ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH(Phần cuối - Hết)
XXVI. Báo Ngày Xuân Quang.
Bức thứ hai mươi sáu:
(Kim Trọng về thăm Kiều, dừng cương
ngó dòng tiểu khê, chợt bao nhiêu tiếng
đàn Kiều theo nước chảy, hoá thành bản
Vô Thanh, khiến Kim thấy được
hào quang trên dung nhan Thuý Kiều)
Cuối Thu theo gió tìm hoa,
Bước đi là một giẫm nhoà nhạt sương.
Bạch đàn gỗ trắng bên đường,
Đàn chim khép cánh bụi đường quan san.
Đồi cao nở đoá hôn hoàng,
Tảng mây lấp mặt trời vàng vàng hoe.
Cồn rừng ung ủng khói che,
Diều hâu báo rét tiếng nghe mơ hồ.
Nẻo xa tím ngắt cỏ bồ,
Sương vàng lãng đãng bóng cô thôn chiều.
Quá quan Kim vượt tìm Kiều,
Bâng khuâng băng núi, tiêu điều vượt sông.
Nhớ người cương buộc chùm bông,
Áo xanh nắng nhạt, ngựa hồng gió phai.
Riêng trăng cật ngựa u hoài,
Cỏ xanh xanh tưởng dấu hài cố nhân. (3160)
Đêm thâu giục giã trăng ngần,
Ngày dài gió soãi, phù vân dập dồn.
-oOo-
Về qua muôn dặm hoàng hôn,
Dừng cương Kim ngó cố thôn Thạch Đào.
Đất xưa Đố là hội nào,
Hoa nay nhớ chuyện hoa nao mĩm cười.
Liễu xanh tha thướt dáng người,
Thầm trông dạc vóc, ngó vời gầy hoa.
Ngày nào mắt đắm thu ba,
Nước xuôi theo tóc la đà cài hương.
Tấc lòng lẫn nhớ pha thương,
Tiểu khê ơi ! Sóng bên đường về đâu.
Một dòng chảy miết miên thâu,
Còn in xanh chuyện tình đầu thơ ngây.
Chàng nhìn giải nước lùa mây,
Khe xanh biêng biếc hoá dây đàn lòng.
Sóng ngoài hoà với đàn trong,
Trên yên tượng ngọc mơ mòng năm cung.
-oOo-
Tơ nào chén lệch trăng rung,
Nghiêng hiên Lãm Thúy tơ chùng sao rơi. (3180)
Tơ nào suối lượn chơi vơi,
Hương dân sợi cũ đàn lơi dòng huyền.
Tơ nào cất hạt trầm lên,
Dưới hoa sương rụng đầu thềm khói giăng.
Tơ nào rực rỡ hiên trăng,
Ba lòng neo một bến hằng đêm xưa.
Con tim rạo rực âm thừa,
Bây giờ rung với nước xưa một nhành.
Bản hoà bát ngát Vô Thanh,
Đoá phù dung mộng đã đành trắng tay. (3190)
Mơ hồ như một hoa dây,
Theo hương về cội, bao ngày xuân quang.
-oOo-
Tiếng ngân đã bặt lòng đàn,
Hồn Kim thanh thoát trong ngàn liễu tơ.
Bếp hồng cao ngọn khói mơ,
Mùi rơm chiều thoảng bao giờ chưa quên
Ngựa dài gió dục đườg lên,
Mặt trời đỏ thẫm ngọn liềm đá trau.
Dáng Kiều thấp thoáng vườn rau,
Có con mèo mướp theo sau quện hoài.
Chiều vàng bướm cũng vàng bay,
Vờn trên rau cải vàng dài bông hương.
Hoàng hôn phủ tóc Mỵ Nương,
Hào quang trời ửng thêm hường má Xuân.
XXVII.Tìm Động Hoa Vàng
XXVII.Tìm Động Hoa Vàng.
Bức thứ hai mươi bảy:
(Bốn người lẫy Kiều, canh bánh chưng đêm
nơi thôn Bạch Vân - Quê hương của Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm- Nhà Sư kể chuyện vui
chờ Xuân-Huyền thoại một bài thơ nơi chùa
Hương Tích, vì nghiệp luỵ thử thách đã nhập
vào đời Kiều- Đi suốt Đoạn trường, rồi thăng hoa
trong Việt tính dân tộc)
-*-
Đêm khuya nơi chốn Bạch Vân,
Bốn người luộc bánh chưng Xuân chuyện trò.
Lửa bừng tí tách reo hò,
“Chú miêu” nằm cạnh co ro sưởi mình.
Một chàng mảnh khảnh thi nhân,
Một người áo vải nông dân hiền từ.(3210)
Một chiến sĩ, một thiền sư,
Vây quanh bếp lửa hồng như ráng chiều.
-oOo-
Thuốc lào nhả khói đăm chiêu,
Rung đùi sư bác lẫy Kiều ngâm nga.
“Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
-oOo-
Thầy sao lắm vẻ cảm hoài ?
Chờ Xuân bạn kể một vài chuyện vui.
-oOo-
Thầy se điếu xuống cả cười,
Thì dư nước mắt khóc người đã sao ?(3220)
-oOo-
Rằng xưa có gã chiêm bao,
Ngâm thơ rỗng bụng tạt vào chùa Hương.
Ăn nhờ đôi bữa rau tương,
Một đêm – chuông rụng trăng vương gió ngàn.
Lòng chàng siêu thoát mênh mang,
Sáng lên tìm Động hoa Vàng chen mây.
-oOo-
Gối tay ngủ cỏ nằm say,
Tỉnh trông – thì lách lau dày lối ra.
Giật mình thấy một chùm hoa,
Nhành lan Bạch Ngọc trên toà tịch tâm. (3230)
Ý thơ nổi dậy khôn cầm,
Cảm lan dệt một trường ngâm xuất thần.
-oOo-
“Kiếp hoa trắng ngát hồng trần,
Nụ dài tưởng bút thi nhân đại đồng.
Dù nơi động núi sương phong,
Nhụy lan vẫn tỏa tấm lòng tinh anh.
Lá dài cong nhịp cầu xanh,
Vượt qua đoạn lệ trổ nhành hoa Tiên.
Thiên hương hé nụ cười hiền,
Biến thân qua vạn bút nghiên hoá Người”(3240)
Thần nhân ra khỏi cuộc đời,
Tim đông thành ngọc, vọng lời ngân xa.
-oOo-
Thần Thơ quyện với Hồn Hoa,
Vào nàng con gái nguyệt ngà họ Vương.
Cỏ cây quanh động chùa Hương,
Hoá thân làm nhịp gió sương đời Kiều.
Nào là Mã , Sở gian điêu,
Huyện quan Kim Trọng, đại triều Hồ Tôn.
Cũng vì diệu dụng càn khôn,
Cho bài thơ tỉnh mê hồn bay cao.(3250)
Cho thơ hoà với trăng sao,
Cho trăng sao hoá chiêm bao cõi Người.
Khí thiêng sông núi nên lời,
Cỏ cây giam kín một đời tinh anh.
-oOo-
Thần Nhân mới ứng thân thành,
Một chàng Từ Hải áo xanh bạc màu.
Giang hồ nhuốm bụi hàm râu,
Đón bài thơ nọ khỏi cầu đau thương.
Lại vào sư Bác Văn Chương,
Đem Kim Cương cắt tơ vương giấc vàng.(3260)
Cho Thơ hoà với mênh mang,
Cho mênh mang đọng hạt đàn Vô Thanh.
Đất dày nhập với trời xanh,
Đoạn trường xưa hoá trường thành lưng mây.
Áo thơ hồng quả tươi cây,
Tiếp thu lẽ sáng chan đầy Mạch linh.
Muôn loài mở cuộc hồi sinh,
Dựng lên khắp cõi bình minh Đại Hoà.
Kiều giờ là cỏ là hoa,
Đường gân mạch máu xương da cũng nàng. (3270)
Bài thơ thoát vận đoạn tràng,
Hoá thành hạt ngọc nghiêm trang Trời Người.
-oOo-
Nhà nông nghe chuyện mĩm cười,
Xắn tay vớt bánh Chưng ngời lá Vuông.
Mặt trời Tròn bánh Dầy hương,
“Tròn Vuông Trời Đất” - lên đường sáng soi.
Trẻ reo pháo nổ từng hồi,
Bạch Vân Am ngát lưng đồi trầm mai.
Buồng trong thoảng tiếng ru hoài,
“Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài tan”(3280)
Mây bay trời dựng tàng vàng,
Gió cao tung cánh Phượng hoàng núi Đông.
Rừng xa lá cuốn bềnh bồng,
Dáng như Sư tử dựng lông vươn mình.
Đất trời lại thắm Minh Minh,
Dân gian mở hội thái bình bốn phương.
-oOo-
Thánh nhân quẫy gói lên đường,
Bước chân Tự Chỉnh (*) áo vương màu trời.
Dáng xa như úp chuông ngời,
Tiếng ngân đất trổ tuyệt vời trăm hoa.(3290)
-oOo-
Non Hồng núi Tản chim ca,
Sông Hà, sông Cửu la đà dòng xuôi.
Núi sông chiếu diện tinh khôi,
Ngọc lên mặt biển, vàng trôi mạch rừng.
Mừng người Trời Đất tưng bừng,
Ruộng Lam trâu kéo một vừng long lanh.
HẾT
Chú thích : (*) Tự Chỉnh : Là tư tưởng trong câu Đại Đồng, Toàn Triển, Điền Hoà, Hợp Hoá, Điều Thân, Tịnh Ý, Hoàn Nguyên trong lý luận PHATHATA (hay Pháp Thân Tâm)
ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH(Thay lời kết)
THAY LỜI KẾT
(Nguyễn Du kết Kiều bằng hai câu thơ giản dị,
khiêm tốn cho một tác phẩm “bất hủ” của mình.
Còn Đoạn Trường Vô Thanh ? Xin mạn phép tác giả
Phạm Thiên Thư tiếp theo mấy dòng “Kết” riêng cho
"tác phẩm ĐTVT Online" này vậy)
Là Quán Tự Tại nhi sanh,
"Tân Thanh" xưa bỗng hiển minh lạ dường.
Hư không thị hiện vô thường,
Vô Thanh là tiếng Đoạn Trường...tự tâm.
Trăm năm
...trăm năm
......trăm năm,
Biết còn ai nhỏ lệ thầm khóc ta ?
Mấy lời tiếp giọng ngâm nga,
Lưu truyền hậu thế gọi là...giải khuây.
“Tẻ vui cũng tại lòng này !”
(Nguyễn Du kết Kiều bằng hai câu thơ giản dị,
khiêm tốn cho một tác phẩm “bất hủ” của mình.
Còn Đoạn Trường Vô Thanh ? Xin mạn phép tác giả
Phạm Thiên Thư tiếp theo mấy dòng “Kết” riêng cho
"tác phẩm ĐTVT Online" này vậy)
Là Quán Tự Tại nhi sanh,
"Tân Thanh" xưa bỗng hiển minh lạ dường.
Hư không thị hiện vô thường,
Vô Thanh là tiếng Đoạn Trường...tự tâm.
Trăm năm
...trăm năm
......trăm năm,
Biết còn ai nhỏ lệ thầm khóc ta ?
Mấy lời tiếp giọng ngâm nga,
Lưu truyền hậu thế gọi là...giải khuây.
“Tẻ vui cũng tại lòng này !”
Nguyễn Du đã viết Truyện Kiều thành một “Đoạn Trường Tân Thanh”, một tiếng kêu xé lòng từ câu chuyện đời buồn "đứt ruột" của nàng Vương Thuý Kiều qua “lời kể” của Thanh Tâm Tài Nhân. Cái “Đoạn Trường” của Nguyễn Du là một tiếng thét “hữu thanh” giữa chốn hồng trần...tiếng kêu than xé lòng từ những tột cùng khổ đau của cõi đời ô trọc như muốn "vạch trời mà kêu"...của những "Kiều nhi", những con người "bị áp bức nào đấy" trong tận đáy của xã hội.
Còn Phạm Thiên Thư viết “Đoạn Trường Vô Thanh” từ cái...vô thanh, từ cái “hư không đặt để nên lời” như một “cảm tác thông linh” của hai con người cách nhau hằng thế kỷ, không phải là "chuyện viễn tưởng", không phải là "chuyện hư cấu" mà là một chuyện...tưởng tượng từ một chuyện tưởng tượng! Nếu nói “Đoạn Trường Tân Thanh” là một “phóng tác từ Kim Vân Kiều Truyện” của TTTN thì với Phạm Thiên Thư, “Đoạn Trường Vô Thanh” là một “sáng tác mới” hoàn toàn, không có cái gì để ..."phóng" cả ! Có chăng là ...những cái tên và một nỗi lòng. Chính vậy mà từ không gian, thời gian, nhân vật...ĐTVT dường như có một “hướng phiêu diêu mới” mà những ai đã “gối đầu, nằm lòng ĐTTT” có thể nhận ra ngay sau lần đọc đầu tiên với ĐTVT.
Thật vậy, từ nhân vật chính Thúy Kiều...cho đến những nhân vật khác Từ Hải, Kim Trọng...ta đều nhận ra có một cái gì đó rất khác. Nói là "Hậu Truyện Kiều" nhưng hình như trong ĐTVT chỉ có...những cái tên "chắp nhặt" lại từ Truyện Kiều "nguyên thỉ". Và cái"sáng tạo độc đáo" trong đứa con tinh thần của PTT có lẻ chính là cái không gian và thời gian của "Truyện Kiều - PTT". Nó không phải là "Gia Tỉnh Triều Minh" xa xôi nào đó trong "Truyện Kiều - ND" mà chính là ...Việt Nam ! Ngay cả "Từ Hải cũng là người Việt Nam chính gốc!". Nếu như trong tác phẩm của Nguyễn Du Thúy Kiều là một “con người” với đầy đủ những tố chất cơ bản nhất. Cho dù là "gái lầu xanh" nhưng ngay cả khi tái hợp Kim Trọng thì vẫn là một bản ngã, một nhân cách, một cái tôi nào đó... Thì với ĐTVT, Thuý Kiều như là một...người của cõi trên. Kiều chưa “lên tiên” nhưng từ trong cái thanh thoát của những nghĩ suy, Kiều đã là như “một tiên nhân mang xác phàm” với đầy đủ cốt cách của một con người “không còn là của trần tục thế gian”. Nếu như Từ Hải của Nguyễn Du là một “anh hùng da ngựa bọc thây” với cái phong cách võ biền của một "dũng sĩ sất phu" thì vong linh Từ Hải lãng đãng trong Đoạn Trường Vô Thanh lại khiến ta liên tưởng đến thiên Anh hùng ca “Bhagavad Gita” của đất nước Ấn Độ với những con người “xem cái chết như một cõi sống” của một “Anh hùng ” thánh thiện... Nếu như Kim Trọng của Nguyễn Du cố sống cố chết cho một tình yêu mà đối tượng cứ khăng khăng rằng “yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau” và cũng kiên quyết “đem tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ”..Sống nương nhau như một cái bóng, vấn vương, nuôi nấng một kỷ niệm ấu thời, thì Kim Trọng của Phạm Thiên Thư là một triết nhân xem mọi lẽ đời là vô thường, vô tướng, vô ngã...Nếu như Nguyễn Du cho Kiều “dứt tình” với Từ Hải bằng một cuộc chia tay tang tóc mà chính Kiều phải nức nở thốt lên “giết chồng rồi lại lấy chồng. Mặt nào mà lại đứng trong cõi đời”. Nếu như trong ĐTTT, Nguyễn Đu đã "ép buộc Kiều" thốt ra câu "Chữ Trinh còn một chút này..." hòng muốn tỏ cho Kim Trọng "chút hương tàn" của tình yêu ban đầu... thì trong ĐTVT, Phạm Thiên Thư đã cho phép Kiều “sống cùng Kim nhưng trong lòng vẫn là Từ” và hình như PTT đã khẳng định “Kim Trọng mãi mãi không phải là... chồng của Kiều” mà đích thị Kiều là một “Từ Nương”... Thậm chí đến ngài "Khâm sai đặc chỉ" đầy gian hùng, "đạo đức giả" trong ĐTTT cũng "hoá thân" thành một "hiền nhân quân tử" sặc mùi đạo hạnh khi "đi tiếp" cuộc hành trình sang với Phạm Thiên Thư ...
Nhưng Đoạn Trường Vô Thanh vẫn là... “Vô Thanh” từ trong cái hư không mà ra và chẳng để làm gì cả... Không có tiếng kêu nào ở đây...cũng không có yêu ghét, hận thù. Cái cảm giác bàng bạc trong ĐTVT là “siêu thoát”, là cái cảm giác lâng lâng trong một cảnh giới vô thường. Nếu như ai đó từng có cái "ấn tượng" với ĐTTT là "bản cáo trạng dành cho chế độ phong kiến thối nát", là "tiếng nói bất khuất của những người bị áp bức đưới tận đáy xã hội"...và gì gì nữa thì Đoạn Trường Vô Thanh là một cái hậu bất ngờ ! Không thù oán, không tố cáo...không có gì cả... Là Vô Thanh, Vô Thường, Vô Cầu, Vô Ngã...
Ta viết bài này sau khi nhập những dòng thơ cuối cùng của “Vô Thanh” để đưa lên mạng, cũng là những dòng cảm khái đầu tiên của một “Kiều nhân”, sau khi đọc qua hết 3296 câu thơ. Nhưng không như với “Truyện Kiều”, ta hình như KHÔNG thấy cái cảm giác “thèm” ĐTVT đến mức “học thuộc từng câu, từng chữ”. KHÔNG có gì và cũng KHÔNG để làm gì cả...
“Là hư không đặt để thành...”
"Đoạn trường" là bóng - "Vô Thanh" là hình.
Rộn ràng "danh-sắc, sắc-danh"
Cho "lệ uất nghẹn" rơi thành Kim Cương.
Cho "Vô Thanh" hoá Vô thường !...
Kỉnh bút.
Trần Ngọc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét