng, tấm tắc khen rằng: Dong mạo đã tươi như hoa, da dẻ ấm êm như ngọc...nhất là khi thoạt tắm xong, phấn son trôi hết, để lại hình thái thiên nhiên, càng lô ra vẻ hiếm có ở đời . Chàng Thúc sinh nổi hứng bèn làm thơ ca tụng, trong đó có câu đáng tiền nhất là:
Mình băng phách quế hòa trong trẻo,
Băng tuyết hồn hoa nửa lấp lô!
 
B - Một vài nghi vấn y học khác  trong Kiều
 
1. Thuốc mê của Khuyển Ưng
Trước hết là vấn đề thuốc mê gì được dùng đã khiến nàng Kiều mê man trong mười mấy ngày liền khi Khuyển Ưng bắt cóc nàng từ Lâm Truy đem về Vô tích. Trong câu 1645, Nguyễn Du nói:
Thuốc mê đâu đã tưới vào,
Mơ màng như giấc chiêm bao biét gì.
Kỳ thực, theo nguyên bản củaThanh Tâm tài tử, hai tên Khuyển Ưng đã bôi vào miệng một thứ thuốc độc khiến nàng ngây không nói năng được. Rồi chúng đỡ lên ngựa chạy miết 150 dặm dường rồi vực xuống thuyền ra cửa biển. Vì bị trúng thuốc độc, cho nên hai mắt trợn trừng mà không nói năng gì được, nhưng chúng biết nàng có tánh tiết liệt, nên không dám cho uống thuốc giải độc, cứ để nàng mê man bất tỉnh, rồi cho thuyền vượt ra bể. Chỉ sau mấy hôm đã về đến cửa Thái thương lại sang thuyền khác về huyện Vô Tích, đưa thẳng vào phủ họ Hoạn.
Thuốc mê gì đã dùng cho Kiều đã làm cho nàng nằm mơ màng suốt thời gian dài như vậy? Trong những truyện kiếm hiệp Trung hoa, chúng ta đôi khi thấy nói đến ở trong những hắc điếm thường  dùng những loại mê dược hay những thứ mê hồn hương. Vừa rồi, tôi xem TV thấy nói đến những điều bí mật chưa ai giải thích như hiện tượng Zombie do những phù thủy Vaudoo ở đảoHaiti khiến những nạn nhân chết đi rồi đem chôn, một thời gian sau thì  được đào lên cho sống lại. Một học giả Mỹ nghi rằng giới phù thủy đã dùng gan mật của con cá nóc gai ngoài biển, loại cá này ở Nhật bản vài người vẫn ăn cho là ngon lắm, nhưng phải làm thịt cẩn thận, tuy nhiên cũng có nhiều truòng hợp trúng độc chết. Dr Sallet trong Tập san Đô Thành hiếu cổ ( Bulletin des Amis du Vieux Huê) số năm có viết trong bài Thuốc Mê nhắc đến loài rắn đẻn. Trong truyện Kiều, hai tên Khuyển Ưng là dân côn đồ sống trên mặt biển, biết đâu chúng đã biết dùng những thuốc độc gốc hải sản tương tự. Ngoài ra, trong kho dược liệu Trung Y, cũng thấy nói đến những mê-túy dược vượt qua tầm khả năng khảo sát nghiên cứu của chúng ta. Vậy tôi xin để tồn nghi.
2 - Hỏa thiêu cái thây vô chủ
          Một vấn đề khác tạm gọi là Luật Y và Tội phạm học được nêu lên liên quan đến sự kiện Khuyển Ưng dùng một thây ma vô chủ đem quăng vào đám lửa để ngụy tạo làm thi thể của Thúy Kiều:
Sẵn thây vô chủ bên sông,
Đem vào để đó lộn sòng ai hay?
Vấn đề này được thi hành một cách tuyệt hảo nên không ai khám phá ra. Khuyển Ưng lột áo xác chết đổi cho Thúy Kiều giả làm đàn ông,rồi chúng chụp một cái mũ và quàng một áo vải xanh lên mình nàng rồi đỡ lên ngựa chạy ra cửa. Còn thây ma thì chúng tẩm dầu thông mà quăng trong đám nhà cháy, khiến người ta về sau :"
Trong tro thấy một đống xương cháy tàn,
Ngay tình ai biết mưu gian,
Hẳn nàng thôi lại, còn bàn rằng ai?
Vào thời xưa, ở Trung Hoa và Việt Nam, nhà cầm quyền đã có những phương pháp điều tra thực giả khi khám xét nhữngtử thi như chúng ta xem trong phim về chuyện Bao Công tra án. Tôi nhớ hình như bác sĩ Dương Bá Bành có trình luận án y khoa tiến sĩ về phương diện luật y gọi là Tẩy Oan Lục ( Tài liệu ghi chép về phương pháp làm sáng tỏ để rửa nhữngđiều oan ức). Với phương pháp xưa, trước một thây ma còn tương đối nguyên vẹn hình hài hay chưa cháy hết thì quan tra án có thể biết được thây ma ấy chết trôi hay chết cháy qua sự rạch buồng phổi khám nghiệm coi xem sũng nước hay đen sạm vì khói, về coi xem đàn bà hay đàn ông thì coi xương chậu thì biết được phần nào. Trong Kiều thì đống xương hoàn toàn cháy tàn nên khó mà biết mưu gian
 3- Ngụy tạo sự thanh tân của gái trinh
          Một vấn đề luật y  khác trong Kiều là sự ngụy tạo màng trinh ( xử nữ mạc) của phái nữ qua câu của Mã Giám sinh:
Nước vỏ lựu, máu mào gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên
Mập mờ đánh lận con đen
Bao nhiêu cũng bấy nhiêu tiền mất chi?
Có điều lạ là tôi dò kỹ trong cuốn Kim Vân Kiều bằng Hán văn của Thanh tâm Tài Nhân lại không có câu nào đả động thật rõ. Bản dịch Việt ngữ của Tô Nam Nguyễn dình Diệm như sau:
Âu là ta hãy... rồi khi về đến hàng viện, ta lại mượn màu trang điểm, thì nó cũng vẫn hoàn nguyên.
Thành ra, đây là bằng chứng rằng Nguyễn Du là một người lịch lãm chuyện đời! Nhà thơ Việt Nam rõ ràng đã dựa vào kiến văn của mình mà nói thêm về mánh khóe ngụy tạo này từ cuốn sách nói về xóm Bình Khang. Biết đâu cụ Chánh sứ đã lén mua nó khi đi sang sứ bên Trung Hoa và nhét kỹ vào hành trang khi trở về nước . Bản Kiều của Kiều Oánh Mậu chú rõ như sau: "Trong chốn thanh lâu, sau khi tiếp khách xong thì dùng vỏ lựu đem sắc lấy nước rồi lấy máu trích ở mào gà ( là cốt lấy màu đỏ) đem mà rửa, giả làm gái tân. Điều đó thấy chép ở sách Bắc lý chí ". (2)
 
[ Chú thích số  2:  Bắc lý chí là sách gì vậy?
Tôi đã tìm thấy cuốn này ở thư viện Oriental Gest Library ở trường Đại học Princeton ở New Jersey. Tôi lại  thấy sách này được R.H. Van Gulik nhắc rắt kỹ trong cuốn biên khảo Sexual Life in Ancient China: Bắc lý chí , như tên gọi là cuốn sách ký sự về xóm yên hoa ở thôn làng phía bắc ( Bắc Lý - Pei-li) của kinh dô Tràng An đời Đường ( 618 - 907 A.D.) còn gọi là Bình Khang lý (P'ing -k'ang -li) [sau này ở Sài gòn, nhóm Bình Xuyên đã dùng lại tên này]. Cuốn Bắc lý chí ( Pei-li-chih ) đuợc viết bởi Tôn Khải văn sĩ đời Đường đã tả kỹ về cái xã hội ăn chơi (demi-monde ) của những thư sinh lên Tràng An dự thí, thi rớt bất đắc chí ở lại miệt mài ăn chơi. Những gái làng chơi ở đây đi mạt hạng không biết chữ lên đến những kỹ nữ thượng lưu giỏi về đàn hát, vũ điệu, lại có người nổi danh thi phú hay như Từ Nguyệt Anh, Tiết Đào. Những mụ Tú bà ở đây được gọi là "giả mẫu" hay "bảo mẫu", rất khắc nghiệt dạy những gái chơi nhiều tài nghệ phục vụ khách hàng dưới những làn roi tàn nhẫn. ]
 
Tra cứu về nước vỏ lựu và máu mào gà, tôi thấy trái cây thạch lựu ( Punica granatum) có vỏ gọi là Thạch lựu bì chứa nhiều tannin nên có tính thu liễm, kháng khuẩn, trị kiết lị; dân gian Trung hoa dùng để trị tiêu chảy, và bịnh sa hậu môn và chứng són đái. Nước vỏ lựu với tính thu liễm đã cầm máu và đặc biệt làm co rút âm đạo. Còn máu mồng gà ( Kê quan huyết), theo Bản thảo cang mục, có nhiều ứng dụng trong đó có sự trị đau vùng sinh thực khí và dùng dắp vào âm đạo khi bị rách vì bị hiếp dâm.(Blood from the comb: taken for painful genitalia, applied to lacerations of the vagina due to rape... Chinese Materia Medica by Bernard E. Read). Xem như vậy nước vỏ lựu phối hợp với máu mào gà từng là một phương pháp trị liệu hơn là một hình thức ngụy tạo sự thanh tân cũa người con gái!
Xin nói thêm: Nước sắc Hoa mồng gà (Quan kê hoa_ Celosia argentea Linn) cũng là một chất thu liễm và cầm máu dùng cho các gái trinh sau khi thành thân lần đầu ( curing continued bleeding as after-effect of a virgin's first copulation and pain after defloration) Thư tịch Trung quốc rất phong phú với hàng chục trước tác về tính dục học tạm gọi là những dâm điển, dâm kinh qua nhiều triều đại, đọc lại rất thú vị về phương diện lịch sử và văn hóa cho chúng ta. Nhưng giá trị của những trước tác này trên phương diện thuần túy khoa học hiện đại vẫn là một diều cần khảo sát thực nghiệm lại, ví dụ trong cuốn Động Huyền tử chứa những phương dược sau: bên cạnh những thuốc trị những dau dớn sau khi màng trinh bị thủng  còn có những thuốc làm lớn dương vật, thuốc làm hẹp âm đạo; lại có những phương thuốc nghe như huyền thoại bảo dảm biến một người dàn ông bình thường thành một hoạn quan bằng cách dùng mỡ hươu vì sách thuốc xác nhận rằng mỡ hươu ảnh hưởng mạnh đến sự cường tráng tính dục nên đàn ông chớ lại gần! ( trang 154 - Sexual life in Ancient China - Van Gulik).
4- Sự chết đứng của Từ Hải
Đọc Kiều ai cũng lấy làm lạ về hiện tượng chết  đặc biệt này.
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữ vòng.
Trơ như đá vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
Theo y khoa, đối với người sống, người ta đôi lúc ghi nhận vài trường hợp bệnh nhân đứng sững như một tượng sáp gọi là hiện tượng giản quyết (catalepsis). Dorland's Illustrated Medical Dictionary giải thích về Catalepsis như sau: "A condition characterized by a waxy rigidity ( flexibilitas cerea) of the muscles so that the patient tends to remain in any position in which he is placed; it occurs in organic and psychological disorders and under hypnosis"
Truyện Tàu nhiều sách nói đến những tráng sĩ dũng mãnh và tính nóng như lửa thuộc vào loại người "nộ khí xung thiên", tóc râu dựng ngược lên khi nóng giận đến nỗi mão đội đầu phải rớt ra.  Từ Hải chính là loại người này qua lời thơ tả:
Từ công nghe nói thủy chung,
Bất bình nổi trận đùng đùng sấm vang
Về phân loại về tính khí (humeur) thì Từ Hải thuộc "type sanguin"như Trương Phi, nóng giận mặt đỏ bừng và la hét đến nỗi nóc nhà văng cả ngói. Loại này dễ chết vì tai biến não mạch hay não bộ trúng phong ( cerebral apoplexy). Thành ra chuyện bị  cơn giản quyết (catalepsis) làm cứng người vì uất hận tối đa rất có thể xảy ra cho Từ Hải khi bị vây hãm bất thình lình thành ra vô cùng tuyệt vọng. Từ Hải đã cứng người trước khi bị hằng trăm mũi tên ghim bắn vào làm cho chết hẳn chăng? Tôi xin thỉnh ý các ý kiến cao minh về giả thuyết này.
 
Kết luận
Chuyện y khoa trong Kiều là một đề tài táo bạo tôi mạo muội nêu ra dựa vào sự sưu tầm những tư liệu và những trước tác Trung Y. Tôi kỳ vọng rằng chúng soi rọi  rất nhiều trong sự tìm khía cạnh  đau đớn trên thể xác của nhân vật Thúy Kiều.
Câu của Terence nói : Homo sum: humani nil a me alienum puto có nghĩa là  "Tôi là người, cái gì liên quan đến người thì không xa lạ với tôi" câu này nào có khác gì lời thơ  của Nguyễn Du "Thịt da ai cũng là người"! Do đó, cái đau khổ của một nguòi sống trước chúng ta hằng trăm năm dù thời thế có đổi thay, trình độ khoa học kỹ thuật có biến chuyển thì cái đau, cái khổ nào có khác gì cái đau mà chúng ta ngày nay đang có !
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.
Những giòng lệ thương cảm của người đời sau không thể nào ứa ra khi chúng ta không có cùng một tần số tơ lòng với cổ nhân cọng với một sự tìm hiểu sâu xa.
Mục đích của y khoa là gìn giữ sức khỏe và chữa lành những bệnh (Littré). Nhưng đối với cái khổ đau và hệ lụy của kiếp người thì y khoa nào có  giúp gì đâu, nhất lại là những điều khổ lụy lại do chính  đồng loại của người gây ra như nhận định của Plaute (Homo homini lupus) mà Bacon và Hobbes nhắc lại : Người là lang thú đối với người! Ngày nào mà tình trạng này còn tồn tại thì ngày ấy những tiếng khóc đứt ruột mới mẻ còn văng vẳng vang lên. Và truyện Kiều đọc lên vẫn thấy hay và thấm thía đối với chúng ta!

 
LÊ VĂN LÂN
 
Tài liệu tham khảo
 
_  Bản thảo cương mục _  Lý Thời Trân  (bằng Hán ngữ  )- Thương vụ Ấn thư quán  1979
_ Giáo phường ký - Bắc lý chí- Thanh lâu tập  Thư viện Gest của Princeton University New Jersey ( só mục  5207/ 5607(1:8)
_  Chinese Healing Herbs _ Daniel Reid - Barnes&Noble 1999
_ Chinese Materia Medica  by Bernard E. Read  _ Southern Materials Center, Inc Tapei  1985
_ Chinese Herbal Medicine Formulas and Strategies _ Compiled and Translated by Dan Bensky & Randall Barolet  - Eastland Press Inc.
_ How to treat yourself with Chinese Herbs by Dr Hong-Yen Hsu _ Kears Publishing Inc. 1993
_  Kim Vân Kiều (Hán ngữ) của Thanh Tâm Tài Nhân _ Lý Chánh Trung hiệu điểm _ Xuân Phong Văn nghệ xuất bản xã
_  Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Tử bản dich Việt ngữ của Tô Nam Nguyễn đình Diệm (Văn Hóa tùng thư - Nha Văn Hóa, Phủ Quốc-Vụ-Khanh Đặc -trách Văn-Hóa xuất bản 1971)
_ Lịch sử ngành Dược Việt Nam của DS Trương Xuân Nam_ Nhà Xuất bản Y học 1985
_ Medicinal Plants of China by James A.Dukẹ  and Edward S. Ayensu _ Referncẹ Publication
_  Medicinal Plants of VietNam, Cambodia and Laos _ Nguyễn văn Dương  1993
_ Oriental Materia Medica by Hong-Yen Hsu _ Keats Publishing 1986
_  Sexual Life in Ancient China  by  R. H. Van Gulik  Barnes &Noble, Inc 1996
_ Syphilis a synopsis _ Public Health Service Publication  1968
_ The Illustrated Chinese Materia Medica crude and prepared by Kun-Ying Yen _ SMC Publishing Inc. Tapei
_ Tổng hợp Anh Hán ngữ Đại từ điển _ Thương vụ ấn thư quán phát hành, Shanghai China 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét