Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

55- TÌM HIỂU TÂM HỒN KIỀU QUA TRIẾT HỌC BERGSON - ĐÀM QUANG THIỆN

TÌM HIỂU TÂM HỒN KIỀU QUA TRIẾT HỌC BERGSON
 
ĐÀM QUANG THIỆN

(Tư liệu sưu tầm - Báo Đối Thoại phát hành năm 67 tại Sàigòn)

Thế là tài đàn của Thuý kiều đã đạt đến tuyệt đỉnh vì tài hoa mà đạt đến tuyệt đỉnh thì biểu hiện ra bằng sáng tác. Theo nhận xét của triết gia Pháp quốc Henri Bergson (1859-1941) thì trong mọi địa hạt, sự đắc thắng của đời sống là sáng tạo. 

 Để giúp ích cho các học sinh mới bước vào ngưỡng cửa của triết học, chúng tôi không ngại dài dòng mà dẫn ra đây những nhận xét của nhà triết học trứ danh Pháp quốc về đời sống, hoan hỉ và sáng tạo. Hiểu kỹ điểm này , chúng ta sẽ hiểu rõ tâm hồn của Vương Thuý Kiều hơn. 

Triết gia Pháp quốc Henri Bergson đã nhận xét về đời sống hoan hỉ và sáng tạo, trong tác phẩm “L’ énergie spirituelle = Tinh lực”, như sau: 
“Những triết gia đã bàn tán về ý nghĩa đời sống và vận mệnh người ta đã không nhận thức đầy đủ là chính thiên nhiên đã chịu khó chỉ dẫn cho ta về điểm này. Bằng một dấu hiệu chính xác thiên nhiên báo cho biết là ta đã đạt được mục tiêu của cuộc đời. Dấu hiệu ấy là sự hoan hỉ (sự vui la joie). Tôi nói sự hoan hỉ, tôi không nói sự khoái lạc (sự sướng; La plaisir). Khoaí lạc chỉ là một thủ đoạn mà thiên nhiên đã tưởng tượng ra để khiến sinh vật bảo tồn lấy sự sống. Khoái lạc không chỉ cho ta thấy đời sống đã được thúc đẩy theo chiều hướng nào. trái lại hoan hỉ luôn báo cho ta biết là biết là cuộc đời đã thành công, đã tiến bộ, đã đắc thắng. Mọi hoan hỉ lớn lao đều có tính chất khải hoàn. 

Nếu ta chú trọng đến chỉ dẫn này thì ta thấy ở đâu có hoan hỉ là ở đấy có sáng tạo (création). Sáng tạo càng phong phú thì hoan hỉ càng sâu xa. 
“Người mẹ nhìn con mình mà hoan hỉ, là bởi ý thức rằng đã tạo ra nó, cả vật chất lẫn tinh thần” 

“Thương gia khuếch trương công việc của mình , người chủ xưởng thấy kỹ nghệ của mình phát triển , họ có hoan hỉ vì đã kiếm ra nhiều tiền, hay được xã hội trọng vọng không? Kiếm ra nhiều tiền và được xã hộI trọng vọng dĩ nhiên đã góp phần lớn vào sự thích thú (satisfaction) của họ: còn họ thật sự hoan hỉ là vì cảm thấy đã gầy dựng được một công cuộc đầy sinh hoạt, đã tạo ra một cái gì đó sống động. 

Ta hãy lấy một sự hoan hỉ đặc biệt. Hoan hỉ của nghệ sĩ đã thực hiện được tư tưởng của mình, hoan hỉ của bác học gia đã phát minh hay sáng chế. Dư luận cho rằng những người này làm việc để được vinh quang; Họ hoan hỉ hết mực vì được người đời ngưỡng mộ. Lầm quá vậy thay! Người ta càng nghi ngờ sự thành công của mình bao nhiêu thì càng tha thiết với lời tưởng thưởng và danh vọng bấy nhiêu. Triệt để mà nói thì càng tự đại bao nhiêu lại càng khiêm tốn bấy nhiêu. Vì muốn yên chí là mình đã thành công mới cần đến nhiều người khác cùng công nhận sự thành công ấy; và, vì muốn phụ lực cho khả năng sinh tồn có lẽ chưa đủ của tác phẩm mình mới muốn bao bọc nó bằng sự ngưỡng mộ nồng nhiệt của người đời như người ta ở trong lòng bồng đứa trẻ thiếu tháng vậy. Còn như người nào tuyệt đối chắc chắn, là đã sản xuất một tác phẩm đầy đủ khả năng sinh tồn, thì người ấy có cần gì những lời tưởng thưởng. Người ấy cảm thấy mình đứng trên sự vinh quang, bởi người ấy là một sáng tạo gia, bởi người ấy tự biết thế và bởi hoan hỉ mà người ấy cảm thấy là thứ hoan hỉ siêu phàm. 
Vậy trong mọi địa hạt, sự đắc thắng của đời sống là sáng tạo. 
Thế thì đời sống phảI có ý nghĩa của nó trong một cuộc sáng tạo, khác với sáng tạo của nghệ sĩ và bác học gia ở chỗ người nào cũng có thể thực hiện được, lúc nào cũng có thể thực hiện được. Ấy là mình tạo lấy mình, luôn làm tăng giá trị của mình bằng một cố gắng liên tục, từ ít làm thành nhiều, từ không làm thành có để bồi bổ không ngừng cho kho tàng những giá trị sẵn có trên trần thế. 

Những sáng tạo gia hơn hết là người, mà động tác đã mãnh liệt, lại có khả năng làm mãnh liệt động tác của những người khác, và đã quảng đại, lạI nhóm lên hằng hà sa số trung tâm quảng đại quang minh khác. 
Vậy mục tiêu đời sống của ta không chỉ mình tạo lấy mình mà thôi, mà còn là giúp người khác tự tạo lấy họ nữa. Sự giúp người này dĩ nhiên phải đi từ gần đến xa từ thân đến sơ; Tờ chính mình mà lan sang gia đình mình rồi tổ quốc mình sau cùng đến khắp thiên hạ. 

Như thế chúng ta nhận thấy sự ngẫu nhiên, triết gia tây phương Henri Bergson trong công cuộc đi tìm ý nghĩa đời sống , đã tìm ra con đường hạnh phúc đã dẫn ta vào cùng con đường mà triết gia đông phương Khổng Phu Tử đã trỏ cho ta làm mục tiêu của đời sống.Từ 2,500 năm nay con đường tu, tề, trị, bình (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) 

Và cũng là con đường mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng từ 2,500 năm nay đã trỏ cho đệ tử làm mục tiêu của đời sống: con đường tự giác nhi giác tha. 
Sau hết cũng là con đường mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã vạch cho nhân loại, con đường được chỉ dẫn tỉ mỉ một cách xán lạn trong tác phẩm mà mọi người đều có thể lấy làm cẩm nang gối đầu giường: “L’imitation de Jésus Christ – Gương Đức Chúa Giêsu Kitô” 

Tự mình tạo lấy mình có thể thực hiện theo ba phương diện: phương diện thể dục mà tuyệt đỉnh đưa người ta đến bậc anh hùng ( héros); phương diện trí dục mà tuyệt đỉnh đưa người ta đến bậc hiền triết (sage); và phương diện đức dục đưa người ta đến bậc thánh nhân (saint) 
Từ xưa đến nay bên Đông cũng như bên Tây, người ta thường chỉ chú trọng đến một trong ba phương diện ấy mà thôi! Nhưng đạt được hạnh phúc hoàn toàn muốn xây dựng một nền văn minh vĩnh cửu thì người ta phaỉ chú trọng đến cả ba phương diện một cách đồng đều. 

Bên Á Đông trong xã hội Trung quốc và xã hội các nước như Việt Nam chịu ảnh hưởng văn minh Trung quốc người ta chỉ nghĩ vào sự phát triển của trí dục để mà định bậc cao thấp. Vì lẽ đó mà người ta chỉ lo phát triển tài trí mà thôi. Vì lẽ đó mà một ngườI như Vương thuý Kiều mặc dù là con gái cũng sớm nổi danh vì tài đàn của nàng: 

(463) Rằng: “Nghe nổI tiếng cầm đài… 

Nhưng nàng có biết đâu chính cái tài nó làm cho nàng” nổi tiếng cầm đài” ấy, chính cái sáng tác “bạc mệnh” của nàng , nó đã dẫn nàng vàò con đường đoạn trường, con đường trong ấy nàng phải chịu những sự đau lòng như đứt (đoạn) ruột( trường), nó đã khiến cho nàng(2667) hết nạn ấy đến nạn kia Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần. 

 
 
 
Không có Bài Mới

Cung thương, làu bậc ngũ âm,(K.31)
Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một trương,
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên BẠC MỆNH lại càng não nhân!


Bốn câu 31-34 cho ta biết Thuý Kiều rất sành âm lụật, nàng “làu bậc ngũ âm”; Và sở trường của nàng là một trương “hồ cầm”; nếu, với cây hồ cầm ấy nàng lại gảy bản “ bạc mệnh” do chính nàng đã soạn ra, thì ai nghe cũng phải “não” lòng, bằng chứng là “mặt sắt” như Hồ Tôn Hiến cũng “nhăn mày rơi châu”

Chúng ta thử tìm xem cây đàn sở trường của Thuý Kiều, cây hồ cầm, nó là cây đàn gì?

Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn văn Anh v..v…đều giảng:”hồ cầm là cây đàn tì bà, vì đời xưa, vua Hán Nguyên Đế có bà Chiêu Quân phải đi cống rợ Hồ, thường hay đánh cây đàn ấy, cho nên mới gọi là Hồ cầm”.
Huyền Mặc Đạo Nhân dẫn giải:”Hồ cầm tức là đờn tỳ bà, vì của nàng Chiêu Quân khi đi cống Hồ chế ra nên kêu tên như vậy.
Thi bá Tản Đà chú giải:

“Hồ cầm là cây đờn của rợ Hồ nguyên chính là cái nhị làm giống như cây tỳ bà cho nên tỳ bà người ta cũng gọi là Hồ cầm”

Văn Hoè chú giải và bình luận “Hồ cầm” chính là “cái nhị hay cái hồ”, đây tác giả dùng lầm để trỏ đàn tỳ bà  là thứ đàn xuất từ rợ Hồ.
Nói tóm lại tất cả các học giả đã chú giải truyện Kiều đều cho Hồ Cầm là đàn tì bà; đa số thâm nho nhắc đến tích “Chiêu Quân cống Hồ”; Hầu hết đều giảng vì Chiêu Quân , khi đi cống Hồ hay đánh Tỳ bà, nên Tì bà có tên là Hồ cầm; Riêng Huyền Mặc Đạo Nhân giảng là:

Chiêu Quân khi đi cống Hồ “đã chế ra đàn tỳ bà”;thi bá Tản Đà thì cho rằng:” Vì có kiểu nhị làm giống đàn tỳ bà” nên tỳ bà cũng được gọi là “hồ cầm vốn là cái nhị”; chỉ có nhà đại học giả Văn Hoè là cho rằng:”Hồ cầm là cái nhị hay cái hồ, không thể có nghĩa là tì bà được; Nguyễn Du đã dùng lầm danh từ ấy để trỏ đàn tỳ bà (!).

Chúng ta hãy  lần lượt xét lại các chú giải ở trên, mà chúng tôi chỉ coi là những giả thuyết của các học giả  đã chú giải Truyện Kiều mà thôi, vì chúng tôi không tìm thấy các cách giảng giải  ấy trong sách nào cả.
Giả thuyết cho rằng: Vì nàng Chiêu Quân, khi đi cống Hồ hay đánh đàn tỳ bà còn được gọi là Hồ Cầm, có vẻ gò ép quá.

Muốn thấy rõ tính chất gò ép ấy, ta lấy một tỷ dụ khác. Giả sử: Huyền Trân Công Chúa khi sang làm Hoàng hậu Chiêm Thành hay đánh đàn bầu hay độc huyền cầm, mà đàn bầu thành ra có tên là Chiêm cầm, thì vô lý biết mấy! Nếu trong điển “Chiêu Quân cống Hồ” mà đàn tỳ bà gọi là “Chiêu Quân cầm” hay trong tỷ dụ Huyền Trân Công Chúa mà độc huyền cầm còn được gọi là Huyền Trân cầm thì còn đỡ gò ép hơn đôi chút chứ Hồ Cầm và Chiêm cầm thì thật là gò ép hết chỗ nói!

Giả thuyết của Huyền Mặc Đạo Nhân cho rằng chính nàng “Chiêu Quân đã chế ra đàn tỳ bà” thì “ngông” hết chỗ nói hay cụ Cử họ Dương bất chấp thời gian đã muốn bắt chước cụ Huyện Móm nhân lúc cao hứng tống tình người đẹp thiên thu bất tử họ Vương? Thưa Đạo Nhân về đàn tỳ bà, Từ Nguyên cho biết là “bản xuất ư Hồ Trung”. Học giả Thái Văn Kiểm cho ta biết:” Đàn Tỳ” tức “Tỳ bà” là một cây đàn có bốn dây, hình trái lê…Cây đàn này do người Mông Cổ sáng tạo hình thể của đàn ứng dụng cho những chàng kỵ mã Mông cổ vừa ôm đàn trong lòng vừa phi ngựa trên những quãng đường xa vừa đàn ca cho bớt mệt mỏi.

Giả sử như Chiêu quân đã sáng chế ra đàn tỳ bà thật thì đàn này càng phaỉ được gọi là Chiêu Quân cầm, cũng như trong cổ thời người ta đã gọi nguyệt cầm là Nguyễn Hàm cầm vậy!

Giả thuyết của thi bá Tản Đà cho rằng Hồ Cầm “nguyên chính là cái nhị” cũng hơi “lộn xộn” một chút vì cái hồ và cái nhị tuy đồng loại nhưng khác. Thưa thi bá đúng như Ngài dạy “có kiểu nhị làm giống như cây tỳ bà”; Từ nguyên cũng cho ta biết  “có hồ cầm làm giống tỳ bà”; nhưng từ đây mà ngài đi ngay đến kết luận :”cho nên Tỳ bà người ta cũng gọi là Hồ cầm” thì chúng tôi có cảm tưởng Ngài đi bằng “đôi hia bảy dặm” lại còn chắp thêm “cặp cánh Yên sĩ phi lý thuần” nữa!

Ấy là chưa nói đến sự lộn xộn quá ta vì ai cấm người ta gọi ngược lại Hồ cầm là Tỳ bà?. Thành ra trong một câu thơ nếu có danh từ “Hồ cầm” thì phải hiểu là tỳ bà mà nếu có danh từ “Tỳ bà” thì phải hiểu là hồ cầm sao?
Sau cùng dến giả thuyết của nhà đại học giả Văn Hoè nhà sáng lập ra “Quốc Học Tùng Thư” cũng chú giải như thi bá Tản Đà hồ cầm chính là cái nhị hay cái hồ cho nhị với hồ là một; Chúng tôi cứ tưởng chỉ có đại thi gia mới “lộn xộn”nào ngờ đại học giả cũng lộn xộn vậy! Chúng tôi thật quả không hiểu ông căn cứ vào đâu mà kết án :”Nguyễn Du đã dùng lầm từ “hồ cầm” để trỏ đàn”tỳ bà”

Nói tóm lại các học giả đã chú giải truyện Kiều đều cho Hồ cầm trong câu 32 là “đàn tỳ bà” mà không một chú giải gia nào giảng được cho ta lý do khiến danh từ” Hồ cầm” trong câu ấy là “tỳ bà”, mặc dù hai danh từ ấy không thuộc vào loạI dị âm đồng nghĩa.! Và , mặc nhiên tất cả các chú giải gia đều buộc chúng ta phải công nhận rằng cây đàn sở trường của Vương Thuý Kiều là đàn tỳ bà.

Chính sự ức hiếp ấy đã không làm cho chúng ta hết thắc mắc về nghĩa chính xác của danh từ “hồ cầm”, mà lại còn gây ra trong đầu óc”lộn xộn” của chúng ta một thắc mắc mới nữa , một thắc mắc hạng bự, có thể làm chúng ta ăn mất ngon, ngủ mất yên nếu nó không được cập thời giải toả để khỏi ám ảnh tâm hồn và trí tuệ chúng ta ngày đêm: tại sao Thuý Kiều sở trường về cây đàn tỳ bà mà lại không bao giờ xử dụng cây đàn ấy cả, lần nào gẩy đàn cũng gẩy đàn nguyệt?

Không trông cậy vào các chú giải gia được, chúng ta thử “tự lực cánh sinh”. Thử giải quyết lấy vấn đề xem sao? Biết đâu chúng ta giúp chúng ta trước, trời chẳng giúp chúng ta sau và mọi thắc mắc sẽ tiêu tan như giải mây đen trước luồng gió lớn.

Trước hết chúng ta hãy giải tán thắc mắc về nghĩa chính xác của danh từ “hồ cầm”. Công việc này không khó khăn gì.
 
 
 
(17) Mai cốt cách tuyết tinh thần

Câu 17 này cũng như câu đã nói ở trên là một trong hằng hà sa số trường hợp chứng minh cho ta thấy rõ nhiều nhà chú thích không chịu hiểu một câu thơ giản dị theo nghĩa giản dị tự nhiên chúng ta thấy sau khi chúng ta đọc hết câu thơ.

Mai cốt cách là cốt cách của cây mai, dáng điệu của cây mai, trông thanh nhã đẹp đẽ: tuyết tinh thần là tinh thần của tuyết, tâm hồn của tuyết, tâm hồn trong trắng.
Tác giả tả hai chị em Thuý kiều và Thuý Vân về dáng điệu bề ngoài thì có cái thanh nhã của cây mai về tâm hồn bề trong thì có cái trong trắng của băng tuyết.  Trong bài “Thuý Kiều và ái tình hay nghệ thuật của Nguyễn Du” đăng trong báo đối thoại ra ngày thứ bảy 25-3-67 chúng tôi đã viết:
“Hình dung một người đàn bà đẹp thực thì ngoài cái đẹp tinh thần một người đàn bà đẹp hoàn toàn về hình thể mà thiếu tinh thần thì tuy đẹp mà “trơ” theo như ngôn ngữ Việt nam. Ta nói “sắc đẹp” không nói “hình đẹp” của người đàn bà.
Sau khi đã tả hai chị em đẹp về cả hai phương diện hình thể và tinh thần, tác giả mới kết luận là cả hai đều hoàn toàn “mười phân vẹn mười”, nhưng không phải vì thế mà họ giống nhau như cùng đúc trong một khuôn tuyệt hảo; Trái lại chị có cái đẹp hoàn toàn của chị, em có cái đẹp hoàn toàn của em;”một người một vẻ”. Rồi tiếp theo tác giả mới tả cái đẹp đặc biệt của từng người, Vân trước Kiều sau, vì lý do kỹ thuật viết văn. Chúng tôi nghĩ rằng ai đọc đoạn Nguyễn Du hoạ chân dung chị em Kiều Vân thì cũng hiểu theo cái nghĩa giản dị, tự nhiên đến với độc giả như thế.
Chúng tôi đã lầm. Nhiều chú thích gia hay “tìm chính ngọ ở giờ mùi”, như một câu tục ngữ Pháp đã nói:” Chercher midi à quatorze heures”. Bùi Kỹ và Trần Trọng Kim  đã giảng tuyết tinh thần là người (?) trắng trẻo. Tản Đà cũng cho là :”sáu chữ này chỉ nói vẻ người(?) thanh tú “. Văn hoè dài dòng hơn:” Mai cốt cách”: cốt cách thanh kỳ như cây mai hoặc cành mai: ý nói tầm vóc người dong dỏng cao thanh thanh như cành mai (cành mai coi gầy guộc(?) xương xẩu(?) thanh. Mấy chữ này tả tầm vóc Kiều. Thuý Vân không có cốt cách như thế(?) Tuyết tinh thần: Tinh thần trong trắng như tuyết ý nói tư tưởng trong sạch; đầu óc ngây thơ không bợn chút gì là ô trọc tức là ngoan ngoãn nết na, thật thà chất phác. Mấy chữ này tả tính tình đức hạnh của Thuý vân. Kiều không có cái tinh thần ấy(?)

“Cứ coi câu sau vẫn Văn Hoè viết_”Mỗi người một vẻ …” thì biết rằng mai cốt cách là vẻ của người này và tuyết tinh thần là vẻ của người kia, chứ hai vẻ đó không chung cho cả hai như người ta vẫn thường hiểu. Hai chị em có hai vẻ khác nhau . Hai vẻ ấy trên đã nói rõ Mười phân vẹn mười giá như vẻ của mai cốt cách có mười phần thì Kiều có đủ cả mười, vẻ của tuyết tinh thần có mười phần thì Vân có đủ mười phần ấy, mai cốt cách là vẻ đẹp của thân hình , tuyết tinh thần là vẻ đẹp của nết na. Tác giả muốn nói :Một người (Kiều) thì hình hết sức đẹp (Vân không có thân hình như thế); một người (Vân) thì nết na hết sức ngoan (Kiều không nết na ngoan như thế)”

( 22) Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

(26) Hoa nghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Tả nhân vật, phong cảnh hay động tác Nguyễn Du thỉnh thoảng đặt những tiếng như báo trước cho ta biết tương lai sẽ ra sao. Như trường hợp hai câu thơ trên. Cái đẹp của Thuý Vân là cái đẹp mà tạo hoá tượng trưng bởi mây và tuyết chịu thua, chịu nhường. Đã chịu thua chịu nhường thì tạo hoá sẽ để cho tương lai của Thuý vân bình yên vô sự . Còn cái đẹp của Thuý kiều là cái đẹp mà Tạo Hoá tượng trưng bởi hoa và liễu, phải nghen phải hờn thì Tạo hoá có bao giờ lại để cho tương lai Thuý kiều được yên ổn vô sự. Tương lai của hai chị em đã xảy ra đúng như những tiếng ấy để cho ta linh cảm thấy trước.

(32) Nghề riêng ăn đứt HỒ CẦM một trương.

Câu thơ này đã làm chảy khá nhiều mực trên mặt các nhật trình và tạp chí từ 40 năm trước trở về đây. Thắc mắc mà người ta đã nêu lên là: Thuý Kiều sở trường về cây đàn nào?

Chúng ta thử tìm cách giải đáp vấn đề này, trong khi vẫn chờ mong được một bậc cao minh chỉ giáo tường tận cho.

Để chứng minh triết thuyết  chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau Nguyễn Du cho vai chủ động của đoạn trường Tân Thanh là Vương Thuý Kiều đủ mọi tài:

Thông minh vốn sẵn tính trời (K29)
Pha nghề thi, hoạ đủ mùi ca ngâm,


Nhưng Nguyễn Du đã cụ thể hoá cái tài của Thuý Kiều bằng tài đàn:

Cung thương làu bậc ngũ âm (K-31)
Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên xoang.
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân!


Câu thơ 32 tất cả các bản Kiều quốc ngữ đều viết giống nhau. Tuy nhiên có bản viết trương và giảng là tấm (Nguyễn văn Anh) hoặc có bản viết chương và giảng là phần chapitre (Nguyễn Văn Vĩnh)

Có người cho rằng câu này bị” tam sao thất bản” nên không trọn nghĩa. Ăn đứt thì phải ăn đứt ai mới đủ nghĩa: và đã tìm thấy trong cuốn sách nhan đề là “Nhạc phủ tập” điểm sau đây:”Ngải trương nãi thiên hạ hồ cầm đệ nhất”, nên nghi rằng nguyên văn vốn:

Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm Ngãi trương.

Vì “ngải” và “một” chữ nôm viết hơi giống nhau, nên đã “tam sao thất bản” ( Lê nhân Phủ)
Theo thiển ý của chúng tôi thì, về câu 32 này có ba trường hợp:
1)     Nguyên văn đúng như các bản thường viết, nhưng hồ Cầm có nghĩa là nguyệt cầm vì trong khoảng cuối đời Lê người ta thường dùng danh từ Hồ cầm để gọi nguyệt cầm theo Phạm đình Hổ trong “Vũ Trung tuỳ bút”: Bản chép tay chữ Hán Trường Bác Cổ Viễn Đông, tờ 46b; Bản dịch của Đông Châu , trong Nam Phong, tháng 11 năm 1927 trang 464 (Trần Văn Khê)
2)     Nguyên văn vẫn đúngnhư các bản thường viết  nhưng phải chấm câu lại và hiểu một cách khác:

         
Nghề riêng ăn đứt Hồ Cầm một chương

          Nghĩa là thuý Kiều đủ mọi nghề: thi, hoạ, ca, ngâm nhưng riêng về mục,   về chương hồ và cầm (hồ chỉ cả các đàn gảy bằng tay) nghĩa là về địa hạt xử dụng mọi nhạc cụ, thì nàng rất thiện nghệ nên nghề này, mục này, chương này ăn đứt các nghề, mục hay chương khác.
3)     Câu các bản thường chép đã bị tam sao thất bản nguyên văn vốn là:

“Nghề riêng ăn đứt nguyệt cầm một trương.

Vì Vương Thuý Kiều thiện nghệ nguyệt cầm chứ không phải Hồ cầm.
Những người tưởng lầm là Nguyễn Du đã dịch Thanh Tâm tài Nhân đã căn cứ vào Thanh Tâm Tài Nhân mà sửa nguyệt ra hồ, bằng cách thêm chứ nguyệt của nguyên văn do đó mà gây thành mâu thuẫn trong tác phẩm của Nguyễn Du: Thuý Kiều thiện nghệ Hồ Cầm mà trong tất cả các trường hợp đều gảy nguyệt cầm!

Trái với tất cả những học giả đã chú thích Kiều từ trước đến nay, chúng ta đã chứng minh Vương Thuý Kiều sở trường đàn nguyệt chứ không phải đàn tỳ bà. Vậy câu Kiều 32 phải là:

Nghề riêng ăn đứt nguyệt cầm một trương hoặc là :

Nghề riêng ăn đứt “hồ cầm” một trương với “hồ cầm đồng nghĩa với nguyệt cầm” như Phạm đình Hổ đã viết trong Vũ Trung Tuỳ Bút, theo sáng kiến của học giả Trần Văn Khê Văn khoa Tiến Sĩ, chuyên môn nghiên cứu về âm nhạc Á Đông và Việt Nam. Nhưng theo thiển ý của chúng tôi thì nguyệt đúng hơn hồ, vì trong câu 467:

Hiên sau treo sẵn cầm trăng,
Và câu 936:
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt hoa,

tác giả đã dùng danh từ với nghĩa chính xác “nguyệt cầm”: “cầm trăng”: “cầm nguyệt” thì không có lý do gì để trong câu 32 tác giả lại dùng danh từ “hồ cầm để trỏ nguyệt cầm”, khiến hầu hết nếu không phải là tất cả độc giả đã hiểu lầm thành tỳ bà cầm, mặc dầu “không có sách nào giảng hồ cầm là tỳ bà cầm”, mặc dầu Phạm đình Hổ đã cho ta biết về thời ông người ta dùng danh từ hồ cầm để trỏ nguyệt cầm, nhứt là Nguyễn Du luôn luôn dùng danh từ với nghĩa rất chính xác.
Nhân nói về tài đàn của Thuý Kiều, chúng tôi xin phép độc giả quý mến tạm thời không theo  thứ tự các câu thơ nữa, mà nêu ngay lên một thắc mắc khác liên quan đến tài đàn của Thuý Kiều. Ấy là thắc mắc: Vương Thuý Kiều đã gảy bài hoặc những bài đàn nào?
Khi Thuý Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe trong đêm đầu tiên gần gủi nhau và thề bồi với nhau, tác giả cho ta biết về vấn đề bài đàn Thuý kiều đã gảy như sau:

(473) Khúc đâu Hán sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau
(475) Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?
(477)Kê khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thuỷ, hai rằng hành vân.
(479) Quá quan này khúc Chiêu Quân
Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia


Dựa vào bốn câu lục bát trên, có học giả cho rằng Thuý Kiều đã gảy những bản đàn danh tiếng đã được phổ biến khắp nước Trung Hoa và láng giềng như Việt Nam: Hán sở chiến trường, Phượng Cầu kỳ hoàn của Tư Mã Tương Như. Quảng Lăng Tán của Kê Khang.

Kê Khang chết , bản đàn Quảng Lăng Tán không được truyền lại hậu thế chỉ có tên là Hoạ Nhạc và một đoạn có tên là Quy Vân cho nên có học giả Như Bùi Khánh Diễn đổi lưu thuỷ và hành vân  thành Hoạ nhạc và Quy Vân, viện thêm lẽ rằng: “Lưu thuỷ Hành vân là người nhà Tống khen văn ông Đông Pha chứ không cho là khúc Quãng Lăng được” – “Quá quan” của Chiêu Quân. Vì hiểu như thế nên Huyền Mặc Đạo Nhân mới diễn những câu thơ trên thành văn xuôi như sau:
“Lúc thì khảy ra khúc “Hán Sở chiến trường” nghe ra chen lẫn nhau tiếng qua vàng ngựa sắt;
Lúc thì khảy ra khúc Phượng Cầu Hoàng của chàng Tư Mã, nghe ra có phải như oán như sầu:
“Lúc này khảy ra khúc Quảng Lăng, của Kê Khang,một là điệu Hành Vân, hai là điệu Lưu Thuỷ.
“Lúc này khảy ra khúc Chiêu Quân ra ải, nửa phần là ý luyến chúa,nửa phần là ý nhớ nhà.”
Cũng vì hiểu như thế nên nguyễn Văn Vĩnh mới dịch những câu thơ trên ra Pháp văn như sau:

Quel morceau que “les champs des batailles des Hán et des Sở”!
A l’entendre, on croit percevoir des bruits de fer et d’or qui se mélangent.
Quel morceau encore que “Le Phénix à la Recherche de sa femelle” de Tư Mã!

À l’entendre, n’est-ce pas qu’on croit assister à quelque spectacle de regrets et de douleurs?

De Kê Khang, voici le morceau”Quảng Lăng”.

Voici encore l’air de “l’eau qui coule” et celui “des Nuages qui defilent”.
Le “Passage de la Porte frontière”, voici enfin le morceau célèbre de la malheureuse Chiêu Quân.

Lequel exprime, d’une part, l’amour qu’elle avait pour son Prince-d’autre part, les regrets amers de la famille qu’elle ne reverra plus.

Cũng có chú thích gia không cho là Thuý kiều đã gảy những khúc đàn đã kể ra nhưng không rõ là Thuý kiều đã gảy khúc hoặc những khúc nào, chỉ biết khúc đàn gảy có khi hùng dũng như Hán Sở chiến trường,có khi có ý buồn như khúc đờn Quy Phượng Cầu Hoàng, có khi nghe thấy lưu loát như nước trôi mây đi, có khi sầu não như tiếng đàn nhớ chúa thương nhà của nàng Chiêu quân nhà Hán khi đi cống Hồ mà qua cửa ải (Tản Đà Văn Hoè)
Chúng tôi không hiểu theo hai cách nói trên, theo thiển ý của chúng tôi, thì “Vương Thuý Kiều đã gảy khúc đàn “Bạc mệnh” mà chính nàng đã soạn ra”
 
Không có Bài Mới

Đề cập đến vấn đề này là chúng ta đề cập đến vấn đề quan trọng nhất, vấn đề chủ chốt của Đoạn trường Tân thanh. Bởi vậy, chúng tôi không ngần ngại trình bày toàn thể vấn đề với đầy đủ chi tiết để làm nổi bật lên triết lý của Nguyễn Du.

Triết lý mà Nguyễn Du nêu lên làm tiêu đề cho thi phẩm của ông là:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau!


Để chứng minh triết thuyết “Tài Mệnh tương đố” ấy, Nguyễn Du đã cho vai chủ động trong tác phẩm của ông rất nhiều thứ “ tài”

(29) Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề Thi, Hoạ, đủ mùi Ca, Ngâm;
(31)Cung, thương, làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Nguyệt cầm một trương
(33) Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên “Bạc Mệnh” lại càng não nhân.


Vậy là Thuý Kiều làm thơ hay (thi) vẽ đẹp(hoạ) hát giỏi(ca) ngâm thơ tài tình (ngâm). Nàng rất sành về lý thuyết âm nhạc (làu bậc ngũ âm), đánh đàn giỏi, nhất là sở trường về nguyệt cầm, không ai có thể hơn nàng được (ăn đứt nguyệt cầm một trương)
Tự nàng đã soạn ra một bản nhạc; nàng đặt tên cho bản nhạc ấy là bản “Bạc Mệnh” tự tay nàng gảy khúc “Bạc Mệnh” ấy vào đàn nguyệt thì ai nghe cũng phải não lòng.
Chúng tôi nhắc lại Nguyễn Du đã cho vai chủ động của Đoạn Trường Tân Thanh là Vương Thuý Kiều đủ mọi tài thi, hoạ, ca, ngâm, nhưng đã cụ thể hoá chữ “tài” ở nàng bằng tài đàn.
Tài đàn là thứ tài có thể biểu hiện rất sớm:Beethoven 11 tuổi đã đánh đàn lấy tiền giúp gia đình, 13 tuổi đã bắt đầu soạn nhạc;Liszt 9 tuổi đã hoà nhạc tại các đô thị lớn;Mozart 6 tuổi đã biết soạn nhạc, và cùng với người chị lên 10 tuổi biểu diễn nhạc trước công chúng tại Vienne, Munich, 14 tuổi được đức Giáo hoàng Clément IV gắn cho huy chương vàng; Schubert cũng sáng tác nhạc phẩm từ năm 14 tuổi,v…v…Vậy Vương Thuý  Kiều mới “xắp xỉ tới tuần cặp kê” mà đã sáng tác nhạc phẩm “Bạc Mệnh” và nổi tiếng cầm đài cũng không là một sự kiện phi lý như nhiều người tưởng.
Bản “ Bạc Mệnh” biểu hiện bằng thanh âm một ý niệm đã ám ảnh tâm hồn Thuý Kiều, ý niệm bạc mệnh, do một ông thầy tướng đã gieo vào đầu óc nàng, “từ năm hãy thơ ngây”. Cho nên, mỗi lần có dịp đánh đàn, là Thuý Kiều gảy bài “Bạc Mệnh” nàng đã soạn ra, cũng là một sự kiện dĩ nhiên. Chúng ta biết rõ điều này nhờ cuộc đối thoại giữa Hồ Tôn Hiến và Vương Thuý Kiều; sau khi Thuý Kiều bị ép gảy đàn cho Tôn Hiến nghe:

(2565) Trong quân mở tiệc hạ công,
xôn xao tơ trúc, hội đồng quân quan.
Bắt nàng thị yến dưới màn,
Dở say lại bắt vặn đàn nhặt tâu.
Một cung gió tủi mưa sầu,
Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Hỏi rằng:”Này khúc ở đâu?”
“Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!”
(2575) Thưa rằng:”Bạc Mệnh khúc này,
“Phổ vào đàn ấy những ngaỳ còn thơ.
“Cung cầm lựa những ngày xưa,
“Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây!”


Thuý Kiều đã diễn tả những ý tưởng nào trong nhạc phẩm “Bạc Mệnh” của nàng? Chúng ta biết rõ điểm này nhờ nàng đã gảy soạn phẩm của nàng cho Kim Trọng nghe và nhờ Kim trọng có tài thẫm âm ngang với Chu Tử Kỳ:
464”Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”
Kim Trọng đã phân biệt được bốn phần trong nhạc phẩm “Bạc Mệnh” của Thuý Kiều.
Phần thứ nhứt:

473 Khúc đâu Hán Sở chiến trường,
Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau!


Thuý Kiều: tả cuộc đời luôn luôn cho chúng ta cảm tưởng là trần gian không khác gì bãi chiến trường, trong đó cả người ta lẫn loài vật đều phải tương tàn tương sát vì cuộc tranh sống, tiếng sắt là tiếng võ khí, người ta dùng để đâm chém nhau; tiếng vàng là tiếng nhạc ngựa, bằng đồng màu vàng, tiếng nhạc của những con ngựa người ta cưỡi để đánh nhau do đó mà cũng bị lôi cuốn vào cuộc tương tàn tương sát (chúng tôi không thấy có lý do nào buộc ta phải dẫn điển Hán thư ”Vua Hán cao tổ cùng Sở Hạng – Võ đánh nhau có ngựa sắt gươm vàng “để giảng tiếng sắt là tiếng ngựa sắt, tiếng vàng là tiếng gươm vàng, vì sao ngựa lại bằng sắt gươm lại bằng vàng?)
Phần thứ nhì;

( 475 ) Khúc đâu Tư Mã Phượng cầu
Nghe ra như oán như sầu phải chăng?


Trong khi về phương diện nhân loại, cả cuộc đời chỉ như là một bãi chiến trường người ta phải chém giết lẫn nhau để mà tranh sống, mỗi bên đều có một sức mạnh rất hùng hậu Hán Sở chiến trường đem ra để thực hiện sự chém giết ấy, thì về phương diện cá nhân, khi được sống với nhau bằng tình cảm, người ta thấy gì? Phải chăng người ta ai cũng có một ẩn tình, tha thiết muốn được toại nguyện, như ẩn tình của Tư Mã Tương Như đối với Trác văn Quân, khi chàng tài tử hào hoa phong nhã ấy gảy khúc Phụng Cầu Kỳ Hoàng để làm xiêu lòng người tân quả phụ?. Những thanh âm của chàng Tư Mã, tả cái ẩn tình tha thiết của mình đối với nàng Văn Quân, cái ẩn tình đang thiết tha yêu cầu được toại nguyện, sao mà nghe tràn ngập những “oán” cùng  “sầu” vậy? Phải chăng cái tình ấy nó sẽ oán hoá sầu hoá nếu nó không được hả hê?
Phần thứ ba:

(477) Kê Khang này khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thuỷ hai rằng hành vân.


Trở ra cuộc đời và theo dõi kết quả của cuộc Hán Sở tranh hùng chúng ta thấy gì? Tào mạnh Đức đã mất bao nhiêu công chinh phục khó nhọc, đã chém giết hằng hà sa số mạng người, đã làm không biết bao nhiêu là việc thất đức, thì con y mới đoạt được ngai vàng của nhà Hán, mà xây dựng lên nhà Nguỵ. Nhưng chẳng bao lâu, nhà Hán mất với nhà Nguỵ thảm thương như thế nào, thì nhà Nguỵ cũng mất với nhà Tần thảm thương như thế. Những gắng sức cuối cùng của mấy người thuỷ chung với nhà Ngụy, ở đất Quảng lăng, để khôi phục nhà Nguỵ cũng đi đến chỗ bị tiêu diệt.

Nhạc sư Kê Khang đã làm ra khúc “Quảng Lăng Tán” để tả nỗi lòng cảm khái nhớ nhà Ngụy. Vì thế nhạc sư bị hành hình, Kê Khang ôm đàn gảy “Quảng Lăng tán” đã không hận vì bị hành hình lại chỉ hận vì khúc “Quảng Lăng Tán” chưa kịp lưu truyền, đã cùng với tác giả cùng bị thủ tiêu!

Tranh hùng chém giết nhau để làm gì, nếu mọi xây dựng vinh quang đều có ngày bị tiêu diệt một cách thảm thương?

Đến như “Kê Khang”, mang tài phổ nhạc diễn tả nỗi lòng cảm khái thành thanh âm, mà cũng bị hành hình thì thi thố tài năng ra làm chi, để tự chuốc lấy hoạ vào thân? Thế mà đầu rơi máu chảy không hận lại chỉ hận công phu phổ nhạc bị tiêu ma nhạc khúc sáng tạo không được lưu truyền hậu thế! Thế thì tài ấy nên trọng tình ấy nên thương; Nhưng vạn sự ở đời, cái gì rồi chẳng có ngaỳ bị tiêu, cái gì mà chẳng vô thường như lưu thuỷ (nước chảy) và hành vân (mây bay)?
Phần thứ tư:

479 Quá quan này khúc Chiêu quân
Nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia!


lại trở lại cuộc đời cá nhân tình cảm, một khi ẩn tình được toại nguyện, đã phải chăng là hạnh phúc đời đời? Còn tình duyên nào đẹp cho bằng tình duyên giữa Hán Nguyên Đế  và nàng Vương Tường tức Chiêu Quân? Sau hồi trắc trở ban đầu gây nên bởi Mao Diên Thọ, đến hồi Loan Phụng hoà duyên, tình càng thắm thiết. Thế mà “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” Còn cảnh nào đau đớn cho bằng cảnh Chiêu quân ngồi trên mình ngựa ôm đàn tỳ bà mà gảy thành tiếng nức nở, tả nỗi lòng vừa luyến chúa, khắn khít với Hán Đế vừa tư gia nhớ nhà khi vượt biên giới Hán Phiên quá quan để đem thân ngàn vàng cho tuồng hôi tanh làm trò “hồng ngâm chuột vọc, mình ngọc ngâu vầy”!

Trở lên phân tích nhạc phẩm “Bạc Mệnh” mà Thuý kiều đã soạn ra và đã gảy cho Kim Trọng nghe. Nàng đâu có gảy liên tiếp một tràng nhạc phẩm đã được phổ biến sâu rộng trong đại chúng làm gì?
Phaỉ mất bao nhiêu thời giờ mới gảy xong tất cả các bài ấy! mà Kim Trọng một Chung Tử Kỳ còn lạ gì những bài ấy mà xúc động đến không chịu được, phải thốt lên trách người yêu “lựa chi những bậc tiêu tao”?   
Không có Bài Mới

Sau khi đã phân tích nội dung của bản đàn “Bạc Mệnh” do Thuý Kiều soạn ra, Nguyễn Du nói đến thiện nghệ gảy đàn của Thuý Kiều:

(
461) Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời,
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Rồi tác giả tả ảnh hưởng của tiếng đàn Thuý Kiều gảy đến người nghe. Trước đây, tác giả đã nói phớt qua về tính chất buồn của bản “Bạc Mệnh”:

(33) Khúc nhà tay lựa nên xoang,
Một thiên “Bạc Mệnh” lại càng não nhân!

Bây giờ thì tác giả đi sâu vào chi tiết của cái buồn gây ra cho người nghe bởi tiếng đàn “Bạc Mệnh”

(
485) Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,
Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.

Đến một vật vô tri vô giác như ngọn đèn mà tiếng đàn của Thuý kiều còn làm cho biến chuyển khi tỏ khi mờ nói gì Kim trọng là một Chung Tử Kỳ!
Khi tiếng đàn của Thuý kiều vẽ bằng thanh âm bức tranh vân câu thành một bãi sa trường khốc liệt, thì Kim Trọng bị Thạch tượng hoá trong dáng điệu tựa gối thẩm âm:

(487) Khi tựa gối…

Ý niệm “bạc mệnh” bắt đầu tác động .
Khi tiếng đàn của Thuý kiều trình bày nỗi lòng của mỗi người có như nỗi lòng của Tư Mã Tương Như khi chàng gảy khúc “Phụng cầu Kỳ Hoàng” với ẩn ý làm xiêu lòng tân quả phụ Trác Văn Quân, thì Kim Trọng tự thấy xấu hổ trong thâm tâm mà cúi đầu xuống..Sao vậy? Vì trước đây một lúc Kim Trọng đã yêu cầu Thuý Kiều dưới một hình thức tuy văn hoa mập mờ nhưng không thành nghi vấn được một điều rất khó yêu cầu mà cũng rất khó chấp thuận:

(455) Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam”
Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sở chăng?”

Thuý Kiều chỗ này đã khôn khéo vô cùng. Nàng làm như không hiểu Kim Trọng muốn gì, và ngăn rào trước lối đi độc nhất mà nàng không thể cứ nhắm mắt liều theo Kim Trọng cho chàng được toại nguyện:

(459) Nàng rằng: “Hồng diệp xích thằng,
Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri,
Đừng điều nguyệt nọ hoa kia,
Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai?”

Trước lòng chân thành đoan chính của Thuý Kiều, Kim Trọng mới nói thác là muốn nghe Thuý Kiều gảy đàn. Thật vậy nếu Kim Trọng chỉ muốn nghe Thuý Kiều gảy đàn thôi thì chàng cứ việc nói thẳng ra. Đối với Thuý Kiều thì sự kiện gảy đàn cho Kim Trọng nghe chỉ như  nàng đã nói:

(465) Thưa rằng:” Tiện kỹ sá chi!
Đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng”.

Cũng như lúc Thuý Kiều mới vào nhà Kim Trọng trông thấy bức vẽ cây tùng, nàng khen người khéo vẽ:

(399) “ Phong sương đượm vẻ thiên nhiên,
Mặn mà nét bút, càng nhìn càng tươi!”

thì Kim Trọng ngỏ ngay ý xin nàng đề thơ:

(401) Sinh rằng phác hoạ vừa rồi,
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa”.

Một đằng đánh đàn, một đằng đề thơ trên bức tranh của người ta mới vẽ xong đối với Thuý kiều hắn tác động thứ nhì buộc nàng phải thận trọng hơn là tác động thứ nhất, vì trên một công trình hội hoạ nàng vừa đề cao giá trị, nếu nàng phẩm đề  mà văn không hay chữ không tốt thì có khác nào vá vải thô lên áo gấm!
Tác động yêu cầu đã tế nhị hơn, thời gian yêu cầu lại không thuận tiện bằng, vì là lần đầu tiên, phút đầu tiên được gần nhau thân mật sau cuộc trao xuyến đổi thoa. Thế mà Kim Trọng  có cần rào đón gì đâu? Chàng nói thẳng ra ý muốn của chàng. Còn khi Kim Trọng yêu cầu Thuý Kiều gảy đàn thì đã là lần thứ hai Thuý Kiều sang nhà Kim Trọng hai người đã thề bồi với nhau hết lòng chung thuỷ, đã cùng nhau “tóc tơ căn vặn tấc lòng”, rồi bày tiệc rượu ra mà “ sánh giọng quỳnh tương”, biết trước là có cả một đêm để tự tình với nhau, thế thì thời gian không thể thuận tiện hơn được nữa. Việc gì Kim Trọng phaỉ rào đón quá lời như vậy? Vả lại yêu cầu người yêu đánh đàn cho nghe , là một điều người ta có thể thực hiện cả trước sự hiện diện của nhiều người khác bất luận thân hay sơ có gì mà phải e ngại vì “chày sương chưa nện cầu Lam”, có gì là “lần khân” sàm sở? Rõ ràng là Kim trọng không thực tâm muốn nghe Thuý Kiều gảy đàn. Chàng đã muốn điều mà, sau khi nghe Kiều gảy những khúc đàn chan chứa xuân tình chàng đã không nén nổi ở trong lòng, đã biểu lộ ra:

(499) Sóng tình dường đã xiêu xiêu,
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi!

Thế cho nên khi nghe và hiểu ý Thú Kiều diễn tả trong phần thứ hai của bản đàn “Bạc Mệnh”, Kim trọng cúi đầu là dĩ nhiên:

(487)…khi cúi đầu,

Ý niệm bạc mệnh tác động như xoáy vào tận tâm khảm!
Đến phần thứ ba, khi Thuý Kiều trình bày bứ tranh hưng vong đầy oán hận với tài hoa phải mang tai hoạ, vì thế cuộc đổi thay, thì Kim trọng thấy não lòng như chín khúc ruột bị hai bàn tay vô hình vò đi vò lại:

(488) Khi vò chín khúc…

Ý niệm “Bạc Mệnh” tác động như vặn ruột thắt gan gây ra thảm trạng chín khúc đoạn trường!
Đến phần thưa tư, khi Thuý Kiều kết luận nhạc phẩm do nàng sáng tác bằng ý tưởng: những cuộc tình duyên đẹp đẽ nhất, dù có được hả hê một thời, thì rút cục vẫn đi đến chỗ tử biệt sinh ly đau đớn nhất, như trạng thái nát ruột tan hồn của Chiêu quân lúc quá quan:

Vạn lý Hán Thiên hoa hữu lệ,
Bách niên Hồ địa mã vô thanh:

Đến đây, ý niệm “bạc mệnh” vượt rất cao trên mức khả năng chịu đựng đau khổ của Kim trọng nên chàng phải chau mày thốt lên tiếng oán trách:

(488)…, khi chau đôi mày,
Rằng: :Hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào,
Lựa chi những bậc tiêu tao!
Dột lòng mình, cũng nao nao lòng người!”

Nói tóm lại, mỗi lần có dịp hoặc bị ép đánh đàn, Thuý Kiều sử dụng cây đàn nguyệt mà nàng “ăn đứt” tất cả các nhạc công khác, để gảy bản đàn”Bạc Mệnh” là bản đàn chính nàng đã soạn ra. Bản đàn này có cái đặc tính là làm cho người  nghe buồn đến nát ruột tan hồn.

Thuý Kiều có ngờ đâu chính cái tài tuyệt vời của nàng nó khiến nàng đã trước tác ra bản Bạc Mệnh “não nhân” nó làm cho nàng “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” mà đã “nổi tiếng Cầm Đài” lại cũng là cái điều nó cụ thể hoá số đoạn trường của nàng. Nếu cái “nổi tiếng Cầm Đài” của nàng đã khiến Kim Trọng mơ ước được gần nàng, được nghe nàng gảy đàn, thì lại cũng cái bản “Bạc Mệnh” của nàng nó làm đen tối cái đêm hạnh phúc nhất của đời nàng, là đêm nàng được trợ tình với người yêu nàng, và nàng yêu khiến người yêu nàng phải trách nàng rằng:

(491) “Lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người!”
Thuý Kiều có ngờ đâu cái tài tuyệt vời của nàng, cụ thể hoá bởi sáng tác “bạc mệnh”, lại bị đem ra thử thách để đánh giá nàng với “con buôn”. Mã Giám Sinh , nó mua nàng cho hành viện là nơi nhục nhã nhất của kiếp má hồng:
(639) Đắn đo cân sắc cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt hoa.
(647) Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vâng, ngoài bốn trăm.

Thuý Kiều có ngờ đâu cái thiện nghệ của nàng, làm nẩy ra những tiếng, khi trong thì” trong như tiếng hạc bay qua”, khi đục thì “đục như tiếng suối mới sa nửa vời” khi khoan thì “khoan như tiếng gió thoảng ngoài”, khi mau thì “mau như sầm sập tiếng trời đổ mưa”, lại bị tình địch là Hoạn Thư lợi dụng để hành hạ nàng cùng người tri kỷ của nàng là Thúc Sinh:

1859) Tiểu thư lại thét lấy nàng:
“Cuộc vui gãy khúc đoạn tràng ấy chi?
Sao chẳng biết ý tứ gì?
Cho chàng buồn bã, tội thì tại ngươi!”

Thuý Kiều có ngờ đâu nàng phải thi thố cái tài “nổi tiếng” của nàng đem cái sáng tác trong ấy nàng đã gởi cả tâm tình những ngày còn ngây thơ, trong trắng để mua vui cho kẻ đã đánh lừa và giết chồng nàng, cho kẻ lợI dụng một tấm lòng thuỷ chung của nàng “trên vì nước dưới vì nhà” để thành công một cách bá đạo, và đẩy nàng đến bước đường cùng chỉ còn có chết mà thôi:

2631) Giết chồng mà lạI lấy chồng,
Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời?
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông!”

May thay! nàng đã không chết vì được bà sư Giác Duyên cứu sống.
Và cũng may thay!  lần này nàng đã giác ngộ. Nàng đã hiểu rằng chính cái tài đàn tuyệt vời của nàng nó đã làm hại nàng từ trước đến giờ.Chính cái bản đàn “Bạc Mệnh” mà nàng đã tạo ra , nó đã tạo ra cái đời bạc mệnh của nàng.. Chính cái tiếng đoạn trường mà nàng đã gảy nên, nó đã gây nên cái nghiệp đoạn trường của nàng.Nói một cách khác, chính nàng đã “sáng tạo” ra cái kiếp bạc mệnh của nàng. Chính nàng đã “sáng tạo” ra cái số đoạn trường của nàng; không có số đoạn trường nào dành riêng cho nàng cả; không có nghìn thu bạc mệnh nào chờ đợi một đời tài hoa của nàng ca.
Vì giác ngộ được như thế nên khi nàng và Kim Trọng tái ngộ trong đêm động phòng “trăm năm danh tiết của nàng”,Kim Trọng:

3191) Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa”
Thì nàng đã trả lời:
3193) Nàng rằng vì mấy đừơng tơ,
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi!
Ăn năn thì sự đã rồi,
Nể lòng người cũ vâng lời một phen”.

Nghĩa là nàng đã nhận thứcđược rằng chính bản đàn “Bạc Mệnh”, mà nàng đã tạo ra, đã làm cho nàng lầm lẫn, cứ nhằm lối đoạn trường mà đi, “từ năm hãy thơ ngây cho đến bây giờ mới thôi”. Bây giờ nàng tỉnh ngộ thì đã đứng trước sự đã rồi còn biết làm sao nữa!

Nhưng, đã tỉnh ngộ rồi, thì không dại gì mà còn gảy lại bản “Bạc Mệnh” ấy nữa. Nhưng vì chàng yêu cầu mà “vâng lời một phen” thôi, rồi xin chàng đừng bao giờ ám chỉ đến cái bài đàn “não nhân” mà  sát kỷ ấy nữa!
Nhưng lạ thay! Bản đàn ngày xưa chàng nghe buồn não gan não ruột đến chịu không nổi phải :

487) Khi tựa gối khi cúi đầu,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày.
Mà thốt ra:
(489) Rằng:”hay thì thực là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”
Sao bây giờ lại:
(3199) Khúc đâu đầm ấm dương hoà!
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?
Khúc đâu êm ái xuân tình!
Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên?
Trong sao châu nhỏ duềnh quyên
Ấm sao hạt ngọc lam điền mới đông!
Lọt tai nghe suốt năm cung!
Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao!

Danh từ “não nùng” ngày xưa ngụ ý vui thấm thía trong lòng, chứ không ngụ ý buồn như ta hiểu ngày nay. Vì vậy cuối bản “Chinh Phụ Ngâm Khúc” mới có câu tả cái vui của Chinh Phu và Chinh phụ tái hợp:

(399) Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng.

Ngày xưa, khi Thuý Kiều gảy bản “Bạc mệnh” của nàng quá buồn thảm Kim Trọng đã trách nàng:

(
491)”lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người!”

Thì nàng đã trả lời:
493)Rằng quen mất nết đi rồi,
Tẻ vui âu cũng tính trời biết sao?

Bây giờ Thuý Kiều vẫn gảy bản “Bạc mệnh” của nàng nhưng lại vui vẻ khác thường. Kim Trọng nhận thấy lòng nàng đã đổi hoàn toàn từ trong tâm khảm, nên xưa mới bi thảm mà nay mới phấn khởi, bởi lẽ đó nay chàng có thể phủ nhận ý kiến của nàng ngày trước, cho rằng” tẻ vui âu cũng tính trời biết sao?”:

(3207) Chàng rằng:Phổ ấy, tay nào?
Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?
Tẻ vui bới tại lòng này”,

Và chàng trêu nàng mà hỏi

(3210)”hay là khổ tận đến ngày cam lai”
thì nàng nhắc lại cho chàng thấy rõ ràng là nàng đã tỉnh ngộ rồi:

(3211)Nàng rằng:” Vì chút nghề chơi,
Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu!”
Một phen tri kỷ cùng nhau,
Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa!”

Bốn câu này diễn tả cùng một ý vớí bốn câu 3193-3196, ngụ ý Thuý kiều hiểu rằng vì nàng sáng tác ra bản đàn “Bạc Mệnh” ấy nên cái bạc mệnh nó cứ vận vào người nàng, nênnàng mới khổ; Vậy để chìu lòng tri kỷ nàng chỉ gảy một lần nữa thôi!; còn không bao giờ gảy lại bản “não nhân” ấy nữa! Nhưng lạ thay! Bản “Bạc Mệnh” ngày nay lại không não nhân như ngày xưa nữa! Quả như người yêu của nàng đã nói:

3209)”Tẻ vui bởi tạI lòng này”

Vậy chính cái thâm tâm của mình nó hướng cuộc đời của mình vào con đường phản ảnh trạng thái của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét